Tục lệ bó chân của Trung Quốc và những định kiến xã hội

Đăng bởi Xu Thảo vào

Khi tôi còn là một học sinh cấp hai, tôi đã từng đọc một cuốn truyện kể về một cô gái Trung Quốc ngày xưa. Đó cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận được những bất công của phụ nữ trong xã hội phong kiến, cũng là lần đầu tiên tôi nghe đến tục lệ bó chân hình gót sen. Tôi bắt đầu thích tìm hiểu văn hoá Trung Quốc từ ngày đó. Ngày mà tôi đã lớn lên với hình ảnh phụ nữ phải làm tất cả mọi việc trong nhà và phải chịu nhiều định kiến của xã hội.

Cuộc sống hiện đại đã xoá bỏ và làm thay đỗi nhiều hủ tục đồng thời đòi lại quyền công bằng cho nữ giới. Tuy vậy, những định kiến áp đặt lên người phụ nữ vẫn còn tồn tại không những trong giới đàn ông mà còn do chính phụ nữ tạo ra. Đã chín năm trôi qua kể từ khi tôi đọc cuốn sách đó. Tục lệ bó chân không còn nữa, nhưng chân của những người phụ nữ Trung Quốc vẫn bị bó buộc bởi những dải lụa vô hình.

Tục lệ bó chân gót sen là gì?

Theo như cuốn truyện mà tôi đã đọc ngày ấy, những cô gái được bó chân là những người sinh ra trong nhung lụa, là những tiểu thư của các hào phú trong làng. Xã hội Trung Quốc ngày xưa bàn chân nhỏ là biểu tượng của địa vị xã hội, cái đẹp, của sự quyến rũ và phục tùng. Còn những cô gái có bàn chân to chính là con của người bán đậu phụ. Dù  có xinh đẹp tài giỏi như thế nào nhưng không có bàn chân nhỏ, những cô gái ấy chỉ có thể đi làm người hầu hoặc đi bán đậu phụ mà thôi.

Những người trong giới thượng lưu sẽ tiến hành bó chân cho con gái mình khi các cô bé chỉ mới bốn tuổi và thường được bắt đầu vào các tháng mùa đông. Mọi người tin rằng khi con nhỏ việc bó chân sẽ diễn ra dễ dàng hơn vì xương chưa phát triển hết, cũng như cái lạnh của mùa đông sẽ làm tê cóng bàn chân và giúp các em sẽ ít cảm thấy đau hơn. Tuy vậy, sự đau đớn trong quá trình bó chân được miêu tả đến mức các bé gái phải “khóc hàng xô nước mắt”. Nếu cứ mỗi lần đau đớn là một xô nước mắt, tôi tin chắc rằng nước mắt của cả đời của một cô gái bị bó chân sẽ nhiều bằng biển lớn.

Đầu tiên, những bàn chân sẽ được ngâm vào một cái chậu có hỗn hợp của nước ấm thảo mộc và máu động vật. Điều này sẽ khiến cho bàn chân mềm hơn, dễ dàng hơn cho việc bó. Tiếp đến, tất cả móng chân sẽ được cắt càng ngắn càng tốt để ngăn chặn móng sẽ mọc dài trong quá trình bó đâm vào thịt gây nhiễm trùng. Sau đó những ngón chân sẽ bị bẻ gãy hướng về phía gót chân và được bó lại bằng vải cotton. Hành trình “khóc hàng xô nước mắt” bắt đầu từ đây. Cứ mỗi lần tháo băng ra bó lại, là bàn chân lại bị siết chặt hơn và các em sẽ không thể đi đứng được nữa. Nghề bó chân là một nghề khá thịnh hành trong thời điểm đó bởi vì người ta tin rằng những thành viên trong gia đình sẽ vì thương con, thương cháu sẽ không nỡ nhìn con cái của mình chịu đau mà sẽ nhẹ tay khiến chân bó không được chặt và nhỏ. Phụ nữ bó chân sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khoẻ như nhiễm trùng, thịt thối rữa vì hoại tử thậm chí có trường hợp tử vong.

Ngoài biểu tượng của cái đẹp, tục lệ bó chân cũng nêu lên sự bất công đối với nữ giới. Trung Quốc là một quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng Nho giáo, chính vì vậy phụ nữ không có địa vị trong xã hội. Với đôi chân nhỏ và yếu ớt như em bé, việc đi đứng thôi cũng khó khăn chứ đừng nói đến việc đi ra ngoài hay bỏ trốn. Chính vì thế suốt một thời gian dài trong lịch sử, các cô gái Trung Quốc không được phép ra khỏi nhà đi chơi như những chàng trai mà sẽ bị cấm ở trong nhà như một cách thể hiện đức hạnh của mình. Mãi cho đến lúc lấy chồng, tất cả thế giới mà cô ấy có thể nhìn thấy chỉ là khu vườn trong sân nhà. Tất cả những người đàn ông cô ấy gặp chỉ là bố, em trai hoặc người hầu trong nhà. Đôi bàn chân nhỏ khiến các cô gái đều cần người dìu đỡ khi đi. Nếu để ý kĩ những bộ phim Trung Quốc thời xưa, chúng ta sẽ thấy các hoàng hậu hay phi tần khi đứng dậy đều cần nha đầu đỡ dậy. Sau khi lấy chồng, phụ nữ không thể đi ngoại tình vì đi đâu hầu như cũng cần người hỗ trợ.

Bất kì một người phụ nữ nào không bó chân, đều rất khó lấy chồng. Đôi bàn chân bị bó đã từng là một “tấm thẻ thông hành” để việc hôn nhân của các cô gái diễn ra dễ dàng. Khi con gái đi lấy chồng rồi, người mẹ thường chúc con gái không quay về nhà nữa. Bởi vì chỉ có một lí do duy nhất khiến các cô gái sau khi lấy chồng trở về nhà : bị chồng bỏ. Bị chồng bỏ là một sự ô nhục với cả dòng họ nhà cô gái. Trước khi lấy chồng cô gái ấy từng được bao bọc, chiều chuộng như thế nào. Khi trở về nhà vì chồng bỏ đều nhận lấy ánh mắt ghẻ lạnh khinh thường từ chính người thân trong gia đình mình. Rằng gia tộc nhà họ có một đứa con gái bị chồng bỏ, đúng là “gia môn bất hạnh”.

Những “đồ bỏ đi”

Ngày nay, những phụ nữ xinh đẹp có học thức ngoài 27 tuổi tại Trung Quốc sẽ bị coi là “đồ đàn bà bỏ đi”. Họ sẽ bị chính bố mẹ, họ hàng, bạn bè tạo áp lực bắt lấy chồng trước khi quá muộn. Nhiều người vì quá áp lực với việc đó mà chấp nhận đi coi mắt hoặc lấy đại một người đàn ông qua mai mối. Cũng có những người quyết định rời xa gia đình đi đến một nơi khác làm việc để có một cuộc sống tự do. Không phải ai cũng có may mắn tìm được một người mình yêu thương hết mực và cũng yêu thương mình vô điều kiện để lấy làm chồng.  Có những người hạnh phúc với việc sống một mình và đó là quyền của họ. Cha mẹ Trung Quốc dường như không cảm thông với điều đó. Họ hàng ngày cứ đến các khu coi mắt nơi các bậc phụ huynh dán những tờ giấy có ảnh cũng như thông tin chi tiết của con mình lên như những món hàng để tìm người coi mắt cho con mình.

Cùng phải chịu ảnh hưởng lớn bởi tư tưởng Nho giáo, xã hội Việt Nam cũng có điểm tương đồng với xã hội Trung Quốc , khi mà mỗi năm Tết đến các cô gái đều bị mọi người tạo áp lực để lấy chồng. Tuần trước tôi mới về thăm bạn của mình, chị của bạn tôi năm nay đã hai mươi bảy tuổi nhưng vẫn chưa một mảnh tình vắt vai. Hàng xóm láng giềng đều hỏi han và gây áp lực lên bố mẹ. Thậm chí bà của bạn tôi đã thốt lên rằng “Thà mày lấy chồng xong bỏ chồng còn hơn là không lấy chồng.”

Mẹ tôi cũng đã từng nói “Thà lấy chồng mà khổ còn hơn là ở vậy để cả làng ra chửi nhà này nuôi báo cô.”

Hoặc “Nếu con bị chồng đánh thì cứ ngoan ngoãn phục tùng hầu hạ nó để nó nguôi chứ đừng nóng theo làm tan vỡ cả một gia đình.”

Không ít các trường hợp vì áp lực từ mọi người xung quanh mà lấy chồng vội khi chưa tìm hiểu kĩ khiến nhiều người lấy về mới phát hiện chồng vũ phu, nghiện ngập và nợ nần chồng chất. Sau đó lại vì định kiến của xã hội mà không dám bỏ chồng, vì sợ mang tiếng “một đời chồng”.

Tôi đã từng nghe quá nhiều câu chuyện của mọi người khi than thở chồng mình ngoại tình, chồng mình thế này chông mình thế kia. Nhưng đến khi bảo khổ thế thì bỏ đi, ít người đủ mạnh mẽ mà buông bỏ. Thậm chí có những người bị chồng hành hạ đánh cho thâm tím mặt mày, dao kề vào cổ đòi giết, vẫn nhất định sống cùng vì những lí do như : sợ xấu hổ với làng xóm, sợ con cái không đủ cha đủ mẹ, sợ sau này con lấy vợ, lấy chống người ta sẽ nhìn vào đó mà đánh giá cha nào con nấy.

Hàng xóm mà không cảm thông cho nỗi đau của mình mà chỉ nghĩ đền việc cười chê, bàn tán thì đó có phải là hàng xóm tốt cần giữ gìn mối quan hệ hay không?

Con cái có hạnh phúc khi nhìn thấy bố mẹ ngày nào cũng cãi nhau hay không?

Người mà đánh giá việc cha mẹ mình như thế nào để suy ra bản tính của mình có phải là người mà mình nên lấy hay không?

Chúng ta nên sống nhân ái hơn, nên nhìn đời với con mắt vị tha. Những người phụ nữ đừng nên tự gây áp lực cho nhau. Nếu ai đó lấy chồng và sống hạnh phúc, hãy chúc mừng cô ấy chứ đừng ghen tị và tìm cách quyến rũ chồng họ. Nếu có ai không muốn lấy chồng, hay tôn trọng sự lựa chọn của cô ấy. Còn nếu có ai lấy chồng mà không hạnh phúc rồi li dị, đừng phán xét hay coi thường cô ấy mà hãy chia sẻ với những gì cô ấy đã trải qua.

Không phải riêng xã hội đặt ra định kiến cho phụ nữ, mà chính phụ nữ đã tự trói buộc mình vào những khuôn khổ khi vừa phải đẹp, vừa phải kiếm tiến, vừa phải nuôi dạy con thật tốt, vừa phải cơm nước giặt giũ cho chồng, vừa phải giỏi lo việc hai bên gia đình. Họ không tự đòi lại công bằng cho mình, họ không mạnh mẽ, họ sợ… Và rồi một ngày họ cũng tặc lưỡi “Đàn bà hơn nhau bởi tấm chồng”. Có lẽ mình không hạnh phúc vì mình lấy nhầm chồng.

Không phải là lấy nhầm chồng, và là vì họ sẽ không bao giờ hạnh phúc khi chưa thoát ra khỏi những sợi vải lụa vô hình trói buộc mong muốn của họ.

Thời thế bây giờ đã cho phụ nữ cái quyền vừa không bị bó chân vừa được sống tự do. Cuộc đời chỉ sống có một lần, vậy tại sao lại không chọn con đường mà mình sẽ sống hạnh phúc, mà lại chọn bị bó chân và chịu nhiều bất công?

Thảo Xu


0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *