Công dân toàn cầu

Trên thế giới chưa có một định nghĩa chính thức cho cụm từ “công dân toàn cầu”. Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân đều có định nghĩa riêng về cụm từ này. Có khá nhiều nhân vật cả trong lịch sử lẫn hiện đại ủng hộ quan niệm “công dân toàn cầu”. Diogenes thành Sinope từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên đã từng tuyên bố: “Tôi là công dân của thế giới.” Albert Einstein cũng đã coi mình là công dân của thế giới và đã tuyên bố trước Hội Triết học Pháp tại trường Đại học Sorbonne vào năm 1922: “Nếu như những lý thuyết của tôi đề ra là đúng thì người Đức sẽ nói tôi chính gốc là người Đức. Người Pháp sẽ nói tôi là công dân quốc tế. Nếu sau này có những chứng minh cho rằng lý thuyết của tôi đề ra còn có những thiếu sót, thì người Pháp sẽ nói tôi đã từng là người Đức và người Đức sẽ nói tôi là một tên Do Thái.”

Theo cuốn sách Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới – Những bước để trở thành công dân toàn cầu, bạn là “công dân toàn cầu” khi có một vài hoặc tất cả các phẩm chất sau:
✓ Bạn đã từng sinh sống tại các quốc gia khác nhau trên thế giới;
✓ Bạn biết và sử dụng được từ hai ngoại ngữ trở lên;
✓ Bạn coi trọng những ý kiến và cách suy nghĩ đa chiều (nhưng không nhất thiết là bạn phải đồng ý với chúng);
✓ Bạn không có những định kiến đối với những người bạn không quen biết;
✓ Bạn quan tâm đến các vấn đề và tin tức toàn cầu;
✓ Bạn không ngại thay đổi và trải nghiệm những điều mới mẻ;
✓ Bạn thích nghi dễ dàng trong một môi trường mới;
✓ Bạn không ngại đối phó với bất cứ trở ngại nào trên con đường dẫn đến mục tiêu và không chịu bỏ cuộc;
✓ Bạn biết tự tìm kiếm các thông tin cần thiết và biết sử dụng các thông tin đó một cách hiệu quả;
✓ Bạn không gặp vấn đề khi tiếp xúc với những con người khác nhau vì bạn biết cách cư xử trong môi trường đa văn hóa.

Không có hai “công dân toàn cầu” nào có những trải nghiệm và lý lịch giống nhau. Đối với chúng tôi, công dân toàn cầu là những người có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đa dạng để có thể tồn tại ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Những suy nghĩ và quyết định của họ sẽ không bị cản trở bởi bất cứ rào cản hay biên giới nào. Vì rào cản là thứ mà tâm trí của chúng ta tạo ra, còn biên giới cũng là nhân tạo. Sự kết nối mang tính toàn cầu từ thời điểm Internet xuất hiện và dần trở nên phổ biến với tốc độ chưa từng có đã dần san phẳng thế giới khiến thế giới bé lại chỉ tựa như một chiếc màn hình điện thoại. Mọi rào cản, mọi khoảng cách không gian, mọi biên giới quốc gia đang được san phẳng, thu hẹp dần trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới internet. Công dân toàn cầu sẽ không nghĩ: “Tôi là người Việt Nam nên tôi không thể…” Thay vào đó, họ sẽ tin rằng: “Tôi là người kiên trì, cố gắng, chủ động và không dừng bước trước những khó khăn, nên tôi có thể đạt được những mục tiêu của mình.”

Chúng tôi chia con đường để trở thành công dân toàn cầu ra làm 3 giai đoạn: Khởi động, Tăng tốc và Về đích và 12 bước quan trọng để trở thành công dân toàn cầu:

  1. Tìm kiếm niềm đam mê
  2. Định hướng đường đi
  3. Cải thiện bản thân
  4. Thay đổi thái độ
  5. Thoát ra khỏi vùng an toàn
  6. Nắm bắt cơ hội
  7. Chuẩn bị cho chuyến đi
  8. Vượt qua những thử thách
  9. Tỏa sáng trong những mối quan hệ quốc tế
  10. Thành công tại xứ người
  11. Đóng góp cho thế giới
  12. Sống như một công dân toàn cầu

Bên cạnh đó, chúng tôi đã liệt kê ra 77 tiêu chí để trở thành công dân toàn cầu, bao gồm những tiêu chí nhằm giúp các bạn trẻ định hướng đường đi, cải thiện bản thân, theo kịp với các xu hướng toàn cầu và trở thành những người am hiểu nhiều lĩnh vực, thông thạo ngoại ngữ, thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Những tiêu chí này đã trở thành kim chỉ nam cho những thành viên của cộng đồng HCX muốn hòa mình vào thế giới.