Sự tự do và những nỗi bất hạnh của tuổi trẻ

Đăng bởi Xu Thảo vào

Trên đường về nhà nhân một ngày tuyết phủ trắng xóa mọi nơi, tôi chợt nghĩ đến cuộc hành trình chạy trốn khỏi kiếp nô lệ để tìm lại tự do của Solomon Northup trong cuốn sách “12 năm nô lệ”. Đó là một câu truyện có thật của chính tác giả và nó ám ảnh tôi vô cùng những ngày gần đây. Chưa bao giờ hơn lúc này tôi sâu sắc nhận ra giá trị lớn lao của sự tự do. Ngày trước khi được hỏi, giữa một nghề mình không thích nhưng có thể kiếm được rất nhiều tiền, và giữa một nghề mình có đam mê nhưng không mang lại nhiều thu nhập thì sẽ chọn nghề nào, tôi thường suy nghĩ rất lâu và cuối cùng cũng cho rằng đam mê mà không có tiền thì sao mà sống. Tiền bạc vật chất vẫn quan trong hơn bao giờ hết. Nhưng sau khi đã trải qua biết bao nhiêu chuyện liên tiếp kể từ ngày tốt nghiệp đến giờ, tôi cuối cùng cũng nhận ra rằng, tự ép mình làm một điều mà bản thân không hạnh phúc và phải miễn cưỡng là cảm giác tồi tệ nhất trên đời. Nó có thể âm thầm giết chết những suy nghĩ tích cực, lấy mất đi sự tự do và biến tôi trở thành một con người yếu đuối hơn bao giờ hết. Tôi sẽ đánh đổi bất kì thứ gì để mang lại tự do cho bản thân mình. Bởi vì tôi biết hạnh phúc chỉ tồn tại khi tâm hồn tôi được tự do. Nếu không, tôi coi như đã chết đi một nửa.

Chịu khổ, chịu khó khăn để đạt được thứ mình mong muốn và đem lại hạnh phúc là một điều tôi chắc chắn làm được. Mặc dù tôi là người hay than vãn nhưng tôi khá kiên trì nếu đã quyết tâm. Nhưng bắt tôi phải chịu đựng làm một công việc mà khiến tâm hồn tôi phải khổ sở ngày qua ngày, tôi không thể làm được.

Khi nhắc đến tự do, chúng ta thường biết đến khái niệm tự do là quyền cơ bản của mỗi con người, là quyền được hành động, được nói, được ao ước những điều theo đúng nguyện vọng của bản thân mà không bị ai ép buộc. Nhưng tự do còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế, và thể hiện ở nhiều hình thái khác nhau. Nó không chỉ là trạng thái được làm mọi điều mình mong muốn (theo đúng luật pháp),mà còn là sự tự do trong suy nghĩ, tư tưởng và tâm hồn.

Lấy ví dụ khi sống chung với bố mẹ, hoặc sống cùng với bạn bè trong một căn nhà. Bố mẹ bạn rất dễ tính, open-minded và không cấm cản bạn bất kì điều gì hết. Người bạn sống cùng bạn cũng không quan tâm đến việc bạn làm gì, anh ta rất thoải mái trong mọi vấn đề. Và bạn dẫn bạn gái về phòng nói chuyện, tâm sự, làm tình, và cãi nhau. Vấn đề là mặc dù không ai give a fuck về mọi thứ của bạn, làm bộ như họ không tồn tại và bạn không bị ép buộc, cấm cản hay bị phàn nàn gì hết, bạn vẫn cảm thấy MẤT TỰ DO. Tại sao vậy? Là vì chúng ta sống trong một thế giới tự do, nhưng bên trong chúng ta không tự do.

Tự do mang nhiều ý nghĩa khác nhau với những cá nhân khác nhau và tồn tại ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đôi khi nó không hẳn là bị áp bức, nhưng bạn vẫn mất tự do.

Nhiều năm về trước, những người da đen ở Nam Mỹ sẽ bị bỏ tù nếu dám có quan hệ với người da trắng ở Châu Âu. Những đứa con đa tộc không được phép sinh ra đời.

Nhiều năm về trước, những người da đen ở một vài bang tại Mỹ sẽ bị mua bán như nô lệ và chỉ được phép đi ra ngoài với giấy thông hành mà người chủ viết để mang theo. Người ta có quyền đánh/giết/bán nếu như một nô lệ lang thang ngoài đường mà không có giấy thông hành.

Tác phẩm”Vợ chồng A Phủ” trong sách giáo khoa ngữ văn lớp mười hai cũng thể hiện sâu sắc sự chết dần chết mòn của nhân vật Mị khi sống một cuộc đời không tự do. Và dù cho mùa xuân có tràn về trong không gian trăm hoa đua nở và trong những tiếng cười vang rộn rã, niềm hân hoan của tuổi trẻ cũng bị dập tắt. Và dù cho có mang danh con dâu của nhà quan lớn, cuộc sống bị đày đọa khổ sai của Mị cũng không khác gì nô lệ, và còn khốn khổ hơn cả con trâu con ngựa. Và đôi khi, sự KHỐN KHỔ CỦA NGƯỜI NÀY ĐÔI KHI LẠI ĐƯỢC NHÌN NHẬN NHƯ LÀ HẠNH PHÚC DƯỚI CON MẮT CỦA NGƯỜI KHÁC.

Có biết bao nhiêu người ngoài kia ngày ngày vẫn đang sống thờ ờ và vô cảm chỉ vì họ không tìm được sự tự do của riêng mình ? Biết bao nhiêu người đang sống mà như đã chết? Không có tự do kéo dài dần dần sẽ hình thành thói quen nhẫn nhịn và cam chịu, giống như “Sống trong cái khổ lâu Mị quen khổ rồi.” . Mất tự do quá lâu sẽ khiến nhiều người sẽ mặc nhiên CHẤP NHẬN cái tôi và niềm kiêu hãnh của mình bị đánh mất. Và tầm thường hóa chính bản thân mình. Tầm thường hóa chính sự tự do của mình.

Nhưng, Mị đã giải cứu A Phủ và cùng nhau bỏ trốn dù cái chết cận kề

Nhưng, Solomon Northup đã kiên trì đấu tranh để tìm đường trở về tự do dù tính mạng nhiều lần bị đe dọa.

Biết bao người da đen đã vùng dậy giết chết chủ của mình để được tự do một vài giây phút dù biết rõ hậu quả mình sẽ sớm bị treo cổ.

Còn tôi? Tuổi trẻ của tôi có gì?

Tôi có TỰ DO.

Có phải tôi bi quan hay không? Mặc dù tôi là một người hay do dự và không quyết đoán nhưng một khi đã cảm thấy khổ sở thì không muốn phải chịu đựng thêm một phút giây nào nữa, ngược lại tôi sẽ vô cùng kiên trì với quyết định của mình. Nếu lạc quan là cố gắng bày vẽ ra những cảnh sắc màu hồng và che đậy lại những điều khuất tất để không ai nhìn thấy. Thì tôi cảm thấy xấu hổ với chính bản thân mình.

Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy được giá trị của sự tự do. Và chưa bao giờ hơn thế tôi muốn vứt bỏ tất cả để chạy theo nó. Nếu màu đen là màu đen thì đừng cố cãi nó là màu hồng. Dù có sơn một nghìn lớp màu hồng lên trên thì vẫn không thay đổi được sự thật nó là màu đen. Tôi không muốn phải mỉm cười mặc dù trong lòng thấy đắng nghét. Thời gian và mọi chuyện đã khiến tôi bớt yếu đuối và sợ hãi hơn nhiều rồi. Bởi vì nếu tâm hồn tôi không tự do, thì mưu cầu hạnh phúc bằng cách nào?


0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *