GÓT SEN: KỲ 2: NHỮNG TÀI NỮ KHÔNG CÓ “GÓT SEN” VÀ SỰ LỤI TÀN CỦA HỦ TỤC BÓ CHÂN

Đăng bởi Trần Hà Phương vào

  1. Những người phụ nữ với “đôi bàn chân to

Những người phụ nữ không bó chân rất bị coi thường trong xã hội Trung Quốc phong kiến. Con gái quý tộc thì phải lấy chồng thuộc tầng lớp kém hơn. Còn con gái nông thôn thì không thể lấy được chồng, hoặc thậm chí bị bán làm nô lệ. Với một xã hội trọng nam khinh nữ đương thời, đây chẳng khác nào án tử với họ.

Song, câu chuyện nào cũng có ngoại lệ. Lịch sử Trung Hoa ghi lại một số người phụ nữ không hề bó chân những vẫn rất được trọng vọng trong xã hội, nổi bật nhất là 3 người phụ nữ tài ba với “đôi bàn chân to”: nữ chính trị gia Thượng Quan Uyển Nhi, nữ tướng Lương Hồng Ngọc và nhà thơ Lý Thanh Chiếu.

Shangguan zhao rong.jpg
Thượng Quan Uyển Nhi (Ảnh: Wikipedia)

Thượng Quan Uyển Nhi phụ tá Võ Tắc Thiên khi mới 13 tuổi, giữ nhiệm vụ chuyên thảo chế và cáo các sắc thư quan trọng của Võ hậu, nên người đời còn gọi bà là Cân Quắc Tể tướng (nghĩa là “Nữ Tể tướng”, do cụm “Cân Quắc” ám chỉ đến nữ giới). Về sau, theo nhiều biến động chính trị, bà trở thành phi tần của Đường Trung Tông Lý Hiển, tiếp tục tạo nhiều ảnh hưởng quan trọng tới việc triều chính. Bà nổi tiếng với tài năng về thơ phú, thư pháp, cũng như vai trò chính trị dưới thời đại nhà Đường, góp mặt trong các sự kiện binh biến nổi tiếng trong suốt ba triều vua.

Lương Hồng Ngọc là nữ tướng dưới thời Nam Tống, phu nhân của đại danh tướng Hàn Thế Trung. Năm 15 tuổi, bởi biến cố gia đình nên bà buộc phải bán mình vào lầu xanh, song chỉ đàn ca chứ chưa từng bồi ngủ cùng ai. Sau, bởi tài nghệ của mình nên bà được Hàn Thế Trung chuộc khỏi chốn phong trần. Lương Hồng Ngọc nổi tiếng từng nhiều lần bày mưu góp kế cho chồng, giúp ông lập được đại công, thậm chí còn cưỡi ngựa tự mình ra trận. Đến tận bây giờ, thân thế của gia đình bà vẫn còn là điều bí ẩn.

Tập tin:李清照畫像.jpg
Lý Thanh Chiếu (Ảnh: Wikipedia)

Lý Thanh Chiếu, hay còn gọi là Di An cư sĩ, là một tài nữ sống dưới thời nhà Tống, có dòng dõi quý tộc. Bà nổi tiếng với tài sáng tác từ, cùng Tân Khí Tật xưng gọi Tế Nam Nhị An. Với lối dùng hoa mỹ, bà đứng đầu trường phái “Uyển ước từ”, biểu thị sự hoa lệ và giàu sự gợi hình trong khi sáng tác. Người đời xưng tụng bà là “Thiên cổ đệ nhất tài nữ. Nhà văn Lâm Ngữ Đường thì ca ngợi Lý Thanh Chiểu là “Nữ thi nhân bậc nhất Trung Hoa”.

2. Xóa bỏ “gót sen”

Theo các tài liệu ghi lại, những người đầu tiên phản đối “phong tục” “gót sen” là những người cai trị thuộc tộc Mãn Châu của triều đại nhà Thanh (1644-1911). Tuy nhiên, việc xóa bỏ “gót sen” trong giai đoạn này không mấy thành công. 

Đến những năm cuối thế kỉ 19, khi Trung Quốc bắt đầu bị các nước phương Tây xâm lược và chia cắt, các nhà nhà truyền giáo nước ngoài lại lần nữa lên tiếng phản đối hủ tục bó chân. Những vẫn phải chờ tới tận năm 1920, nhận thức của nhân dân mới bắt đầu có sự thay đổi. Các trí thức tân tiến tách hủ tục này ra khỏi giá trị thẩm mỹ và đạo đức. Năm 1928, Quốc Dân đảng đề ra kế hoạch xóa bỏ “gót sen”, đưa ra lệnh cấm bó chân và yêu cầu tất cả thiếu nữ dưới 15 tuổi phải để bàn chân phát triển tự nhiên. 

Một giả thuyết khác về sự biến mất của “gót sen” cũng như những thay đổi trong thái độ của nhân dân đối với tập tục này lại đào sâu về sự bất công, trọng nam khinh nữ của xã hội Trung Quốc đương thời. Theo đó, mục đích ban đầu khiến “gót sen” phổ biến trong dân gian chủ yếu bởi mong muốn trói buộc người phụ nữ ngồi một vị trí, chỉ làm những công việc thủ công tẻ nhạt để kiếm tiền cho gia đình, đặc biệt là việc dệt vải. Khi Trung Quốc bị các nước phương Tây xâm lược, các nhà máy dệt xuất hiện khắp nơi với năng suất cao hơn, cướp mất “phần việc” bị mặc định là dành cho phụ nữ ấy. Phụ nữ trong các gia đình nông dân buộc phải làm các công việc nặng nhọc khác để mưu sinh, và lúc này, “gót sen” trở thành gánh nặng ngăn cản họ.

Michael Yamashita on Instagram: “The cruel and painful practice of foot binding in China was banned over a century ago. Breaking and then binding the feet of young girls…”
Những cụ bà với đôi bàn chân “gót sen” cuối cùng của Trung Quốc

Đã hàng thập kỷ trôi qua kể từ lúc hủ tục bó chân biến mất khỏi Trung Hoa. Ngày nay, người ta chỉ có thể nghe câu chuyện rùng rợn về đôi chân chưa bằng một chiếc điện thoại cảm ứng từ những cụ bà đã ngoài 70. “Gót sen” trói buộc người phụ nữ ngày nào chỉ còn hiện lên qua những bài viết nghiên cứu của các học giả, nhưng nó vĩnh viễn là nỗi ám ảnh về một thời đại mà người con gái bị giam cầm bởi cái đẹp đeo bám Trung Quốc hàng mấy thế kỷ ròng rã.

Người viết: Hà Phương


0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *