GÓT SEN: KỲ 1: NHỮNG BẤT CÔNG ẨN SAU DANH NGHĨA “CÁI ĐẸP”
Trong những áng văn xưa, hình ảnh người con gái đẹp thường gắn liền với đôi bàn chân gót sen. “Gót sen” dường như là danh từ mĩ miều nhất để miêu tả đôi bàn chân của người phụ nữ. Với những ai chưa hiểu nguồn gốc của cụm từ này, có lẽ họ chỉ đơn giản cho rằng đây lại là một cách ví von, so sánh vẻ đẹp với các loài hoa hết sức quen thuộc. Loài hoa sen đẹp đến vậy, ai nỡ nghĩ những điều xấu xa về nó cơ chứ?
Thế nhưng, cũng chính “gót sen” ấy lại là một bi kịch đeo đẳng phụ nữ Trung Hoa trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.
1. Nguồn gốc
Nếu bạn có hừng thú với văn học Trung Hoa, hẳn đã từng nghe câu “Hoàn phì Yến sấu” (Hoàn phì Yến gầy), ý nói đến Dương Ngọc Hoàn xinh đẹp đẫy đà, trong khi Triệu Phi Yến thì thân hình thanh mảnh, uyển chuyển. Cụm từ này hay xuất hiện khi miêu tả một nhóm phụ nữ đẹp, dùng để gợi lên vẻ muôn sắc, “mỗi hoa mỗi vẻ” của họ.
“Yến” trong câu nói này được cho là Triệu Phi Yến, cung phi của Hán Thành Đế, một trong Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa. Bà cũng được cho là khởi đầu của tục bó chân này. Dân gian truyền lại rằng, dáng vẻ bà khi quấn những dải lục quanh bàn chân và nhảy múa đẹp tự như tiên nữ trên trời, dịu dàng và uyển chuyển khiến lòng người phải đắm say. Hán Thành Đế say mê, gọi bàn chân ấy là “Kim Liên Tam Thốn”, tức “Gót Sen Ba Tấc” và buộc các cung phi khác phải học theo.
Nhìn chung, tục bó chân xuất hiện vào khoảng thế kỷ 10, dưới thời nhà Tống, chủ yếu ở tầng lớp quý tộc và sau đó dần trở nên phổ biến trong dân gian.
2. Quá trình bó chân
Người mẹ hoặc người bà trong gia đình sẽ bắt đầu bó chân con gái hoặc cháu gái họ khi đứa trẻ từ 2 đến 7 tuổi, độ tuổi được cho là phù hợp nhất bởi khung xương đứa bé còn nhỏ, chưa có cơ hội phát triển trở thành “đôi bàn chân thô”. Việc bó chân thường được thực hiện vào mùa đông bởi chân trẻ sẽ bị tê lạnh, và vì thế bớt đi cảm giác đau đớn.
Đầu tiên, bàn chân sẽ được ngâm trong nước lá thảo dược ấm để ngăn nhiễm trùng, rồi ngón chân sẽ bị cắt càng sâu càng tốt. Người ta xoa bóp đôi bàn chân và các ngón chân (ngoại trừ ngón cái) bằng dầu để bàn chân được thả lỏng. Những dải băng lụa bó chân dài khoảng 3m và rộng 5cm, được ngâm vào hỗn hợp dược thảo và máu động vật ấm. Bàn chân sẽ bị bẻ gãy, tạo thành hình tam giác và cuốn gọn trong những dải băng này. Đôi khi, người ta còn phải cắt những vết sâu trong lòng bàn chân để quá trình này diễn ra dễ dàng hơn.
Trình tự này sẽ được lặp lại 2 ngày một lần, với một lần bó chân mới để tránh lên mủ. Những phần thịt bị cho là “thừa” thậm chí còn bị cắt bỏ đi, hoặc bị làm cho thối rữa để có thể dễ dàng “loại bỏ”. Mỗi lần bó lại, dải băng lại được thắt chặt hơn nữa khiếnquá trình bó chân càng ngày càng đau đớn. Để đẩy nhanh quá trình, những cô gái bị bắt đi bộ nhằm làm vỡ vòm chân. Đến khi những ngón chân và gót chân chạm nhau, “gót sen” mới được coi là hoàn thành.
Sau khi bó, đa phần những đôi bàn chân sẽ bị nhiễm trùng. Móng chân mọc dài ra, đâm vào thịt và làm rữa thịt, đôi khi rụng cả ngón chân. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc rụng ngón bị “khuyến khích” vì đây bị coi là phần thịt thừa. Những trường hợp nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến tử vong. Đôi khi, xương bàn chân mọc theo hướng đâm thẳng về phía gót chân. Những đôi chân kiểu này khiến người phụ nữ gần như không thể đứng dậy được khi đang ngồi. Về già, những tai nạn do gãy xương cũng sẽ dễ dàng xảy ra.
3. Khi bất công mang danh nghĩa “cái đẹp
Những đôi bàn chân rùng rợn ấy khi được đi đôi tất lụa, xỏ vào chiếc giày nhỏ xinh sẽ trở nên thật đẹp. Người phụ nữ với “gót sen” cũng sẽ có những bước chân uyển chuyển hơn (mà thực tế là do đôi bàn chân dị dạng đã khiến họ không thể đi lại nhanh và bước bước rộng). Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao đàn ông thời ấy có thể say mê những đôi bàn chân dị dạng ấy, nhưng thực tế là Trung Hoa thời ấy không cho người phụ nữ lộ bàn chân trần, nên có rất nhiều người đàn ông đến lúc chết cũng chưa từng thấy chân trần của vợ.
Cứ như vậy, “gót sen” thành tiêu chuẩn chọn vợ của đàn ông. Chân càng nhỏ lại càng khiến người ta say mê. Trong câu chuyện truyền thuyết, tục bó chân cũng khởi đầu do sở thích của một vị vua. Nói cách khác, hủ tục đáng sợ này đều nhằm thỏa mãn dục vọng của cánh đàn ông dưới cái thời “trọng nam khinh nữ” là điều vô cùng bình thường ở Trung Quốc.
Thoạt tiên, “trào lưu” này chỉ xuất hiện trong các gia đình nhà quý tộc. Nhiều người cho rằng đàn ông thuộc tầng lớp thượng lưu tiếp xúc với Hoàng đế thường xuyên, bị ảnh hưởng bởi quan niệm cái đẹp của ngài khiến những gia đình có con gái buộc phải bó chân mới có thể gả được. Một số khác cho rằng gia đình quý tộc bó chân cho con nhằm gả những cô gái ấy vào cung làm cung phi.
Song, một mục đích lớn hơn, và có lẽ cũng là lý do tục bó chân phổ biến trong dân gian, chính là nhằm ngăn các cô gái di chuyển.
Những người con gái sau khi bó chân gần như chỉ có thể ngồi một chỗ hoặc đi những bước nhỏ trong một quãng ngắn. Người con gái khi không thể ra khỏi cửa nữa, chỉ còn biết khóa mình chốn khuê phòng và học những thứ quy tắc để trở thành một thục nữ chuẩn mực dưới thời phong kiến, một con búp bê ngoan ngoãn sẽ nghe theo mọi sự sắp đặt của cánh đàn ông. Với những người phụ nữ tầng lớp dưới, cuộc sống của họ còn bi kịch hơn. Hủ tục bó chân sẽ buộc những người con gái yên vị trong nhà hàng giờ để làm những việc lao động như dệt may, quay sợ, hay những công việc lao động bằng tay khác, những công việc sẽ giúp ích cho gia đình . Thậm chí, người phụ nữ sẽ còn “đáng giá” hơn nếu như họ ý thức được sự thật cay đắng này.
Người viết: Hà Phương
0 Bình luận