YAKUZA – XÃ HỘI ĐEN VÀ NHIỀU HƠN THẾ
Kỳ III: “Chị cả”
Nhật Bản là một quốc gia khá truyền thống. Đa phần những người phụ nữ Nhật sau khi kết hôn sẽ lựa chọn ở nhà chăm sóc con cái và gia đình.
Nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự vắng mặt của các “bóng hồng” trong giới Yakuza.
Nếu bạn đã từng nghe về “Tây Sơn Ngũ Phụng Thư” Bùi Thị Xuân, biết đến bà Lý Nhất Tẩu- hải tặc hùng mạnh nhất mọi thời đại,.. thì Nhật Bản cũng có những nữ thủ lĩnh Yakuza chẳng hề thua kém đấng mày râu.
1. Onee-san
Những người phụ nữ trở thành thủ lĩnh của Yakuza, hoặc có địa vị cao trong 1 băng đảng Yakuza thường được gọi là Onna- oyabun hoặc Onee-san (từ này là “chị gái”, ở đây có thể hiểu như “chị cả” hoặc “đại tỷ”, giống từ “đại ca” của mình). Ngày nay, những onee-san đã trở nên tương đối hiếm, nhưng truyền thuyết về họ vẫn được nhiều người Nhật biết đến qua phim ảnh và các phương tiện truyền thông. Nổi tiếng nhất phải kể đến series “The Yakuza Wives” và nhân vật của O-ren Ishii trong “Kill Bill: Vol.1”, ngoài ra còn phải kể đến những bộ manga và anime về thế giới ngầm Nhật Bản.
Nhìn chung, các phương tiện truyền thông có xu hướng “lãng mạn hóa” những người phụ nữ này. Các bà trùm được xây dựng với hình tượng về một bộ kimono hoặc yukata truyền thống, mái tóc búi cao cầu kỳ và trên tay hay cầm chiếc tẩu thuốc. Hình tượng mang lại cảm giác khá cổ xưa khiến nhiều người không khỏi liên tưởng về Nhật Bản thời kỳ Edo.
Lý giải về hình tượng này, có hai nguyên nhân chính:
Thứ nhất, Yakuza là những băng đảng tội phạm truyền thống của Nhật nên nơi ở và trang phục của họ, theo suy nghĩ của người dân, hẳn là phải đậm nét truyền thống. Yakuza nam rất dễ gặp trên đường phố, nhưng những onee-san thì bí ẩn hơn, khiến cho người Nhật ra sức tưởng tượng hình ảnh của họ, từ đó đắp nặn ra hình tượng ấy. Tất nhiên, hình tượng này cũng có dựa trên cơ sở thực tế.
Thứ hai, đó là những hình ảnh của người dân về những onee-san thời còn phổ biến. Dưới thời Edo, hoạt động đánh bạc diễn ra rất phổ biến và là nền tảng của các băng Yakuza, rất nhiều phụ nữ điều hành các nhóm bài bạc. Các tài liệu trước và sau thế chiến 2 đều ghi nhận về những onee-san ở Tokyo và Yokohama.
*Một điều thú vị nhỏ là khi mình tìm về onna-oyabun, có hai tài liệu khác nhau. Từ điển giải thích từ này là “người đứng đầu Yakuza”, nhưng một số tài liệu khác lại nói rằng onna-oyabun là những nữ thủ lĩnh. Mình chọn cách gọi Onee-san vì trong các truyện mình đọc, cấp dưới thường gọi nữ thủ lĩnh như vậy.
2. Những nữ thủ lĩnh quyền lực
Theo cuốn “Yakuza: Japan’s Criminal Underworld”, khoảng năm 1945, băng đảng Kanto Matsuda-gumi nổi lên thống trị vùng Shinbashi. Ông trùm băng đảng này là Giichi Matsuda đã bị bắn chết bởi một trong những “con nợ” của mình. Ngay sau đó, vợ ông là Yoshihiko đã lên nắm vai trò thủ lĩnh.
Người phụ nữ này là một bông hoa hồng thép. Bà cai trị bằng bạo lực, phát động cuộc chiến đẫm máu với những băng đảng Đài Loan để giành quyền kiểm soát thị trường chợ đen ở trung tâm Tokyo. Theo tài liệu, bà đã bị gọi tới Ủy ban Chính trị thủ đô để giải trình về hành động của băng đảng mình. Bà đã tự hào miêu tả về hệ thống Oyabun-kobun – cái tên mà người Mỹ đặt sau sự kiện này. Không lâu sau, Yoshihiko được thả tự do. Tới năm 1956, vị nữ thủ lĩnh này qua đời. Bà được lịch sử ghi nhận là một trong những nữ thủ lĩnh Yakuza quyền lực bậc nhất, thay đổi hoàn toàn quan niệm về một thế giới nơi phụ nữ bị xem nhẹ.
Một nữ thủ lĩnh khác cũng gây ấn tượng khá mạnh trong lịch sử Yakuza. Tháng 7 năm 1981, thủ lĩnh đời thứ 3 của Yamaguchi-gumi là Kazuo Taoka qua đời vì bệnh tim. Người được chỉ định là kế nhiệm ông thời điểm ấy hiện đang ở trong tù. Bởi vậy, người vợ 62 tuổi của ông, Fumiko Taoka đã tạm thời trở thành thủ lĩnh của băng đảng. Trước khi giữ vai trò này, bà là một cố vấn đáng tin cậy của chồng, đưa ra lời khuyên trong nhiều quyết định quan trọng. Tới năm 1984, bà và các thành viên cấp cao đã chọn Masahisa Takenaka làm thủ lĩnh đời kế tiếp. Mâu thuẫn đã nổi lên giữa các thành viên tạo nên một trận chiến khủng khiếp khiến ít nhất 20 người thiệt mạng.
Fumiko Taoka qua đời ở tuổi 66. Con gái bà, Yuki Taoka kết hôn với một nhạc sĩ và rời xa thế giới hắc ám nơi cha mẹ mình từng làm việc.
Nhìn chung, trong thời hiện đại, người phụ nữ càng ngày càng vắng bóng trong giới Yakuza, hoặc có chăng chỉ là vợ của thủ lĩnh hoặc vợ thành viên băng đảng. Họ được coi là hoàn toàn độc lập và không dính dáng gì đến thế giới của chồng mình, không tham gia các quyết định của bang, sống gần nhau, khép kín và bí mật để tránh kẻ thù của chồng. Họ đơn giản chỉ là những người phụ nữ bình thường, yêu một người đàn ông trong giới Yakuza!
<Kết thúc series>
Người viết: Hà Phương
Chào mọi người!
Vậy là series bài viết về Yakuza Nhật Bản đã kết thúc. Cảm ơn các bạn vì đã đồng hành cùng với mình cho đến bài viết này.
Trong thời gian viết loạt bài này, mình cũng đã khám phá được rất nhiều điều thú vị về thế giới ngầm của Nhật Bản. Một điều mình thấy khá tiếc là kỳ cuối chỉ có duy nhất 1 tấm ảnh, lại còn là ảnh cắt ra từ trong phim. Những người phụ nữ trong giới Yakuza không mấy khi xuất hiện trước công chúng nên hình ảnh của họ khá hiếm. Một vài hình ảnh lẻ tẻ trên mạng xã hội đều là ảnh khỏa thân phô bày hình xăm khá phản cảm nên mình đã không đưa vào bài viết. Mong các bạn thông cảm cho mình nhé!
Kỳ thật, càng tìm hiểu về Yakuza, mình càng thấy nhiều điều thú vị về họ. Rất nhiều chi tiết khá đặc biệt về thế giới ngầm mình đã không đưa vào trong loạt bài viết bởi nội dung của chúng khá tế nhị, như chuyện nhân tình, các cô gái trong quán bar của Yakuza, rồi các cuộc chiến đẫm máu… Mình đã thử viết về chúng nhưng không tìm được cách đưa vào bài ít phản cảm nhất, mà thực sự viết về chúng cũng khá ngượng nên mình quyết định bỏ qua.
Nếu bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn, các bạn có thể tìm đọc những bài báo tiếng Anh của các nhiếp ảnh gia đã thâm nhập vào giới Yakuza. Mình xin đề cử một bài viết: http://www.dazeddigital.com/art-photography/article/40877/1/chloe-jafe-i-give-you-my-life-yakuza-documenting-women-japans-mafia. Bài viết khá thực tế về cuộc sống của các cô gái ở thế giới ngầm bên cạnh những Yakuza, có thể sẽ gây khó chịu nên hãy cân nhắc kỹ trước khi đọc nhé. Các bạn cũng có thể đọc cuốn “Yakuza: Japan’s Criminal Underworld” (sách này có ebook trên Google thì phải) để hiểu sâu hơn.
Một lần nữa, cảm ơn các bạn vì đã đón đọc bài viết của mình!
0 Bình luận