YAKUZA – XÃ HỘI ĐEN VÀ NHIỀU HƠN THẾ
Kỳ II: Câu chuyện của những hình xăm
Trong một bộ truyện tranh mình đã từng đọc, có một chi tiết kể về hình xăm trên lưng hai vợ chồng cùng là thủ lĩnh của một gia đình Yakuza. Bởi đã khá lâu rồi, mình không còn nhớ chính xác lắm, nhưng ý nghĩ bảo hộ mà người chồng gửi gắm tới người vợ, kể cả khi người chồng đã mất, qua hình xăm của hai người khiến mình ấn tượng sâu sắc.
Đó cũng là lúc mình nhận ra, Yakuza dùng hình xăm không chỉ đơn giản như một dấu hiệu hay biểu tượng của sức mạnh.
1. Lịch sử của nghệ thuật Irezumi
Nghệ thuật xăm mình của Nhật Bản xuất hiện từ khá lâu. Vào thế kỷ VI, những kẻ phạm tội sẽ bị đánh dấu bằng hình xăm trên người. Điểm này khá giống với Ai Cập thời xưa. Đến tận thế kỷ XVIII, khi nghệ thuật khắc gỗ ra đời và tiểu thuyết “Thủy Hử” của Trung Quốc với những anh hùng Lương Sơn Bạc phủ kín thân mình bằng hình xăm xuất bản tại Nhật, nghệ thuật xăm hình mới chính thức nở rộ.
Irezumi là tên gọi của nghệ thuật xăm mình mà các Yakuza ưa thích. Irezumi sẽ sử dụng một loại mực tên gọi Nara, loại mực sẽ đổi màu xanh đen sau khi vào làn da con người.
Irezumi thực hiện hoàn toàn thủ công, phụ thuộc lớn vào đôi bàn tay khéo léo của người thợ nên rất đau và tốn thời gian nữa, nhưng cũng chính bởi thế mà nó trở thành một cách để các Yakuza chứng tỏ lòng can đảm.
Mặc dù nghệ thuật Irezumi khiến người ngoại quốc, đặc biệt là ở phương Tây phát cuồng, nhưng các hình xăm này lại không được người dân Nhật Bản chào đón cho lắm. Họ coi tất cả những người xăm trổ là Yakuza, sợ hãi và né tránh họ. Một số nơi như phòng tắm công cộng, phòng gym, suối nước nóng,… còn cấm những người xăm Irezumi.
2. Câu chuyện của những hình xăm
Không như những kiểu xăm khác, Irezumi chỉ có một vài chủ đề quen thuộc, tuy nhiên, sự tài hoa của người nghệ sĩ khiến các hình xăm không hề bị trùng lặp, mà ngược lại, mỗi lần đầu có thể toát lên vẻ đẹp khác nhau.
Hình xăm mình hay gặp trong các bộ truyện nhất có lẽ là hình… quỷ Oni. Chắc lí do đầu tiên là vì nó khá dữ dằn đáng sợ, lập tức khiến người đọc cảm nhận được tính chất của nhân vật. Trong truyền thuyết Nhật Bản, quỷ Oni là con quỷ nổi tiếng nhất. Nó hay đi kết bè kết đảng với những con quỷ khác, và cũng trừng phạt những con quỷ phạm tội nữa. Vì vậy, Yakuza ưa chuộng hình quỷ Oni vì họ tin rằng nó khiến họ có sức mạnh như cả bầy quỷ Oni, ưu quyền với kẻ dưới và đáng sợ với kẻ thù như con quỷ hung ác kia vậy.
Yakuza Nhật cũng khá chuộng hình ảnh của Rồng. Người Nhật coi Rồng là một vị thần, nhưng nó cũng là một sinh vật mang đến tai ương. Hình xăm con Rồng được tin là sẽ bảo hộ cho chủ nhân và mang sức mạnh vô song đến cho người sở hữu.
Cá chép Koi, loài cá của riêng Nhật Bản hiện lên qua Irezumi. Câu chuyện về cá chép ngược dòng thác, vượt vũ môn để hóa rồng được cho là đã truyền cảm hứng tới các hình xăm.
Hình xăm Phượng – một phần của nghệ thuật Irezumi. Phượng hoàng không chỉ là sức mạnh, nó còn là sự tái sinh, bất khuất, là biểu tượng của phái nữ. Các cô gái Yakuza thường chọn hình xăm này trên đôi lưng của mình.
Đáng ngạc nhiên là hình xăm nghe qua có vẻ hơi nữ tính như… hoa anh đào lại được không chỉ nữ giới mà cả nam giới cũng ưa thích. Mình có nghe một người bạn giải thích rằng số phận ngắn ngủi của những cánh anh đào nhắc nhở những Yakuza phải hoàn thành tốt trách nhiệm của mình vì họ ý thức rằng cuộc đời của họ cũng ngắn ngủi như những đóa hoa hồng phấn ấy. Cũng có giải thích khác nói rằng, hoa anh đào tượng trưng cho sự kiên nghị và buất khuất, là một trong những quy tắc quan trọng của Yakuza.
Có một hình xăm nữa là hình… cái đầu. Chính xác là cái đầu bị chặt đứt. Nó giống như một loại bùa chú cảnh báo đối thủ. Theo truyền thống của Samurai, đầu của thủ lĩnh phe đối thủ đồng nghĩa với thắng lợi của bên mình, bất kể sử dụng phương pháp nào.
Ngoài ra, còn một vài chủ đề nữa như hoa văn sóng nước, hình Geisha,…
Mặc dù nhận nhiều kỳ thị, nhưng Irezumi trên tấm lưng của Yakuza chưa bao giờ mang ý nghĩa cô độc. Những hình xăm ấy mang đến cho các Yakuza những người chiến hữu cùng vào sinh ra tử. Với những cặp đôi cùng là Yakuza, đặc biệt là vợ chồng thủ lĩnh, hình xăm đôi còn mang ý nghĩa bổ sung, hỗ trợ, và cũng là bảo vệ lẫn nhau. Nói cách khác, các Irezumi đã gắn kết Yakuza.
3. Nghệ thuật thích sự lặng yên
“Nghệ thuật thích sự lặng yên” là cảm nhận đầu tiên của mình về Irezumi. Irezumi không được phô bày trước công chúng vì sự kì thị của mọi người dành cho chủ nhân của chúng. Vì vậy, những người thợ đã khéo léo thiết kế sao cho các trang phục thường ngày có thể dễ dàng che khuất chúng.
Điển hình nhất, những hình xăm này thường chỉ dừng ở bắp tay, cổ áo,… khiến thoạt nhìn, chúng tưởng như những bộ trang phục nhiều màu. Đó là sự cẩn thận rất tinh tế và thú vị của Irezumi.
Tuy nhiên ngày nay, không nhiều Yakuza muốn xăm mình vì sợ bị chú ý. Sau khi xăm, họ cũng thường bị bạn bè, người thân, những người xung quanh xa lánh và sợ hãi. Các hình xăm ấy cũng làm họ gặp khó khăn khi muốn hoàn lương. Nhưng đồng thời, ngày càng nhiều các bạn trẻ muốn theo đuổi Irezumi. Họ đang cố đấu tranh để chứng minh rằng không phải cứ xăm mình thì đều là người xấu.
Ảnh: Pinterest
Người viết: Hà Phương
0 Bình luận