YAKUZA – XÃ HỘI ĐEN VÀ NHIỀU HƠN THẾ
Kỳ I: Yakuza và những ngón tay cụt
Mafia của Ý, Hội Tam Hoàng của Trung Hoa và Yakuza của Nhật Bản, dường như mỗi lần chúng ta kể về giới xã hội đen, những cái tên này lại không thể không nhắc tới. Thậm chí, họ gần như trở thành một nét đặc trưng riêng cho quốc gia của mình.
Với sự phát triển của phim ảnh và truyện tranh Nhật Bản, hình tượng của các yakuza được khắc họa ngày càng rõ nét, đem đến cho chúng ta góc nhìn mới về Yakuza Nhật Bản. Họ không chỉ là những tên xã hội đen hay tội phạm nguy hiểm, họ còn mang những nét văn hóa rất thú vị không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Họ là Yakuza, và họ còn là nhiều hơn thế.
1. Yakuza là ai?
Yakuza còn được gọi là Gokudo, chỉ những tổ chức tội phạm theo kiểu truyền thống của Nhật Bản, giống như mafia của các nước phương Tây. Để trở thành một Yakuza, người ta phải trải qua tuyển chọn theo “điều kiện”, sau đó thực hiện những nghi thức phức tạp như cắt máu ăn thề và xăm hình. Một cách định nghĩa khác khá thú vị về Yakuza là “tổ chức phi chính phủ chuyên các hoạt động về “thế giới ngầm””.
Một số thông tin cho rằng Yakuza lần đầu xuất hiện vào thời Edo (1603-1867), hình thức ban đầu chỉ là những nhóm tội phạm nhỏ chuyên đi bảo kê, sau đó trở thành lính đánh thuê. Yakuza được tập hợp bởi tổ chức “Thương hội Biển đen” – 1 thương hội chuyên hoạt động trên biển và giết người thuê vào năm 1881.
Ngày nay, Yakuza là một trong những tổ chức tội phạm lớn nhất thế giới.
Họ, ở trên một phương diện nào đó là những kẻ bảo vệ công lý, nhưng thực thi công lý theo cách riêng của mình. Trong lịch sử, Yakuza bị đánh giá là “những kẻ ái quốc bẩn thỉu”.
Là xã hội đen, nhưng trong hai thảm họa khủng khiếp động đất Kobe năm 1995 và thảm họa kép động đất sóng thần ở Tohoku 2011, chính Yakuza là những người đầu tiên gửi hàng cứu trợ đến các nạn nhân, thậm chí còn nhanh hơn nhiều so với quan chức chính phủ. Hơn nữa, họ làm hoàn toàn lặng lẽ, đơn giản vì muốn giúp đỡ chứ không phải phô trương thanh thế.
Tóm lại, rất khó để đánh giá chính xác xem Yakuza là kẻ ác hay chính nghĩa.
2. Ngón út của các Yakuza
Một đặc điểm để nhận dạng các Yakuza là họ thường có ngón tay út ngắn hơn so với người thường. Đây được gọi là “yubitsume”, tức là rút ngắn ngón tay. Đây là hành động để chuộc lỗi khi không hoàn thành nhiệm vụ, là một hình thức trừng phạt khá phổ biến trong giới Yakuza. Đôi khi, các Yakuza cũng chủ động chặt ngón út của mình để xin lỗi. Nó thậm chí còn là một cách để trả nợ. Cắt ngón tay vì một trong các lý do trên sẽ được gọi là “ngón tay chết”. Còn nếu một người sếp hy sinh ngón tay út vì cấp dưới hoặc chiến hữu của mình, nó được gọi là “ngón tay sống”. “Ngón tay sống” thường là của những người quản lý chi nhánh nhỏ của một băng đảng để bảo vệ đàn em trẻ khi người đó làm việc có lỗi với cấp cao hơn.
Nguồn gốc của nghi thức này liên quan đến thứ vũ khí truyền thống của người Nhật – kiếm. Khả năng cầm kiếm của một người liên quan đến độ bám của ngón tay út, nếu mất ngón ấy, người đàn ông không thể cầm chắc cây kiếm. Với những người làm nghề “liếm máu trên đao” như Yakuza ngày xưa, đó là một hình phạt rất nghiêm khắc.
Trước đây, nghi thức này phải do chính người bị trừng phạt thực hiện. Khi cấp trên đưa cho họ một con dao sắc và một sợi băng vải để cầm máu, chẳng cần lời ra lệnh nào, họ cũng hiểu mình sẽ bị trừng phạt bằng yubitsume.
Yubitsume cũng quy định các bước hết sức cụ thể. Người phạm lỗi sẽ đặt tay phải úp lên miếng vải sạch, rồi dùng tanto- một thanh kiếm ngắn khá sắc, và tự chặt. Sau đó, người ấy phải tự tay gói ngón tay ấy vào miếng vải để trình lên cho thủ lĩnh trước khi được cho phép băng bó. Ngày nay, nghi thức này không bắt buộc phải tự tay thực hiện. Một vài thủ lĩnh cũng đồng ý để thuộc hạ chuộc lỗi bằng tiền bạc.
<còn tiếp>
Nguồn ảnh: Pinterest
Người viết: Hà Phương
0 Bình luận