Sự kìm hãm
(Sự Kìm Hãm)
Ngày còn nhỏ, hồi vẫn còn học tiểu học, tôi vẫn thường thấy chị tôi hay ngồi khóc một mình. Có nhiều lần chị tôi say ngồi khóc ở cầu thang, nước mắt chảy ướt cả mặt, từ sâu trong đáy mắt toát lên một nỗi đắng cay và ấm ức. Không ai có thể hiểu được cảm giác đó. Chị tôi lúc ấy là của hơn mười năm về trước khi chỉ mới mười lăm, mười sáu tuổi.
Bố mẹ tôi từng rất cổ hủ và truyền thống. Mặc dù bây giờ tư tưởng cả hai đều thoải mái và hiện đại hơn rất nhiều, bố mẹ rất chiều chúng tôi, để chúng tôi tự quyết định mọi thứ trong cuộc đời, nhưng, bố mẹ của nhiều năm về trước là điển hình cho thế hệ phụ huynh ở làng tôi.
Chúng tôi lớn lên từ sự yêu thương của bố mẹ, nhưng cũng chính khoảng thời gian lớn lên ấy cơ thể chúng tôi đã chịu đựng không biết bao nhiêu là đòn roi, là sự không đồng cảm, là những cãi vã, là những lời nói tổn thương nhau đến vô cùng. Tôi nhớ không biết bao nhiêu lần tôi đã vì quá ấm ức mà bật cãi lại bố mẹ, mà bỏ nhà ra đi, mà muốn nghỉ học, thậm chí nghĩ đến chuyện tự tử chỉ vì sự xa cách giữa hai thế hệ.
Bố mẹ đã không bao giờ hiểu được tôi ngày tôi chập chững bước vào tuổi dậy thì ấy. Đã có rất nhiều sự phẫn nộ. Đã có rất nhiều nước mắt rơi.
Tôi sinh ra tại một ngôi làng nhỏ vẫn còn tồn tại những suy nghĩ tiểu nông đã ngấm vào tư tưởng mọi người, sâu đến nỗi chúng đã mọc thành rễ và bám chặt vào cơ thể họ, không cách nào có thể dễ dàng gỡ bỏ được. Chỉ có thể chờ đợi thời gian.
Những cô gái ở làng tôi đã từng kết hôn khi họ mới khoảng mười lăm, mười sáu tuổi. Phần lớn mọi người nghỉ học rất sớm để bắt đầu đi làm. Tục lệ của làng tôi là, nếu một ai đó kết hôn với người bên ngoài làng, lấy chồng lấy vợ ở xa thì sẽ bị phản đối kịch liệt. Thậm chí bố mẹ sẽ dùng vũ lực hay dọa từ mặt, tự tử để ngăn cản hai người đến với nhau.
Làng tôi nhỏ xíu. Mọi người đều biết rất rõ về thân thế và lịch sử của nhau. Thói nhiều chuyện, bịa đặt và đồn thổi quả là không tránh khỏi. Ai ngoan, ai hư, ai hiền, ai dữ, ai giàu, ai nghèo, ai vô sinh hay bỏ vợ bỏ chồng, cả làng đều nắm được. Các bậc cha mẹ luôn muốn con mình yêu một ai đó ở cùng làng vì họ sợ mất con, xa cháu và sợ nếu lỡ con mình bị nhà bên kia đối xử tệ bạc thì họ sẽ không ở gần để bảo vệ được. Và vì nếu con mình yêu người ở xa, họ sẽ không biết lai lịch người kia thế nào, ra sao, có tai tiếng gì không, có giàu có không, gia đình có môn đăng hộ đối không.
Lấy vợ hay lấy chồng xa, theo như ngôn ngữ của làng tôi, đó là “lấy người thiên hạ”. Tức là đi ra khỏi làng rồi, thì sẽ trở thành người của thiên hạ, không còn gốc gác gì thuộc về đây nữa. Đó được cho rằng là một điều đáng xấu hổ và đáng buồn, là bất hiếu mà con cái dành cho cha mẹ.
Khi chị tôi ở tuổi mới biết yêu, bố mẹ luôn can thiệp vào chuyện tình cảm của chị. Đặc biệt là mẹ tôi. Mẹ chính là người đã xé, đốt, dùng dao băm nát những lá thư tình của chị và cấm chị yêu đương. Chị tôi đã khóc rất nhiều. May mắn là sau này tôi không bị đối xử như vậy nữa vì bố mẹ tôi đã thay đổi nhiều. Nhưng mỗi lần nhớ lại, tôi đều không muốn tin những điều đó đã từng tồn tại.
Có rất nhiều trường hợp bố mẹ chọn vợ chọn chồng cho con cái. Hai người qua sự giới thiệu của cha mẹ tìm hiểu nhau một thời gian ngắn rồi tiến đến hôn nhân. Hạnh phúc viên mãn có, đắng cay tủi nhục cũng có.
Có trường hợp bố mẹ không đồng ý cho con lấy chồng xa, nói nếu con muốn cưới thì tự lo và sẽ từ mặt con. Cũng có trường hợp bố mẹ phản đối, rồi hai người trẻ quyết định có bầu để gây áp lực, bố mẹ rồi cũng đồng ý, nhưng buộc con phải phá thai đợi đến Tết về rồi cưới không giờ lại mất mặt với mọi người.
“Nếu lấy người bố mẹ chọn, sau này con khổ thì phải làm sao?”
“Thì bố mẹ sẽ chịu trách nhiệm”
Bố mẹ sẽ chịu trách nhiệm kiểu gì? Hay là lại an ủi con, hòa giải thôi lỡ cưới rồi thì cố mà nhịn nó, đàn ông ai chả ngoại tình, nó đánh mình thì mình đừng có cãi lại, rồi suy cho cùng vẫn là nhịn nhục cho một cuộc hôn nhân vỡ nát để không mất mặt với xóm làng, để con cái có đủ cha đủ mẹ.
Hôn nhân của ai, quyền quyết định và trách nhiệm là ở trong tay và trên vai họ. Sướng vui hay khổ đau, là do chính mình đã chọn con đường đó.
Ngoài việc hôn nhân ra, nhiều cha mẹ cũng can thiệp vào sự nghiệp học hành của con cái. Hầu hết ở làng tôi, bố mẹ không muốn con cái đi học ở nước ngoài, cũng vì một lí do sợ con đi xa không bảo vệ được, và sợ con đi rồi sẽ không về nữa, chính là sợ sẽ mất con. Rất nhiều người có cơ hội lớn, được nhà trường chọn cho đi học full học bổng ở nước ngoài nhưng bố mẹ không cho đi vì sợ con gái đi rồi học xong 27-28 tuổi, già rồi ế chồng không ai lấy thì biết làm sao. Chẳng phải đâu xa mà chính chị họ tôi đã từ chối đi du học vì lí do đó.
“Con gái học như thế là đủ rồi. Đừng đi đâu nữa. Ở nhà lấy chồng cho bố mẹ yên tâm”
Tôi phát rùng mình vì câu nói ấy. Nó thể hiện tình yêu, nhưng yêu một cách ích kỉ. Cũng giống như khi chúng ta yêu một bông hoa, chúng ta không thể ngắt nó khỏi cành và giữ cho riêng mình được, nó sẽ chết. Cũng giống như chúng ta yêu một ai đó mà trói buộc người ta quá chặt, rồi một ngày họ sẽ chán nản, mệt mỏi và muốn chia tay.
Yêu thương là không ích kỉ, trói buộc, hay kìm hãm.
Nếu cứ giữ con cái mãi là của riêng mình, cứ muốn đi theo bảo vệ chúng suốt đời, thì bao giờ con mình mới nhảy ra được khỏi cái giếng và nhìn thấy bầu trời xanh cao bát ngát.
Những lời đồn thổi, những miệng lưỡi thế gian, những lời chỉ trích trù dập vô lí của họ hàng, xã hội đều là những thứ đứng ở hai bên vệ đường nơi đôi chân ta bước đi. Phía xa chân trời chỉ có ánh sáng mà thôi.
Nếu một ngày tôi có con, tôi sẽ là một người bạn của con mình. Sẽ là người mà con tôi tự nguyện tìm đến để xin những lời khuyên. Tôi sẽ coi con mình như những con chim nhỏ, ôm hôn một cái rồi thả cho chúng tự do bay khắp bầu trời, thay vì nhốt chúng trong một cái lồng. Bởi tôi hiểu rõ cảm giác đau đớn biết dường nào khi một tình yêu, khi một hoài bão bị chính những người xung quanh mình tìm cách kìm hãm.
0 Bình luận