Nuôi con cần nhiều kiên nhẫn

Đăng bởi Xu Thảo vào

 

NUÔI CON CẦN NHIỀU KIÊN NHẪN

Trước khi trở thành Au Pair, tôi thực sự không có nhiều kiên nhẫn trong việc dành thời gian dạy và chơi cùng Linh. Khi đó Linh đang học lớp một. Bây giờ đã lên lớp hai rồi. Mặc dù thời điểm đó có những lúc tôi cũng cố gắng áp dụng nhiều phương pháp để truyền kiến thức cho Linh nhưng không nhiều vì lúc đó tôi còn thiếu kinh nghiệm và không đủ quan tâm. Tôi đã rất hay nổi nóng khi Linh không viết được hay không làm được bài. Mắng rất nhiều, nói những lời rất thậm tệ, thậm chí còn đánh khi Linh không nghe lời.

Bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy rất hối hận, cực kì hối hận. Dạo gần đây Linh hay lấy điện thoại chị gái nhắn tin cho tôi. Tôi cảm thấy rất vui và thông qua những dòng tin nhắn ngắn ngủi, tôi cố gắng thể hiện để Linh cảm nhận được tình cảm tôi dành cho nó. Tuần trước trong khi đang ngồi trên tàu, Linh gọi video cho tôi và tôi đã nhắc lại chuyện cũ cũng như nói lời xin lỗi cho những lần tôi nổi nóng. Linh đã tha lỗi cho tôi. Thực ra tôi biết Linh đã thôi giận tôi từ lâu rồi. Vì thời gian ở cùng nhau, Linh biết là tôi rất yêu nó. Chỉ là tôi đã không yêu thương đúng cách mà thôi.

Yêu cho roi cho vọt là điều vô lí nhất trên đời.

Dạy con không cần nước mắt. Và nhất định là không cần đòn roi. Không hề cần!

Tôi đã thay đổi rất nhiều. Tiếp cận một nền văn hóa mới, những phương pháp dạy học mới đã khiến tôi đủ hành trang để làm “mẹ”, làm “dì”. Điều quan trọng nhất là khi làm au pair, thời gian bên cạnh trẻ con rất nhiều khiến tôi trở nên kiên nhẫn hơn bao giờ hết, đạt đến độ mà tôi chưa từng nghĩ là tôi sẽ có thể làm được. Tôi hầu như không nổi nóng trước mặt ai. Ở đây đã được hơn bốn tháng, tôi nghĩ mình đã nổi giận được một lần. Tôi trở nên kiên nhẫn với trẻ đến nỗi mà tôi còn phục chính bản thân mình.

Thế giới của trẻ con vốn không dễ dàng có thể để bước vào. Nhưng một khi chúng ta kiên nhẫn và cố gắng, chúng ta có thể nói cùng một ngôn ngữ với trẻ.

Hồi còn ở Hà Nội, tôi đã đọc rất nhiều sách về các phương pháp dạy con của người Do Thái và người Nhật. Điều đặc biệt là chúng ta luôn tin những phương pháp dạy con của nước khác là tuyệt vời, cho đến khi nhận ra ở hệ thống trường học nào cũng có khuyết điểm, cha mẹ ở nơi nào trên thế giới cũng gặp các vấn đề trong việc nuôi dạy con cái.

Năm ngoái khi Linh học lớp một, bài vở trên trường lúc nào cũng nhiều và nặng nề. Linh đầu năm còn chưa biết viết và đọc những từ đơn giản. Cô giáo lúc nào cũng gọi điện thoại về mắng vốn đủ kiểu khiến tôi và chị cũng đặt áp lực lên vai Linh. Giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy rất ấm ức khi cô nói với chị gái tôi “Con em học dốt lắm, càng ngày càng yếu không theo kịp các bạn.” Điều đó khiến chị tôi buồn và lo lắng nhiều, lại càng hay mắng Linh.

Trẻ con ở Hà Lan thật hạnh phúc.

Chúng không phải chịu nhiều áp lực từ trường học cũng như gia đình. Sáng vào học lúc tám giờ rưỡi (thực ra tám giờ rưỡi trường mới mở cổng), chiều tan học lúc ba giờ. Mỗi thứ tư chỉ cần học nửa buổi đến mười hai rưỡi. Có rất nhiều holiday kéo dài từ một tuần đến hai tuần mỗi tháng cũng như những ngày off school. Cặp sách không có gì ngoài lunch box, snack, nước và MỘT quyển sách, thậm chí còn không mang bút đi học. Erik học lớp một rồi nhưng vẫn chưa biết viết bảng chữ cái. Mỗi ngày về nhà dành đúng 3 phút cho bài tập về nhà, thời gian còn lại là ăn và chơi.

Bố mẹ ở đây không bao giờ mắng con ngu ngốc, lười biếng, học dốt và so sánh với con nhà hàng xóm. Mắng con học ngu là một điều tổn thương cực kì lớn. Xin đừng!

Nhà trường đóng vai trò lớn trong việc dạy con, nhưng bố mẹ còn đóng vai trò lớn hơn thế. Chúng ta không thể phó mặc con cái toàn bộ cho thầy cô giáo được. Bố mẹ có sự ảnh hưởng quan trọng lên con cái. Nếu như ai đã từng đọc cuốn “Em phải đến Harvard học kinh tế” thì sẽ hiểu được dạy con cần nhiều nỗ lực, thời gian, và hi sinh như thế nào. “Bạn có thể không là thiên tài. Nhưng bạn có thể là cha mẹ của thiên tài.”

Hy là người bạn Đài Loan tôi gặp khi còn ở Việt Nam. Hy và chị gái học rất giỏi, học trường top ở Đài Loan, luôn luôn đạt kết quả tốt trong mọi kì thi. Hy nói với tôi “Em biết không. Mẹ anh đã rất nỗ lực trong việc dạy anh học. Ngay từ khi còn rất bé, mẹ anh đã dẫn anh ra ngoài và nói “Con trai yêu của mẹ, con hãy nhìn lên bầu trời kia. Bầu trời có màu xanh dương. Và con hãy nhìn những bông hoa kia, hoa nở thật đẹp và có mùi hương thật ngọt ngào”. Vậy là mỗi lần anh nhìn thấy hoa, anh lại nghĩ đến từ “đẹp” và “mùi hương ngọt ngào”. Không phải tự nhiên mà mẹ anh nói thế. Đó cũng không phải là những lời vô nghĩa ngớ ngẩn. Mẹ làm vậy để anh học được nhiều từ vựng mới. Mẹ dành nhiều thời gian để kể chuyện, miêu tả những thứ xung quanh cho anh nghe. Đến khi mới ba tuổi anh đã biết đọc sách rồi. Mỗi ngày mẹ cùng anh đọc sách, từ đó trở đi ngày nào anh cũng đọc rất nhiều sách. Anh làm văn rất giỏi. Đến khi đi học lớp một thì sách giáo khoa anh đã đọc hết cả rồi. Anh chuyển sang đọc sách giáo khoa của năm tiếp theo, tiếp theo nữa. Việc học ở trường không áp lực đối với anh vì dường như mẹ đã luôn dạy anh trước tất cả. Mẹ dạy anh ngọt ngào và nhẹ nhàng. Tuổi thơ của anh đã không hề có nước mắt từ đòn roi hay lời trách mắng của mẹ. Việc học hành cũng tự nhiên mà vào đầu không hề áp lực chút nào.”

Trong tờ giấy ” Helping your child learn at home in Maths” của trường Erik phát có ghi những cách phụ huynh có thể giúp con học toán thông qua các hoạt động hằng ngày như thế này.

1.Trên đường phố
-Cùng con nhận biết số xe buýt trên đường. Ai nhìn thấy xe số 7 nhanh hơn ? Cộng thêm 1/2/3 vào 7 thì được số mấy? Cùng con đếm có bao nhiêu cột đèn từ nhà đến trường v.v.v

2.Đồ ăn
-Con có thể giúp mẹ cắt cái này thành hai phần, thành bốn phần giúp mẹ được không? Con có thể cắt cái này thành hình tam giác, hình vuông được không? Khi dọn bàn ăn, hỏi con mình cần dọn bao nhiêu bát ra (dựa vào số người trong nhà), nếu nhà mình có thêm hai khách thì cần dọn thêm bao nhiêu cái nữa? Tổng cộng sẽ là bao nhiêu?

3.Thời gian
-Hỏi con hôm nay là thứ mấy? Hôm qua là thứ mấy? Ngày mai là thứ mấy? Còn mấy ngày nữa là thứ bảy? Thứ mấy thì con có hoạt động ngoại khóa ở trường?
-Bây giờ là tháng mấy? Tháng trước là tháng mấy? Tháng tới là tháng mấy? Khi nào thì đến mùa hè? Khi nào thì đến mùa đông?
-Dùng máy bấm thời gian, điện thoại để cùng con chơi trò countdown.
-Nhận biết số ở đồng hồ treo tường. Dùng tay che một con số và hỏi con số nào còn thiếu?

4.Quần áo
-Cùng con đếm giày theo đôi. Con có bao nhiêu đôi? Bố/mẹ có bao nhiêu đôi? Tổng cộng cả nhà có bao nhiêu đôi? Sắp xếp những đôi cùng màu với nhau, cùng size với nhau.
-Xếp tất về đúng đôi với nhau và đếm xem có bao nhiêu đôi. Dùng găng tay để đếm đến năm.
-Tìm bốn đôi giày có kích cỡ khác nhau. Con có thể xếp chúng theo thứ tự từ bé đến lớn không?

Hãy nói chuyện thật nhiều với con. Hôm nay con đã làm gì ở trường? Hãy kể cho mẹ nghe ngày hôm nay của con có gì vui? Con cùng các bạn chơi những hoạt động gì ở trường. Con chơi thân với bạn nào? Hãy đưa con đi nhà sách, đi công viên, đi du lịch, tham gia nhiều hoạt động ngoài trời, hãy kể chuyện, đọc thơ cho con nghe trước khi đi ngủ. Hãy cho con xem bản đồ và chỉ ra đâu là Việt Nam? Các nước nào thì giáp với Việt Nam? Trái đất hình gì? Có bao nhiêu châu lục? Châu lục là gì? Châu lục nào nhỏ nhất? Đâu là Châu Âu? Những quốc gia nào thuộc Châu Âu? Những quốc gia nào thuộc Châu Á? Thủ đô của Việt Nam là gì? Thủ đô của Trung Quốc/ Thái Lan/ Anh/ Hà Lan/ Mỹ là gì? Quốc gia nào có diện tích lớn nhất thế giới? Quốc gia nào đông dân nhất thế giới? Quốc gia nào có hình chữ S?. Quốc gia nào có rất nhiều kangaroo? Kể cho con nghe về lịch sử Việt Nam, về thiếu tá Nguyễn Văn Thương bị cưa chân 6 lần, về Phan Đình Giót lấy thân lấp lỗ châu mai, về , về nhật kí Đặng Thùy Trâm, về chiến tranh giữa VN với Pháp và Mỹ, về nhà tù Côn Đảo, về Củ Chi. Về lịch sử và các phong tục các nước khác trên thế giới. Kể về nguồn gốc tục bó chân ở Trung Quốc là như thế nào? Vua Tần Thủy Hoàng là ai ? Vạn Lý Trường Thành đồ sộ như thế nào và tại sao nó lại được xây dựng? Nói về những bí ẩn của Kim Tự Tháp ở Ai Cập. Về dân Do Thái bị đối xử bất công như thế nào trong thế chiến thứ hai. Về tình trạng hikikomori ở Nhật Bản hiện nay. Về sự ô nhiễm trên thế giới và cách để bảo vệ môi trường. Nói về chính trị, những vấn nạn xã hội. Có rất nhiều và có hàng vạn hàng tỉ thứ để nói cùng con. Nghe có vẻ cần nhiều thời gian và lòng kiên nhẫn, nhưng kết quả mang lại là con có cả một bầu trời tri thức.

Khi tôi sang Hà Lan, mỗi lần gặp bạn người Hà Lan ở đây là họ lại hỏi tôi về chiến tranh giữa Việt Nam và Pháp. Về Việt Cộng. Tôi bị hỏi nhiều đến nỗi phải về tra ggl để biết thêm thông tin. Cảm thấy xấu hổ khi chính bản thân mình còn không biết rõ về lịch sử nước mình.

Tôi cảm thấy xấu hổ với Ted khi anh biết thủ đô của các nước Châu Á còn tôi thì không biết thủ đô của North Korea là gì (Pyongyang). Tôi và Ted khác nhau rất nhiều trong tính cách và sở thích. Có một điều chung duy nhất là chúng tôi thích nói về lịch sử, chính trị, và chơi trò đoán thủ đô của các nước. Vì bị chế giễu về khả năng địa lí của mình nên tôi đã rất ấm ức. Bèn tra ggl học thuộc để lần sau trả thù. Hôm nay trường phát cho Erik cuốn atlas và tôi đã đọc một cách ngấu nghiến và ngấu nghiến. Kiến thức địa lí đã tăng lên đáng kể. Tôi bắt đầu giúp Erik học địa lí. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn vì Erik ghét học, không muốn nghe kể chuyện về văn hóa, địa lí, lịch sử như Linh, Lea và Jules. Erik chỉ thích công nghệ, cách chế tạo máy bay, ô tô và tàu.

Hồi gần đi Hà Lan, sau khi đọc cuốn “Mắng con đến đâu là vừa” tôi không còn hay mắng Linh nữa và đã bắt đầu dành thời gian hơn cho Linh. Tôi hay dẫn Linh đi trà sữa, nhà sách và vào quán cà phê kiểu teen teen ở Hà Nội. Tôi hay chơi trò ghi nhớ với Linh. Cả hai sẽ cùng nhau nhìn quanh quán cà phê để ghi nhớ rồi một người nhắm mắt để người kia hỏi “Có bao nhiêu cái đèn? Có bao nhiêu cái bàn? Bàn bên tay phải có bao nhiêu người? Bàn đằng sau có con trai hay không? Nhân viên mặc đồng phục màu gì? Trên tường có tranh hay không? …”

Có lần chị tôi đưa tiền cho Linh vào mua sữa và bánh mì buổi sáng, Linh đã lén mua kẹo mà không nói. Khi chị tôi cầm tiền thừa và hỏi “Con có mua thêm gì không? Tại sao lại thiếu tiền?”. Linh chối không nhận dù chị tôi có hỏi bao nhiêu lần đi nữa. Chị chở Linh đi học rồi sau đó quay trở lại hàng tạp hóa hỏi thì được xác nhận là Linh mua thêm hai cái túi kẹo nữa. Chị tôi đã rất giận và nói tôi xử lí Linh. Hôm đó khi đón Linh về, tôi đã nói thế này “Hôm nay chú ở tạp hóa đã nói với dì là con mua thêm hai cái kẹo. Tại sao con lại nói với mẹ là không có?”. Linh trả lời là sợ bị mẹ đánh. Tôi nói “Lần sau nếu con muốn ăn kẹo thì hãy nói với dì. Dì cũng rất thích ăn kẹo đấy. Con không cần phải nói dối hiểu không? Dì rất ghét những người nói dối. Chỉ cần con nói thật là con muốn mang tới trường. Dì sẽ mua trước cho con, mua thêm cho cả bạn Chi nữa. Với một điều kiện là không bao giờ được nói dối. Nhớ chưa? Không bao giờ được nói dối”

Từ đó trở đi, Linh không bao giờ lặp lại hành vi đó nữa. Cũng chỉ hỏi mua kẹo mang tới lớp đúng hai lần.

Còn một lần thế này, chị tôi đưa tiền cho Linh lên đóng học. Cô giáo đưa tiền thừa và dặn Linh đưa cho mẹ. Rồi mẹ nhận được điện thoại của cô báo là Linh lấy tiền mua quà khao cả lớp. Chị tôi nói tôi xử lí Linh đi. Chiều đó đón Linh về, tôi hỏi là, “Hôm nay con đi học cô giáo đưa tiền thừa rồi con tự ý dùng tiền mua quà đúng không? Tại sao con lại làm như thế? Mẹ và dì làm việc rất vả để kiếm tiền đấy! Nhìn này bây giờ vẫn còn khách. Đây đâu phải là tiền con làm ra, tại sao con lại xài khi chưa hỏi ý kiến? Lần sau nếu con muốn có tiền mua quà cho các bạn, con phải giúp đỡ mẹ và dì làm việc rồi sẽ được trả công. Hành động của con hôm nay là sai và con phải chịu trách nhiệm. Giờ có hai lựa chọn, một là không được uống sữa và ăn quà vặt trong một tuần, hai là không được sang nhà chị Na anh Bưởi chơi. Lần này dì tha thứ. Nếu có lần sau, hình phạt nhất định sẽ không nhẹ nhàng thế này.”

Cuối cùng Linh chọn không uống sữa và ăn quà vặt trong vòng một tuần. Tôi tin đấy là bài học nhớ đời của Linh rồi. Từ đấy trở đi, Linh cũng cởi mở với tôi hơn. Có vài lần muốn che giấu điều gì đó, chỉ cần tôi trấn an vài ba câu, Linh sẽ tâm sự tất cả. Mặc dù có lần nghe xong, tôi rất điên nhưng phải kiềm chế. Bởi vì tôi biết chỉ cần một lần nổi giận thôi, Linh sẽ không tâm sự với tôi nữa. Tôi cũng chăm hỏi ý kiến của Linh hơn. Con thấy dì mặc cái nào đẹp hơn? Con nghĩ dì có nên mua cái này không? Con thấy chú nào được hơn? Dì nên hẹn hò với ai? Tôi muốn cho Linh thấy con bé đóng một vai trò quan trọng với tôi và tôi tôn trọng ý kiến của nó. Tôi thường hay có kiểu “Dì rối quá không biết chọn thế nào nữa. Con có thể chọn giúp dì được không?”

Bây giờ mặc dù ở xa và thời gian khác biệt. Tôi vẫn nhắn tin và gọi cho Linh vào cuối tuần. Tôi thường chụp ảnh và video ở Hà Lan rồi gửi cho Linh kèm thèo những lời miêu tả. Tôi nhớ Linh vô cùng và chắc chắn rằng ngày trở về, tôi sẽ dành thật nhiều thời gian học và chơi cùng Linh. Sẽ không còn la mắng, sẽ không còn nổi giận và nước mắt nữa.

Nhiều lúc tôi vẫn tưởng tượng nếu như sau này có con, tôi nhất định sẽ nuôi dạy con bằng tất cả sự cố gắng và kiên trì, bằng việc kết hợp các phương pháp từ các quốc gia tôi đọc từ sách và trải nghiệm thực tế. Mặc dù tôi không bao giờ có ý định sẽ có con trong vòng sáu năm tới, nhưng phải nói tôi rất hồi hộp không biết lần đầu làm mẹ sẽ thế nào.

Làm mẹ cần nhiều dũng cảm.

Tôi thì vẫn còn trẻ con.


0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *