Lối sống tự lập của bạn trẻ Hà Lan
18 tuổi rồi, cuộc sống này là của bạn
Các bạn bè ở Hà Lan chia sẻ với tôi rằng, thường từ năm mười tám tuổi là các bạn sẽ dọn ra ở riêng và tự lo cho cuộc sống của mình. Phần lớn vì các bạn muốn tự do và tự nguyện chuyển ra ở riêng, phần còn lại cũng vì bố mẹ muốn các bạn tự lập. Nếu không muốn ra ở riêng thì mỗi tháng phải trả tiền nhà và tiền ăn cho bố mẹ giống như đi thuê nhà vậy. Trong trường hợp bạn thực sự gặp khó khăn về tài chính và không thể sống riêng, một số bậc cha mẹ sẽ lo cho các bạn đến năm hai mươi mốt tuổi. Cũng có những bậc cha mẹ thực sự đuổi bạn ra sống riêng khi bạn đủ tuổi dù rằng bạn không đủ khả năng. Họ sẽ coi như hết trách nhiệm và để bạn tự đối mặt với cuộc đời mình.Trải nghiệm làm thêm từ rất sớm
Từ năm mười ba, mười bốn tuổi các bạn Hà Lan đã có thể đi làm thêm bán thời gian mặc dù lương không cao. Ví dụ như giao báo hai tiếng vào cuối tuần với mức lương khoảng 2 euro một giờ. Đến năm mười sáu tuổi hầu hết các bạn đều đi làm bán thời gian những công việc như nhân viên giao pizza, nhân viên thu ngân ở siêu thị, nhân viên bán hàng, bồi bàn nhà hàng với mức lương khoảng 5-7euro một giờ. Một ngày các bạn có thể làm năm tiếng, một tuần hai mươi tiếng và một tháng kiếm được khoảng 800 euro để tiêu vặt hay bắt đầu tiết kiệm cho cuộc sống riêng vào năm 18 tuổi. Nhưng các bạn có điều kiện để đi làm thêm bởi vì việc học hành ở đây không áp lực nhiều như ở Việt Nam. Từ trung học đến cấp ba trường bắt đầu vào lúc chín giờ sáng và kết thúc lúc ba giờ chiều. Ở Việt Nam, trường học bắt đầu lúc bảy giờ sáng và kết thúc năm giờ chiều. Sau đó học sinh còn phải đến các lớp học thêm đến tận tối muộn mới về nhà và phải hoàn thành một núi bài tập nữa. Cho nên, học sinh Việt Nam dù muốn độc lập kiếm tiền tiêu xài hay để dành từ tuổi vị thành niên cũng không có cơ hội và thời gian. Ngày tôi còn đi học, tôi cũng chỉ có rất ít cơ hội được làm thêm. Năm mười lăm tuổi, tôi bắt đầu tập tành bó hoa hồng, làm móc khóa handmade để bán vào dịp 8-3 hay 20-11. Vào dịp nghỉ hè năm lớp mười một, cách đây năm năm, tôi cũng đi làm bồi bàn cho quán cà phê với mức lương năm ngàn một tiếng. Ngày thường tôi làm năm tiếng và vào cuối tuần tôi làm mười tiếng. Tháng lương đầu tiên của tôi là hơn một triệu và tôi nhớ mình đã rất hạnh phúc khi cầm số tiền ấy. Chưa bao giờ tôi cảm thấy xấu hổ khi mình đã từng làm bồi bàn cả. Cũng có bạn cùng lớp tôi ngày ấy mỗi cuối tuần là đi rửa chén cho nhà hàng từ sáng đến tối hơn mười tiếng với thù lao là một trăm ngàn một ngày. Mãi sau này lên cao đẳng rồi thì tôi đi dạy gia sư với mức lương 100 ngàn hai tiếng. Tôi tin rằng đi làm thêm trong khi còn là học sinh, sinh viên là một trải nghiệm đáng quý.
Sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp cấp ba lên thành phố học đại học cũng phải đi làm thêm vất vả để chi trả phí sinh hoạt. Nhiều bạn phải tự lo mọi chi phí của bản thân. Nhưng phần lớn các bạn được bố mẹ chu cấp. Khác với bố mẹ Việt Nam, bố mẹ Hà Lan sẽ không gửi tiền ăn hàng tháng cho con mà các bạn phải tự lo hết. Có lẽ vì vậy mà các bạn Hà Lan rất cẩn trọng trong việc tiêu tiền của mình, thậm chí được cho là quá tiết kiệm. Nhưng sự so sánh đó cũng có phần khập khiễng, vì trường đại học ở đây cũng bắt đầu muộn và kết thúc sớm hơn ở Việt Nam nên các bạn có thời gian để đi làm. Cũng như Hà Lan là một nước phổ biến với nhiều công việc làm thêm bán thời gian với lịch làm việc linh động cho học sinh, sinh viên. Các bạn sinh viên ở đây cũng được chính phủ hỗ trợ rất nhiều. Học sinh, sinh viên được đi tàu miễn phí cho đến khi học xong. Trong thời gian học đại học các bạn cho thể vay tiền chính phủ để đóng học phí cũng như trả tiền thuê nhà, sinh hoạt. Số tiền đó các bạn có thể trả lại sau khi tốt nghiệp và đi làm kiếm ra tiền. Nếu như học sinh, sinh viên Việt Nam cũng có nhiều cơ hội và quyền lợi như thế, tôi tin các bạn cũng sẽ có thể sống độc lập khi mười tám tuổi.
Tôi có một người bạn Hà Lan rất thân tên Paco. Paco đi làm thêm từ năm mười ba tuổi. Đến năm mười sáu tuổi, bạn bắt đầu tiết kiệm hầu hết tiền lương vào tài khoản ngân hàng. Đến năm hai mươi mốt tuổi bạn quyết định chuyển ra ở riêng và tổng số tiền bạn tiết kiệm được lên đến hơn 21.000 euro. Sau khi nghe bạn nói vậy, tôi thấy xấu hổ với bản thân mình ghê gớm. Ngày còn là sinh viên tôi sống với bố mẹ không phải chi trả thứ gì. Mỗi tháng tôi kiếm được hơn hai triệu gia sư, cộng thêm hơn hai triệu bố mẹ cho để tiêu xài, vậy mà tôi lúc nào cũng trong tình trạng thiếu tiền. Tôi cảm thấy hối hận vì đã không biết tiết kiệm, vì đã tiêu xài quá hoang phí trong suốt những năm qua. Nếu như tôi có thế đưa ra một lời khuyên dành cho các bạn Việt Nam, thì đó là hãy nên tiết kiệm tiền khi bạn có thể, hãy có một sự chuẩn bị tốt cho tương lai của mình, hãy chỉ tiêu tiền vào những điều cần thiết và đừng nên quá hoang phí. Bài học lớn nhất của tôi sau khi đến Hà Lan đó là học được giá trị và cách chi tiêu tiền hợp lí. Nếu như không đến đây, tôi cho rằng mình vẫn sẽ gặp vấn đề về tài chính dài dài.Con cái nên sống chung hay sống riêng với bố mẹ
Tôi chia sẻ với các bạn ở đây rằng nhiều bạn trẻ ở Việt Nam phải chịu áp lực từ bố mẹ trong việc học hành. Có những bạn buộc phải học theo trường, theo ngành mà bố mẹ mong muốn vì sau khi ra trường sẽ có cơ hội xin việc hơn. Có nhiều bố mẹ cũng hay so sánh con mình với con người khác. Họ cũng bị ám ảnh bệnh thành tích và luôn mong muốn con mình đứng thứ hạng cao trong lớp. Trong thời gian đi dạy gia sư, tôi đã chứng kiến có học sinh lớp hai ngày nào cũng phải đi học thêm và làm bài tập về nhà đến tận mười một giờ đêm mới được đi ngủ. Các bạn Hà Lan đều rất ngạc nhiên và hỏi tôi rằng tại sao bố mẹ lại kiểm soát và đặt nhiều áp lực lên con cái như thế? Ở đây bố mẹ không quan con hàng xóm là thiên tài piano, là thần đồng toán học hay là học sinh đứng đầu lớp. Họ chỉ cần con họ yêu thích việc đến trường và phát triển theo khả năng của chúng, thế là đủ. Việc chọn trường, chọn nghề và tương lai cũng hoàn toàn là quyết định của con. Bố mẹ có thể cho ý kiến, nhưng không được quyền quyết định thay con. Tôi cũng chia sẻ rằng ở Việt Nam sau khi kết hôn, con gái phải về sống chung với bố mẹ chồng và chăm sóc họ đến già. Các bạn Hà Lan thậm chí còn ngạc nhiên hơn gấp bội phần. Các bạn hỏi tôi tại sao lại có thể sống như thế cả đời. Tại sao lại không ra sống riêng để có tự do? Tại sao bố mẹ lại mua nhà cho con mà không để con cái tự mua? Các bạn nói rằng nếu phải lựa chọn giữa sống chung với bố mẹ, không phải trả tiền nhà và sau này được bố mẹ cho nhà với việc tự đi thuê nhà rồi để dành tiền mua nhà sau, tất cả các bạn đều lựa chọn sống riêng. Các bạn cho rằng không phải cứ sống riêng là không yêu và không muốn chăm sóc bố mẹ. Bố mẹ cũng nên có cuộc sống riêng, cũng nên hưởng thụ tuổi già của họ để du lịch và duy trì những sở thích riêng. Nhà bố mẹ tiết kiệm bao nhiêu năm mới mua được, đó là vật sở hữu của bố mẹ, không phải của con. Tiền của bố mẹ tiết kiệm được không cần phải lo hết cho con, cho cháu mà nên dành cho bản thân mình. Con cái cũng nên có cuộc sống riêng với gia đình nhỏ của mình, không nên dựa dẫm vào bố mẹ nhiều, công việc của bố mẹ không phải là chăm cháu đến già.Chính sự khác biệt làm nên thế giới
Dù tôi đồng ý cũng như tôn trọng với quan điểm của các bạn, tôi cũng chỉ đáp lại: “Mỗi người có quyền lựa chọn cách sống của riêng mình, và con người mỗi nơi trên thế giới đều khác nhau, đó chính là sự khác biệt về hệ thống chính phủ, văn hóa, tư tưởng, tôn giáo cũng như vấn đề đạo đức. Nếu như cả thế giới này đều giống nhau trong tất cả các khía cạnh thì lại chẳng là thế giới nữa rồi. Có những sự khác biệt mà chúng ta không thể nào thay đổi để giống nhau được.”
Tôi yêu văn hóa và say mê việc tìm hiểu sự khác nhau giữa các nơi trên thế giới. Việc quyết định trở thành Au Pair ở Hà Lan là một cơ hội lớn giúp tôi mở rộng kiến thức cũng như học được nhiều bài học quý báu cho bản thân mình. Tôi đã trưởng thành lên rất nhiều và có cơ hội để viết cuốn sách của riêng mình về năm gap year này. Quan trọng hơn đó là tôi tìm ra được đam mê của cuộc đời mình.
Anh Đào Trọng Thắng, người sáng lập ra tổ chức Au Pair Việt Nam đã từng nói rằng “Nếu như các em không biết đam mê của mình là gì, thì hãy đi để tìm ra đam mê. Nếu các em không đi, các em sẽ không biết có những cơ hội nào đang đợi mình phía trước.”
Tôi đã dũng cảm nghỉ việc, rời Việt Nam một mình đến nước ngoài để đi tìm đam mê và cơ hội cho cuộc đời mình. Tôi đã bước đi được một bước nhỏ trong hành trình trở thành công dân toàn cầu mặc dù xuất phát điểm của tôi không hoàn hảo như nhiều bạn khác. Nếu có thể nói một điều gì đó, tôi chỉ muốn nói “Các bạn trẻ hãy dũng cảm đi tìm cơ hội bước ra biển lớn học hỏi những điều hay, điều mới để hoàn thiện bản thân và trở về đóng góp cho đất nước Việt Nam.”
Tôi đi, nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương vẫn luôn thường trực, ấp ủ mà không gì ở Hà Lan có thể bù đắp được.
Thảo Xu(Hộ chiếu xanh – Hành trình ra biển lớn)
0 Bình luận