KINH KỊCH – HÒN NGỌC QUÝ PHƯƠNG ĐÔNG
Ngày nay, với sự phát triển của Internet, mọi người có thể dễ dàng ngồi nhà và xem những màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc trên khắp thế giới. Nhưng nếu không được tận mắt ngồi bên dưới sân khấu, đắm mình trong không gian của ánh đèn và những bộ trang phục lộng lẫy, có lẽ chẳng thể nào cảm nhận hết vẻ đẹp huy hoàng của những khúc ca kịch Trung Hoa.
Kinh kịch Trung Quốc, hay còn gọi là ca kịch phương Đông, đã trở thành quốc túy thuần túy nhất của quốc gia nhiều thăng trầm này.
Kinh kịch trầm mình trong dòng chảy lịch sử suốt hàng mấy nghìn năm. Nhưng mãi đến tận thời nhà Đường, người ta mới gọi loại hình nghệ thuật này là hí kịch. Kinh kịch có nhiều điểm tương đồng với các loại hình nghệ thuật khác ở nhiều quốc gia phương Đông, đều lấy chuyện người anh hùng trong dân gian và chuyện lịch sử làm đề tài chủ đạo.
Kinh kịch chủ yếu chia làm 4 vai lớn: Sinh, Đào, Tịnh, Xù. Trong đó Sinh và Tịnh là hai vai diễn của nam, còn Đào là vai diễn nữ. Xù là vai hề, cả nam hay nữ đều có thể diễn vai này.
Nét đặc sắc nhất trong các vở kinh kịch, có lẽ là nghệ thuật vẽ mặt nạ. Những chiếc mặt nạ kinh kịch, hay còn gọi là “kiểm phổ”, mang nhiều tầng ý nghĩa. Qua những chiếc mặt nạ, người có thể phân biệt đâu là vai thiện, đâu là vai ác, đâu là người trung thành, đâu là kẻ gian trá…
Kiểm phổ có 7 màu, biểu thị cho 7 tính cách khác nhau:
Màu trắng là sự tàn ác, giảo hoạt, nham hiểm,… Vùng màu trắng trên mặt càng nhiều, nhân vật càng xấu xa độc ác.
Màu đỏ của sự dũng cảm và trung thành.
Màu xanh lá biểu thị bốc đồng, bạo lực, không biết tự kiềm chế.
Màu đen đại diện cho táo bạo và vô tư.
Màu vàng thường ám chỉ thần phật.
Màu xanh lam chỉ những vai diễn kiên định, trung thành.
Màu hồng miêu tả những người có đầu óc lạnh lùng.
Nhưng không chỉ dừng lại ở màu sắc, ngay cả cách vẽ mặt nạ cũng có thiên hình vạn trạng.
Chẳng hạn như cách vẽ mặt các võ tướng, màu sắc, vòng mắt to nhỏ, lông mày thẳng hay cong, cho đến từng hoa văn thậm chí lực vận bút đều phải theo chuẩn mực quy định. Ngược lại, vai gian thần phải dùng tay chấm màu bôi lên mặt, lông mày đậm, mắt tam giác, vẽ thêm hai đường vân gian ác… Hay những nhân vật có quan hệ huyết thống thường vẽ cùng một màu, cách vẽ có điểm tương tự nhau.
Sự đa dạng của kiểm phổ mang đến cho khán giả những cái nhìn sâu sắc hơn về các nhân vật, cũng gián tiếp bù đắp cho khuyết thiếu về mặt biểu cảm xúc của các diễn viên. Vì vậy, kiểm phổ trở thành một nét đặc trưng của nghệ thuật kinh kịch.
Bên cạnh đó, kĩ thuật biểu diễn của kinh kịch cũng mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Cũng giống như một số loại hình nghệ thuật dân gian của Việt Nam ta, diễn viên kinh kịch dùng các động tác hư cấu để biểu diễn. Một cái mái chèo có thể tượng trưng cho cả con thuyền, hay một cái đuôi ngựa đã là toàn bộ con ngựa… Diễn viên có thể biểu diễn nhiều động tác như lên lầu, đóng cửa, đi xuống cầu thang… mà không cần đạo cụ. Tuy biểu diễn có phần hơi phô trương, nhưng vẫn mang lại cho người xem cảm giác chân thực và đẹp đẽ.
Trong quá trình viết bài này, tớ tìm nhiều tài liệu về kinh kịch, nhưng dường như hiếm bài nào nhắc đến giọng hát của các diễn viên. Nhưng đây lại chính là điểm khiến tớ say mê kinh kịch nhất. Thưở xưa, người Trung không bao giờ đi “coi kịch”, mà thường chỉ có là “nghe hát”. Kinh kịch Trung Quốc trong tiếng Anh là “Chinese Opera”, vậy nên có thể thấy ấn tượng lớn nhất trong các khúc hát của bộ môn nghệ thuật này: Giọng hát rất cao, nhưng nghe không hề the thé, ngược lại cảm giác rất trong, đưa người nghe vào một thế giới lấp lánh sắc màu. Những nghệ nhân ca kịch nam có thể hát giọng nữ rất hay. Đôi khi nếu chỉ nghe giọng, khán giả không thể nào phân biệt giới tính của người biểu diễn.
Ngày nay, việc bảo tồn nét văn hóa kinh kịch là một chủ đề nóng đối với cả Trung Hoa. Nhiều ca sĩ trẻ đã đưa kinh kịch vào các tiết mục biểu diễn hiện đại, góp phần quảng bá văn hóa ca kinh phương Đông ra toàn thế giới. Một bật mí nhỏ nhỏ là người đưa tớ đến với kinh kịch chính là Hoắc Tôn, một ca sĩ trẻ mới chỉ hơn hai mươi tuổi.
Người viết: Hà Phương
Hình ảnh: Pinterest
0 Bình luận