HCX CONFESSIONS #3: Băn khoăn về định hướng sau khi ra trường

Đăng bởi Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới vào

[speech_bubble_preset id_analysis="OFF"]
{sb_id=11:type=std,subtype=left1,icon=1.jpg,name=Hương}
{SPEECH_BUBBLE_DELIMITER}
[speech_bubble_id sb_id=11]Xin chào HCX, em vừa mới đọc bài báo mà HCX chia sẻ, em cảm thấy như có mình trong đó, hiện tại em sắp tốt nghiệp nhưng vẫn chưa định hướng được mình sẽ làm gì, em thấy bạn bè mình người xin làm chỗ này, chỗ kia, họ có hướng đi hết, làm em cũng lo lắng, rồi tự động so sánh mình với bản thân người khác, em rất sợ thua kém và bị bỏ lại phía sau chị ạ. Một tuần vừa qua em suy nghĩ rất nhiều dẫn đến stress. HCX có thể chia sẻ em nên làm gì vào thời gian này không ạ?[/speech_bubble_id]
[/speech_bubble_preset]

Giải đáp:

Bò Biết Tuốt mến chào bạn,

Sau khi đọc xong vấn đề của bạn, chúng mình rất thông cảm vì vấn đề này là vấn đề khá phổ biến ở Việt Nam mình, khi đa phần mọi người vẫn đại học như “học đại”, dẫn đến mơ hồ, hoang mang khi sắp ra trường trong khi vẫn còn mù mờ về con đường đi phía trước.

Sau đây là một vài ý kiến tư vấn mà Bò muốn gửi đến bạn nhé:

  1. Đơn giản nhất là bạn đi làm, đi thực tập với ngành mà mình đang theo học. Biết đâu khi đi làm bạn sẽ lại có hứng thú hơn với nghề vì dẫu sao đến lúc này bạn cũng đã được trải nghiệm với thực tế thay vì những giờ học có phần “nhàm chán”, nặng nề “lý thuyết” trong khi không áp dụng được vào cuộc sống là bao nhiêu. Sự thực là có một độ vênh nhất định giữa kiến thức bạn được học và thực tiễn cuộc sống. Đôi khi bạn học rất nhiều, làm bạn cảm thấy “ngao ngán”, nhưng khi đi làm bạn chỉ sử dụng một phần nhỏ chứ không hết hoàn toàn những gì được học hoặc có khi học với làm khác xa luôn. Thành ra cứ bình tĩnh sống, bạn nhé.
  2. Hơi khó hơn một chút, là bạn đi kiếm công việc hay thực tập ở những vị trí mà đòi hỏi chuyên môn khác với ngành bạn đang học để bạn làm đa dạng profile của mình. Khi xin những công việc kiểu này, bạn hãy cố gắng chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy dù có thể bạn không được đào tạo về nghề nhưng bạn có thể vẫn có những kinh nghiệm, hiểu biết và khả năng nhất định trong quá khứ mà có thể giúp cho bạn đáp ứng được tiêu chí của họ. Và nếu có thể, hãy xin phép được thử sức trong vài tháng đầu tiên không lương để chứng tỏ khả năng của mình cho công ty. Thực sự thì khi mới đi làm, thứ mà bạn cần nhất lại không hoàn toàn là tiền mà là kỹ năng và kinh nghiệm làm việc – điều sẽ giúp bạn bay cao trong sự nghiệp xét trong dài hạn.
  3. Bạn thấy mọi người xin việc chỗ này chỗ kia, có hướng đi hết phải không nào? Thực sự thì đa phần theo mình, họ, thứ nhất là có đam mê trong ngành bạn học, cái này dễ hiểu rồi; thứ hai, cũng chưa chắc đam mê gì nhưng cứ đi xin việc như trong ý 1 mình có nêu, vì đó là lựa chọn an toàn và dễ dàng hơn cả so với lựa chọn theo ý 2 – bạn được đào tạo về ngành kế toán thì bạn xin thực tập vị trí kế toán hàng tồn kho đương nhiên sẽ dễ hơn mình học kinh tế đối ngoại mà cũng muốn làm cùng một vị trí như thế. Và một sự thực nữa là chẳng có gì đảm bảo họ sẽ tiếp tục làm công việc đó suốt cả đời. Nhiều người nhận ra nghề không hấp dẫn như họ nghĩ, có quá nhiều mặt trái, cám dỗ và áp lực, chẳng hạn tiếp viên hàng không, bạn có thể đọc ở đây: https://bit.ly/2KpLUV3.Hay có thể là trong khi làm việc, bạn phát hiện ra mình đam mê một mảng khác và đi theo mảng đó. Ví dụ như phó chủ tịch IBM Dzung T. Bui – một trong những người gốc Việt thành công nhất ở thung lũng Sillicon ở Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp kỹ thuật điện tử nhưng thành công với mảng marketing và sales ở IBM.Thành ra theo mình, bạn không cần phải quá lo lắng. Nhiều bạn đi làm, “có hướng đi” như bạn nói, chưa chắc là họ đã có một kế hoạch rõ ràng và chắc chắn trong tương lai. Họ đôi khi cũng như bạn, chưa chắc chắn về điều gì đang đợi mình ở phía trước đâu. Có chăng là họ không nói với bạn thôi, và bạn nghĩ họ đều ổn cả.
  4. Mình nghĩ có một cuốn sách khá phù hợp cho bạn. Tên của nó là “Tuổi 22 của người nổi tiếng” của Brad Dunn – NXB Trẻ. Sau khi đọc xong mình nghĩ bạn sẽ rút ra khá nhiều điều cho bản thân mình. Cảm giác chung của mình sau khi đọc xong là thấy vững tin hơn ở bản thân vì thấy rằng những người nổi tiếng, ở độ tuổi 22 nhiều người cũng chẳng khác gì chúng ta như bây giờ, thấy đời “mông lung như một trò đùa”, chưa biết tương lai sẽ đi về đâu. Có những người còn phải chịu đựng những bi kịch của số phận, như Stephen Hawking được chuẩn đoán mắc bệnh nan y và được cho là sắp chết chẳng hạn, ngay sau sinh nhật 21 của ông. Hay sáng sủa hơn một chút, nhưng minh tinh màn bạc Audrey Hepburn lúc 22 tuổi vẫn chỉ là một vũ công ba lê sống chật vật ở London mà thôi, hay Hemingway của “Chuông nguyện hồn ai” và “Ông già và biển cả” (Nobel văn học 1954) khi 22 tuổi vẫn chỉ là một nhà văn tự do chưa mấy tên tuổi,…
  5. Mình nghĩ bạn nên dừng việc so sánh bạn với người khác, vì điều đó không tốt một chút nào. Hãy là chính bạn, và sống cuộc sống cuộc bạn.Steve Jobs từng khuyên chúng ta rằng, thời gian của chúng ta là có hạn, nên đừng lãng phí thời gian của mình để sống cuộc đời của kẻ khác. Tương tự, Bill Gates cũng đã từng nói: “Đừng bao giờ so sánh bạn với người khác. Nếu bạn làm vậy, bạn đang tự sỉ nhục mình” vì theo ông khi làm vậy là ta lại tự thương hại chính bản thân và luôn chìm đắm trong cảm giác tiếc nuối mình không có được những điều đó giống như người khác. Do vậy, thay vì so sánh bản thân với người khác, chúng ta hãy vui vẻ đón nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống thuộc về riêng mỗi người. Đừng nên cảm thấy ghen tỵ với những thứ của người khác. Nhiều khi chính những thứ bản thân bạn sở hữu cũng khiến người khác phải ghen tỵ mà không hề hay biết. Bill Gates khuyên mọi người hãy sống cuộc sống trọn vẹn của chính mình để tận hưởng cuộc sống một cách hoàn hảo nhất.Cụ thể hơn cả, bạn không nên so sánh mình với người khác vì:
    i. Mỗi người có một hoàn cảnh, điều kiện, gia đình, môi trường khác nhau, thành ra sẽ chẳng ai giống ai. Chúng ta đều là những thực thể độc nhất vô nhị, là bản chính không phải bản sao. Thế thì bạn so sánh làm gì.

    ii. Việc so sánh đơn giản là không có điểm dừng, vì bạn luôn muốn đạt được những thứ gì đó tốt hơn, thỏa mãn bạn hơn vào lần sau. Giả sử bạn muốn là một “đại gia”. Đối thủ đầu tiên hẳn sẽ là đồng nghiệp, hàng xóm, người thân trong gia đình, bạn bè xung quanh. Sau đó có thể là bác Phạm Nhật Vượng chẳng hạn, rồi sau đó nữa, đến một lúc nào đó hẳn bạn sẽ xem Bill Gates là đối thủ cũng nên.
    Cuộc chiến không hồi kết và quan trọng là bạn lúc nào cũng thấy tự ti, yếu kém vì thua người khác, chưa kể tạo ra sự đố kỵ không tốt tí nào. Mà đây mới chỉ là một lĩnh vực là tiền tài. Còn quyền lực, danh vọng, ngoại hình, hiểu biết,… Chắc chắn một điều là cả đời bạn mà có so sánh với người khác thì cũng không hết thứ để mà so sánh.

    iii. Bạn là bạn, người khác là người khác. Mỗi người có một sứ mệnh riêng khi xuất hiện trên cõi đời này, mỗi người có một thế mạnh và năng lực riêng mà chưa chắc người khác đã có, chẳng qua là chưa được bạn khám phá ra mà thôi. Con người của chúng ta có tiềm năng rất lớn và gần như là chúng ta không bao giờ tận dụng được hết khả năng của bản thân trong suốt cuộc đời này. Thế nên bạn hãy cố gắng học tập, làm việc, trải nghiệm để hiểu rõ bản thân mình hơn, để rồi một ngày nào đó tìm thấy được khả năng và sứ mệnh đích thực của cuộc đời mình, bạn nhé.iv. Có câu “Tốt khoe xấu che”. Người ta luôn trưng ra những gì đẹp đẽ, tốt lành của họ cho người khác thấy, còn những điều tiêu cực, xấu xa thì ra sức giấu đi. Nhưng thực ra ai cũng có vấn đề, khuyết điểm riêng của mình thôi. Họ không nói ra không có nghĩa là họ không gặp những vấn đề như vậy. Nên bạn đừng “hoàn hảo hóa” một ai đó quá mức. Họ cũng là con người như chúng ta, không phải là thánh thần gì cả. Ví dụ tiểu biểu là sống ảo trên mạng xã hội với những hình ảnh đẹp lung linh trên Facebook hay đặc biệt là Instagram với những phần mềm chỉnh hình siêu lung linh đi kèm với công nghệ make-up đỉnh cao ngày nay. Nhưng lột bỏ hết tất cả, quay về với cuộc sống thật thì ngay cả người mẫu, hoa hậu vẫn có những khuyết điểm, chỗ chưa đẹp của riêng họ mà thôi, dù rằng họ vốn đã là hình tượng cho chúng ta noi theo và hâm mộ đó thôi.

    v. Mình rất tâm đắc với ý này: “Đừng so sánh bản thân với người khác, mà hãy so sánh với bản thân mình của ngày hôm qua.”. Thật vậy, mỗi ngày bạn học được một điều gì mới, phát triển hơn, tốt hơn so với ngày hôm qua đều đã là một điều tốt đẹp rồi. Bạn không cần phải giống ai cả. Bạn chỉ cần là chính bạn thôi.Mình nói thật, ai mà cũng bắt chước người khác thì xã hội này sẽ rất chán và nhạt nhẽo, một màu, đồng thời bạn lúc nào cũng ở trong tâm thế tự ti, phải rượt đuổi người khác và không phát huy được hết khả năng của mình.

    Mình lấy ví dụ, giả sử bạn là họa mi Adele với giọng hát trời phú tuyệt vời. Nhưng thay vì tập trung vào hát, Adele lại ganh tỵ với vóc dáng của những người mẫu Victoria’s Secret chẳng hạn và nỗ lực để được như họ. Thực sự thì chế độ ăn uống của người mẫu rất khắt khe, nhiều khả năng bạn sẽ phải từ bỏ kha khá các món ăn khoái khẩu của mình, đi kèm đó là một chế độ tập luyện thể thao cũng như kỹ năng trình diễn để giữ dáng chuẩn và catwalk tốt. Chưa kể gần tới show diễn, chế độ ăn và tập luyện của bạn sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn nữa so với ngày thường nữa – cái giá của việc làm “thiên thần” không hề rẻ tẹo nào. Chắc hẳn mọi người đều biết Adele xưa nay rồi đấy, có mấy khi cô ấy “gầy” đi được đâu và không dễ gì cho những người như vậy đạt được vóc dáng của các siêu mẫu hàng đầu thế giới. Mà dáng đẹp chưa đủ, bạn cần phải có “thần thái” của người mẫu và kỹ năng catwalk tốt nữa.

    Thay vì theo đuổi cuộc sống của người khác, cô ấy hoàn toàn có thể là chính mình, ăn những gì mình thích, không quan tâm người khác nghĩ gì về vẻ ngoài, hát những bài hát bằng chất giọng trời phú để rồi nổi tiếng toàn thế giới cũng như được những người trong nghề công nhận bằng những giải Oscar và Grammy – những giải thưởng danh giá nhất trong điện ảnh và âm nhạc.

  6. Mình nghĩ gap-year cũng là một cách tốt để giúp cho bạn hiểu rõ bản thân hơn cũng như xác định được con đường trong tương lai của mình. Sau khi tốt nghiệp, bạn không nhất thiết phải đâm đầu đi làm ngay khi vẫn còn mơ hồ về mọi thứ. Hãy danh một năm để khám phá bản thân qua những đợt đi thực tập/tình nguyện với AIESEC, đi du lịch vòng quanh thế giới hoặc tham gia một khóa học trong lĩnh vực mà bạn yêu thích. Năm đó chỉ là của bạn để cho bạn thoải mái khám phá bản thân mình.
  7. Khi lo lắng, bạn nên trút hết ra mọi lên một tờ giấy. Nó sẽ giúp bạn “nhẹ đầu” hơn, sắp xếp lại suy nghĩ của bạn một cách rõ ràng hơn và giúp bạn hiểu rõ vấn đề hơn. Đó là lí do vì sao chúng ta mỗi người hay có một thứ được gọi là “nhật ký”. Cụ thể, bạn viết ra giấy như sau:
    i. Vấn đề đang gặp phải là gì (phải hiểu rõ nó)
    ii. Nguyên nhân của nó (phải biết nguồn gốc ở đâu để có biện pháp xử lý)
    iii. Chúng ta có thể làm gì (tất cả biện pháp có thể thực hiện) iv. Biện pháp nào tối ưu
    v. Lựa chọn biện pháp và hành động kiên định theo biện pháp đã chọn

Trên đây là một số chia sẻ mà Bò muốn gửi đến cho bạn. Chúc bạn thật nhiều niềm vui và sức khỏe trên con đường của bạn nhé!

Thân mến,

Bò Biết Tuốt

(Có tham khảo từ Zing.vn, Baomoi.com, “Quẳng gánh lo đi và vui sống” – Dale Carnegie)

—————

Bạn có muốn Bò Biết Tuốt tư vấn cho thắc mắc của bạn? Hay chia sẻ vấn đề của bạn đến: http://bit.ly/HCX_confessions.

#HCXConfessions

Chuyên mục: BLOGTư vấn

Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới

Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới là một dự án blog của Đức, Hương và Linh, ba công dân toàn cầu người Việt đã từng sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới.

0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *