Ghé thăm Día de los Muertos của người Mexico
Cậu có còn nhớ những hình ảnh choáng ngợp đầy màu sắc của Día de los Muertos- Lễ hội người chết tại Mexico trong bộ phim hoạt hình “Coco” nổi tiếng?
1. Lịch sử lâu đời
Cũng là một lễ hội truyền thống với hình ảnh ma quái và được tổ chức ngay sau lễ Halloween, nhưng Lễ hội người chết không phải là một Halloween kiểu Mexico. Đây là một lễ hội truyền thống có lịch sử hơn 3000 năm tại đất nước này.
Trong quan niệm cổ xưa của người Mexico, họ tin rằng cái chết chỉ là một phần trong sự vô biên của cuộc đời. Người chết vẫn là một phần của cộng đồng, họ đang sống ở một thế giới khác và trở lại bên các thành viên gia đình vào ngày lễ hội này.
Truyền thuyết kể lại rằng, ngày 31/10 là ngày cánh cổng nối liền hai cõi âm dương mở ra. Các linh hồn em nhỏ sẽ quay về gặp người thân vào ngày 01/11, nên ngày này được gọi là Día de los Angelitos (ngày của những thiên thần nhỏ). 02/11 là thời khắc dành cho những người lớn quá cố, gọi là Día de los Muertos.
2. Không được tổ chức tại khắp Mexico
Lễ hội người chết tổ chức chủ yếu tại miền Trung và Nam Mexico. Tại phía Bắc Mexico, lễ hội này không phổ biến cho lắm. Bên cạnh đó, lễ hội này cũng được tổ chức nhiều nơi trên thế giới bởi những người Mexico nhập cư, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
3. Không phải một ngày lễ u ám
Hầu như tại quốc gia nào, cứ hễ nhắc đến ma quỷ và người đã khuất đều sẽ gợi lên cảm giác rùng rợn và ảm đạm. Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại! Ánh sáng lung linh và những màu sắc rực rỡ trang hoàng khắp nẻo đường, tiếng ca hát ồn ào náo nhiệt tại bất cứ nơi đâu. Đúng là có phần quan trọng, nhưng đừng nặng nề quá, vì đây là một lễ hội mà!
4. Trung tâm lễ hội: Nghĩa trang
Lạc bước giữa hàng nghìn ngọn nến lung linh sáng rực trong nghĩa trang, xung quanh là những “bộ xương” mặc quần áo đủ màu lộng lẫy, tiếng ồn ào náo nhiệt khắp nơi, có lẽ nhiều khách du lịch không khỏi tự hỏi :”Liệu mình có lỡ đi nhầm vào thế giới khác rồi?”
Trong ngày này, ngôi mộ người đã khuất được trang trí rất rực rỡ với nến, cúc vạn thọ- loài hoa dẫn lỗi cho người đã khuất, di ảnh và một vài vật dụng cá nhân cùng nhiều loại thức ăn truyền thống, như pulque – một loại nước lên men ngọt và atole – loại thức uống làm từ bột ngô, vani và socola để người chết trở về không bị khát sau một chuyến đi dài. Tông màu chủ đạo để trang trí bàn thờ thường là cam và tím.
5. Những calavera rực rỡ
Calavera- những hình đầu lâu làm bằng đất sét hoặc đường có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trong Lễ hội người chết. Các hộp sọ được bán vào khoảng 2 tuần trước lễ hội. Các calavera tại Mexico chủ yếu làm bằng đường, gần đây được biến tấu thêm bằng chocolate hoặc bánh quy, khắc tên người đã khuất. Ngoài dùng để trang trí bàn thờ, người ta cũng ăn những calavera có khắc tên bạn bè hoặc người thân để trải nghiệm cảm giác như đang ăn… đầu của những người đó. Nghe có vẻ hơi đáng sợ nhỉ, nhưng đây là một phong tục rất thú vị và được nhiều người hưởng ứng đấy!
6. Calacas ở khắp mọi nơi
Calacas là những bộ xương được mặc quần áo, trang điểm đầy màu sắc. Vào ngày Lễ hội người chết, những bộ xương này xuất hiện tại khắp mọi nơi với đủ kích thước điệu bộ, đủ mọi trang phục màu sắc tượng trưng cho những ngành nghề khác nhau trên đất nước Mexico.
7. Diễu hành trên đường phố
Trong lễ hội, mọi người đeo mặt nạ đầu lâu được vẽ đủ mọi màu sắc hoặc tự hóa trang, đội một chiếc mũ theo phong cách châu u, theo đúng phong cách của Calavera Catrina – một người phụ nữ trong bức tranh nổi tiếng của Mexico. Nhiều người còn sử dụng vỏ sò tạo ra tiếng ồn để đánh thức người chết dậy cùng chung vui.
8. Đồ ăn siêu siêu ngon!
Ngoài món kẹo ngọt calavera, Lễ hội người chết còn có thể làm bạn chết mê chết mệt với đủ món ăn “kinh dị” nhưng cũng không kém phần hấp dẫn.
Đến đây vào ngày này, bạn nhất định phải thử món Pan de Muert- bánh mì của người chết. Món bánh này làm từ bột ngô, gia vị là cacao hoặc vị cam, phủ thêm một lớp đường. Bánh có hình tròn, trang trí với hình những khúc xương nổi lên trên và hình hộp sọ ở giữa.
Món bánh Tamales gồm bột ngô và một số nguyên liệu khác, bọc trong lá chuối hoặc vỏ ngô rồi đem hấp. Cách làm món bánh cũng liên quan tới tên nó, xuất phát từ từ “tamalli” trong tiếng Aztec, có nghĩa là “bao bọc”.
Người viết: Hà Phương
0 Bình luận