ĐỪNG VIỆN CỚ VÌ NGHÈO ĐÓI NÊN CƯ XỬ KÉM VĂN MINH

Đăng bởi Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới vào

Trong lần về thăm Việt Nam vào tháng 11 này, mình đã bị một tài xế xe máy Grab hành hung. (Xin lưu ý: Hình ảnh chỉ mang tính minh họa, không có bất cứ liên quan nào đến câu chuyện trong bài viết. Đây là tấm hình mình chụp lần đầu tiên đi “xe ôm” qua Uber và bác tài xế này rất đáng yêu.)

Hôm đó, mình đặt xe máy Grab đến một quán cà phê ở Hà Nội, nơi mình có buổi giao lưu với fans của HCX. Khi đến gần điểm đến, ông tài xế tìm quán một hồi không thấy thì bảo mình xuống xe. Mình cũng không nhìn thấy quán ở đâu nên yêu cầu ông ta chở mình đến đúng nơi mình đã đặt và trả tiền qua thẻ. Ông ta cãi lại là tìm đến đúng địa chỉ là việc của mình, ông ta chỉ chở mình đến điểm theo định vị thôi. Cách nói chuyện của ông ta ngay từ đầu đã rất hung hăng, thách thức nên mình cảm thấy khó chịu. Nhìn xung quanh, không thấy quán cà phê đâu, nên mình vẫn bảo ông ta chở mình đến đúng chỗ. Ông ta đi tiếp, tìm ra quán thì dừng lại và nói kiểu bực tức vì đã phải chở khách đến đúng địa điểm yêu cầu. Mình lúc đó rất tức với ông ta nên nói rằng mình muốn ông ta hoàn lại tiền xe vì cách làm việc không chuyên nghiệp (mình tính sau khi về sẽ phản hồi với Grab, vì mình đã trả tiền qua tài khoản rồi). Ông ta lại hùng hổ nói tiếp. Mình xuống xe và để mũ bảo hiểm của ông ta xuống đường (không vứt mà để xuống, mình không muốn bị vu vào tội phá hoại tài sản người khác). Lúc đó, ông ta nhảy xuống xe, vung tay đập mạnh vào đầu mình (không phải tát nữa mà đập vào đầu). Mình chạy sang bên kia đường thì ông ta hét lên: “Tao sẽ giết mày.”

Câu chuyện của một người cư xử kém văn minh và lần đầu tiên mình bị một người (mà lại là người vô học và vô đạo đức) đánh đập có thể dừng ở đây nếu như…

👥 …những người xung quanh không chỉ ngồi đó nhìn rồi thắc mắc với tài xế: “Nó không trả tiền xe à anh?” Đây là hành động thật đáng trách của “đám đông”. Một xã hội khiến cho người dân cảm thấy an toàn là một xã hội giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau và lên tiếng khi thấy hành động xấu. Một xã hội mà thấy có người hành hung người khác mà chỉ thắc mắc về tiền, vậy thì NHÂN PHẨM của họ nằm ở đâu? Không có bất cứ lý do gì có thể bào chữa cho việc đánh người. Cách cư xử của đám đông như vậy khiến cho mình cảm thấy không an toàn nếu sống ở Việt Nam, và mình chợt nghĩ đây là một trong những lý do chủ chốt khiến mình không thể sống ở nơi đây. Mình không thể sống ở một nơi mà mình bị đe dọa tính mạng nhưng vẫn không nhận được sự trợ giúp của người khác. Chỉ một câu nói: “Anh không được đánh người khác.” đến từ những người xung quanh cũng có thể giảm độ hung hăng của tài xế và giúp cho nạn nhân cảm thấy được che chở. Khi kẻ hành hung thấy mọi người ở phía của ông ta, ông ta sẽ coi hành vi của mình là được chấp nhận và có thể sẽ còn có những hành vi tệ hại hơn nữa.

👥 …những anh hùng bàn phím tìm lỗi từ phía nạn nhân. Sau vụ việc xảy ra, mình đã đăng bài về sự việc lên mạng xã hội. Có một số người chia sẻ lại bài viết vào các nhóm, trong đó mình đọc được một số comment như: “cô này cũng không phải thường đâu”, “cô ta phải làm gì thì mới…” Lại là biện cớ cho việc hành hung. Ở đây mình chỉ muốn nói với các anh hùng bàn phím là, việc đánh người KHÔNG THỂ ĐƯỢC BÀO CHỮA VÌ BẤT CỨ LÝ DO GÌ. Đây là quy tắc của một xã hội văn minh, nếu ai vẫn bào chữa được cho những người như vậy thì đủ biết độ văn minh của bạn ra làm sao.

👥 …công ty Grab không bào chữa cho tài xế vì lý do… nhà tài xế nghèo khổ. Sau vụ việc, mình đã thông báo ngay cho Grab về hành vi của tài xế. Tất nhiên là mình cũng rất sợ là ông ta sẽ đứng ngoài cửa quán chờ mình ra và thực hiện hành vi mà ông ta đã đe dọa mình. Grab đã gọi điện cho mình ngay sau khi nhận được thông báo. Sau khi trở về nhà từ buổi gặp mặt ở quán cà phê, mình đã nói chuyện với nhân viên bộ phận chăm sóc khách hàng của Grab, kể rõ những chi tiết đã xảy ra. Họ nói rằng vụ việc này rất nghiêm trọng, họ đã tạm thời khóa tài khoản của tài xế và sẽ xử lý vấn đề một cách thỏa đáng. Mình an tâm là họ sẽ làm như vậy. Grab là một công ty đa quốc gia và cách nói chuyện của họ rất chuyên nghiệp. Chỉ ít ngày sau đó, trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng và đội trưởng quán lý nhóm tài xế bao gồm tài xế hành hung mình đến nhà mình để “tìm hiểu thêm về sự việc”. Họ mang theo một gói quà to, nhưng gia đình mình đã không nhận. Hôm đó, các thành viên khác trong gia đình mình cũng tham gia buổi gặp vì mọi người đã theo dõi vụ việc từ đầu và ai cũng rất phẫn nộ. Thay vì hỏi thăm về tình hình sức khỏe của mình, nhân viên Grab bắt đầu kể về hoàn cảnh khó khăn của tài xế. Họ nói rằng ông ta có con nhỏ, rằng lái xe Grab là nguồn thu nhập chính của gia đình ông ta nên mong mình tha thứ. Mình nhớ lại về gia đình người Maroc không có nhiều tiền nhưng vẫn chia sẻ bữa cơm đạm bạc với mình và bạn bè của mình. Rồi những ông tài xế người Mexico rất lịch sự, dù đã hơn 80 tuổi vẫn lái xe vì yêu quý công việc của họ. Và rất, rất nhiều người Việt Nam không có điều kiện nhưng vẫn tận tình giúp đỡ người lạ khi họ gặp khó khăn. Nghèo đói không phải cái cớ để làm kẻ xấu. Rồi đại diện Grab lại tiếp tục nói rằng, vì mình đã sống ở nước ngoài lâu năm nên không biết về xã hội Việt Nam, rằng hành vi của ông tài xế đầy rẫy trong xã hội và rất khó để một công ty như Grab quản lý, rồi rằng thông thường, những lời đe dọa chém giết là chỉ nói cửa miệng thôi nên mình không phải…sợ. Mình nói lại với họ rằng mình không cần biết hoàn cảnh của ông ta ra sao, nếu khó khăn thật thì ông ta đã biết trân trọng đồng tiền và công việc, rằng Grab cần phải tìm cách ngăn ngừa cho những trường hợp tương tự xảy ra. Nói giết, cho dù chỉ là đe dọa, là hành vi không thể được tha thứ. Từ đe dọa đến thực hiện nhiều khi chỉ là một bước nhỏ. Hãy nhớ về bao nhiêu vụ giết người trong xã hội Việt Nam mà trong đó có cả nhiều vụ giết người thân trong nhà. Vậy tính mạng của một khách hàng lạ mặt đối với kẻ vô lương tâm có đáng là gì? Trước buổi gặp đại diện Grab hôm đó, mình đã tìm thấy trên mạng nhiều bài báo về tài xế Grab, GoViet hung hăng đánh đập khách hàng và có những chi tiết giống hệt vụ việc của mình. Vậy thì vấn đề xảy ra với mình hoàn toàn không phải là hiếm. Cũng có thể là các tài xế đã đọc về những vụ hành hung trên báo rồi khi thấy các công ty không giải quyết một cách nghiêm khắc, họ cảm thấy mình hành hung khách hàng cũng sẽ không phải nhận hậu quả nên họ sẽ không sợ “vung tay”. Chỉ một vụ việc đáng tiếc xảy ra thôi cũng là quá nhiều để các công ty như Grab và GoViet tìm cách phòng ngừa nghiêm túc rồi. Mình gợi ý với họ rằng, vì những tài xế Grab lái xe vì mục đích kiếm tiền, nên công ty nên giữ lại một khoản tiền từ các tài xế đăng ký tài khoản với Grab và sẽ trừ nếu đối xử thiếu văn minh với khách hàng. Giữ tiền hoặc trừ tiền là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn những hành vi thiếu văn minh. Họ trả lời rằng rất khó để giữ tiền của các tài xế vì thường họ không có tiền, rồi nói: “Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến khách hàng.” Tiếp thu hay không tiếp thu, chỉ người trong công ty mới biết. Nhưng mình có cảm giác là họ sợ mất tài xế (và mất khoản thu nhập) hơn là quan tâm đến tính mạng của khách hàng. Họ lại xin mình và gia đình không làm lớn chuyện và không báo công an, lại là vì “hoàn cảnh gia đình khó khăn”. Rồi, trước mặt cả gia đình mình, họ nói rằng họ sẽ khóa tài khoản của tài xế vĩnh viễn. Họ nói rằng khóa tài khoản Grab vĩnh viễn là một điều khủng khiếp đối với các tài xế vì Grab là ứng dụng đặt xe phổ biến nhất Việt Nam. Mình chấp nhận với cách giải quyết này và yêu cầu họ gửi cho mình email thông báo kết quả cuối cùng. Một ngày sau đó, mình nhận được email thông báo kết quả giải quyết vụ việc của Grab. Đây là một phần nội dung của email: “Như đã đề cập ở trên, Grab không nhân nhượng với những hành vi vi phạm quy Bộ Quy tắc Ứng xử của đối tác tài xế mà làm ảnh hưởng đến an toàn và trải nghiệm dịch vụ của khách hàng. Đối tác Cường đã bị tạm ngừng hoạt động tham gia tái đào tạo về quy tắc ứng xử, cũng như sau khi thông qua việc tái đào tạo đối tác sẽ không được quyền tham gia chạy những chuyến xe chở khách GrabBike mà chỉ được tham gia hoạt động trên những chuyến xe giao hàng GrabExpress và GrabFood.” Trước mặt gia đình mình, họ đã khẳng định là tài xế sẽ bị khóa tài khoản vĩnh viễn, rồi trong email, họ lại thông báo rằng tài xế sẽ được chuyển sang một bộ phận khác, có nghĩa là vẫn được kiếm tiền với Grab! Mình trả lời lại là cách giải quyết của họ đã khiến cho mình cảm thấy thất vọng và không được tôn trọng vì họ đã không giữ lời nói của mình với khách hàng. Bộ phận chăm sóc khách hàng lại gọi điện lại cho mình, nói rằng tài xế Grab đã biết được tội của mình và vì hoàn cảnh của gia đình ông ta nên công ty đã tiếp tục cho ông ta làm việc. Một công ty đa quốc gia không tôn trọng khách hàng và làm việc với “luật rừng” như vậy có xứng đáng với lòng tin của khách hàng? Vì biết rằng cuối cùng, nếu Grab nói với mình rằng họ đã vĩnh viễn khóa tài khoản của tài xế thì mình cũng không tin họ được nữa, nên mình nói với cô nhân viên rằng mình chỉ có một yêu cầu nữa cho tài xế thôi, đó là ông ta phải viết thư xin lỗi mình. Một ngày sau, mình nhận được thư viết tay của ông ta. Trong đó, ông ta không hề nhắc tới việc ông ta đánh mình và dọa sẽ giết mình, mà chỉ nói: “Tôi phản xạ và vung tay về phía sau vào chị khách.” Có nghĩa là ông ta đang nói rằng việc vung tay chỉ là phản xạ, chỉ là chuyện sơ ý?Vậy lá thư này có chứng tỏ là ông ta biết lỗi của mình? Không. Nên mình yêu cầu ông ta viết lại. Vài ngày sau, mình nhận được bức thư thứ 2 của ông ta, trong đó ông ta viết: “Tôi có vung tay đánh chị Hương vào đầu đồng thời trong lúc nóng giận tôi có những lời lẽ mang tính hăm dọa.” Vì đã đến ngày rời khỏi Việt Nam nên mình cũng không báo công an, nhưng nếu vẫn ở Việt Nam, mình chắc chắn sẽ đi báo, cho dù điều này làm mất thời gian của mình.

Mình tin rằng bất cứ khi nào có vấn đề bức xúc xảy ra, chúng ta cần phải lên tiếng chứ không thể bỏ qua. Không có một lý do bào chữa nào cho hành vi hành hung và đe dọa tính người. Bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu mà mình chứng kiến sự bất công, mình đều lên tiếng. Ở Hoa Kỳ, mình đã giúp đỡ cho một nạn nhân bị xâm hại tình dục, cuối cùng chị đã đưa được kẻ xâm hại chị (là một người ở Hoa Kỳ bất hợp pháp nữa chứ!) ra Bộ Lao động và yêu cầu ông ta phải bồi thường cho chị một khoản tiền lớn (để các bạn hình dung ra, nếu bạn xâm phạm tình dục ở Hoa Kỳ, số tiền bạn có thể phải trả cho nạn nhân sẽ vào tầm trăm nghìn USD). Ở Đan Mạch, mình đã lên tiếng khi gặp phải một nhà xuất bản vô đạo đức và đã tìm cách đóng cửa nhà xuất bản đó – sau nhiều tháng đấu tranh, mình đã làm được. Mình không chỉ làm những điều này vì bản thân mình mà cho cả xã hội nữa. Những người lương thiện trên thế giới chiếm phần lớn, nhưng những kẻ vô lương tâm và vô đạo đức có thể sẽ gây thảm họa cho xã hội nếu chúng ta không quyết tâm ngăn chặn chúng.

Hãy nhớ các bạn nhé: mỗi khi gặp phải sự bất công, HÃY LÊN TIẾNG ĐỂ BẢO VỆ CHO BẢN THÂN VÀ CỘNG ĐỒNG.


Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới

Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới là một dự án blog của Đức, Hương và Linh, ba công dân toàn cầu người Việt đã từng sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới.

0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *