Mẹ Ngỗng- Phần 1: Đồng dao và câu chuyện sau những vần điệu
“My mother, she killed me,
My father, he ate me,
My sister Marlene,
Gathered all my bones,
Tied them in a silken scarf,
Laid them beneath the juniper tree,
Tweet, tweet, what a beautiful bird am I.”
10 giờ đêm, Youtube tự chuyển bài, khúc đồng dao đột ngột vang lên không hề có sự báo trước. Giọng trẻ con ngây thơ ngân nga cùng tiếng cười khanh khách, nhưng lời bài hát lại khiến người ta phải rùng mình. Một cảm giác lành lạnh chạy dọc sống lưng tớ. Tớ đã phát run, nhưng không thể nhịn được ấn “replay” bài hát đó.
Phần giới thiệu viết đây là một bài thơ thuộc tuyển tập “Mother Goose rhymes” (“Đồng dao mẹ Ngỗng”), một cái tên nghe lạ hoắc khiến tớ tò mò tìm kiếm thêm thông tin.
- Mẹ Ngỗng là ai?
Chúng ta đều đã quen thuộc với những truyện cổ nổi tiếng của châu Âu, như “Công chúa ngủ trong rừng”, “Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn” hay “Cô bé lọ lem”. Những truyện này đều ra đời từ lâu lắm rồi, lâu đến mức chẳng ai biết tác giả của chúng là ai.
Người dân nước Anh có một truyền thuyết từ xa xưa, kể về một bà cụ xấu xí nhưng rất hiền lành và tốt bụng, cưỡi trên con ngỗng lớn đi khắp nơi, ghé thăm các em nhỏ và kể cho các em nghe những câu chuyện thần tiên. Người ta gọi bà là mẹ Ngỗng.
Thực tế lịch sử lại có những lí giải khác nhau về nhân vật mẹ Ngỗng. Tại Pháp, mẹ Ngỗng được cho là ám chỉ hoàng hậu Bertha – vợ vua Henry II, người được kể lại rằng thường hay vừa quay tơ vừa kể chuyện cho bọn trẻ. Về sau, các truyện của bà được tổng hợp lại bởi Charles Perrault và truyền miệng sang Anh.
Một phiên bản khác ở vùng Boston, tiểu bang Massachusetts nước Hoa Kỳ, mẹ Ngỗng tên thật là Elizabeth Foster Goose (1665–1758). Sau khi chồng mất, bà sống với con gái cả của mình, thường thích hát các bài đồng dao cho những đứa cháu nhỏ và bọn trẻ trong làng. Con rể của bà là một chủ nhà in, cũng là người đã tập hợp các câu chuyện của bà và xuất bản.
Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một bằng chứng chính xác nào về nhân vật mẹ Ngỗng. Các học giả thế giới buộc phải tạm chấp nhận rằng, nhân vật mẹ Ngỗng kì thực là các tác giả dân gian.
Với người dân Anh-Mỹ, cụm từ “Mother Goose rhymes” được hiểu như là “nursery rhymes”, nghĩa là tất cả các bài đồng dao dành cho trẻ em nói chung. Cũng bởi vì vậy mà tập ca dao nhi đồng nào của Anh- Mỹ cũng mang tên “Mẹ Ngỗng”.
- Đồng dao mẹ Ngỗng:
Ấn tượng về bài đồng dao đầu tiên được đọc đã khiến tớ có những hiểu lầm tai hại. Kì thực, đồng dao mẹ Ngỗng không chỉ toàn những bài hát u ám. Phần lớn các bài đồng dao đều rất dễ thương với những câu chuyện tràn ngập sắc màu cổ tích. Những nhân vật trong các bài đồng dao gắn với cuộc sống đời thường, những chú mèo con, những chú chuột, nhưng đều được nhân hóa lên qua những cuộc hành trình thú vị hoặc các hành động đáng yêu.
Nhưng bên cạnh những bài đồng dao ấy, vẫn có một phần các bài đồng dao khiến người đọc phải rùng mình. Năm 1941, Hội cải cách đồng dao trẻ em của người Anh (The British Society for Nursery Rhyme Reform) đã lên án 100 bài thơ vần phổ biến nhất- những bài đồng dao bị cho là không phù hợp với các em nhỏ. Trẻ em rơi từ trên cây, ăn thịt người, đầu người bị cắt giữa trung tâm London, động vật bị nấu sống… Những bài đồng dao khiến nhiều người không khỏi tự hỏi: Liệu chúng có thật sự phù hợp với trẻ em?
“Đồng dao là bước đầu tiên để giáo dục con cái bạn” (“”A Nursery Rhyme, the first step to your children’s education”). Mỗi bài đồng dao đều ẩn chứa những thông điệp sâu sắc, truyền tải các bài học đạo đức tới các em.
Chẳng hạn như bài đồng dao “Một chú cú khôn ngoan” (“A Wise Old Owl”):
A wise old owl lived in an oak
The more he saw the less he spoke The less he spoke the more he heard Why can’t we all be like that wise old bird? |
Một con cú già khôn ngoan sống trong một cây sồi
Càng thấy nhiều nó lại càng ít nói Càng ít nói nó lại càng nghe nhiều Sao chúng ta không thể giống như chú chim già khôn ngoan đó? |
Một bài đồng dao khác cũng được nhiều bậc phụ huynh áp dụng để giáo dục con cái, mang tên “Cô bé chăn cừu” (“Little Bo Peep”).Không có một lí giải cụ thể về nhân vật “con cú” được ám chỉ trong bài, nhưng thông điệp nó truyền tải luôn là một bài học đắt giá dù ở bất cứ thời đại nào.
“Little Bo Peep has lost her sheep
And doesn’t know where to find them. Leave them alone and they’ll come home, Bringing their tails behind them. Little Bo Peep fell fast asleep And dreamt she heard them bleating, But when she awoke, she found it a joke, For they were all still fleeting. Then up she took her little crook Determined for to find them. She found them indeed, but it made her heart bleed, For they left their tails behind them. It happened one day, as Bo Peep did stray Into a meadow hard by, There she espied their tails side by side All hung on a tree to dry. She heaved a sigh, and wiped her eye, And over the hillocks went rambling, And tried what she could, As a shepherdess should, To tack again each to its lambkin.” |
Cô bé chăn cừu đã để để mất những chú cừu
Và không biết phải tìm chúng ở đâu. Cứ kệ chúng và chúng sẽ tự về nhà mang đuôi của họ phía sau Cô bé chăn cừu rơi vào giấc ngủ Và mơ thấy cô nghe thấy tiếng kêu be be, Nhưng khi thức dậy, cô thấy nó là một trò đùa, Vì vẫn chẳng thấy lũ cừu đâu. Sau đó, cô cầm chiếc gây nhỏ của mình Quyết định sẽ đi tìm chúng. Cô đã tìm thấy chúng, nhưng nó làm cho trái tim cô chảy máu, Vì chúng đã bỏ lại cái đuôi của mình. Nó xảy ra vào một ngày,khi cô đi lạc Vào một đồng cỏ cứng Ở đây cô thấy những cái đuôi sát cạnh nhau Tất cả treo trên một cây khô. Cô thở dài, và lau mắt, Và lang thang trên những đồi cỏ Và cố gắng những gì cô có thể, Như một người chăn cừu nên làm Cố gắng đưa những chú cừu con trở về.” |
Đây là câu chuyện về một cô bé chăn cừu khá… lười biếng và thiếu trách nhiệm. Một lần ngủ quên, cô đã để lạc mất bầy cừu. Cô bé buộc phải đi tìm những chú cừu của mình, và cô đã thấy chúng trên một cánh đồng. Nhưng trái tim cô bé đã tan nát khi thấy những chiếc đuôi cừu lủng lẳng treo trên một cành cây khô. Những con cừu đã bị đứt đuôi (“left their tails behind”). Cô bé đau khổ, và chợt vô tình trông thấy những chú cừu của mình đang lang thang ở đổi cỏ trước mắt. Giờ đây, cô bé phải hoàn thành trách nhiệm của mình, đưa những cừu trở về.
Bài đồng dao là lời phê phán thái độ thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, cuối bài cô bé chăn cừu đã nhận ra sai lầm và tìm cách sửa chữa. Đây xem như là lời động viên trẻ em nhận ra và tự sửa chữa lại sai lầm.
Hay như bài đồng dao ở tớ nhắc đến ở đầu bài, mặc dù khá rùng rợn, nhưng nó là một phần của truyện cổ tích “Cây bách xù” – một câu chuyện về quan niệm “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”.
Song song với các câu chuyện về đạo đức, đằng sau những vần điệu của đồng dao là những thông điệp về chính trị và lịch sử. Nếu đi sâu vào tìm kiếm lịch sử của chúng, đôi khi, chúng ta sẽ bị đẩy vào một thế giới của bạo lực, khủng bố tôn giáo, dịch bệnh, giết người…
Chẳng hạn như bài đồng dao “Mary, Mary, cô gái bướng bỉnh” (“Mary, Mary Quite Contrary):
“Mary Mary quite contrary,
How does your garden grow? With silver bells and cockle shells And pretty maids all in a row” |
“Mary, Mary, cô gái bướng bỉnh,
Khu vườn của bạn phát triển như thế nào? Với những chiếc chuông bạc và vỏ sỏ Và những người hầu gái xếp thành hàng tăm tắp” |
Thực tế thì, bài đồng dao ám chỉ Mary đẫm máu (Bloody Mary), con gái vua Henry VIII. Mary là một tín đồ Công giáo, bà đã bắt và tra tấn dã man những người theo đạo Tin lành. “Khu vườn” được cho là một nghĩa trang, “chuông bạc” là những chiếc đinh tán, “vỏ sò” là một dụng cụ tra tấn và “những người hầu gái” là những chiếc máy chém đầu.
Một bài đồng dao khác, bắt nguồn từ nước Hoa Kỳ. Bài hát cho thấy một quan điểm khá nghiệt ngã về việc phụ nữ li hôn chồng, và cũng là một lời cảnh báo tới những người phụ nữa ngoại tình. Bài đồng dao mang tên “Peter, Peter, người ăn bí ngô” (“Peter, Peter, pumpkin-eater”):
“Peter , Peter , pumpkin-eater,
Had a wife and couldn’t keep her; He put her in a pumpkin shell, And there he kept her very well” |
“Peter, Peter, người ăn bí ngô
Có một người vợ những không thể giữ cô ấy Anh ấy đã đặt vợ vào trong quả bí ngô Và anh ấy đã giữ được vợ mình.” |
Anh chàng Peter dường như đã giết người vợ của mình vì không thể giữ lại cô ấy (do người vợ đòi li hôn hoặc đang ngoại tình). Peter đã đặt vợ vào quả bí ngô khoét rỗng, xem như đây là cách bảo quản xác người vợ tốt nhất.
Đâu là lí do khiến những bài đồng dao tràn đầy sức hấp dẫn? Không chỉ lôi cuốn với những vần điệu về những nhân vật đáng yêu, các bài đồng dao u ám cũng có một sức hấp dẫn lạ kì. “Bọn trẻ thích nghe những bài thơ, và thích bị chính những bài thơ dọa.” một người bạn đã chia sẻ với tớ.
Những đứa trẻ lớn hơn thì thích các bài đồng dao mẹ Ngỗng còn bởi chúng chứa đựng những câu chuyện lịch sử tưởng như đã bị giấu kín. Trong những thế kỉ trước, khi mà đa phần người dân bị mù chữ, và phải chịu sự đàn áp dã man, những bi kịch lịch sử được biên lại thành các bài đồng dao và kể lại cho trẻ em nghe. Bằng cách này, những câu chuyện được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và sự thật không thể bị che dấu.
Khoảnh khắc những bài đồng dao cất lên, sợi dây liên kết vô hình giữa các thế hệ dường như càng thêm bền chặt.
<còn tiếp>
Nguồn ảnh: Pinterest
Người viết: Hà Phương
0 Bình luận