Để thành thạo tiếng Anh mất bao lâu và tại sao có người chỉ ôn hai ngày là được IELTS 7.5?
Tôi xin phép kể câu chuyện của bản thân về con đường chinh phục tiếng Anh nói chung và IELTS nói riêng của mình. Hi vọng nó sẽ giúp các bạn có một cái nhìn nhận khác hơn về việc học tiếng Anh. Câu chuyện của tôi sẽ trả lời cho các câu hỏi: “IELTS có quan trọng không?”, “Mất bao lâu để giao tiếp thành thạo?” và “Ôn mấy tháng thì được IELTS điểm cao?” mà mọi người rất thường hay hỏi tôi.
Cách đây năm năm, điểm tiếng Anh thi đại học của tôi được 5.5 điểm, và tất nhiên tôi đã…trượt. Tôi mang trái tim tan vỡ với thất bại đầu đời về quê với dự định nghỉ học đi làm công nhân. Nhưng rồi định mệnh thế nào, tôi lại đăng kí đi học cao đẳng sư phạm ngành tiếng Anh. Lúc đấy tôi vẫn không biết dự định nghề nghiệp sau này của mình là gì. Tôi đi học chỉ vì tôi thích tiếng Anh.
Tôi không phải là một người mất gốc hẳn. Những kiến thức ngữ pháp cơ bản tôi đều nắm rõ. Chỉ là tôi không thể nghe, nói, đọc, viết ở mức thành thạo. Suốt những năm đi học cao đẳng, tôi cảm thấy rất chán nản vì lên lớp không có động lực. Những bạn trong lớp tôi đều học rất yếu tiếng Anh và lười biếng. Họ cũng như tôi đi học cao đẳng vì đã rớt đại học.
Tôi vẫn nhớ thời gian đầu khi làm bài tập tiến Anh trình độ PET (B1 ~ tương đương với IELTS 4.0), tôi đã toát hết mồ hôi vì đề quá khó. Tôi cảm thấy đau đầu khi phải đọc tiếng Anh nhiều như thế. Khi làm bài tập nghe tôi không nghe được nhiều. Môn nói thì còn kinh khủng hơn. Tôi không thể trả lời được câu hỏi của cô giáo: “What is your favorite dish?”. Mỗi lần nói tiếng Anh miệng tôi như cứng lại. Tôi có ý trong đầu nhưng không diễn tả được. Điểm cộng duy nhất của tôi là phát âm chuẩn. Tôi không mất nhiều thời gian để luyện tập phát âm giống như những bạn khác.
Ngoài thời gian trên lớp, tôi thường hay hát bằng tiếng Anh, hay xem Youtube bằng tiếng Anh và hay xem Masterchef bằng tiếng Anh. Tôi thường xem những chương trình mình yêu thích nhiều lần rồi nhại lại cách họ nói. Tôi tải rất nhiều bài nghe tiếng Anh về điện thoại để rảnh là nghe. Tôi nghe rất nhiều thời gian ấy. Ăn cơm tôi cũng nghe, làm việc nhà tôi cũng nghe, chat với bạn bè tôi cũng nghe, và thậm chí ngủ tôi cũng cứ để điện thoại phát bài nghe đó và từ từ chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau khi tôi tỉnh dậy, bài nghe vẫn đang được phát. Tôi vừa đánh răng vừa nghe. Tôi nghe theo kiểu bị động nên không thấy áp lực. Sau này chính vì nghe nhiều quá mà tôi thuộc luôn cả lời thoại của những bài ấy. Chỉ cần nghe một câu là tôi đoán được câu tiếp theo là gì. Và chính vì nghe nhiều nên tôi cũng biết nói ra sao cho đúng.
Học ở quê không có môi trường nói tiếng Anh nên tôi tự nói tiếng Anh với chính mình. Trong lúc đi xe máy đến trường hay từ trường về nhà tôi thường tự lẩm bẩm nói tiếng Anh về những gì mình đang suy nghĩ. Tôi lên mạng nói chuyện với những người bạn Việt Nam bằng tiếng Anh. Trong khi các bạn trên lớp hay đổ lỗi cho cô giáo dạy học chán, trường không có hoạt động, ở quê không có môi trường học, tôi tự tạo động lực và môi trường cho bản thân mình. Sau khi đề nghị mọi người trong lớp nói tiếng Anh nhưng không ai đồng ý, tôi tự nói tiếng Anh một mình. Và vì tôi không có một môi trường nói tiếng Anh, tôi tự tạo môi trường ra cho mình.
Thực ra không phải lúc nào tôi cũng chăm chỉ, có những khi tôi chỉ dành thời gian xem video hay xem phim bằng tiếng Anh thôi vì những bài tập kia quá chán và khiến tôi buồn ngủ. Nhờ xem Masterchef quá nhiều mà từ vựng tiếng Anh của tôi tăng lên đáng kể. Tôi biết rất nhiều từ vựng bằng tiếng Anh và có thể xem chương trình nấu ăn bằng tiếng Anh không cần phụ đề.
Vì học cao đẳng sư phạm nên chúng tôi cần thi bằng FCE (B2 ~ tương đương IELTS 5.5). Khoa tôi thường đồn rằng B2 thi rất khó. Thậm chí các anh chị năm cuối chỉ có một đến hai người thi được. Với cái bằng này chúng tôi có đủ trình độ để đi giảng dạy tại các trường cấp hai công lập. Trước khi thi tôi cũng nghĩ là mình không thi được (vì tất cả mọi người đều nói kì thi này rất khó). Hè năm thứ hai tôi ở nhà ôn luyện một tháng và bắt xe lên Hà Nội đi thi. Kết quả tôi là người đầu tiên và duy nhất trong lớp thi được bằng B2. Hơn thế, môn nói của tôi được đạt số điểm tương xứng với trình độ C1. Tôi nghĩ lí do vì sao tôi có thể nói thành thạo sau hai năm đó là nhờ tôi liên tục rèn luyện, nghe bằng tiếng Anh và tự nói chuyện một mình. Nhưng yếu tố quan trọng nhất là tôi có người để nói cùng mình mỗi ngày liên tục hai tiếng – dù cho người đó không nói tiếng Anh chuẩn nhưng nhờ họ mà tôi đã có thể phản xạ tiếng Anh nhanh. Chính vì vậy tôi nghĩ rằng những bạn nào luôn luôn nói rằng phải nói chuyện với người nước ngoài thì mới giỏi tiếng Anh được thì tôi hoàn toàn không đồng tình. Bản thân tôi phần lớn thời gian là học với giáo viên người Việt nhưng tôi vẫn nói tiếng Anh tốt. Các bạn có thể cùng bạn thân hay bạn cùng lớp luyện nói tiếng Anh cùng mình mỗi ngày.
Tôi vẫn nhớ có lần trường tôi mời một thầy người Mỹ về dậy tiếng Anh cho chúng tôi. Trong hai tuần học thầy chúng tôi không khá lên được chút nào vì thầy chẳng dậy gì nhiều cả và tôi cảm thấy phí phạm thời gian của mình. Sách ngày đó được phát chúng tôi cũng không bao giờ dùng. Giáo viên cũng phải tuỳ người. Nếu mà người bản ngữ nhưng không có khả năng truyền tải, giảng dạy hay trình độ học sinh không đủ để hiểu họ nói toàn bằng tiếng Anh thì khoá học ấy sẽ thất bại.
Sau ba năm cao đẳng tôi đã lên Hà Nội đi dạy tiếng Anh cho trẻ con. Về nghe nói thì tôi đã giao tiếp thành thạo nhưng tôi với nghề giảng dạy giáo viên thì hầu như nơi nào cũng yêu cầu bằng IELTS. IELTS lúc ấy là kẻ thù với tôi. Tại sao? Bởi vì nó khó (tôi nghe mọi người bảo thế)! Bởi vì phí thi đắt! Bởi vì những bài luyện tập IELTS cực kì chán và tôi ghét chúng.
Tôi từng tự mua sách về ôn IELTS nhưng được hai ngày tôi vứt vào xó vì chúng quá nhàm chán. Sau đó tôi bỏ ý định thi IELTS và tuyên bố rằng tôi giao tiếp thành thạo rồi cần gì thi IELTS nữa. Nhưng rồi định mệnh lại bắt tôi phải thi bởi vì tôi có ý định đi du học. Một năm rưỡi sau ngày ra trường, tôi bắt tay vào ôn IELTS và đạt được kết quả 7.5 sau ba tuần ôn thi. Một người bạn của tôi chỉ mất hai ngày cho cùng một số điểm.
Có nhiều người nói chúng tôi là giỏi vì đạt được số điểm đó trong thời gian ngắn. NHƯNG, các bạn cần biết là trong thời gian ba tuần hay hai ngày đó, chúng tôi đã chỉ học cấu trúc của bài thi thôi chứ không phải là học tiếng Anh! Nếu chúng tôi bắt đầu bằng con số 0 thì chắc chắn rằng chúng tôi đã không có được kết quả như vậy sau thời gian ôn thi kể trên. Chúng tôi không mất nhiều thời gian ôn thi đơn giản chỉ là chúng tôi đã học tiếng Anh “ĐỂ SỬ DỤNG” trong giao tiếp trước khi mà chúng tôi bắt tay vào ôn thi. Gọi là “ôn thi” nhưng thực chất đó chỉ là bước để chúng tôi quen với dạng bài mà thôi.
Có một sự thật khi tôi nói ra không ai tin, nhưng tôi vẫn phải nói. Tôi chưa từng làm một bài IELTS Reading nào cũng như là không viết một bài luận hoàn chỉnh nào trước khi đi thi. Và cách kì thi hai tuần tôi thậm chí còn không biết viết nhận xét cho biểu đồ. Nhưng tại sao tôi vẫn đạt được mức 7.5?
Thực ra không khó.
Môn đọc của IELTS từ vựng rất học thuật. Và tất nhiên từ vựng của tôi không nhiều đến mức có thể hiểu được tất cả nội dụng cũng như thời lượng làm bài quá ngắn. Chính vì vậy nhờ một vài tips mà tôi có thể dễ dàng đạt được band 7.5 mà KHÔNG CẦN HIỂU TOÀN BỘ BÀI. Có những câu tôi làm chắc chắn mình làm đúng mặc dù KHÔNG HIỂU gì.
Môn viết thực ra tôi cũng không nghĩ mình quá sáng tạo vì có một công thức chung cho các bài viết nên tôi cứ tuỳ bài mà ốp vào làm. Vì đã vững ngữ pháp và từ vựng trước đó giúp cho việc ôn viết của tôi không gặp nhiều khó khăn. Tôi dành một tuần để ôn Viết.
Ảnh minh hoạ một cấu trúc đề thi Viết tôi đã chia sẻ. Với cấu trúc này tôi có thể áp dụng vào làm tất cả những đề khác có dạng bài tượng tự. Tất nhiên sau khi thi xong một thời gian và không dùng đến nhiều tôi đã bị quên cách viết.
Môn nói tôi thề là mình không nói bất kì từ đao to búa lớn nào mà chỉ dùng các từ “bình dân” như : good, enjoyable, lively. Bù lại phát âm của tôi chuẩn, tôi nói có ngữ điệu và luôn trả lời câu hỏi của giám khảo ngay lập tức. Ngay lập tức ở đây nghĩa là tôi không cần đến một giây suy nghĩ. Tại sao? Vì trước đó tôi đã sử dụng tiếng Anh như thế nào thì bây giờ tôi dùng đúng như thế. Nó rất tự nhiên chứ không gượng ép gì. Môn thi nói không hề áp lực một chút nào.
Những kiến thức trong IELTS chủ yếu là học thuật và nó phù hợp cho bạn nào có ý định đi du học. Bởi khi đi du học các bạn sẽ phải viết các lá thư động lực, viết luận văn, luận án và thống kê.
Tuy nhiên, tôi quen rất nhiều bạn thi IELTS chỉ được 6.0 hay 6.5 nhưng vẫn đi du học thạc sĩ/ tiễn sĩ mà không gặp khó khăn gì trong giao tiếp cả và họ vẫn đạt được nhiều thành công trong học tập.
Thế nhưng, hiện nay câu hỏi “IELTS mấy chấm?” là một câu hỏi phổ biến đối với giới trẻ Việt Nam. Họ tôn sùng những người được IELTS điểm cao và tạo áp lực cho bản thân phải thi được (trong khi công việc của họ không yêu cầu bằng IELTS). Nhiều người bỏ cả chục triệu đến trăm triệu đồng để đi học với lời hứa “cam kết đầu ra”.
Có rất nhiều nơi chỉ cần phỏng vấn và thấy tiếng Anh của bạn tốt thì sẽ nhận bạn luôn. Nhưng có rất nhiều chỗ làm sẽ loại bạn từ vòng gửi xe chỉ vì bạn không có chứng chỉ IELTS. Tôi từng bị một hiệu trưởng trường mầm non tỏ ý từ chối phỏng vấn vì tôi tốt nghiệp tại một trường cao đẳng không tên tuổi và không có bằng IELTS. Sau đó chị gọi một chị học tốt nghiệp đại học ra để phỏng vấn tôi mấy câu nhạt nhẽo không có chiều sâu về nghề nghiệp rồi quyết định nhận tôi vì chị ấy xác nhận tôi nói tiếng Anh tốt. Chị hiệu trưởng đó còn nói tôi là người duy nhất học cao đẳng mà được nhận ở đây vì giáo viên tại đây toàn tốt nghiệp đại học. Tôi sau đó từ chối làm vì cảm thấy bị coi thường.
Trước và sau khi có bằng IELTS tôi chẳng thay đổi gì. Chỉ khác là tôi có tấm bằng (mà sau khi scan lấy bản PDF thì tôi đã không bao giờ cần dùng nữa). Tôi không bao giờ muốn thi lại nữa vì nó quá tốn kém. Tất nhiên trong trường hợp của tôi bằng IELTS là cần thiết vì đó là điều kiện cần để tôi nộp hồ sơ du học. Thứ hai là vì tôi hiện tại đang theo nghề giảng dạy nên chứng chỉ tiếng Anh là giấy tờ không thể thiếu.
Bây giờ tôi đang học thêm một ngoại ngữ nữa đó là tiếng Hà Lan. Tôi tự học mà không đi trung tâm nào hết bởi vì tôi áp dụng phương pháp học ngày xưa tôi đã dùng để học tiếng Anh nên không cảm thấy áp lực nhiều.
Thân gửi những bạn đang có dự đinh thi IELTS:
Hãy cứ học tiếng Anh để “SỬ DỤNG” nó thành thạo đi rồi hãy nghĩ đến việc đi thi. Vì một khi bạn giao tiếp thành thạo rồi thì bạn chỉ cần một thời gian rất ngắn để có thể đạt được điểm số IELTS mà mình mong muốn. Và bạn cần dùng IELTS để làm gì? Nếu chỉ để khoe hay vì theo phong trào thì mình khuyên nhỏ bạn không nên tốn tiền làm gì. Với số tiền ấy bạn có thể đi du lịch rất nhiều nơi và làm được rất nhiều thứ.
Đó là lí do vì sao có những người bản thân ngữ pháp và từ vựng chưa vững đã đăng kí học IELTS sẽ cảm thấy con đường ấy rất khó khăn và mãi không thực hiện được.
Vậy tóm lại, bằng IELTS có quan trọng không? Câu trả lời là CÓ nếu như bạn cần nó để đi du học, định cư ở nước ngoài hay vì công việc của bạn yêu cầu bằng IELTS. Và câu trả lời là “KHÔNG” nếu như bạn thi xong chỉ chụp ảnh đăng lên Facebook rồi vứt một xó.
Và, học bao lâu mới giao tiếp thành thạo tiếng Anh? Câu hỏi này còn tuỳ thuộc vào chính bản thân bạn nữa. Học ngôn ngữ là cả một quá trình chứ không phải một hai ngày hay vài tháng ngắn ngủi. Bản thân tôi dù đã có ngữ pháp cơ bản chắc nhưng vẫn mất hai năm trời để sử dụng được ngôn ngữ này thành thạo. Hiện tại dù vẫn đang dạy tiếng Anh giao tiếp nhưng tôi vẫn luôn luôn phải học tiếp, học nữa học mãi vì việc học không bao giờ là đủ.
Giờ tôi xem phim có cần phụ đề tiếng Anh không? Tất nhiên là có rồi.
Giờ tôi đọc báo có cần tra từ điển khộng? Tất nhiên là có rồi.
Học hỏi là cả một quá trình bạn à.
Tác giả: Thảo Xu
3 Bình luận
Nguyễn Thị Đào · 12/12/2018 lúc 10:01 chiều
Một ngày học cỡ bao nhiêu giờ ạ?
ninh thị bích ngọc · 17/01/2019 lúc 11:08 chiều
chào chị ,
mấy bữa nay e có đang tìm nhiều trung tâm để có thể học môn tiếng anh nè , e tự học ko được ( mặc dù đầu mình nghĩ là nó rất cần thiết cho mình, e thấy rất buồn ngủ và cảm thấy mình ” cà rốt”),học tiếng anh ai cũng kê dễ mà sao đối với mình nó khó thế, và e dã tự tìm ra cách ; tham khảo các trung tâm ngoại ngữ dương minh, tôi tự học, vus, SÁS, cô giang,.. chỗ học vs giảng viên nc ngoài thì 19tr/1 khóa , chỗ làng nhàng thì 5tr/1 khóa, đi du học PIL thì 2000 $/ tháng, nói chung chỗ mình ưng thì giá chát, chỗ bt thì lại ko yên tâm vì lớp đông với toàn gv việt nam phát âm ko chuẩn
rồi học mầy mò học thầy nọ cô kia cũng tốn mất 1 khoản
e rất biết tầm quan trọng của TA nên cùng bỏ công sức, tiền bạc ra tìm hiểu mà hầu như về tròn số 0,
h chị có thể tư vấn cho e nên học ở trung tâm ngoại ngữ nào cho vừa phải túi tiền của mình ( khoảng 1tr/ tháng) mà khi kết thúc khóa học có thể giao tiếp đc ko ?
mong nhận được email của chị !
Bảo · 07/03/2021 lúc 9:47 sáng
Bài chia sẻ của bạn rất chuẩn, Ielts không có gì ghê gớm lắm, ngay cả bạn Ielts 7.5 nhưng bạn qua Us nghe người bản xứ nói chưa chắc bạn hiểu gì và bạn nói họ cũng không hiểu, hãy học để “DÙNG” được không phải để thi lấy bằng. Ngày nào tôi cũng nghe đoạn hội thoại và học thuộc lòng từ phim sitcom, học luôn lòng luôn cách nói của họ nên tôi giao tiếp rất tự nhiên và chuẩn văn phong.