Chuyện người Ấn Độ và Philippines ở Hà Lan
Sau khi rematch với gia đình gốc Pháp, tôi chuyển đến ở cùng với một gia đình gốc Ấn Độ. Điều tôi thích nhất ở hai gia đình là các em đi học trường quốc tế nên đều nói tiếng Anh thành thạo, khiến cho việc giao tiếp với tôi không gặp bất kì khó khăn nào. Khi đến trường đón Erik, tôi gặp rất nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau : Ấn Độ, Trung Quốc, Afghanistan, Anh,… Ở trường tôi có bắt chuyện với một cô người Philippines. Gọi cô ấy là Ana. Ana nhìn vẫn còn trẻ, chắc ngoài bốn mươi. Cô ấy đã kết hôn với một người Hà Lan và sống ở đây được 8 năm rồi. Con trai của cô hai mươi tuổi, hiện vẫn đang học đại học và sống tại Philippines. Ana nói cô muốn đón con trai qua học từ trước khi em ấy mười tám tuổi, nhưng em ấy không thích và nhất định không chịu qua. Cô hiện tại ở Hà Lan làm nanny cho các gia đình ở đây, giúp họ đi đón con và dẫn các em về nhà, trông các em đến khi bố mẹ về. Cô kiếm được 10e một giờ, một tháng kiếm được hơn 800e. Cô nói cô gửi tiền về cho con trai cô đi học. Khi nghe tôi nói năm sau tôi sẽ về lại Việt Nam, cô hỏi sao không tìm cách ở lại đây? Tại sao không tìm một người đàn ông, kết hôn rồi ở lại đây? Tôi nói, nếu như tôi làm như thế, tôi không có tương lai, tôi không thể có việc mà tôi mong muốn ở đây. Cô đáp lại, tại sao lại không có tương lai? Hà Lan là một đất nước giàu có, dân Hà Lan khi nghỉ hưu vẫn có trợ cấp lương hưu, thất nghiệp đã có chính phủ lo, tại sao lại không có tương lai. Ana bảo tôi, mày có thể đi làm như cô, kiếm 10e một giờ, để dành tiền rồi đi học. Rồi chung quy lại ý của cô là tìm một người để kết hôn để có thể ở lại. Tôi nhớ lại lời Rina, người bạn aupair Indo của tôi nói rằng “Mày biết không Xu. Con bé cleaning lady nhà tao nó là người Philippines, hôm bữa nó rủ tao đi chơi với hội Philippines của nó hơn mười đứa. Sau năm phút nói chuyện bọn nó hỏi tao là sao mày không tìm một người đàn ông ở đây để yêu rồi ở lại? Tao không có ý racist nhưng khi nghe tụi nó nói thế, tao không muốn gặp lại bọn nó nữa.”
Dân Philippines được chuộng đi làm nanny, cleaning lady, babysit và thậm chí nhiều người còn chỉ tuyển Philippines, vì họ nổi tiếng ngoan ngoãn, nghe lời, dễ bảo, không bao giờ bật lại đòi quyền lợi của mình, và họ thực sự enjoy công việc đó. Họ thường tiết kiệm tiền gửi về cho gia đình mình và luôn rất nhẫn nhịn, chịu khổ giỏi. Tóm lại, họ dễ bóc lột. Nhất là những cô gái trẻ.
Giấc mơ của họ không lớn.
Cách đây hai tuần, trong một lần nói chuyện, host dad mới, Ankit, hỏi tôi “Xu, nếu như có cơ hội ở lại đây. Mày có muốn ở lại không?”. Tôi nghĩ hai giây rồi trả lời “Nếu như em ở lại bây giờ, em chỉ có thể làm công việc chân tay thôi. Và em không thích điều ấy! Em đã dành nhiều thời gian đi học và em không thể kết thúc như thế được.”
Lúc ấy, Ankit nói nguyên văn là “I like your answer, Xu. You know, a girl like you can do a lot of things. If you work hard then you can do whatever you want.”
Thực ra lúc ấy, tôi cũng không hiểu rõ lắm câu nói của Ankit, mãi cho đến tối hôm qua khi cùng nhau chờ Hena bơi, tôi và Ankit đã có một buổi nói chuyện vô cùng hăng say bắt đầu từ câu hỏi của tôi “Do you like your job?”. Ankit trả lời “I don’t like my job, Xu. I love my job and this is my problem.”
Ankit nói “Xu, em biết không? Anh sống ở đây, đi làm, phải cạnh tranh với dân nhiều nơi khác và cũng chính với dân Hà Lan luôn. Dân Hà Lan họ vẫn luôn coi anh là kẻ outside of their country. Nhưng anh vẫn làm việc chăm chỉ, mua nhà, mua xe xịn, đi chơi, hưởng thụ cuộc sống. Em phải suy nghĩ xem em muốn sống ở đâu. Ở Ấn Độ anh vẫn tìm được đầy việc tốt, không phải đóng thuế nhiều, mỗi 5% thôi. Ở đây anh phải đóng 53% thuế. Có nghĩa là nếu em kiếm được 5000 em phải đóng thuế mất 2650. Nhưng bù lại cuộc sống của em ở đây thoải mái hơn, an toàn hơn, bớt áp lực hơn, em vào làm lúc 9h và bùm 6h tối em về nhà. Sau khi sống ở Hà Lan anh đã thay đổi rất nhiều và có những điều ở Ấn Độ không còn phù hợp với anh nữa. Mỗi dịp holiday về Ấn Độ tầm một tuần là anh chịu hết nổi. Cách hành xử và nhiều lối sống anh không thể thích ứng được. Anh không biết ở Việt Nam như thế nào, nhưng ở Ấn Độ đàn ông cực kì gia trưởng. Đàn ông ở đây họ thoải mái hơn và dễ chịu hơn. Em có người yêu ở đây thì em biết phải không. Và em biết đấy, anh học MBA, nhưng nó cũng chỉ là một tờ giấy với mấy dòng chữ xoẹt xoẹt. Em phải đi làm, rồi tìm đam mê của mình là gì rồi hãy quyết định học tiếp. Nhưng cả đời em không thể làm cho người khác được, hãy nghĩ ra một cái business mà có thể vừa kết hợp đam mê của em mà vừa có thể kiếm ra nhiều tiền. Anh và Hena đều nói chuyện với nhau em là một người chăm chỉ, nhưng đôi khi em không quyết định được em muốn làm gì. Tìm việc không khó, quan trọng là em nói được bao nhiêu ngôn ngữ và em có dám take a risk không. Nhưng nếu em muốn làm, hãy làm cái gì unique. Aupair trước nhà anh là Noemi đến từ Hungary, tầm 25 tuổi, sau một năm cô ấy ở lại Hà Lan đi làm bồi bàn cho một nhà hàng, sống trong một căn hộ share phòng với hai người nữa. Anh phải nói, Noemi là một cô gái tốt, nhưng cô ấy không có ước mơ lớn. Em sẽ làm gì với cuộc đời của em khi em chỉ có thể kiếm 5-10e một giờ và struggle với việc trả tiền nhà, thuế sinh hoạt và đủ thứ hàng tháng? Xu, em phải cố gắng lên. Phải làm một cái gì đó to lớn.”
Anh kể chuyện Noemi làm tôi nhớ đến Rick, người Hà Lan, hai mươi lăm tuổi, làm pha chế cho một quán bar nhỏ với mức lương 5e một giờ nhưng vẫn thường xuyên đi party và enjoy cuộc sống. Không có mục tiêu gì cho cuộc đời của mình cả và tất nhiên cũng struggle với cuộc sống.
Người Ấn sang đây thường làm về IT, Business Manager, Sales Manager, Analyst Logistics, Design Engineer hay làm việc trong Bank. Họ rất giỏi và chăm chỉ (mặc dù cách họ nuông chiều con thì thôi rồi, Việt Nam không sánh được). Còn người Philippines hay bị racist. Cứ nghĩ đến cleaning lady, babysitter hay nanny là mặc nhiên người ta sẽ nghĩ đến Filipinos đầu tiên.
Hai câu chuyện khác nhau trên cùng một mảnh đất. Ana cười tự hào khoe với tôi ngày mai người bạn Ấn của cô ấy đi phỏng vấn xin việc nên nhờ cô ấy đón hai bé và trông hộ, cô được trả tận 30e dễ dàng. Đối với cô ấy, và rất nhiều người khác trên mảnh đất Hà Lan này, thế là đủ.
Nhưng đối với Ankit, dù đã mua được nhà ở Hà Lan, mua được xe, và đã đóng học phí tận 16.000e một năm cho con trai bốn tuổi đi học ở trường, thế vẫn là chưa đủ. Anh vẫn đi làm và góp vốn vào mở business riêng và ước mơ của anh vẫn chưa dừng ở đó.
Tôi hỏi “Hồi anh còn đi học, anh có học anh chăm chỉ không?” Anh đáp, “Có chứ. Anh học như điên luôn ấy.”
Tôi lại nhớ đến người bạn Ấn Độ ngày trước host tôi ở Rotterdam. Anh bạn ấy sau khi học đại học cũng đã đi làm mấy năm liền, không đi chơi, không du lịch không party gì để dành tiền sang Hà Lan học master ngành tài chính nhân hàng. Và sang đây rồi thì vẫn học chăm và party cũng không kém phần.
Trong khi có nhiều người hưởng thụ trước, cũng có nhiều người hưởng thụ sau.
Thực ra phụ nữ Philippines ở Hà Lan cũng làm việc rất chăm chỉ.
Chỉ là ước mơ của họ không lớn. Đối với họ thế là đủ.
0 Bình luận