Chia sẻ kinh nghiệm về đi học và tìm kiếm việc làm ở Mỹ

Đăng bởi Web Quản lý HCX vào

Chào các bạn,
Sau webinar trên Hộ Chiếu Xanh, rất nhiều em học sinh, sinh viên liên lạc hỏi chị những thắc mắc liên quan đến du học Mỹ. Trong webinar, sau khi chị nói về những thông tin cơ bản về du học ở Hoa Kì, vì thời gian có hạn nên còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Chị cảm thấy hơi áy náy nếu như phải đưa ra 1 câu trả lời sơ sài nhưng chị cũng không có đủ thời gian để trả lời chi tiết cho từng em. Đồng thời, chị cũng nhận ra là có rất nhiều câu hỏi tương tự nhau. Ngày xưa chị cũng đã tốn rất nhiều thời gian loay hoay tìm kiếm định hướng cho bản thân và cũng đã có những anh chị đi trước hết lòng, nhiệt tình giúp đỡ chị. Chị hy vọng với phần tổng hợp câu hỏi và câu trả lời ở đây, chị có thể phần nào giúp được nhiều em học sinh, sinh viên (đặc biệt là các em ở tỉnh xa/không có nhiều điều kiện) giải đáp được những thắc mắc không biết hỏi ai chi tiết và cụ thể nhất về cuộc sống học tập và làm việc ở Mỹ qua những trải nghiệm và vốn sống ít ỏi của chị.
Đây là list các câu hỏi chưa được giải đáp, các em có thể tự thêm vào hoặc inbox facebook chị nếu thấy mãi chưa đc trả lời T_T, hàng ngày chị sẽ cố gắng trả lời sớm nhất có thể và update vào file này, coi như là 1 side project có ý nghĩa với bản thân chị 😀
Chúc các em sớm hiện thực hóa được những ước mơ của mình!
– Lâm Hà –
1. Em muốn đi du học Mỹ. Theo chị nên đi học từ lúc nào? Em cám ơn.
Chị nghĩ dựa vào nhiều yếu tố và điều kiện tài chính mà bản thân em sẽ biết khi nào đi du học ở bậc học nào là hợp lí nhất.
Chị đã từng nghĩ có thể đợi học xong cấp 3 rồi cố gắng (hy vọng trong tuyệt vọng) tìm kiếm học bổng bậc đại học rồi mới đi du học (đa số bạn bè và những người chị biết cũng có định hướng tương tự). Ngoài đại học thì có 2 bậc học có thể cân nhắc là phổ thông trung học và sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ). Như chị nói ở trong webinar cho Hộ Chiếu Xanh, với rất nhiều may mắn, chị đã có thể đặt chân đến Mỹ để học từ phổ thông (lớp 11 và 12). Vì nhiều yếu tố không chắc chắn, chị không cân nhắc chương trình trao đổi văn hóa. Chị cũng không từng nghĩ chị có thể dành học bổng nhiều đến thế (khoảng 80% tổng học phí và sinh hoạt phí) với điểm số và hoạt động ngoại khóa của chị khi ấy, chưa kể chị đã lỡ hạn nộp đơn để theo học ở 1 trường tư thục nội trú (boarding school). Nhìn lại mọi thứ tại thời điểm này, chị nghĩ là nếu em đã muốn đi du học, khi điều kiện cho phép, nên đi sớm nhất khi có thể. Chị ước chị có thể đi du học từ năm lớp 10.
Với bản thân chị, cơ hội được học trung học ở Mỹ là một bước đệm vững chắc cho chị vào 1 trường đại học tốt ở Mỹ. Lớp 10 và lớp 11 ở Việt Nam, chị không hề có ý thức xây dựng một bộ hồ sơ tốt để đi du học Mỹ (chị chỉ nghĩ là chị muốn đi Mỹ thôi). Bản thân chị thấy chị là 1 học sinh bình thường, cả về khả năng ngoại ngữ, điểm số, hoạt động ngoại khóa, và điều kiện tài chính của gia đình, chị hoàn toàn không thề cạnh tranh với bạn bè cùng khóa tại trường cấp 3 (ở Việt Nam) của chị. Chị hay nói với mọi người đi học trung học ở Mỹ thật sự là một cơ hội để chị “làm lại cuộc đời,” và chị đã tận dụng quãng thời gian ấy để hoàn thiện hơn những điểm yếu trong bộ hồ sơ của mình, giúp mình có nhiều cơ hội hơn khi apply đại học.
Ngoài ra, được học phổ thông tư thục nội trú ở Mỹ là một trải nghiệm quí báu với bản thân chị. Chị có cơ hội được gặp gỡ các bạn từ khắp nơi trên thế giới và tìm hiểu về nền văn hóa của Mỹ cũng như nhiều quốc gia từ các châu lục khác nhau (trường chị theo học có 25% là học sinh quốc tế). Nếu không có quãng thời gian ấy, bản thân chị sẽ không bao giờ biết được Thanksgiving dinner được chuẩn bị như thế nào, trang trí cây thông từ A-Z, cảm giác đêm Noel hồi hộp để bánh cho Santa Claus ở cửa để sáng mai tỉnh dậy nhận quà, bàn tiệc năm mới của nước Mỹ, hay đi nhặt trứng vào Easter với trẻ con ở nhà thờ ra sao (Chị may mắn có người bạn cùng phòng người Mỹ đến từ Atlanta có bố mẹ rất dễ thương và mỗi dịp break chị thường được mời sang nhà bạn ấy). Nếu không được đi du học sớm, chị cũng sẽ chẳng có cơ hội được học lớp industry art để tự tay thiết kế, bôi bôi, vẽ vẽ, cắt cắt, đóng đóng, dựng nên một cái tủ theo hình dáng chị muốn từ những mảnh gỗ vụn và chị rất tự hào khi có thể làm việc đó khi còn là 1 học sinh trung học. Chị cũng chẳng được cưỡi ngựa, leo núi, chèo thuyền, đi kayak, bắn cung, cắm trại qua đêm giữa rừng, nằm trên những mỏm đá để nhìn ngắm bầu trời đêm. Chị cũng sẽ không bao giờ bước chân vào nhà thờ nghe hát thánh ca (nhà chị đạo Phật), đi tham quan và cảm nhận sự khác biệt giữa nhà thờ Orthodox Nga, Do Thái, Tin Lành, Công Giáo, vào Hồi Giáo. Chị cũng không được nếm thử nhiều món ăn từ khắp nơi trên thế giới đến như thế. Chị cũng sẽ không có người bạn thân Hàn Quốc để khi chị đến đấy chị có nhà host miễn phí và 1 tour tham quan Hàn Xẻng tuyệt vời với người bản xứ. Vân vân và vân vân, nói chung là trải nghiệm có nhiều cách để có nhưng với chị, nhờ đi du học từ cấp 3 chị mới có được những cái chị kể ở trên, ngoài việc góp phần để chị có thêm nhiều chất liệu cuộc sống để đưa vào bài luận của mình, nó còn giúp chị trưởng thành hơn và hiểu biết hơn.
Một lần nữa, ngay khi em ấp ủ ước mơ được đi du học Mỹ như chị lúc bé, theo chị nên bắt đầu tìm hiểu xem mình cần những gì cho bộ hồ sơ và vạch ra kế hoạch để hoàn thiện từng phần sớm nhất có thể. Khi điều kiện cho phép, hãy cứ đi càng sớm càng tốt, để trải nghiệm và học hỏi thêm nhiều điều mới.
2. Chị thấy bên Mỹ kiến thức có nặng hơn ở Việt Nam không ạ ? Tại e thấy bảo ở 1 số nước chương trình học không nặng như ở VNam. Chị có thể kể về sự khác biệt giữa 2 chương trình học không ạ?
Như nói ở trên, chị sang Mỹ theo học trung học 2 năm rồi mới lên đại học nên chị tạm chia thành 2 phần em nhé.
+ Về trung học: nói chương trình trung học phổ thông ở Mỹ nhẹ hơn ở Việt Nam là không hoàn toàn chính xác, chỉ là có sự khác biệt. Chị không nói chương trình học ở Việt Nam là không hay, nhưng chị cảm thấy nó hơi ôm đồm và em không có lựa chọn (Ai cũng sẽ phải học 10 mấy môn định sẵn đó dù thích hay không thích). Khi sang Mỹ, chị có nhiều lựa chọn hơn. Ví dụ trường chị sẽ chia môn học thành các nhóm như Toán, Tiếng Anh, Khoa Học, Lịch Sử, Ngôn Ngữ Thế Giới, Thể Dục, và Nghệ Thuật. Như vậy, với nhóm Khoa Học, chị có thể chọn học Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học hay Khoa Học Môi Trường. Tương tự, trong nhóm Nghệ Thuật chị có thể chọn Hội Họa, Nghệ Thuật Sân Khấu, hay Mỹ Thuật Công Nghiệp. Ngoài ra, chị phải làm hoạt động ngoại khóa 2 tiếng sau giờ học chính (thường các trường tư thục nội trú mới như thế) và chị có thể theo đuổi bất kì sở thích nào chị mong muốn trong khoảng thời gian đó (hoạt động ngoài trời như leo núi, chèo thuyền hay hoạt động nghệ thuật vân vân), vừa giúp chị có thêm trải nghiệm mới, vừa giúp chị đánh bóng hồ sơ vào đại học. Chị cảm thấy chương trình học phổ thông ở Mỹ phù hợp hơn với bản thân chị. Chị thật sự thích môi trường trong đó mỗi cá nhân là những cá thể riêng biệt với tính cách và sở thích khác nhau và mỗi người được đánh giá dựa trên sự khác biệt ấy.
Nói về độ khó dễ, 1 lần nữa ở Mỹ em hoàn toàn có sự lựa chọn. Một học sinh lớp 10 ở Mỹ học chung lớp toán với một học sinh lớp 12 là điều hoàn toàn bình thường. Nếu em chọn toàn lớp dễ để học thì tất nhiên em sẽ thấy việc học ở Mỹ là một cuộc chơi, dễ hơn hẳn ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu em chọn theo học những lớp thử thách hơn (lớp Honor, lớp AP – Advanced Placement – 1 cách để lấy tín chỉ đại học Mỹ khi còn học phổ thông) thì em sẽ cảm thấy không dễ, thậm chí là khó hơn chương trình học ở Việt Nam. Ví dụ như lần chị học AP Biology, tức là chương trình để lấy tín chỉ (credit) cho môn sinh học đại cương ở đại học Mỹ, chị nghĩ chưa bao giờ chị học nhiều đến thế về Sinh Học trong 1 thời gian ngắn. Quyển sách lớp chị sử dụng là quyển sách giáo khoa ở những trường đại học và chị thực sự thấy hoang mang với khối lượng kiến thức quá lớn để nhớ (trong khi ở Việt Nam môn sinh là thế mạnh của chị – điểm trung bình Sinh lớp 11 ở VN nếu chị nhớ không nhầm là 9.8).
Ngoài ra, một cái hay của nên giáo dục Mỹ là tính ứng dụng cao. Học toán ở Việt nam cả đời chị không hiểu học đạo hàm tích phân các thứ để làm cái gì nhưng khi đến Mỹ, lúc học toán, thầy chị cho những project về tính ứng dụng để học sinh hiểu vấn đề hơn. Ví dụ thầy cho mỗi bạn một tấm giấy kích thước bằng nhau và trong lớp thi nhau làm một chiếc hộp có thể tích định sẵn. Học sinh sẽ dùng đạo hàm để tính với chiều cao và bán kính đáy nào mà diện tích toàn phần của hình trụ ấy bé nhất (tức là trong thực thế sẽ tiết kiệm giấy nhất). xong rồi thầy kể về những ứng dụng của những thứ vừa học trong sản xuất kinh tế. Từ đó chị bắt đầu hiểu và đánh giá đúng tầm quan trọng của việc học những lí thuyết và công thức toán khô khan.
+ Về đại học: Chị không học đại học ở Việt Nam cũng không biết so sánh thế nào, nên tạm thời chị nói về việc học đại học ở Mỹ của chị. Chị học ở trường kinh tế (School of Business) nên ngay từ năm nhất chị đã học những lớp căn bản của môn kinh tế như Vi Mô, Vĩ Mô, Nhập Môn Kinh Doanh (Business) vân vân. Trường chị là một trường đại học tư thục (private) nên sĩ số khá ít, giáo sư biết tên tất cả sinh viên trong lớp, và lớp học thường diễn ra dưới hình thức thảo luận. Trong phần đánh giá sẽ gồm có những bài kiểm tra kiến thức sách giáo khoa, những project làm việc nhóm, và participation (chị cũng không biết dịch ra làm sao, nói chung là đánh giá xem em có đi học đầy đủ không, có hay phát biểu trong lớp không, có làm bài tập về nhà không). Năm nhất và năm thứ hai sinh viên học những môn đại cương đến năm ba mới chính thức học những môn chuyên ngành (chị có nhiều tín chỉ AP nên từ năm 2 chị đã có thể lấy vài lớp chuyên ngành). Trong năm thứ 2 chị phải học tất cả những môn chính của nhóm ngành kinh tế là Finance (Tài Chính), Accounting (Kế Toán-Kiểm Toán), Marketing, Và Management (Quản Trị) ở mức độ căn bản để định hướng mình thích và phù hợp với ngành nào nhằm chọn chuyên ngành cho năm ba. Ngoài ra chị phải học 1 vài lớp hướng nghiệp hướng dẫn làm thế nào để viết 1 cái resume/CV, cover letter tốt, những câu hỏi thường gặp khi đi phỏng vấn xin việc, làm thế nào để network, cách ăn mặc khi đi xin việc,… từ năm 1 năm 2. Hơn nữa, chị thường tham gia các sự kiện liên quan đến hướng nghiệp diễn ra quanh năm. Nhờ quá trình định hướng từ sớm như vậy, khi vào đầu năm 3 chị đã kiếm được 1 công việc thực tập cho học kì 2. Học kì 2 năm 3 chị nghỉ học 1 kì để đi thực tập (học bù vào hè) và sau 3 tháng thực tập chị đã có full time offer để yên tâm quay về trường học hết các môn chuyên ngành ở năm 4, chờ tốt nghiệp rồi đi làm chính thức.
Nói về các môn chuyên ngành chị thấy là không phải lúc nào các lớp cũng hay. Có những lớp rất chán, cố học cho xong nhưng cũng có những lớp thú vị và thực tiễn. Ví dụ chị theo học lớp Student Managed Fund tạm dịch là Quỹ Quản Lý Bởi Học Sinh cho chuyên ngành Finance của chị. Đây là một trong số ít lớp mà học sinh phải phỏng vấn trước khi được đăng kí. Lớp chị tiếp nhận 300 ngàn đô la từ khóa năm trước để đầu tư. Giáo sư sẽ chia lớp thành các bộ phận như 1 hedge fund (quỹ đầu tư) thu nhỏ và bọn chị được học về đầu tư bằng cổ phiếu, những dấu hiệu kinh tế, cách xem biểu đồ chứng khoán, những thước đo rủi ro, cách sử dụng Bloomberg, vân vân để chọn cổ phiếu sinh lời. Sinh viên sẽ phải thuyết trình trước lớp về sự lựa chọn của mỉnh (stock pitch) để thuyết phục cả lớp đầu tư vào cổ phiếu ấy. Cố phiếu sẽ được mua bằng “tiền tươi thóc thật,” nhiệm vụ của cả lớp là làm sao để cho giá trị Quỹ tăng so với một chỉ số cho trước từ đó điểm số của từng sinh viên sẽ được đánh giá (Nếu đầu tư thua lỗ quá nhiều sẽ bị điểm kém và ngược lại). Chị rất thích những lớp học như thế này vì nó cho chị những kinh nghiệm và kĩ năng thực tế.
Tóm lại, chị nghĩ 2 nền giáo dục Việt Nam và Mỹ có những đặc điểm riêng, không thể nói cái nào nặng hơn cái nào hay hay hơn cái nào, nhưng bản thân chị phù hợp hơn với chương trình học ở Mỹ.
3. Em cũng nghĩ em nên đi du học từ sớm vì càng để lâu càng cạnh tranh. Mục tiêu của em là vào được một đại học tốt ở Mỹ. Em đang là một học sinh lớp 11. Em không biết nếu sang Mỹ để học nốt lớp 12 có nên không? Em cảm ơn chị.

[wpdevart_like_box profile_id=”hochieuxanh” connections=”show” width=”600″ height=”100″ header=”small” cover_photo=”show” locale=”en_US”]

 


0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *