Afghanistan- Sách không bao giờ chết
Từ nhiều năm nay, chúng ta vẫn thường nhắc đến Afghanistan như một trong những đất nước đau thương nhất thế giới. Nội chiến đã quệt những vết máu dài lên lịch sử dân tộc của họ, và hòa bình dường như là một cái gì đó hiếm hoi. Ngay hiện tại đây, khi bạn ngồi trong phòng, nhâm nhi một tách cà phê và đọc những dòng này, cư dân Afghanistan đang phải đối mặt với những tội ác khủng khiếp.
Afghanistan cũng là quốc gia nhận viện trợ nước ngoài nhiều nhất, chỉ tính riêng nguồn viện trợ từ Hoa Kỳ đã lên tới 2 tỷ 327 triệu USD. Số viện trợ nước ngoài quá lớn đã vô tình hủy hoại ngành công nghiệp của đất nước này. Có lẽ, thứ duy nhất mà Afghanistan không phải nhập khẩu là thuốc phiện.
Và sách.
Bản thân mình đã rất bất ngờ khi biết sự thật này. Các cuộc nội chiến đã phá hủy nhiều trường học, hủy hoại các công trình văn hóa của ngàn năm trước và khiến những kho tàng tri thức chìm trong biển lửa. Trẻ em Afghanistan, ở một số nơi, thậm chí phải ăn thuốc phiện để sống. Tỷ lệ biết chữ ở Afghanistan luôn ở dưới mức trung bình, 5 người lớn thì chỉ 2 người biết chữ, mà có biết thì cũng thật khó duy trì việc đọc khi mà bạo động diễn ra ngày càng thường xuyên.
Ở một xã hội như vậy, có thể cuộn mình với một quyển sách hay là điều quý giá nhất.
Jamshid Hashimi, người điều hành một thư viện online và là đồng sáng lập Câu lạc bộ sách của Afghanistan (The Book Club of Afghanistan) chia sẻ: “Tôi nghĩ trong bất kì môi trường nào, nhưng đặc biệt là những nơi có chiến tranh, đọc sách tạo ra một điểm dừng trong cuộc sống tạm bợ ngày qua ngày, cách li người đọc xung quanh khi họ đang đắm chìm trong một quyển sách. Đọc sách có sức mạnh to lớn ở bất cứ nơi đâu, nhưng với một quốc gia như Afghanistan, nó còn là cách để những cảm xúc có thể tiếp tục tồn tại.”
Một điều ngạc nhiên nữa, xuất bản sách rất phát triển ở quốc gia này mà không cần bất kì sự viện trợ nào của quốc tế, hoàn toàn là của người Afghanistan và do người Afghanistan dẫn đầu. Các nhà xuất bản tìm kiếm thêm nguồn sách mới, người trẻ lùng sục sách để đọc, và các nhà văn cũng quay cuồng tìm kiếm nhà xuất bản. Một bầu không khí năng động và hoàn toàn không chịu sự can thiệp quốc tế- điều rất hiếm hoi ở một quốc gia Trung Đông.
Người Afghanistan dường như luôn tồn tại một khao khát đến lạ kì, khao khát kết nối với thế giới ngoài kia, khao khát được biết mọi người đang nghĩ gì về quốc gia của họ, được biết chuyện gì đang diễn ra với tổ quốc họ- dưới một góc nhìn khác. Thực tế chứng minh, những cuốn sách đầu tiên được xuất bản ở nội địa đều là những cuốn sách hiện thực về nội chiến ở Afghanistan của các tác giả phương Tây. Các tựa sách như “Chiến tranh ma: Lịch sử bí mật của CIA, Afghanistan và Bin Laden Từ cuộc xâm lăng Liên Xô đến ngày 10 tháng 9 năm 2001” (“Ghost Wars: The Secret History of the C.I.A., Afghanistan and Bin Laden From the Soviet Invasion to September 10, 2001”) của Steve Coll và “Người gửi: Từ Kabul đến Nhà Trắng, Hành trình của tôi qua Thế giới hỗn loạn” (“The Envoy: From Kabul to the White House, My Journey Through a Turbulent World”) của Zalmay Khalilzad, đều nằm trong danh sách bán chạy nhất.
Song song với sự phát triển của ngành xuất bản sách, những vấn đề xã hội cũng theo đó tăng cao. Ở Afghanistan, sách là một trong những món tài sản bọn cướp chú ý nhất, thậm chí ở các hiệu sách mặt tiền luôn tấp nập, nhiều đầu sách nổi tiếng vẫn bị ăn trộm. Cuộc chiến bản quyền cũng là một vấn đề nhức nhối. Người dân Afghanistan hầu như không hiểu rõ về luật bản quyền, chính điều này khiến họ vô tình tiếp tay cho những kẻ làm sách lậu và sách online phi pháp. Thậm chí, một số người có hiểu biết vẫn chọn mua sách lậu vì nó rẻ hơn sách thật rất nhiều lần. Mặc dù các nhà xuất bản đầu tư hết mức vào sách và in ấn sao cho thật chất lượng, sau đó giữ giá thấp nhất có thể để cạnh tranh, đây vẫn là một cuộc chiến không cân sức.
Từ cuối tháng 3 năm nay, một số nhà xuất bản đã treo rèm ngừng hoạt động để yêu cầu chính phủ giải quyết triệt để nạn sách lậu. Với một quốc gia mê sách như vậy, đây có lẽ là những tháng ngày cực kì khó khăn.
Dịch: Hà Phương (từ New York Times)
Nguồn ảnh: Mauricio Lima từ New York Times
HCX: Văn hóa thế giới
0 Bình luận