[BÁCH QUỶ DẠ HÀNH] HỒI 1: YOUKAI TRONG VĂN HÓA NHẬT BẢN
Xin chào các bạn!
Khi bắt tay vào viết về chủ đề này, mình dự định chỉ làm một bài viết đơn giản về Youkai thôi. Nhưng càng đi sâu vào tìm hiểu, mình càng nhận ra thế giới của những Youkai chẳng hề đơn giản như mình đã từng nghĩ. Mỗi một Youkai lại gắn liền với một vùng đất, một hiện tượng thiên nhiên, một đức tin tốt đẹp, và chúng luôn sở hữu một truyền thuyết riêng có thể dài ngang với cuốn tiểu thuyết.
Vì vậy, từ dự định ban đầu, mình quyết định biến bài viết thành một series ngắn. Cái tên “Bách Quỷ Dạ Hành” bắt nguồn từ một cuốn sách tranh thời Edo (Nhật Bản) vẽ các loài Youkai, với hi vọng series của mình cũng có thể mang đến cho các bạn một ít hiểu biết về những những Youkai lan truyền trong dân gian Nhật Bản suốt hàng bao nhiêu thế kỷ.
Hãy cùng mình đi khám phá nhé!
- Định nghĩa “Youkai”
Với các bạn đam mê văn hóa Nhật Bản, thích đọc truyện tranh hay chơi game, cụm từ này có lẽ không còn xa lạ. Ở các nước nói tiếng Anh, cụm từ này được dịch là “Japanese monsters”, nhưng theo các học giả nhận xét thì chỉ vậy thôi chưa thể bao hàm trọn vẹn khái niệm này. Youkai trong tiếng Nhật được viết là 妖怪, với 妖 (yō) là “thu hút”, “bùa mê”, “tai ương” và 怪 (kai) là thần bí. “Youkai” miêu tả những loài siêu nhiên trong truyện dân gian Nhật với nhiều hình dáng khác nhau. Có con trông giống loài người, có con là động vật, có con lại mang hình dáng các vật dụng trong gia đình, hoặc lai giữa nhiều loài với nhau hay chỉ đơn giản là có hình dáng rất rất khác lạ.
Người Nhật dùng Youkai để giải thích về các hiện tượng tự nhiên mà họ chưa hiểu hoặc gửi gắm những niềm tin, những quan niệm để răn dạy đời sau, về điểm này nghe có vẻ khá giống nguồn gốc các vị thần trong nhiều nền văn hóa, nhưng không thể coi Youkai là thần được.
Ở Việt Nam chúng mình – một quốc gia phương Đông có nhiều nét văn hóa tương đồng, người ta hay dịch “Youkai” là yêu quái. Về nhiều phương diện, cụm từ này truyền tải khá sát nghĩa. Nhưng yêu quái thì không được thờ cúng hay lập đền thờ, thường mang nghĩa xấu và là kẻ thù của con người cùng thần thánh, nhưng tại Nhật, một số Youkai lại được người dân thờ phụng chu đáo, một số thì được coi là mang đến may mắn và thậm chí là có sức mạnh như một vị thần.
2. Dấu ấn của Youkai
Như đã đề cập ở bên trên, Youkai có nguồn gốc từ những câu chuyện dân gian truyền miệng của người Nhật. Nhưng sẽ là sai lầm to đùng nếu bạn nhầm lẫn chúng với những truyện ma hay “urban legends” (truyền thuyết đô thị) đáng sợ cùng quốc tịch đó nhé!
Như phần lớn các truyện dân gian, truyền thuyết về Youkai chủ yếu được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Mặc dù có một số dị bản khác nhau giữa các vùng, nhưng những truyền thuyết này đều sáng tác rất cụ thể và có hệ thống rành mạch. Thậm chí, có những truyền thuyết còn liên quan chặt chẽ với nhau, Youkai A phục vụ cho Youkai B, Youkai C là kẻ thù của Youkai D, Youkai E từng đấu với Youkai F và bị thương nặng, v.v… Sự phức tạp trong quan hệ của chúng trở thành một đề tài thú vị hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu.
Năm 1776 thời Edo, một họa sĩ tên là Toriyama Sekien đã cho ra đời cuốn “Gazu Hyakki Yagyo”, dịch sang tiếng Việt là “Bách Quỷ Dạ Hành”, tức “cuộc diễu hành của một trăm con quỷ (Youkai) trong đêm”. Đây là cuốn sách tranh tổng hợp các loài Youkai trong dân gian. Mặc dù là “một trăm”, nhưng số lượng yêu quái trong cuốn sách thực tế lớn hơn rất rất nhiều. Đến nay, cuốn sách vẫn được coi như một từ điển về Youkai.
Như một lẽ tự nhiên, vật gì sinh ra trên đời, dẫu chỉ là một sự tồn tại qua lời kể, cũng đều có thiên địch. Với Youkai, thiên địch của chúng là Onmyoji – âm dương sư, pháp sư, nhà chiêm tinh học. Dưới thời Heian, Onmyoji trở thành một nghề nghiệp danh giá, được dân gian sùng kính và những người giỏi thậm chí còn được mời về làm việc cho Hoàng gia. Một trong những Onmyoji nổi tiếng nhất lịch sử là Abe no Seimei. Trong nền công nghiệp truyện tranh và trò chơi điện tử, Abe no Seimei được xây dựng như một Onmyoji với nhiều phép lạ, là người có thể thu phục và khiến các Youkai trở thành Shikigami (Thức thần), tức những Youkai phục vụ cho Onmyoji và khiến những Youkai mạnh mẽ nhất cũng phải nể phục. Dù đây chỉ là sự thần thánh hóa của người đời sau, Abe no Seimei vẫn được ca ngợi nhiều vì tài năng và sự đức độ của mình.
3. Ảnh hưởng của các Youkai tới kinh tế Nhật Bản
Dù không biết Youkai có thực sự tồn tại hay không, và liệu chúng có sức mạnh như người ta vẫn kể, nhưng tác động của chúng tới kinh tế Nhật hoàn toàn có thể cụ thể hóa thành những con số.
Người Nhật đã đưa Youkai vào kịch, phim, và nhiều ngành giải trí khác.
Ở Việt Nam chúng mình, có lẽ khi nhắc đến bộ truyện tranh “Inuyasha” thì thế hệ 9x ai ai cũng biết. Bộ truyện được xuất bản ở nhiều quốc gia khác nhau, thậm chí đến bây giờ vẫn được nhiều người yêu thích và nhắc đến như một trong những bộ truyện tranh kinh điển.
Gần đât nhất, tựa game Nhật tên “Onmyoji” (tên tại Việt Nam là “Âm dương sư”) cũng nhận được nhiều lời khen và chào đón trên khắp thế giới. Người chơi sẽ nhập vai Abe no Seimei, thu phục các Youkai để biến họ thành Shikigami của mình.
Ngoài ra, Youkai cũng giúp thu hút một lượng khách du lịch không nhỏ, đặc biệt là Kyoto nơi vẫn được coi là quê hương của những Youkai mạnh nhất. Các món quà lưu niệm liên quan tới Youkai rất được du khách yêu thích.
Ảnh: Pinterest
Người viết: Hà Phương.
0 Bình luận