Geisha Nhật Bản- Một nét văn hóa đẹp
Hình ảnh những cô gái yêu kiều trong bộ kimono, với những búi tóc cầu kì và lớp trang điểm tựa như đeo một chiếc mặt nạ từ lâu đã thành một biểu tượng văn hóa đặc sắc của vương quốc mặt trời mọc. Với cả du khách lẫn người bản địa, các Geisha luôn là điều gì bí ẩn và quyến rũ vô cùng.
- Các “Nghệ giả”:
Khá nhiều người hiểu nhầm Geisha là các kĩ nữ, và coi công việc này như một biến tướng của nghề mại dâm. Quan niệm sai lầm này đã làm tổn thương một nét văn hóa đẹp đẽ và lâu đời của Nhật Bản.
Tên gọi “Geisha” hình thành từ hai chữ ‘gei” (藝 nghệ) và “sha” (者 giả), ám chỉ tính chất công việc của họ. Các Geisha là những thiếu nữ “bán tài không bán sắc”. Công việc chính của họ là chơi các nhạc cụ dân tộc và phục vụ trong một bữa tiệc rượu. Họ giống như các ả đào trong văn hóa Việt hoặc ca kỹ theo nền văn hóa Trung Hoa.
Không thể phủ nhận một số Geisha có thể quyết định có quan hệ với một trong những nhà bảo trợ hoặc khách quen của mình. Nhưng họ làm điều này hoàn toàn là tự nguyện, và với tư cách một người thường chứ không phải Geisha.
- Nguồn gốc
Vào khoảng thế kỉ thứ 13, những Geisha đầu tiên xuất hiện. Khởi đầu, họ là những người đàn ông phục vụ nghệ thuật (Hokan- Geisha) trong các gia đình lãnh chúa. Đến cuối thế kỉ 18, Onna Geisha (Geisha nữ) bắt đầu xuất hiện và ngày càng được yêu cầu nhiều hơn, từ đây, nam Geisha dần dần biến mất. Cũng tại thời điểm này, một thuật ngữ để chỉ các Geisha nam chính thức ra đời, gọi là “Taikomochi”.
Ngày nay, vẫn còn các Taikomochi tồn tại nhưng số lượng quá ít.
3.Quá trình đào tạo phức tạp
Một cô gái khi mới bắt đầu học tập để trở thành Geisha được gọi là Maiko. Maiko phải có một “mẹ’- tức chủ căn nhà nơi các Geisha cùng sống và làm việc, và một Geisha lớn hơn làm chị đỡ đầu. Maiko sẽ lấy một chữ trong tên người Geisha này làm nghệ danh khi bước vào công việc.
Để trở thành một Geisha, các Maiko bắt buộc phải trải qua 5-7 năm đào tạo. Pháp luật Nhật Bản hiện tại quy định, một cô gái có thể học tập để trở thành Geisha vào năm 16 tuổi.
Tại Okiya- trường đào tạo, Maiko sẽ được học ca múa, chơi các nhạc cụ truyền thống, kĩ năng giao tiếp và trò chuyện tại những buổi tiệc thượng lưu. Maiko cũng được dạy trang điểm và làm tóc. Họ phải đánh một lớp phấn dày màu trắng sứ trên khắp khuôn mặt, cổ, tay, tạo cảm giác như đang đeo một chiếc mặt nạ. Chân mày được vẽ cẩn thận bằng chì đỏ, viền mắt cũng được kẻ đỏ, phía đuôi phủ thêm một lớp phấn đỏ, đôi môi cũng phải đỏ thắm cho chuẩn kiểu Geisha. Các Maiko đều có mái tóc đen và dày để tạo kiểu búi truyền thống, nên họ phải học cách giữ gọn gàng mái tóc ngay cả khi ngủ. Gối của họ giống một chiếc kệ, và xung quanh được rải đầy thóc. Nếu không cẩn thận khi ngủ, hạt gạo sẽ dính vào tóc và làm mái tóc rối tung.
Chuyện đi đứng hàng ngày cũng phải học kỹ. Khi đi ra ngoài, Maiko luôn phải dùng tay trái giữ lấy vạt kimono, ngụ ý không để nam giới chạm vào mình. Maiko cũng không được ăn quà vặt vì đó là biểu hiện của tính tùy tiện.
- Phân biệt Maiko và Geisha
Trên các con phố cổ kính, không khó để du khách bắt gặp các Geisha. Tuy nhiên, rất ít người biết cách phân biệt giữa Maiko và Geisha.
Về cơ bản, có sự khác biệt nhất định trong cách Maiko và Geisha trang điểm, búi tóc và trang phục. Độ tuổi cũng là một cách phân biệt, nhưng khá khó để đoán tuổi một cô gái qua lớp trang điểm trắng sứ. Đây có lẽ là một nguyên nhân khiến Geisha trở nên bí ẩn.
Geisha và Maiko đều trang điểm như nhau, nhưng Maiko chỉ tô đỏ một phần môi, còn Geisha thì toàn bộ. Ngoài ra, lớp trang điểm của Maiko cũng dày hơn so với Geisha.
Geisha được phép dùng tóc giả, nhưng Maiko bắt buộc phải búi tóc thật, Các Maiko có những chiếc trâm phức tạp và rực rỡ hơn, trong khi đó Geisha thường chọn trâm và lược nhỏ gọn.
Sự khác biệt rõ ràng trong phần tay áo và thắt lưng. Tay áo và thắt lưng (Obi) của Maiko rất dài, có khi chạm đến mắt cá nhân, còn của Geisha thì ngược lại. Obi của một Geisha thường được thắt thành hình vuông gọn ghẽ.
Cổ áo của Maiko có màu đỏ. Khi từ một Maiko trở thành Geisha, họ phải thực hiện nghi lễ thay cổ áo thành màu trắng nền nã.
Một cách để phân việt Maiko và Geisha nữa là đế guốc của họ.
- Và những luật lệ khắt khe
Các Geisha cũng là một khuôn mẫu trong lối sống và xã giao của phụ nữ Nhật Bản. Họ là đỉnh cao của sự nữ tính, chính vì vậy, cuộc sống của họ đầy những luật lệ. Trong lịch sử, rất nhiều Geisha nổi tiếng buộc phải từ bỏ công việc vì không chịu nổi những quy tắc khắc nghiệt trong giới.
Geisha chỉ được mặc các bộ kimono dệt tay truyền thống. Giá mỗi bộ kimono truyền thống vào khoảng 3 triệu yên (hơn 600 triệu đồng).
Một Geisha không được có tình cảm đặc biệt với đàn ông. Lập gia đình cũng đồng nghĩa với việc giải nghệ. Điều này cũng giải thích tại sao nhiều Geisha sống cô độc lúc về già.
Vì chủ yếu chỉ phục vụ tầng lớp thượng lưu, Geisha thường tham gia nhiều buổi tiệc quan trọng của các chính trị gia hoặc doanh nhân. Geisha nghe và biết rất nhiều chuyện, nhưng họ không bao giờ tiết lộ những gì mình biết như một luật ngầm của công việc.
Những quy tắc đi đứng, nói chuyện phải đảm bảo nghiêm ngặt. Geisha đích thực phải biết cách khơi gợi cuộc trò chuyện một cách thanh lịch nhất. Nụ cười hở miệng là một điều tối kị trong thế giới của Geisha. Họ phải đảm bảo sự đoan trang nết na trong mọi hoàn cảnh.
Trước đây, Geisha rất ít khi trả lời phỏng vấn hay xuất hiện trước công chúng. Họ cũng không thích bị chụp ảnh khi làm việc. Tuy hiện tại, quy định này dần được nới lỏng nhưng các geisha cũng hạn chế tối đa việc xuất hiện trước công chúng.
Nhiều người ngạc nhiên khi ở thời đại này vẫn còn những người phụ nữ muốn trở thành Geisha, sống theo những quy củ nghiêm khắc thay vì một bác sĩ, luật sư,… Nhưng nếu bạn đi sâu vào cuộc sống của các Geisha, bạn sẽ nhìn thấy vẻ đẹp tinh tế chỉ của riêng họ. Thế giới của những Geisha là một thế giới riêng- thanh lịch và trang nhã, thế giới của hoa và liễu “karyukai”.
Với những nét cuốn hút riêng, ngày càng nhiều cô gái Nhật Bản và thậm chí người ngoại quốc chấp nhận học tập kham khổ để trở thành một Geisha đích thực.
Nguồn ảnh: Pinterest
Người viết: Hà Phương
0 Bình luận