Vì sao Việt Nam đứng vị trí thấp trong bảng xếp hạng tiếng Anh?
Theo bảng xếp hạng mới được công bố của tổ chức giáo dục quốc tế Education First, Việt Nam đứng thứ 52 trên 100 quốc gia và đạt hạng “thấp” trong kỹ năng tiếng Anh. Các quốc gia đứng top 4 đều là các quốc gia Bắc và Tây Âu: Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch. (Một điều không công bằng là một số quốc gia sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ như Singapore hay Nam Phi cũng được xếp hạng, nhưng có lẽ là vì các quốc gia này sử dụng đa ngôn ngữ.)
Với đầy rẫy các trung tâm tiếng Anh tại Việt Nam, mình không nghĩ rằng lý do Việt Nam được xếp hạng thấp là vì bị thiếu giáo viên hoặc khóa học chất lượng. Điều tất yếu ở đây là học viên biết cách chọn chương trình học phù hợp cho tiêu chí học ngoại ngữ của mình. Tiêu chí học ngoại ngữ bao gồm những động lực ngoại sinh và động lực nội tại. Động lực ngoại sinh giúp bạn duy trì học ngoại ngữ bằng những “phần thưởng” như điểm IELTS cao, học bổng du học hay vị trí lương cao. Ngược lại, động lực nội tại hiểu đơn giản là những lý do khiến cho bạn thích thú với việc học ngoại ngữ và sự tiến bộ sau những buổi học tạo cho bạn năng lượng để tiếp tục học. Trong khi các yếu tố nội tại mang lại niềm vui và sự hài lòng cho học viên, các yếu tố ngoại sinh liên quan đến lợi ích mà bạn sẽ đạt được từ việc học ngoại ngữ. Động lực ngoại sinh không thể duy trì lâu dài nếu thiếu động lực nội tại.
Như mình thấy, một trong những lý do vì sao người Việt chưa sử dụng ngoại ngữ thành thạo là vì họ quá tập trung vào những yếu tố ngoại sinh mà quên mất việc tìm kiếm sự hưng phấn khi học ngoại ngữ. Cách lý giải là vì, nếu bạn chỉ tập trung vào những yếu tố ngoại sinh khi học ngoại ngữ thì điều này chứng tỏ là bạn học ngoại ngữ với chiến lược “nước đến chân mới nhảy”. Bạn đang ung dung sống một cuộc sống chỉ sử dụng duy nhất tiếng Việt, rồi một ngày, bạn nhận ra rằng trường Đại học Harvard mà bạn mơ ước đăng ký không nhận bạn vào học nếu bạn không có chứng chỉ tiếng Anh. Lúc đó, bạn chỉ có vỏn vẹn ba tháng để tốc tháo đi học tiếng Anh và cải thiện trình độ từ IELTS 4.0 lên 7.0. Khi bị rơi vào hoàn cảnh này, chắc hẳn bạn sẽ không ngại chi trả hàng (chục) triệu đồng để tham gia khóa học “IELTS 7.0 trong vòng 1 tháng”, đúng không nhỉ? Rồi như một phép màu, bạn nhận được IELTS 7.0 và bắt đầu khoe khoang điểm cao vút với mọi người. Nhưng mình rất tiếc phải nói với bạn rằng (đây là câu nói của người đại diện của tổ chức Princeton Review): “Điểm số IELTS của bạn chỉ chứng tỏ một điều duy nhất là: khả năng thi IELTS của bạn.” Chỉ tập trung vào những yếu tố ngoại sinh chính là công thức cho thảm họa học tiếng Anh của nhiều người.
Vậy phương pháp nào giúp cho người Bắc và Tây Âu sử dụng tiếng Anh thành thạo? Một lý do “nhai đi nhai lại” mà mình đã đọc được từ nhiều nguồn khác nhau là: “Các chương trình truyền hình tại Bắc và Tây Âu sử dụng phụ đề thay vì lồng tiếng.” SỬ DỤNG PHỤ ĐỀ THAY VÌ LỒNG TIẾNG có sức mạnh ghê gớm như vậy đó các bạn, và mình có thể xác nhận rằng cách học ngoại ngữ này rất hiệu quả. Khi xem các bộ phim bằng tiếng Anh, bạn sẽ:
1. Luyện kỹ năng nghe;
2. Luyện cách phát âm và âm điệu chuẩn;
3. Học các từ vựng và cụm từ phổ thông;
4. Luyện cách sử dụng ngữ pháp;
5. Học hỏi nhiều điều mới mẻ về văn hóa và phong tục của các quốc gia khác nhau;
6. Hiểu rõ hơn về người bản xứ để tự tin hơn khi giao tiếp với họ.
Xem các bộ phim bằng tiếng Anh với phụ đề chính là một cách tuyệt vời để bạn duy trì động lực nội tại của mình.
Vậy điều bạn cần làm để giúp Việt Nam cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng là: hãy tìm những niềm vui trong việc học ngoại ngữ trước khi nghĩ đến việc “chạy điểm” bạn nhé.
Tác giả: Hồ Thu Hương
0 Bình luận