Trong mắt bạn, thế nào là một công việc lý tưởng?
Chuyện xưa kể rằng có bác nông dân xin được cây gỗ tốt, muốn làm một cái cày thật đẹp để lo việc đồng áng. Bác đem gỗ ra giữa đường để vừa đẽo cày vừa hỏi xin ý kiến mọi người. Người qua kẻ lại sốt sắng chỉ bảo, người chê to quá, kẻ nói phải nhỏ lại. Thế là bác cứ gọt bên này một tí, cắt bên kia một tẹo để rồi cuối cùng chỉ còn lại mẩu gỗ cỏn con mà cày chẳng làm xong.
Câu chuyện ngụ ngôn “đẽo cày giữa đường” chắc ai cũng đã nằm lòng. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi phải chăng mình cũng có phần giống bác nông dân kia? Chúng ta biết mình có “cây gỗ tốt” – những sở trường có thể khai thác và muốn “đẽo một cái cày thật đẹp” – rèn luyện một chuyên môn, phát triển một sự nghiệp lý tưởng, ấy vậy mà đẽo hoài không xong. Lúc nào ta cũng thấy cái cày chưa được hoàn hảo, khi thì nặng quá, lúc lại nhẹ quá, kiểu cọ không ưng mắt, cày chẳng được nhiều… chưa kể lời ra tiếng vào của họ hàng chòm xóm làm ta thêm rối trí.
Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào đẽo, bạn có hình dung “cái cày” mình muốn – công việc mình thích sẽ ra sao chưa?
Với mình, một công việc lý tưởng cần phải:
- Làm việc mình giỏi: Chắc chắn sẽ có bạn thắc mắc: Ơ, giỏi mà không thích thì làm thế nào? Yên tâm đi các bạn, thường thì “không có khoảng cách giữa thứ bạn thích và thứ bạn giỏi. Khi ta thích cái gì đó, ta thường tìm cách thực hiện nó một cách xuất sắc. Công việc ấy tạo cho ta sự hưng phấn và tập trung khi tiến hành” (Hưng Banh-mi-ba, doanh nhân kinh doanh bánh mì Việt Nam tại Cộng hòa Séc). Chiều tác động ngược lại cũng đúng, khi bạn làm giỏi một việc và tạo ra thành quả tốt, tác động tích cực đến mọi người xung quanh, đó là chất xúc tác tình yêu để bạn say mê làm hơn. Một lý do quan trọng khiến mình ưu tiên sở trường hơn sở thích là vì chỉ khi thật sự có năng lực, thành thạo kỹ năng thì mới đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Mình không thể viết trong CV rằng “em thích thì em nộp đơn thôi”. Dĩ nhiên, mỗi người có thể thích rất nhiều thứ, vậy hãy chọn cái mình giỏi nhất (có thể chỉ thích thứ nhì, thứ ba) và mài giũa thành nghề tay phải, số còn lại đầu tư làm nghề tay trái. Bạn Xu Thảo – một trong những tác giả cuốn sách “Hộ Chiếu Xanh: Hành Trang Của Những Công Dân Toàn Cầu – Hành Trình Ra Biển Lớn“, chia sẻ rằng Thảo vừa thích viết lách, đi dạy, nấu ăn và phụ chị làm spa, nhưng cuối cùng “quyết định chọn ngành giáo dục là con đường chính. Những lúc có thời gian mình cũng nấu ăn, cũng viết lách và đọc sách tìm hiểu về những ngành yêu thích, cũng phụ chị nặn mụn cho khách, cũng chụp ảnh rồi chỉnh sửa thật đẹp. Vừa có thể nuôi sống bản thân vừa có thể thỏa mãn đam mê, sở thích riêng của mình.”Thích là một khởi đầu tốt, nhưng nếu không biến thành “giỏi” thì chưa đủ để làm việc. Đừng biến “thích” và “giỏi” thành “kẻ thù” của nhau, hãy để chúng làm “đôi bạn cùng tiến”.
- Tạo ra “di sản”: Nghe to tát nhỉ! thật ra mình không có ý định phát minh bóng đèn hay thuốc nổ gì đâu – mình cần một công việc ý nghĩa và tạo ra thành quả mang lại tác động tích cực với mọi người. Mình không muốn lúc về già, hồi tưởng lại những tháng năm tuổi trẻ chỉ thấy bản thân chăm chăm kiếm tiền, sống một đời ổn định và nhàm chán. Đó là lý do mình chọn làm việc liên quan đến sách – dịch sách để mang tri thức đến nhiều độc giả, quản lý dự án sách, trò chuyện với tác giả để góp nhặt những câu chuyện thú vị cho cuộc đời. Cảm giác nhìn thấy “đứa con tinh thần” giúp đỡ cho ai đó, dù chỉ mang lại cho họ chút kiến thức bé xíu hay khiến họ lạc quan hơn, dù độc giả chẳng để ý tên mình nằm ở xó xỉnh nào cũng đủ tạo ra động lực giúp mình vượt qua những khó khăn trong công việc.Thử tưởng tượng sau này có con, cháu, bạn muốn kể cho chúng nghe điều gì nhất về cuộc đời của mình?
- Tự chủ: Mình muốn được làm chủ và quyết định cách thực hiện công việc. Không phải mọi việc và mọi người sếp đều có thể cho bạn điều đó. Một số nhiệm vụ quan trọng, có ảnh hưởng lớn hay người kỹ tính sẽ giám sát nhân viên chặt chẽ hơn. Mình chỉ đòi hỏi tự chủ khi biết rõ năng lực có thể hoàn toàn đảm đương và chịu trách nhiệm về kết quả. Những dự án tình nguyện sẽ là môi trường tốt và khá an toàn để chúng ta thử sức và trải nghiệm cảm giác tự làm chủ.Khi bắt đầu một việc mới, bạn thích được cầm tay hướng dẫn từ A đến Z hay mày mò khám phá?
- Phần thưởng: Mình dùng từ “phần thưởng” chứ không phải thù lao hay lương bổng vì có nhiều cách để được trả công cho một công việc mà tiền chỉ là một trong số đó. Vì còn trẻ nên mình rất xem trọng việc sẽ học được kỹ năng, kiến thức gì mới khi nhận một công việc. Mình nhận dịch thuật ở một nơi với nhuận bút bằng 1/3 mức giá thị trường vì được biên tập bài cẩn thận giúp nâng cao tay nghề. Mình dạy anh văn online để vừa học, vừa làm. Mình yêu việc quản lý dự án sách vì lúc nào cũng được trò chuyện với bạn bè mới, nghe những câu chuyện hay và trải nghiệm từ khắp năm châu.
Còn bạn, phần thưởng công việc mà bạn muốn nhận nhất là gì, kể bọn mình nghe với!
Mình nghĩ đôi khi lý do khiến người trẻ chúng ta nhảy việc nhiều, cứ loay hoay đẽo hết cái cày này đến cái cày khác mà chẳng ưng ý cái nào có thể là vì ta cứ “trải” mà chẳng hề “nghiệm”. Kinh nghiệm chỉ có thể được đúc rút khi cho bản thân thời gian dừng lại suy ngẫm: Mình muốn công việc như thế nào? Việc hiện tại có đáp ứng được hay chưa? Những điều không đáp ứng được có quan trọng hay không? Những ưu điểm hiện tại có thể bù đắp lại khuyết điểm đó không?…
Đối với bạn, thế nào là một công việc lý tưởng, giá trị nào đối với bạn là quan trọng nhất?
Tác giả: Phương Hạ
0 Bình luận