Tại sao tôi chưa bao giờ hết hi vọng về Thành phố Hồ Chí Minh?
Hồi còn học trung học, ở trong ký túc xá trường, có lần một chị hỏi mượn tôi cái vali. Chị hỏi: “Em có cái vali nào nhỏ nhỏ để đi 3-4 ngày không?” Tôi hồn nhiên đáp: “Dạ không có chị ơi, em có vali đi luôn à.”
Tôi thuộc về một nhóm trẻ Việt Nam lớn lên với cái vali đi luôn. Có người thì đi Singapore, người đi Mỹ, người New Zealand, người thì Phần Lan. Chỉ có bạn du học Nam Mỹ và châu Phi là lúc đấy tôi không có, nhưng tôi biết chắc năm châu bốn bể không thiếu bóng người trẻ Việt Nam, những người mang theo cái vali đi luôn với tấm vé máy bay một chiều.
Vác cái vali cỡ đấy là vì những lí do hết sức thực tế, nhưng sau vài lần tôi nhận ra loại vali dùng để đi luôn ấy đã thành một biểu trưng cho nhóm người trẻ tha phương chúng tôi.
Có bao nhiêu người đi ra nước ngoài học tập, làm việc, thì có bấy nhiêu lí do. Mỗi người cũng có một lí do để chọn quay về Việt Nam sinh sống và làm việc hay không.
Tôi thấy nếu quy chụp những lí do ấy vào vài nhóm chính thì thật không công bằng, nếu dựa vào những lí do tổng quát như thế mà khuyên người ta nên về hay nên ở lại nước ngoài thì lại càng bất công.
Thật sự là mỗi người mỗi cảnh.
Trong đám bạn du học của tôi không thiếu những người muốn quay về nước để sinh sống, những người đã về nước thực tập để biết môi trường làm việc. Có rất nhiều bạn hè nào cũng về tổ chức hội thảo giúp đỡ, xây dựng network với các bạn trẻ trong nước.
Bản thân tôi rất thích về gặp gỡ bạn bè, nghe họ nói về hệ thống giáo dục mà tôi không được hưởng từ năm 15 tuổi, về thị trường việc làm, về những dự án khởi nghiệp mà thật sự tôi ít khi nghe thấy từ các bạn trẻ ở Singapore.
Có một sức sống ở Thành phố Hồ Chí Minh khó mà tìm thấy ở nơi khác, một tinh thần sáng tạo và liều lĩnh sinh ra từ sự hỗn loạn của cuộc sống nơi đây.
Lần đầu tiên nhìn thấy Thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng trong những trung tâm khởi nghiệp sôi động nhất Đông Nam Á, tôi không khỏi giật mình.
Cái thành phố của mình ư?
Đúng rồi, chính cái thành phố nhặng xị xe máy ấy, thành phố đầy những quán café từ cóc tới Starbucks, đó chính là nơi những người trẻ như bạn tôi không vội vã tham gia ‘The Rat Race’ ngay sau khi ra khỏi Ngoại Thương, là nơi bố mẹ họ hàng không ngại dồn vốn vào cho thằng con sinh viên mở cửa hàng quần áo.
Người Việt chúng ta lớn lên trong cái môi trường hỗn loạn đó, nên chúng ta đã quá quen với rủi ro, chúng ta tính toán mạo hiểm không chớp mắt (Mời xem video băng qua đường kiểu Việt Nam). Chúng ta có sức mua và sức đầu tư mạnh, mặc dù thu nhập không bằng ai; có mấy ai dám mua iPhone về như một dạng đầu tư?.
Trong khi ở Singapore nhà nước phải đầu tư rất nhiều tiền mà mãi vẫn chưa được cái thị trường khởi nghiệp như một góc của Isreal, thì ở HCMC mình đã có sẵn một dân số trẻ với cái máu liều hết sức bản địa.
Nơi đây tôi chưa thể so với Tel Aviv của Israel, có thể sẽ không bao giờ so được, bởi hai thành phố quá khác biệt về phương hướng phát triển: Tel Aviv hướng theo phát triển công nghệ, HCMC phát triển theo bất cứ hướng nào có cơ hội.
Nhưng HCMC thu hút tham vọng của người trẻ không kém gì những trung tâm kinh tế lớn trong khu vực như Singapore và Jakarta. HCMC thu hút người nước ngoài cũng như người Việt, nhà đầu tư cũng như lao động. Có lẽ nhiều ‘Việt kiều’ cũng không muốn lỡ cơ hội về HCMC cắm rễ trên vùng đất đầy sức sống này.
Tôi e rằng thời đại này mà kỳ vọng người ta về ‘cống hiến cho đất nước’ thì lý tưởng hóa quá.
Thật may là Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn những đặc thù để thu hút không chỉ những người có lý tưởng, mà cả những người thực tiễn đến tìm cơ hội.
0 Bình luận