Tại sao bạn không biến nỗi sợ thành đồng minh?

Đăng bởi Lê Hồng Phương Hạ vào

Một trong 77 tiêu chí của cộng đồng Hộ Chiếu Xanh đi quanh thế giới là: “Nếu bạn sợ việc gì, hãy thử làm chúng.” Thật vậy, đối diện và vượt qua nỗi sợ là một trong những cách thúc đẩy bản thân phát triển nhanh chóng nhất. Lật lại câu chuyện của các nhân vật thành công, bạn sẽ thấy họ đều đã nhiều lần đứng lên sau sự sợ hãi thất bại.  Hãy tưởng tượng mỗi nỗi sợ giống như một ngọn lửa tôi luyện bản lĩnh. Hành trình trở thành công dân toàn cầu buộc bạn phải vượt qua nhiều lần “lửa thử vàng” như vậy.

Bước đầu tiên để vượt qua nỗi sợ chính là thay đổi cách nhìn nhận. Thay vì xem nó như “kẻ thù”, sao bạn không nghĩ rằng cảm xúc sợ hãi sinh ra là để thúc đẩy bạn mạnh mẽ tiến lên phía trước, hoặc rút kinh nghiệm từ những vấp ngã trong quá khứ để hành động thận trọng hơn, hoặc tôi luyện tinh thần bền bỉ trước mọi thử thách? Dưới đây là năm vai trò hữu ích của nỗi sợ mà ít ai nghĩ đến.

1. Đối thủ của chính bạn

Sợ hãi là một cảm xúc khác thường. Bạn càng nhân nhượng, nó càng lấn tới. Bạn càng nỗ lực vượt qua, nó sẽ phải nhường bước cho bạn. Nỗi sợ sinh ra là để bạn chiến đấu với nó và buộc bản thân tiến về phía trước. Và thực tế, sợ hãi là cảm xúc tự nhiên và thường trực của mỗi con người, bạn sẽ không thể nào tránh được trong suốt cuộc đời. Cách duy nhất để không sợ hãi là khi bạn luôn ở trong vùng an toàn của bản thân. 

Nỗi sợ sinh ra là để bạn chiến đấu với nó và buộc bản thân tiến về phía trước.

Tuy nhiên, chúng ta không thể nào “tay không đánh giặc”. Muốn chinh phục nỗi sợ, ta cần có một “chiến lược” rõ ràng. Thứ nhất, gọi đúng tên nỗi sợ. Thứ hai, xác định xem nó đến từ đâu. Thứ ba, lên kế hoạch để hành động. Một trong những câu chuyện truyền cảm hứng nhất trong quyển Chuyện người Tây ở xứ Ta là câu chuyện của ca sĩ Sevinch Hạnh Phúc. Dù trải qua một tuổi thơ thiếu thốn hơi ấm tình thương, phải chịu đựng nhiều nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần nhưng cô gái trẻ đã không để cho bóng đen nỗi sợ đè nặng lên cuộc đời mình. Bằng tinh thần kiên cường, tâm hồn bao dung và niềm đam mê âm nhạc, Sevinch từng bước vượt lên quá khứ, rèn luyện để trở thành một ca sĩ xuất sắc, dùng giọng ca để lan tỏa niềm hạnh phúc đến mọi người và cho chính bản thân mình.

2. Đòn bẩy

Hầu hết nỗi sợ của chúng ta đều là lo lắng cho những chuyện chưa xảy ra và có khả năng xảy ra. Chẳng hạn, nhiều người chưa khởi nghiệp nhưng đã sợ thất bại, hoặc khi mới học một ngôn ngữ, chúng ta thường sợ nói sai và bị người khác chê cười. Đây cũng là tâm lý bình thường nhưng bạn đừng để bị nhấn chìm trong đó. Hãy bình tĩnh chấp nhận (có thể tự nhủ rằng: Mình đang sợ đấy), để cảm xúc lắng xuống và đầu óc sáng suốt trở lại. Lúc này, bạn mới quyết định nên hành động như thế nào. Bên cạnh đó, thay vì mất thời gian vào việc lo lắng, hãy tập trung tìm cách tránh để nỗi sợ đó thành hiện thực. Ví dụ như, khi bạn đang thất nghiệp, thay vì lo sợ sẽ trả tiền nhà trong tháng sau như thế nào, hãy tập trung vào tìm kiếm công việc để có thể bắt đầu làm việc nhanh nhất có thể.

Thay vì lo lắng, hãy hành động!

Mỗi lần bạn vượt qua được nỗi sợ, lòng tự tin thật sự sẽ tăng lên. Nói cách khác, sợ hãi chính là đòn bẩy thúc đẩy bạn vượt khỏi vùng an toàn để nâng cao năng lực, tin tưởng hơn vào bản thân và dám làm những việc trước đây chưa từng làm. 

3. Nhà phân tích rủi ro

Nỗi sợ không phải tự nhiên xuất hiện, thường thì đó là dấu hiệu cảnh báo cho một rủi ro sắp xảy ra và nhắc nhở bạn cần đề phòng. Một năm trước, khi tôi và nhóm sự kiện của cộng đồng HCX thực hiện chương trình với chị Nguyễn Phương Mai ở TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi vô cùng lo lắng. Nếu người tham gia ít quá thì sao? Phải làm truyền thông thật sáng tạo. Nếu không tìm được địa điểm thì sao? Phải liên lạc nhiều nơi và thương lượng giá thấp nhất có thể. Nếu chất lượng phục vụ không chu đáo thì sao? Chúng tôi đã kiểm tra tỉ mỉ từng vật dụng, sắp đặt nhân sự đâu ra đó. Cuối cùng, sự kiện đó khá thành công, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả và diễn giả. Thực tế, nỗi sợ không thể biến mất hoàn toàn nhưng quan trọng là nó thúc đẩy chúng tôi hành động thận trọng hơn thay vì lùi bước.

Nỗi sợ không thể biến mất hoàn toàn nhưng quan trọng là nó thúc đẩy chúng tôi hành động thận trọng hơn thay vì lùi bước

4. Người bảo vệ

Nỗi sợ giống như một công tắc tự động bật lên trạng thái đề phòng, buộc bạn phải thận trọng và chú ý hơn khi giải quyết các thách thức. Nó cảnh báo bạn khi nào nên mạnh dạn tiến lên và khi nào nên lùi lại trước khi ra quyết định. 

Nỗi sợ mách bảo cho bạn biết nên “làm ngay đi kẻo lỡ” hay “gượm đã, chờ thêm chút nữa”

Để “đánh thức” chức năng người bảo vệ, bạn hãy tập cách lắng nghe tiếng nói của trực giác. Nó đang bảo bạn “làm ngay đi kẻo lỡ” hay “gượm đã, chờ thêm chút nữa”. Đó là những kim chỉ nam định hướng cho bạn bước đi tiếp theo là gì. Trong quá trình thực hiện các dự án sách, hầu hết những lần đứng trước quyết định lớn, chúng tôi đều chọn tiến lên, nhưng có một lần, cả nhóm đã lùi lại. Đó là khi chúng tôi quyết định hoãn việc dịch quyển sách Chuyện người Tây ở xứ Ta sang tiếng Anh vì thời gian không cho phép và chưa đủ nhân lực, thay vào đó, tập trung hoàn thành và ra mắt bản tiếng Việt thật chất lượng.

5. Chất xúc tác tuyệt vời

Khi bạn quyết tâm theo đuổi ước mơ, việc lo lắng “mình quá điên rồ” hay “chẳng giống ai” là suy nghĩ bình thường. Đừng để áp lực làm “người bình thường” hay được “xã hội chấp nhận” bóp nghẹt hoài bão của bạn. Hãy cho phép bản thân mạo hiểm và dám sống với ước mơ của đời mình. Alfonsina Strada là nữ vận động viên đua xe đạp huyền thoại người Ý sống vào khoảng nửa đầu thế kỷ 20 – thời kỳ mà đua xe đạp vẫn là lãnh địa độc quyền của nam giới. Mặc cho mọi người xung quanh bàn tán: “Cô ta sẽ chẳng làm nên trò trống gì đâu”, Alfonsina đã chinh phục một trong những đường đua khó nhất thế giới – Giro d’Italia, kéo dài 21 ngày và đi qua những dốc đá hiểm trở nhất châu Âu. Trên chiếc xe đạp bánh răng đơn nặng 20kg, cô gái kiên cường đã lập một kỷ lục tốc độ đứng vững trong suốt 26 năm.

Alfonsina Strada – nữ vận động viên đua xe đạp huyền thoại người Ý

Sợ hãi vốn là cảm xúc nguyên thủy của loài người. Thuở hồng hoang, cảm xúc đó đóng vai trò bảo vệ chúng ta thoát khỏi nguy hiểm nhưng trong thời hiện đại, phần lớn nỗi sợ lại xuất phát từ sự phóng đại những viễn cảnh chưa xảy ra hoặc không bao giờ xảy ra, ngăn cản bạn làm những điều mình muốn. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào bản chất của sự sợ hãi, bạn sẽ tìm ra cách chế ngự chúng, biến chúng thành đồng minh, thành đòn bẩy, thành bệ phóng đưa bạn đến thành công. Nếu nỗi sợ là một chiếc kén, hãy phá bỏ nó để trở thành chú bướm xinh đẹp nhất.

Tác giả: Lê Hồng Phương Hạ


0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *