Nhật Ký Mùa COVID tại Nhật Bản
Cuối tháng 2/2020, mình tiễn một người bạn thân về Việt Nam làm việc. Tụi mình hẹn dành cho nhau 2 ngày ở Tokyo. Thời điểm đó, Tokyo có 23 người nhiễm CoV, Hokkaido chưa ban bố tình trạng khẩn cấp, các tỉnh thành còn lại thì hầu như chưa có người nhiễm.
Trái ngược với tâm lý lo lắng của mình, người dân Tokyo vẫn đang sống và làm việc bình thường, không quan ngại. Ga Shinjuku, các chuyến tàu, các điểm du lịch vẫn đông nghịt người, số người đeo khẩu trang rất ít. Mình hỏi một cô bạn người Nhật, rằng cô ấy có lo lắng không, cô nhìn mình đeo khẩu trang, cười ý châm chọc, bảo “không lo đến mức đó“.
Thế là tụi mình đi giữa bao cô gái hớn hở mặc Kimono “trẩy hội” mùa xuân, tự cười chính bản thân, khi hai đứa vẫn khư khư hai cái khẩu trang. Những tấm hình chung đầu tiên của tụi mình, trong lần đầu mình đến Tokyo, đeo nguyên khẩu trang như thế.
Những ngày tháng 3, khi hoa anh đào nở, cũng là lúc người ta cảm thấy rõ hơn sự hiện hữu của dịch bệnh trên khắp các tỉnh thành. Bệnh viện trường mình, trước đó chỉ mới tiếp nhận các bệnh nhân từ tàu Diamond Princess thôi, nay đã có bệnh nhân từ địa phương. Mình mỗi ngày đi về giữa viện trường và kí túc, nơm nớp lo. Cũng lại trái ngược với mình, người Nhật giữ tinh thần lạc quan rất tốt. Mọi người vẫn làm việc chăm chỉ, vẫn hẹn nhau đi ngắm hoa anh đào. Một ngày cuối tháng, ở khu vực Kanto, tuyết rơi bên những cánh hoa anh đào rung rinh. Cảnh tượng rất đẹp, và số người đến các công viên ở Tokyo ngắm hoa, ngắm tuyết rất nhiều, khiến các công viên phải dần đóng cửa để hạn chế sự đông đúc. Mình dù không ra ngoài, nhưng vẫn có thể ngắm nhìn hàng anh đào trong sân trường, vừa cảm thấy lo lắng, vừa cảm thấy rất tiếc cho các bạn du học sinh mới qua nhập học. Vì các bạn bị cách ly 2 tuần kể từ lúc nhập cảnh, lúc chấm dứt hạn cách ly, cũng là khi anh đào vừa tàn.
Tháng 4 đến là lúc mà mình cảm nhận rõ nhất sự căng thẳng của dịch bệnh. Khi mà rất nhiều nhân viên Y tế của bệnh viện mình, trong một đêm cấp cứu cho một bệnh nhi bị ngừng tim, đã phơi nhiễm với virus nCoV (tức là trở thành F1, như cách ở VN chúng ta quen gọi). Trong đó, có các BS của khoa mình, những người mà hàng ngày mình vẫn gặp gỡ, chào hỏi, bông đùa. Các nhân viên Y tế bị phơi nhiễm (F1) lập tức được cho cách ly tại nhà. Các hoạt động trong khoa vẫn diễn ra như bình thường, nhưng mọi người đã bắt đầu dè dặt. Mọi người chia thời gian ra ăn trưa, không còn ngồi chuyện trò với nhau như trước nữa. Giáo Sư cũng đặt mua rất nhiều cồn, để sát khuẩn trong khoa, và phân phát cho mọi người.
Một ngày, Giáo sư gọi mình vào, giải thích tình hình hiện tại của nước Nhật, của khoa, và bảo mình hãy suy nghĩ về việc về Việt Nam lúc này để đảm bảo an toàn cho mình. Dù mình trả lời rằng mình cũng là nhân viên Y tế và mình sẽ ở lại Nhật, Giáo sư vẫn cẩn thận nhắc mình, hãy luôn suy nghĩ về chuyện đó. Thầy cũng thường xuyên hỏi gia đình mình có lo lắng nhiều không, khi mình ở bên này, cảm thấy như đang chịu trách nhiệm với ba mẹ mình, cho sự an nguy của mình vậy.
Tháng 4 cũng là thời điểm bắt đầu học kì mới, nhận nhiệm sở mới tại Nhật, nên những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, lượng người di chuyển giữa các nơi rất lớn. Những ngày đó, số ca nhiễm ở các thành phố lớn tăng chóng mặt. Cùng theo đó, xuất hiện những tin tiêu cực. Một người đàn ông bị nhiễm virus và được cho cách ly tại nhà, đã cố ý đi ra ngoài nhằm gieo rắc virus cho cộng đồng. Một bệnh viện lớn cũng bị chỉ trích gay gắt, vì đã tổ chức tiệc và khiến nhiều Bác sĩ thực tập tham gia tiệc bị dương tính với virus. Một bệnh viện khác, đã buộc điều dưỡng bị nhiễm virus phải tiếp tục đi làm vì không tìm được người thay thế. Có những lúc, khẩu trang hết sạch sẽ. Mọi người bắt đầu may khẩu trang vải thay thế.
Vài ngày sau đó, Tokyo cùng các thành phố lớn ban bố tình trạng khẩn cấp. Một tuần sau, tình trạng khẩn cấp được ban bố trên toàn bộ nước Nhật. Dù vậy, nhiều người dân chưa kịp thay đổi nhận thức hoàn toàn. Đợt nghỉ lễ kéo dài từ 1/5-6/5/2020, đông đảo người dân kéo đến các công viên ngắm hoa, khiến các công viên này phải cắt bỏ toàn bộ hoa đang lúc nở rộ. Nhìn những dải tử đằng, tulip bị xén bỏ, ai nấy đều cảm thấy đau xót. Nhưng mình cũng thấy rất nhiều động thái tích cực hơn. Các thành phố lớn giảm hẳn người qua lại, các mall lớn đóng cửa; thực hiện giãn cách và cung cấp cồn rửa tay tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi; quầy tính tiền cũng được ngăn cách bằng một tấm nhựa trong dày; loa phường phát thông cáo về dịch liên tục. Chính phủ Nhật tung gói hỗ trợ cho công dân Nhật Bản phải nghỉ việc từ tháng trước, lúc này đã cung cấp khẩu trang cho người dân và tung thêm gói hỗ trợ cho tất cả các công dân nước ngoài đang sống tại Nhật. Mình cảm thấy chính sách này rất nhân đạo, nhất là dành cho các bạn hết hạn visa mà không thể về lại quê hương và không tìm được việc làm. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam tặng khẩu trang cho nhân dân Nhật, và chính phủ Nhật cũng tặng một khoản viện trợ giúp Việt Nam tiếp tục ứng phó với dịch.
Khi mình viết những dòng này, thì có một dấu hiệu đáng mừng nữa là các ca nhiễm mới tại Nhật đang trên đà giảm. Một tối muộn, Giáo sư đi tìm mình báo tin các bác sĩ của khoa đều âm tính với virus. Cả hai Thầy trò xúc động vô cùng. Mình còn được cảm nhận rõ hơn nét đẹp tinh thần Nhật Bản, khi ứng phó với dịch bệnh, thiên tai. Khi mà dù tình hình căng thẳng, mình vẫn được người bản xứ ưu tiên quan tâm và hỗ trợ. Khi mình hoang mang, thì mọi người vẫn điềm tĩnh làm việc, không bàn tán hay bi quan than thở. Các bác sĩ trong khoa, ngay đêm nhận kết quả âm tính với virus, đã lập tức quay trở lại bệnh viện.
Giáo sư mình trong một ngày bộn bề lo toan, vẫn ngẩng lên bảo mình “em có thấy tuyết không, hoa anh đào đang rơi trong gió kìa, giống tuyết nhỉ”.
Dẫu dịch bệnh vẫn còn phức tạp và sẽ còn nhiều tổn thất, hi sinh; thì cuộc sống của chúng ta trong từng giây phút hiện tại, vẫn đang mang những ý nghĩa riêng của nó, và đang vẫn là một món quà, phải vậy không?
Tác giả: Nguyễn Thu Thảo
0 Bình luận