Ngày đáng sợ nhất trong cuộc đời tôi…

Đăng bởi Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới vào

“Nào, hát lại cho anh nghe nào.”

“Một con vịt xòe ra hai cái cánh…”

“Môôốt… cn… vííít…”

Migueeeel, anh lại phát âm sai rồi,” tôi tức tối vì đã hát đi hát lại bài “Một con vịt” đến hàng trăm lần rồi mà anh vẫn chưa nghe ra. Đúng là ngay cả trong hoàn cảnh sống chết cận kề thì tôi vẫn là người cầu toàn. Đứng trong bóng tối mịt mù của cánh rừng rậm mênh mông trên hòn đảo Bowen, cách Vancouver 20 phút đi phà, chân đứng cận kề những vảnh đá dốc đứng trên độ cao 500 mét trên mặt biển, mà nếu có trượt một bước thì chỉ có mà rơi xuống vực thẳm. Cái vực nhìn ban ngày đã khiếp rồi, ban đêm chỉ cần nghĩ đến nó thôi là tim tôi cũng rụng rời. Ca hai chúng tôi đều thở hốc, một là vì sợ và hai là vì mệt. Sợ thì là sợ bị ngã xuống vực, sợ gấu, chó sói đồng cỏ hay nai sừng tấm mà các biển báo bên lề đường đã nhắc chúng tôi là hãy cảnh giác. Tại Canada, mà nhất là tại tỉnh bang British Columbia, bạn không chỉ phải cảnh giác với thú rừng tại các vùng hẻo lánh. Ngay cả trong thành phố hay trong những khu trường đại học, bạn cũng có thể bắt gặp gấu, gấu mèo Mỹ hay chó sói. Còn mùi chồn hôi phảng phất trên đường là chuyện rất bình thường. Con chồn thường hay hoạt động về đêm và trông rất đáng yêu. Nhưng nếu nó cảm thấy bị nguy hiểm, người nó tỏa ra một làn mùi rất đặc trưng để tự vệ. Nếu đứng gần con chồn hôi và bị nó tấn công bằng mùi hôi thối, bạn chỉ có một cách khử mùi là vứt hết quần áo đang mặc vào thùng rác và tắm liên tục trong một tuần tiếp theo.

Chó sói đang đi ngang qua đường. (Tại trường đại học UBC ở Vancouver, Canada)

Gấu mèo đang ngồi trước cửa nhà Hương tại Vancouver, Canada.

Hương đang đi trên đường thì gặp chú chồn.

Còn nếu đã gặp gấu thì bạn phải cố nhận ra xem con gấu đang nhe răng trước mặt bạn là gấu đen (tiếng Latinh là Ursus americanus) hay gấu xám Bắc Mỹ (tiếng Latinh là Ursus arctos horribilis). Nếu đó là gấu đen thì bạn phải hét to, khua chân khua tay để ra dấu hiệu cho nó biết là đối phương của nó là một kẻ to lớn. Còn nếu đã gặp gấu xám Bắc Mỹ thì bạn phải giả chết cho đến khi nó đi mất. Gấu xám thường lớn hơn gấu đen, và cố chạy hay chiến đấu với nó thì chỉ có thua. Tại nhiều khu nhà ở, cảnh gấu ghé thăm vườn là chuyện thường nên những thùng rác phải khóa lại để cho gấu không mở ra được. Bị gấu tấn công đến chết cũng không phải là trường hợp phổ biến, nhưng khi đang bị mắc kẹt ở trong rừng với hai cái điện thoại sắp hết pin là hai cái đèn duy nhất mà chúng tôi có thể sử dụng để mò tìm ra lối thoát, chúng tôi thắt tim mỗi khi nghe thấy tiếng động xung quanh.

Tại anh dậy muộn quá đấy!” tôi xị mặt, ngay cả khi biết rõ là xị mặt trong bóng tối dày đặc như vậy thì anh cũng có nhìn thấy tôi đâu. Anh Miguel là một kỹ sư điển hình. Giờ giấc của anh cũng không khác gì giờ giấc của các con gấu mèo Mỹ. Anh bắt đầu làm việc khi mọi người đã về nhà, và anh rời phòng thí nghiệm để về nhà ăn tối khi người khác sắp sửa dậy đi làm. Vì thế nên gọi anh dậy đi leo núi Gardner tại hòn đảo Bowen là một nhiệm vụ bất khả thi. Anh chỉ thức dậy vì đó là ngày sau lễ đính hôn của chúng tôi, và vì anh biết tôi rất muốn đến nơi này. Tôi đã bị quang cảnh thành phố Vancouver từ trên đỉnh núi Gardner với núi, tuyết, biển, rừng, thành phố cùng trong một tấm hình tôi đã nhìn thấy trên Facebook làm cho mê hoặc. Vancouver là thành phố nơi bạn có thể trượt tuyết, lướt ván và đạp xe đạp trong rừng trong cùng một ngày, và tôi quyết tâm muốn nhìn thấy khung hình đấy trước khi trở lại châu Âu. Vâng, chính vì quang cảnh hùng vĩ đó mà bây giờ chúng tôi dở sống dở chết.

Trở về độ cao 500 mét trên biển, anh Miguel nhắc tôi là kêu ca thì cũng không giải quyết được gì, và chúng tôi hãy tiếp tục hát bài hát “Một con vịt” để cho quên đi nỗi sợ. Anh học được câu này thì lại quên mất câu trước. Trong hoàn cảnh bị căng thẳng cao độ thì làm sao mà tư tưởng có thể tập trung cho việc học thuộc lòng được. Anh Miguel cầm điện thoại với chế độ đèn pin để đi trước mở đường cho tôi đi. Anh cứ bước hai bước thì đứng lại, quay lại chiếu đèn vào mặt đất trước mặt tôi để tôi biết đường mà tiến lên. Đi với tốc độ rùa bò ngửa như vậy nên sáu tiếng sau, chúng tôi vẫn bị kẹt trong rừng.

Chúng tôi đã gọi số điện thoại khẩn cấp 911, và đã được kết nối với cảnh sát RCMP (Royal Canadian Mounted Police) của Đảo Bowen lúc đó đang trong giờ hành chính. Trên đảo Bowen có hai cảnh sát duy nhất. Một cảnh sát đang bận giải quyết một vụ việc khác, nên chỉ có người cảnh sát còn lại đến cứu chúng tôi. Nhưng chính ông cũng sợ phải trèo lên núi trong đêm khuya, sợ rằng nếu ông cũng bị lạc nữa thì sẽ không còn ai để đến cứu chúng tôi. Thế là ông đứng dưới chân núi và thỉnh thoảng lại gọi điện để kiểm tra xem chúng tôi đã đi đến đâu rồi. “Hai người còn đồ ăn dự trữ chứ?” ông hỏi. Chúng tôi vẫn còn bánh mỳ kẹp mang đi từ nhà, nhưng từ lúc bắt đầu xuống núi, chúng tôi không có bụng dạ nào để nghĩ đến việc ăn uống. Và cũng may là chúng tôi mặc đủ ấm (tôi mặc áo khoác đông của anh Miguel) nên nếu phải tính đến tình huống xấu nhất là phải ngủ lại trong rừng, chúng tôi cũng không bị chết lạnh.

Cuối cùng, chúng tôi cũng đặt chân an toàn xuống mặt đất sau bảy tiếng tìm đường trong đêm tối. Ngày hôm đó nghiễm nhiên trở thành ngày đáng sợ nhất trong cuộc đời chúng tôi, nhưng đồng thời nó cũng đã giúp tôi khẳng định rằng tôi đã trao trọn vẹn trái tim mình cho người đàn ông lý tưởng. Đó là người mà sẽ không bao giờ bỏ rơi tôi trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống.

Tác giả: Hồ Thu Hương


Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới

Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới là một dự án blog của Đức, Hương và Linh, ba công dân toàn cầu người Việt đã từng sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới.

0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *