Một ngày với gia đình Amish
Nhắc tới Hoa Kỳ, bạn liên tưởng đến những điều gì? Sự hiện đại? Văn minh? Các ngôi nhà đầy đủ tiện nghi? Các tòa nhà chọc trời? Người dân đề cao chủ nghĩa cá nhân và tiêu dùng? Trong bài viết dưới đây, tôi sẽ mô tả cho các bạn về một nhóm người sinh sống tại Hoa Kỳ nhưng có lối sống trái ngược với tất cả những gì bạn biết về người Hoa Kỳ.
Lần đầu tiên nghe về người Amish, một cộng đồng truyền thống sống trong lòng đất nước Hoa Kỳ phồn hoa nhưng lại từ chối nền văn minh hiện đại, không sử dụng điện và xe ô tô, tôi đã rất tò mò muốn tìm hiểu thêm về cuộc sống của họ. Vậy nên tôi đã xem bộ phim Expecting Amish (2014 của đạo diễn Richard Gabai), kể về cô gái 18 tuổi người Amish Hannah Yoder. Trước khi chính thức gia nhập tôn giáo và kết hôn với bạn trai mình, cô đã đến Hollywood chơi với nhóm bạn người Amish và có tình cảm với một anh chàng DJ mới quen. Sau khi trở về ngôi làng của mình, cô phát hiện ra rằng mình đã mang thai và phải đưa ra quyết định là sẽ cưới người bạn trai Amish hiện tại hay quay trở lại Hollywood và bị tuyệt thông từ gia đình và cộng đồng Amish.
Mỗi khi tìm hiểu về một chủ đề nào đó, tôi có thói quen lướt mạng tìm đọc các bài viết trên những nguồn khác nhau và trong nhiều ngôn ngữ để có được cái nhìn tổng thể và khách quan nhất. Trong một bài viết về người Amish, tôi đã đọc được một thông tin thú vị là một số gia đình Amish tại Quận Lancaster ở tiểu bang Pennsylvania cho du khách thuê phòng dưới dạng Bed & Breakfast. Đây quả là một cơ hội tuyệt vời để tham quan làng người Amish và học hỏi thêm về văn hóa của họ, tôi thiết nghĩ. Và rồi, nhân dịp ngày lễ Lao động của Hoa Kỳ (được đón mừng vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 9 hằng năm), tôi đã đặt phòng cho vợ chồng tôi tại một Bed & Breakfast của người Amish tại thị trấn Ephrata, tiểu bang Pennsyvalnia, cách Boston nơi tôi sống hơn 6 tiếng lái xe. Tôi chọn gia đình có độ tương tác với du khách cao nhất, theo sự mô tả trên trang web.
Chắc các bạn đang thắc mắc không biết người Amish nhận đơn đặt phòng như thế nào khi họ không sử dụng máy tính và không có điện thoại trong nhà. Trên thực tế, trang web đặt phòng là do một người không phải là người Amish quản lý. Mỗi khi có khách đặt phòng, người quản lý đó sẽ gọi điện cho chủ nhà vào điện thoại bàn, đặt trong một căn nhà gỗ ngoài sân. Người Amish không được có các thiết bị “hiện đại” trong nhà, nhưng bên ngoài thì họ vẫn có thể sử dụng chúng.
Giờ check in phải nằm trong khoảng thời gian từ 4g chiều đến 7g tối, trong email xác nhận đơn đăng ký đã ghi như vậy. Người Amish rất nghiêm túc với giờ giấc, một phần chắc hẳn là vì họ có nguồn gốc từ Đức và Thụy Sĩ, hai nền văn hóa nơi người dân đúng giờ như đồng hồ. Chúng tôi đã đến nơi vào đúng 7g tối và hai ông bà Ben và Emma đã đứng trước cửa nhà chào đón vợ chồng tôi. Họ mở nụ cười thân thiện và bắt tay. Ông Ben chào chúng tôi với câu nói:
“Chúng ta có lối sống khác biệt nhưng vẫn có thể là bạn bè của nhau.”
Ông Ben, người Amish cởi mở và thân thiện
Bạn có đồng ý với cách suy nghĩ này? Thật đáng buồn khi những con người đến từ hai nửa khác nhau của Trái đất, với lối sống và ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt vẫn có thể coi nhau là bạn bè, nhưng anh chị em trong một gia đình, lớn lên cùng nhau dưới một mái nhà vẫn có thể hãm hại nhau chỉ vì những thứ vật chất như một mảnh đất!
Sau khi để đồ lên phòng ngủ mà ông bà đã chuẩn bị ngăn nắp từ trước, chúng tôi được ông Ben dẫn đi tham quan khu trang trại rộng hơn 12 nghìn mét vuông của gia đình ông. Ngoài căn nhà có 5 phòng ngủ, ông có thêm một ngôi nhà khác với 5 phòng ngủ nằm kế bên, hiện đang cho hai gia đình “người Anh” thuê. Người Amish chia con người ra thành ba nhóm: người Amish, người Mennonite và “người Anh”. Tương tự như người Amish, người Mennonite cũng thuộc giáo phái Tin Lành, nhưng họ sống cởi mở hơn, được dùng điện và có ô tô riêng. Còn “người Anh” là những người “không phải là người Amish cũng không phải là người Mennonite và nói tiếng Anh”. Như vậy, tôi và chồng cũng được coi là những “người Anh”.
Ông Ben dẫn chúng tôi đến chào con ngựa cái 16 tuổi tên Misty. Ông cho tôi cưỡi thử Misty (lần cuối cùng tôi cưỡi trên lưng ngựa là khi đi trại hè ở Cộng hòa Séc hồi học trung học) và sáng hôm sau còn dẫn chúng tôi đi dạo quanh khu trang trại của ông trên xe ngựa “buggy“.
Misty rất hiền và thông minh, hiểu và nghe theo những mệnh lệnh của ông Ben. Sau khi làm quen với chúng tôi, Misty được thưởng quả táo và vào chuồng ngủ. Ở trang trại của ông còn có gà, dê, cừu và 4 con chim cút Virginia mập ú nằm trong 4 chuồng chim riêng biệt để tránh bị diều hâu bắt cóc. Gia đình ông còn trồng táo, đào, ngô, khoai lang… nên phần lớn các đồ ăn ở nhà có nguyên liệu tự chế biến.
Nhóm Amish đầu tiên rời khỏi Đức và Thụy Sĩ để sang Quận Lancaster, tiểu bang Pennsylvania tại miền đông bắc Hoa Kỳ định cư vào đầu thế kỷ thứ 18 để tránh bị phân biệt đối xử, ngược đãi và thậm chí là bị giết. Bà chủ nhà Emma kể cho chúng tôi rằng khi chỉ mới lên 12 tuổi, ông tổ của bà, một câu bé người Đức không thuộc cộng đồng Amish, đã bị bắt cóc lên chuyến tàu đi từ Đức sang Hoa Kỳ. Ông đã phải làm nô lệ cho một gia đình tại Pennsylvania, được một người Amish chăm sóc và cuối cùng đã quyết định theo tôn giáo đó. Còn gia đình ông Ben có nguồn gốc từ Thụy Sĩ. Ngoài tiếng Anh để giao tiếp với “người Anh”, gia đình ông còn sử dụng tiếng Đức của Pennsylvania với các thành viên trong nhà và tiếng Đức cao địa để đọc Kinh thánh. Nhiều đường phố và tên làng tại tiểu bang Pennsylvania có gốc từ tiếng Đức hoặc tiếng Hà Lan. Hiện giờ, tại Quận Lancaster có khoảng 39.000 người Amish sinh sống, và ngoài tiểu bang Pennsylvania, các tiểu bang Ohio và Indiana cũng có số lượng lớn người Amish.
Dù cuộc sống “không có các tiện nghi của thế giới văn minh” có thể được coi là khá bất tiện đối với những “người Anh” như chúng ta, nhưng người Amish vẫn ưu tiên cho cách sống không căng thẳng và áp lực của mình và nhất quyết không muốn chuyển đến thành phố ở. Điều này làm tôi nhớ lại anh chàng dắt lạc đà người Berber (người du mục ở Bắc Phi) tên Ahmed mà tôi đã làm quen trên sa mạc Sahara tại miền đông Maroc vào năm 2015. Anh cũng đã nói với tôi một suy nghĩ tương tự bằng tiếng Tây Ban Nha (dù không được học chính thức ở trường học, nhưng nhiều người Maroc làm việc trong lĩnh vực du lịch có thể giao tiếp được bằng 4-5 ngôn ngữ). Sa mạc, tương tự như những ngôi làng của người Amish, là nơi người dân có thể có cuộc sống không xô bồ, vội vã mà yên tĩnh, nhẹ nhàng. Dù vậy, người Amish vẫn sống rất nghiêm khắc và phải tuân thủ theo bộ quy tắc chung, được gọi là “Quy tắc Ordnung”.
Giai đoạn duy nhất mà người Amish có thể thả lỏng và không thực hiện theo Quy tắc Ordnung được gọi là “rumspringa“, diễn ra trong khoảng thời gian nào đó ở độ tuổi từ 16 đến 21, trước khi người Amish được rửa tội và chính thức gia nhập tôn giáo. Nghĩa của từ “rumspringa” trong tiếng Đức của Pennsylvania là “chạy rông”, vì đây là lần cuối người Amish có thể trải nghiệm cuộc sống tự do trước khi vào khuôn phép. Họ được đi du lịch ra “thế giới bên ngoài”, hòa mình vào cuộc sống của “người Anh”, mặc quần jeans, sử dụng điện thoại, đến rạp chiếu phim hoặc lái xe (điều nghịch lý là họ không được có bằng lái xe), cho đến khi họ quyết định trở về, chịu phép rửa tội và lập gia đình như cha ông của họ. Ông Ben không quen người Amish nào không muốn trở về cuộc sống Amish. Một lý do dễ hiểu là họ sinh ra và lớn lên trong môi trường và nền văn hóa Amish nên sẽ rất khó để họ có thể thay đổi lối sống của mình. Ngược lại, có một số “người Anh” đã quyết định trở thành người Amish, nhưng chỉ sau vài năm, họ không chịu nổi cuộc sống giản dị và trở lại với cuộc sống hiện đại mà họ đã quen thuộc.
Phần lớn quần áo của người Amish là do phụ nữ tự may. Đàn bà Amish thường búi tóc, đội mũ vải thêu màu trắng (phụ nữ chưa có chồng) hoặc đen (phụ nữ đã có chồng), mặc váy dài một màu che đến chân và dùng vớ cotton. Họ tin rằng họ chỉ cần sở hữu bốn chiếc váy: một là váy để mặc, hai là váy bẩn để giặt, ba là váy cho những dịp đặc biệt và bốn là bộ váy dự phòng. Đàn ông Amish đội mũ rơm (vào mùa hè) hoặc mũ nỉ đen (vào mùa đông), mặc quần màu tối và áo sơ mi và chỉ bắt đầu để râu quai nón sau khi lập gia đình. Họ không được dùng khuy áo mà dùng kim băng. Vì phần lớn người Amish không thích chụp ảnh nên tôi không có tấm ảnh chính diện của phụ nữ Amish.
Thay vì lái xe ô tô hoặc đạp xe đạp, họ di chuyển bằng xe ngựa kéo được gọi là “buggy” hoặc xe đạp không có yên xe được gọi là “scooter“. Lý do vì sao xe ô tô và xe đạp bị cấm là vì các phương tiện giao thông có khả năng chở người đi lại nhanh chóng có thể khiến cho người Amish dễ bị sa đọa. Xe ngựa có thể chạy với tốc độ 16km/tiếng.
Trường học Amish chỉ có một lớp với một giáo viên duy nhất (thường là cô gái trẻ chưa chồng), dạy tầm 30 học sinh trong độ tuổi từ 6 đến 14 (từ lớp 1 đến lớp 8). Họ học đọc, viết và các phép tính cơ bản. Giữa các buổi học, các học sinh ra sân chơi các loại bóng như bóng mềm (“softball“), những đứa trẻ nhỏ tuổi nhất thì chơi bập bênh hoặc leo trèo trên hàng rào xung quanh trường.
Sau buổi học, trẻ em về nhà giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà, cho gia súc ăn, vắt sữa bò hoặc chơi với các con thú trong nhà.
Từ bé, trẻ em người Amish đã được làm quen với tinh thần làm việc chăm chỉ và tiết kiệm tiền. Không sử dụng điện không đồng nghĩa với việc là căn nhà của người Amish tối mịt sau khi mặt trời lặn. Họ vẫn sử dụng đèn nạp bằng ánh sáng mặt trời, đèn sử dụng pin hoặc đèn dầu.
Người Amish không thể học lên cao để trở thành bác sĩ hoặc luật sư, nhưng khi bị ốm hoặc lúc cần thiết, họ vẫn có thể đến bệnh viện khám hoặc gọi xe cứu thương. Ông Ben kể rằng, hồi vợ ông sắp sinh cô con gái ở nhà, bà đỡ đẻ “người Anh” đã không đến nhà kịp thời nên ông đã phải giúp vợ trong quá trình sinh nở. Vì các gia đình người Amish làm nông nên họ thông thường có 6-7 người đủ loại công việc tay chân khác nhau như: làm vườn, trồng cây, nuôi gia súc, gia cầm, xây nhà, làm các đồ thủ công, sửa chữa… Khi trưởng thành, họ chọn một nghề riêng cho mình, nhưng mỗi khi cần họ sẽ giúp đỡ gia đình hoặc cộng đồng của họ trong các công việc khác nhau. Họ không được làm việc vào ngày Chủ nhật vì đó là ngày dành cho buổi thờ phượng được tổ chức tại nhà của một gia đình Amish.
Ông Ben làm việc hơn 20 năm tại một quán cà phê kiêm quán ăn của người Mennonite. Vào năm 2010, ông chuyển sang làm cho một công ty du lịch và chở du khách “người Anh” đi tham quan các trang trại Amish. Có một số người hỏi ông là có gia đình Amish nào cho du khách thuê phòng và ăn sáng không. Ông không biết ai như vậy nên đã nảy ra ý tưởng cho thuê hai phòng ngủ để trống tại nhà mình. Ông bà Ben và Emma đã ngoài tuổi 70, cưới nhau từ hồi cả hai đủ 21 tuổi và bây giờ có 6 người con – 4 con trai và 2 con gái – trong đó 5 người đã lập gia đình và ra ở riêng. Chỉ có duy nhất một người con trai trong độ tuổi giữa 30 vẫn đang độc thân và sống cùng bố mẹ. Ông bà có tất cả là 18 người cháu và một chắt mới sinh ba ngày trước khi chúng tôi đến. Ông bà rất đam mê du lịch (vì không được bay nên họ đã từng đi tàu hỏa xuyên khắp Hoa Kỳ, Canada và sang cả Mexico) và thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nên họ rất thân thiện và cởi mở với du khách đến từ bốn phương thường xuyên đặt phòng ở nhà họ. Trên bản đồ thế giới treo trên tường có chi chít các ghim đánh dấu nguồn gốc của những người du khách đã đặt chân đến nhà họ. Tôi đã cảm thấy ngạc nhiên khi thấy ghim nằm ở các quốc gia xa xôi như Papua New Guinea, Yemen, Ethiopia, Zimbabwe hay Peru!
Trước khi đến Pennsylvania, chúng tôi dừng chân tại viện bảo tàng và ngôi nhà của nhà văn Hoa Kỳ Mark Twain (tác giả của những tác phẩm bậc nhất Hoa Kỳ mà bạn nên đọc là: Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn). Một trong những trích dẫn nổi tiếng nhất của ông là:
“Du lịch sẽ giết chết thành kiến, cố chấp, và bảo thủ.”
Trích dẫn từ cuốn sách Đi Nước Ngoài (A Tramp Abroad) của Mark Twain. Bản gốc tiếng Anh: “Travel is fatal to prejudice, bigotry, and narrow-mindedness.“
Nhưng theo tôi, chỉ đi du lịch không vẫn chưa đủ để giết chết các tư tưởng hẹp hòi. Có rất nhiều người sau những chuyến đi du lịch vòng quanh thế giới của mình vẫn giữ nguyên trong lòng những định kiến sai trái, vì họ mang chúng theo người trong suốt cuộc hành trình của mình, trong khi không chịu tiếp thu những bài học quý báu mà họ có cơ hội mắt thấy, tai nghe. Chỉ khi chúng ta đi du lịch và hòa mình vào cuộc sống của người bản xứ bằng cách giao tiếp, học hỏi và tôn trọng những nền văn hóa khác biệt thì chúng ta mới có thể nói rằng:
Tác giả: Hồ Thu Hương
0 Bình luận