Hãy cho giới trẻ Việt cơ hội thực hiện những ước mơ của mình

Đăng bởi Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới vào

Hôm nay, mình mới có dịp được xem video dưới đây của Kyo York, chàng trai người Mỹ nổi tiếng ở Việt Nam vì hát được các bài hát bằng tiếng Việt:

Đầu tiên, mình thấy rất kỳ lạ là người Việt vẫn còn quá thần tượng những người nước ngoài chỉ vì họ biết nói tiếng Việt, mặc dù họ không có tài năng gì nổi bật. Những người trông ‘Tây’ một tí mà nói được tiếng Việt là sẽ nghiễm nhiên trở thành thần tượng, người mẫu, ca sĩ, vv. Trong khi đó, những người Việt ở nước ngoài mà nói được tiếng bản xứ thành thạo hơn những người nước ngoài ở Việt Nam, có khi họ nói được ba, bốn, năm ngôn ngữ, có khi họ tài giỏi hơn, thành công hơn, có thể sẽ không bao giờ nổi tiếng được bằng những người “Tây nói tiếng Việt”! Có thể là vì ở nước ngoài, người dân đã khá quen với việc người ngoại quốc đến đất nước họ phải làm việc cật lực thì mới có thể trở nên thành công, trong khi ở Việt Nam thì những người nước ngoài chỉ cần học tiếng Việt, lặp đi lặp lại câu: “Tôi yêu Việt Nam!”, chọn một lĩnh vực nào đó trong nghệ thuật (mà không nhất thiết họ phải có tài năng nổi bật) và thế là họ nghiễm nhiên trở thành hiện tượng!

Để bình luận về chủ đề mà anh chàng Kyo nói lên trong đoạn video trên, mình có thể khẳng định là: Ở đâu cũng có người chăm chỉ và người lười biếng. Tuy nhiên, mình không đồng lòng với những lời chê bai các bạn sinh viên Việt Nam và sự so sánh các bạn đó với những sinh viên bên Mỹ. Sinh viên Việt và Mỹ lớn lên trong những môi trường hoàn toàn khác nhau, vậy nên ví họ với nhau cũng như là ví quả táo với quả cam vậy. Có hai tác động chính dẫn đến việc các bạn trẻ Việt thụ động và không tự tin về mình: Thứ nhất, đó là môi trường giáo dục tại Việt Nam hiện giờ vẫn chưa khuyến khích các bạn trẻ trở thành những người sáng tạo. Họ phải học những gì thầy cô và sách giáo khoa bảo, và ngược lại, họ không được nói lên những ý kiến của mình nếu chúng đi ngược lại với sách vở hay thầy cô.

Thứ hai, và đây là một điều mình thấy rất buồn: người Việt thực ra không sống cho mình, mà bị ràng buộc khá nhiều bởi gia đình và xã hội. Điều này có nghĩa là, chính những người yêu thương chúng ta nhất lại là những người không muốn chúng ta thực hiện những ước mơ của mình. Lớn lên trong một gia đình Việt, mình biết những khó khăn mà các bạn trẻ Việt phải vượt qua để có thể khẳng định được chính mình. Gia đình Việt vẫn đo độ ‘ngoan’ của con cái bằng số giờ chúng ngồi trên bàn học, đi học thêm hay học trên lớp, họ vẫn dùng những bảng điểm của con cái để thi đua với các bậc phụ huynh khác. Họ không muốn cho con cái học những gì họ thực sự muốn học, vì đơn giản họ nghĩ là: “Nếu muốn kiếm tiền thì phải đi học ngành Kinh tế! Nếu muốn được coi trọng phải học ngành Y khoa!” Nếu giới trẻ đưa ra ý kiến của mình, họ sẽ bị coi là “bướng” vì “hay cãi lại”. Có rất nhiều bạn trẻ Việt cố kìm nén những nguyện vọng của mình trong lòng và không nói ra với bố mẹ vì sợ họ không vừa lòng. Các bạn biết không, có một số bạn nhắn tin cho chúng mình bảo là họ đã phải đi theo con đường mà cha mẹ của họ chọn cho họ nên bây giờ họ cảm thấy rất chán nản. Có bạn muốn học tiếng Nhật vì có ước mơ sang Nhật làm việc nhưng cha mẹ không cho phép vì lý do “tiếng Anh còn chưa sõi thì học tiếng Nhật làm gì”? Có bạn còn nói: “Em rất muốn đăng ký những suất học bổng ra nước ngoài, nhưng không còn thời gian chuẩn bị hồ sơ nữa vì gia đình bắt đi học thêm ghê quá!” Ngay cả những bạn lớn lên tại nước ngoài cũng phải chịu những sức ép từ gia đình: có những người không được đi làm thêm trong khi đi học, không được ra nước ngoài học hỏi, không được yêu người nước ngoài,… Mới đây, mình cũng đọc được bài Đất Nước Của Những Kẻ Lười Biếng, nhưng tác giả bài viết đó  nhận ra một điều là sự ‘lười biếng’ và ‘thụ động’ ở giới trẻ Việt Nam hiện giờ là vì họ liên tục bị bắt ép phải làm những điều họ thật ra không muốn làm?

Mẫu ‘người con ngoan’ của cha mẹ Việt được đúc theo một khuôn mẫu mà chính họ đã phải trải qua từ thời thơ ấu: lớn lên PHẢI học giỏi – học xong cấp ba thì PHẢI học một ngành ‘kiếm ra tiền’ tại một trường đại học danh tiếng – PHẢI tập trung vào học và chỉ học không khi chưa ra trường, những đam mê khác chỉ là phụ, không được dành nhiều thời gian cho chúng – KHÔNG được yêu đương khi vẫn còn đi học – nhưng khi đi học xong thì PHẢI yêu và cưới ngay không thì bị ế – PHẢI đẻ con ngay sau khi cưới – PHẢI có công việc tốt – PHẢI, PHẢI, PHẢI. Đến khi chiều được tất cả những điều ‘PHẢI’ làm từ phía gia đình và cộng đồng hay xã hội, thì các bạn trẻ đã hết thời gian để dành cho những đam mê đích thực của mình.

Vậy nên thay vì chê bai họ, chúng ta nên cùng tìm ra những cách để thay đổi môi trường họ trưởng thành! Thay vì coi giới trẻ là những ‘bảng thành tích’ để gia đình có thể mang đi khoe với người khác, thì chúng ta hãy học cách nói chuyện với họ để hiểu được rõ những ước mơ đích thực của họ, để tạo điều kiện tốt nhất cho họ vươn tới những ước mơ của chính mình, chứ không phải của gia đình hay xã hội. Đó mới là cách tốt nhất để giúp đất nước và con người Việt Nam phát triển một cách hoàn thiện và lành mạnh nhất.

Bạn có lời nhắn muốn gửi tới cha mẹ mình không? Hãy gửi lời nhắn của mình ở dạng vô danh tại đây bạn nhé:
https://hochieuxanh.com/hay-gui-loi-nhan-cua-ban-toi-cha-me-hay-gia-dinh-minh.


Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới

Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới là một dự án blog của Đức, Hương và Linh, ba công dân toàn cầu người Việt đã từng sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới.

0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *