Để có được môi trường làm việc lành mạnh, công bằng và bình đẳng

Đăng bởi Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới vào

Nhớ lại hồi mình làm một trong những công việc đầu tiên trong đời ở Praha, Cộng hòa Séc. Công ty đó nằm cách nhà mình hơn một tiếng đi phương tiện giao thông và mình phải đổi xe mất ba lần: xe buýt – tàu điện ngầm – xe buýt. Vì chỗ làm việc khá hẻo lánh nên cứ 30 phút mới có một chuyến xe buýt ở chặng cuối, và các chuyến xe có thể đến chậm hơn lịch trình. Vậy nên, có một số lần mình đến công ty bị chậm mất… 5 phút. Những lúc như vậy mình cảm thấy như tim sắp nhảy ra khỏi lồng ngực vì chưa đến nơi thì bà quản lý với bộ mặt tức tối đã đứng trước cửa và chỉ lên đồng hồ nhắc nhở: “Cô lại đến trễ 5 phút rồi đó.” Bà ta không muốn nghe bất cứ lý do nào cho việc đến trễ của mình.

Hồi đi học, khi giáo viên đưa ra hạn chót là 23:50 của ngày XY, thì nếu ai đó nộp bài vào 23:51 phút, họ sẽ bị coi là nộp muộn (đôi khi nộp muộn sẽ bị trừ điểm).

Khi hẹn gặp với bạn bè, chúng mình phải lên kế hoạch trước ngày gặp một tuần để mọi người có thể sắp xếp lịch. Rồi nếu ai đó đến trễ chỉ 2 phút thôi, họ cũng phải gửi tin nhắn cho bạn bè trước giờ hẹn để cập nhật thời gian đến và kèm theo lời xin lỗi.

Có thể các bạn cảm thấy rằng cách sống mà lúc nào cũng phải đúng giờ đến từng giây từng phút như vậy rất dễ bị căng thẳng. Nhưng cũng vì mọi thứ đều khá chính xác nên khi sống ở Cộng hòa Séc, mình đã có thể lên kế hoạch cho từng giây phút trong ngày. Và vì có thể tính toán được cho từng khoảnh khắc trong ngày nên mình đã có thể đảm nhận rất nhiều công việc khác nhau mà không cảm thấy bị ảnh hưởng hay căng thẳng vì mỗi công việc đã được lên kế hoạch chi tiết từ trước rồi.

Nhưng từ khi rời khỏi châu Âu, cách cảm nhận giờ giấc của mình đã bị thay đổi khá nhiều, vì nếu không mình sẽ liên tục cảm thấy bị thất vọng và khó chịu. Mình không còn có thể tính toán chính xác được kế hoạch cho ngày của mình như trước vì nhiều yếu tố khác nhau: xe buýt đến chậm, đối tác không đúng hẹn, bạn đến trễ nửa tiếng, v.v. Rồi cách cảm nhận thời gian hoàn toàn khác biệt của từng quốc gia mà mình đã đi qua cũng khiến mình trở nên linh hoạt hơn. Nhưng đó chỉ là đối với những thứ không có liên quan đến công việc. Trong công việc, mình vẫn luôn là người châu Âu với những quy tắc mà mình đã được rèn luyện kỹ lưỡng từ bé.

Mình nhắc tới những điều trên để các bạn hiểu rõ hơn về cách làm việc của mình. Trong hai năm trở lại đây, mình đã có cơ hội làm việc với rất nhiều các bạn trẻ cũng như đối tác Việt Nam. Phong cách làm việc của người Việt có nhiều điều khác biệt so với người châu Âu và một số điều mình vẫn đang phải cố gắng thích nghi. Dưới đây, mình sẽ nêu ra những quy tắc làm việc (nhất là đối với đối tác) mà mình cảm thấy vẫn chưa được chú ý tới trong môi trường làm việc ở Việt Nam. Mình tin rằng những quy tắc này sẽ giúp cho tất cả chúng ta có được môi trường làm việc lành mạnh, công bằng và bình đẳng hơn.

1. LÀM VIỆC CÓ TRÁCH NHIỆM

Hoàn tất các nhiệm vụ trong đúng thời hạn đã thông báo với đối tác hoặc những bên có liên quan đến công việc của bạn là một điều tối thiểu và cần thiết trong bất cứ công ty và tổ chức chuyên nghiệp nào. Trước khi nhận lời làm bất cứ công việc gì, hãy suy nghĩ xem bạn có đủ khả năng, thời gian cũng như động lực để thực hiện công việc đó không. Khi đã chấp nhận làm bất cứ việc gì, bạn cần phải có trách nhiệm với công việc đó bất chấp tiến độ của những công việc khác. Hãy cam kết với bản thân rằng bạn sẽ thực hiện mỗi công việc mình đảm nhận 100%. Nếu bỏ dở giữa chừng, bạn sẽ làm tốn thời gian và công sức của những người trong cuộc.

2. KHÔNG VIỆN CỚ LÝ DO CÁ NHÂN TRONG CÔNG VIỆC

Trong công việc, bạn không nên mang những lý do cá nhân hoặc các lý do không liên quan đến công việc ra để viện cớ cho các nhiệm vụ chưa được làm theo đúng kế hoạch. Nếu bạn đang có quá nhiều công việc mà không thể đảm nhiệm hết các nhiệm vụ theo kế hoạch, hãy xin nghỉ phép và tập trung cho cuộc sống cá nhân trước khi trở lại với công việc. Làm việc nửa vời sẽ chỉ khiến bạn bị căng thẳng, mặc dù tiến độ làm việc của bạn vẫn sẽ không hiệu quả. Nếu bạn cảm thấy rằng bạn sẽ không hoàn tất công việc trong thời gian đã được thống nhất từ trước, hãy thông báo cho đối tác càng sớm càng tốt và muộn nhất là trước hạn chót để đối tác có thể xử lý kịp thời. Bạn không nên kêu ca và phàn nàn vì những nhiệm vụ trong phạm vi công việc của mình.

3. TÁCH RỜI TÌNH CẢM CÁ NHÂN RA KHỎI CÔNG VIỆC

Khi bạn làm việc với đối tác thì mặc dù hai bên đã trở thành những người bạn thân thiết từ trước, hãy để tất cả các cảm xúc và tình bạn của các bạn ở một bên và hợp tác trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, làm việc đúng thời hạn và trách nhiệm, giao tiếp bằng cách lịch sự và chuyên nghiệp. Trong công việc, bạn không nên viện cớ tình bạn để không hoàn tất các công việc theo đúng tiến độ. Đổi lại, thứ bạn yêu cầu từ đối tác là sự cộng tác chuyên nghiệp và thực hiện đúng lời nói chứ không phải là việc ưu ái vô hình mà không có hiệu quả đích thực. Bạn cũng nên nhớ là ngay cả những đối tác đã từng làm việc với các bạn một cách suôn sẻ trong những dự án trước cũng có thể sẽ không làm tốt trong những dự án sau. Vậy nên hãy tách rời các mối quan hệ cá nhân và các mối quan hệ trong công việc, nếu bạn không muốn mất đi tình bạn.

4. THÁI ĐỘ LÀM VIỆC

Ngay cả khi bạn có khả năng và làm việc tốt, bạn vẫn nên giữ thái độ lễ phép, khiêm tốn, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của bên thứ hai. Khi làm việc, bạn là người hoàn toàn ngang hàng với so với đối tác bất chấp tuổi tác, kinh nghiệm làm việc và địa vị trong cuộc sống của đôi bên. Vậy nên nếu đối tác cậy tuổi tác để áp đặt, nói rằng bạn chưa có nhiều thực tế hoặc cho rằng bạn không thể đưa ra ý kiến của mình thì bạn chớ nên bỏ qua. Cách cư xử như vậy trong công việc là không chuyên nghiệp và cần phải được xử lý một cách thỏa đáng. Vậy nên nếu gặp những trường hợp như vậy, các bạn cần phải bảo vệ quyền lợi và danh dự của mình và không nên im lặng.

5. KHÔNG NÊN BUỘC TỘI MÀ KHÔNG CÓ CHỨNG CỨ

Trong công việc, bạn cần thận trọng với lời nói của mình. Bạn không nên buộc tội người khác mà không đưa ra chứng cứ có thể xác nhận được. Trong trường hợp đối tác không thể đưa ra bất cứ chứng minh nào cho lời nói của họ mà bạn coi là vô lý, lời nói đó sẽ không có giá trị và bạn có thể phàn nàn với cấp trên. Bất cứ quan điểm nào không có bằng chứng và không được dựa trên những thông tin có thể xác nhận được có thể được coi là cáo buộc. Vậy nên, bất cứ lúc nào các bạn quy tội và phàn nàn về ai đó, hãy chuẩn bị sẵn sàng những chứng cứ để có thể bảo vệ lời nói của mình. Tốt nhất là bạn nên trích dẫn câu nói của người khác để làm bằng chứng để họ không thể chối lại được. Vì lý do này nên làm việc với đối tác qua email tốt hơn là qua điện thoại hoặc trao đổi trực tiếp mà không có nhân chứng.

6. PHẢI CÓ SỰ THỐNG NHẤT TRONG LỜI NÓI

Tiếp theo, khi làm việc với đối tác, tất cả team của bạn cần phải có sự thống nhất trong các lời nói của mình chứ không “nói một đằng, làm một nẻo”. Đối tác cần phải có thông tin chính xác và không bị thay đổi trong quá trình làm việc. Để đề phòng những trường hợp như vậy, nếu trong team bạn có nhiều thành viên thì hãy gửi CC tất cả các email trao đổi với đối tác cho cả team để mọi người cùng nắm rõ thông tin. Hãy lưu lại tất cả các email và tin nhắn với đối tác để có thể sử dụng như bằng chứng nếu cần thiết. Đây là lý do tiếp theo mình khuyên bạn nên giao tiếp với đối tác qua email hoặc tin nhắn chứ không gọi điện thoại.

7. KHÔNG CHE ĐẬY CHO NHÂN VIÊN VÀ ĐỒNG NGHIỆP NẾU HỌ LÀM SAI

Nếu đồng nghiệp hoặc nhân viên của bạn có cách cư xử sai trái, thiếu sự tôn trọng, bề trên hoặc nói dối đối tác, bạn không bao giờ được che đậy mà phải yêu cầu họ chịu trách nhiệm và xin lỗi đối tác. Như vậy bạn sẽ cho đối tác cảm thấy họ được tôn trọng và sẽ tiếp tục tin tưởng và làm việc tiếp với bạn. Nếu bạn cảm thấy rằng đối tác hoặc người quản lý của họ đang đối xử với bạn một cách không công bằng, hãy nói chuyện trực tiếp với sếp trên của họ hoặc tìm người nào đó có quyền lực và có thể giải quyết sự việc một cách công bằng và khách quan.

8. XIN LỖI MỘT CÁCH CHÂN THÀNH

Trong quá trình làm việc, các bạn cũng sẽ phải làm việc cùng những người coi trọng hình thức và bộ mặt của họ hơn là một lời xin lỗi chân thành. Họ sẽ không bao giờ chịu xin lỗi vì theo họ, chấp nhận lỗi lầm sẽ khiến họ bị “mất mặt”. Nếu chỉ quan tâm đến bề ngoài mà không nuôi nấng cho giá trị đích thực ở trong lòng thì cũng đến lúc những danh nghĩa, những sự lấp lánh sẽ biến mất theo thời gian.

Tác giả: Hồ Thu Hương


Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới

Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới là một dự án blog của Đức, Hương và Linh, ba công dân toàn cầu người Việt đã từng sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới.

0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *