Cô đơn ơi, chào mi!

Đăng bởi Lê Hồng Phương Hạ vào

Cô đơn khi xa nhà (trong tiếng Anh được gọi là “homesick”) có lẽ là thử thách tâm lý thường trực và đáng sợ nhất mà mọi công dân toàn cầu đều sẽ trải qua trong suốt hành trình đi khắp thế giới. Dù mới lần đầu ra nước ngoài hay đã quen với việc xê dịch thì mỗi lần đặt chân đến một nơi xa lạ, không bạn bè, không người thân, gần như phải bắt đầu lại từ con số 0 đều sẽ khiến bạn trống trải và chênh vênh. Đầu tháng 9 đã đến, chắc hẳn có rất nhiều HCX-ers đã hoặc sắp chuyển tới một đất nước xa lạ để du học. Vậy các bạn đã chuẩn bị được tinh thần?

Cô đơn – thực tế phổ biến nhưng không nên phớt lờ

Trên thực tế, đối với rất nhiều người, cô đơn là một thực tế đáng buồn trong cuộc sống hiện đại” – cựu Thủ tướng Anh Theresa May đã khẳng định như vậy trong báo cáo đăng trên tạp chí The New York Times. Không chỉ những người sống xa nhà hoặc ở một mình mới cô đơn mà ngay cả khi sống giữa cộng đồng, bạn vẫn có thể phải chịu đựng cảm giác chỉ mình “ta với ta” nếu không tìm được ai quan tâm, chia sẻ và lắng nghe chân thành.

Sự cô đơn khi xa nhà xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân: sự thay đổi môi trường đột ngột, xa rời mối quan hệ với bạn bè, người thân, một mình giải quyết hết mọi khó khăn. Đối với những bạn đi du học, công tác nước ngoài, rào cản ngôn ngữ, văn hóa càng góp phần gia tăng cảm giác đó. Nó khiến bạn mệt mỏi, mất tinh thần, khó hòa nhập hơn và không thể học tập, làm việc hết khả năng của mình.

Miêu tả về cảm giác này, Alan Bradley – nhà văn người Canada, tác giả quyển sách The Weed That Strings the Hangman’s Bag, viết: “Tôi cảm giác một cơn đau trỗi dậy – một nỗi đau lạ kỳ không tài nào giải thích nổi mà trước đây tôi chưa từng trải qua. Đó là nỗi nhớ nhà. Chưa lúc nào như lúc này, tôi ao ước được đắm mình trong khung cảnh xinh xắn yên bình ấy, được thong thả bước trên lối mòn, lấy chìa khóa trong túi ra và mở cửa mái nhà đáng yêu, ngồi bên lò sưởi, vòng tay tự ôm lấy mình và ngồi đó mãi thôi.”

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn
.
(Chế Lan Viên – Tiếng hát con tàu)

Tuy nhiên, một tin vui là cô đơn khi xa nhà không khó chữa. Chỉ cần nỗ lực bước ra khỏi vỏ ốc của mình, bạn sẽ tìm ra cách. Dưới đây là 6 phương thuốc “đặc trị” mà những bạn xa nhà có thể tham khảo:

1. Chấp nhận cảm xúc đang hiện diện trong bạn

Cô đơn là loại cảm giác rất thật, được thể hiện ở nhiều cảm xúc như nhớ nhà, muốn trở về, mệt mỏi, mất ý chí và định hướng… Và để đấu tranh với chúng, trước hết bạn hãy chấp nhận. Chấp nhận rằng mình yếu đuối, cần được giúp đỡ, động viên và san sẻ. Hãy cho phép mình khóc thỏa thuê khi quá mỏi mệt. Khóc cũng là một cách thiền để xả bỏ cảm xúc tiêu cực.

Dù vui hay buồn, phấn chấn hay chán nản, hãy đón nhận và tôn trọng cảm xúc của bản thân.

2. Thường xuyên trò chuyện với gia đình và bạn bè

Hãy duy trì liên lạc với bạn bè và người thân khi bạn đi xa. Đó sẽ là chỗ dựa tinh thần rất lớn cho bạn, nhắc nhở rằng ít ra, bạn không hề một mình đương đầu với khó khăn trong cuộc sống. Trong chuyến giao lưu văn hóa đầu tiên tại Thái Lan, mỗi khi gọi về cho mẹ, tôi thường chọn những câu chuyện vui và những việc ý nghĩa mà tôi làm được để khoe với bà (đồng thời giấu nhẹm đi chuyện không vui). Cách này khiến tôi tập cho tâm trí chú ý đến sự tích cực nhiều hơn là tiêu cực. 

Gia đình là điểm tựa tinh thần vững chắc khi xa nhà.

3. Trang trí căn phòng của riêng bạn

Bạn Đăng Thị Như Anh – du học sinh Đức, một trong các tác giả cuốn sách Hộ Chiếu Xanh – Hành trang của các công dân toàn cầu: Hành trình ra biển lớn, chia sẻ:

“Khi bạn đã trả tiền thuê phòng thì nó là của bạn nhưng không hẳn là về mặt tinh thần. Suốt một tháng đầu, mình với căn phòng không có thứ gì quen thuộc (nói chính xác ra là có đúng một cái giường) khiến mình cảm thấy rất “lạc lõng”, như không có nơi nào có thể gọi là “nhà” dưới bầu trời xa lạ này vậy. Gạt đi cảm giác tạm bợ và cảm thấy thoải mái khi về nhà là một điều vô cùng cần thiết trong những bước đầu để bản thân thích nghi với môi trường mới. Mình đã tự đóng bàn, ghế, tủ, treo rèm, treo đèn để trang trí lại phòng và sắp xếp cho giống với cấu trúc căn phòng ở Việt Nam. Mặc dù vẫn cảm thấy có chút gì đó chưa quen nhưng chắc chắn là mọi thứ đã khá hơn lúc nhìn căn phòng này lần đầu tiên.”

Biến căn phòng xa lạ thành “cái tổ” của riêng bạn.

Đừng để mình xa lạ ngay trong chính gian phòng mới của mình. Đó sẽ là chốn mà bạn sẽ gắn bó trong nhiều năm ở xứ người mà, phải không?

4. Hãy nhớ: Mạng xã hội chỉ càng khiến bạn cô đơn

Theo Merle Yost, chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình người Hoa Kỳ, Facebook và Instagram chưa đủ giúp bạn khỏa lấp nỗi cô đơn. Bạn cần trò chuyện trực tiếp với con người thay vì chỉ nhắn tin hay kết nối qua mạng xã hội. Một cái bắt tay thật chặt, nụ cười làm quen hay cái ôm thân tình hẳn là ấm áp hơn nhiều so với những biểu tượng vô hồn chứ?

Mạng xã hội không giúp bạn bớt cô đơn đâu!

Khi sang một đất nước mới chưa người quen biết, bạn có thể bắt đầu bằng việc tham gia các câu lạc bộ, hội sinh viên quốc tế. Ở đó, rất có thể bạn sẽ gặp gỡ những người bạn chung sở thích, bạn bè đến từ các nước khác nhau, giúp bạn nhanh chóng hòa nhập vào môi trường đa văn hóa. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tham gia các sự kiện của thành phố nơi bạn sinh sống và hòa mình vào biển người địa phương. Du học là cơ hội tuyệt vời để bạn khám phá những nền văn hóa mới lạ, và có thể là bạn sẽ gặp được nhiều bạn mới trong các sự kiện như vậy. 

5. Đi ăn một mình, tại sao không?

Bình yên!

Ra ngoài ăn một mình không có nghĩa là cô đơn. Đó là khoảng thời gian chất lượng bạn tự thưởng cho mình sau rất nhiều sự ồn ào ngoài kia. Bạn có thể định hướng lại con đường phía trước, suy ngẫm về mục tiêu và điều mình thực sự muốn làm. Hãy chọn cho mình một vài quán thường xuyên lưu lại để mỗi khi tới đó, bạn sẽ được nhận ra, được gọi tên thân thiện và thậm chí nhân viên biết món khoái khẩu của bạn là gì. Còn gì ấm lòng hơn giữa nơi đất khách quê người, ta lại tìm được nhiều người nhận ra ta là ai? 

6. Đừng ngại đến gặp chuyên gia để giải tỏa tâm lý

Bất kể bạn là ai thì việc tìm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn đều không có gì đáng e ngại hay xấu hổ cả .

Ở Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được quan tâm đúng mức. Hầu như các trường học, công ty không hề có bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc tinh thần cho người học và người lao động. Thậm chí, một người đến gặp bác sĩ tâm lý còn bị cho là “thần kinh”, “mát mát” hoặc “không cần thiết”. Tuy nhiên, ở các nước phát triển thì đây là việc rất bình thường và nên thực hiện đúng lúc. Khi bạn cảm thấy mình thật sự khó thích nghi với môi trường mới, tâm trạng ngày càng tồi tệ hơn và ảnh hưởng đến công việc, học hành, bạn có thể tìm đến bộ phận hỗ trợ học sinh, sinh viên ở nơi đang theo học, giảng viên mà bạn tin cậy nhất hoặc chuyên gia trị liệu tại trường hoặc ở bệnh viện. 

Có lẽ bạn biết câu chuyện nữ Giám đốc vận hành của Facebook Sheryl Sandberg, sau khi chồng đột ngột qua đời, bà đã phải nhờ người bạn thân Adam Grant, Giáo sư tâm lý của trường Wharton, giúp đỡ vượt qua nỗi đau lớn lao đó. 

So sánh này có lẽ hơi khập khiễng nhưng điều tôi muốn nhắn nhủ với bạn là: Bất kể bạn là ai thì việc tìm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn đều không có gì đáng e ngại hay xấu hổ cả.

Người viết: Phương Hạ


0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *