CÁC BƯỚC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CÔNG DÂN TOÀN CẦU (PHẦN 2)

Đăng bởi Lê Hồng Phương Hạ vào

Phần 2: Xây dựng thương hiệu công dân toàn cầu ở nơi làm việc

“Công dân toàn cầu luôn tự xem mình là một thành viên trong cộng đồng thế giới, tích cực hành động để xây dựng và đóng góp giá trị cho cộng đồng ấy.”

Theo The Global Citizens’s Initiative

Có lẽ trong cuộc họp ở các công ty hay chiến dịch quảng cáo, bạn đã từng nghe nói đến các khái niệm như “công dân toàn cầu” hay “công dân của thế giới”. Công dân toàn cầu ngày càng trở thành một khái niệm phổ biến: Các trường đại học sử dụng nó để nâng cao nhận thức toàn cầu và giáo dục quốc tế. Các doanh nghiệp dùng để nhấn mạnh tinh thần cam kết hợp tác thực hiện trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững. Đây còn là động lực thôi thúc mọi người tận dụng hoạt động trực tuyến và mạng xã hội để đẩy lùi tình trạng nghèo đói trên toàn cầu.

Đặc biệt, với tư cách là một người lao động, công dân toàn cầu có thể góp phần xây dựng thương hiệu cá nhân và thương hiệu của công ty, đẩy mạnh phát triển và mở rộng phạm vi công việc, đồng thời kết nối với đồng nghiệp và tạo ra mạng lưới đối tác trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, làm sao bạn có thể xây dựng một thương hiệu phức tạp như thế và duy trì nó chỉ với tám tiếng làm việc mỗi ngày?

Sau một thời gian, tôi hiểu được rằng bản chất của một công dân toàn cầu là tìm ra những giải pháp toàn cầu cho các vấn đề xã hội và phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới. Tuy nhiên, đó vẫn là một nhiệm vụ khá mênh mông. Dưới đây là bốn cách mà bạn có thể áp dụng để rèn luyện bản thân trở thành công dân toàn cầu qua hoạt động hằng ngày và đồng thời phát triển sự nghiệp của mình.

1. Tìm hiểu vấn đề mà bạn quan tâm

Một lý do khiến các công ty tiếp thu khái niệm công dân toàn cầu là vì nó cho phép họ và đội ngũ nhân viên tham gia giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, tạo ra tác động và hiểu rằng mình có vai trò quan trọng hơn trong thế giới này. Nhưng để làm được điều đó, bạn cần có xác định và có hiểu biết vấn đề quan trọng đối với bản thân.

Nếu bạn chưa tìm ra vấn đề xã hội mà mình quan tâm là gì, hãy bắt đầu bằng cách tìm hiểu nhiều hơn về những hiện trạng đang xảy ra trên thế giới và đi sâu và một vài nguyên nhân hoặc vấn đề có tác động mạnh mẽ đối với bạn. Trước hết, bạn có thể theo dõi các tổ chức, chương trình tình nguyện phi lợi nhuận ở địa phương trên mạng xã hội, hoặc tham gia gặp gỡ, tương tác với những nhóm hoạt động xã hội.

Khi đã biết mình muốn giải quyết cho vấn đề nào, bạn không cần phải làm anh hùng giải cứu cả thế giới. Có nhiều cách khác nhau để tham gia và thảo luận về nó mà không phải nghiêm trọng hóa mọi việc. Chẳng hạn, bạn có thể chia sẻ với đồng nghiệp về việc đang hỗ trợ cho một chiến dịch gây quỹ cộng đồng nào đó, chạy 5 cây số nhằm gây quỹ thiện nguyện hoặc dành trọn một tiếng sau giờ làm để giải quyết vấn đề bạn đã chọn, và bạn rất hạnh phúc về việc làm ấy. Đây là một cách tuyệt vời để vừa trở thành công dân toàn cầu, vừa xây dựng mối quan hệ ở nơi làm việc.

2. Trở thành nhà hoạt động xã hội

Nhà hoạt động xã hội – người phát triển các giải pháp tiên tiến để giải quyết những vấn đề xã hội, là một trong các tiêu chí then chốt của một công dân toàn cầu. Nhiều công ty triển khai  sáng kiến vừa để tạo ra tác động vừa để thúc đẩy thương hiệu quốc tế của mình. Chẳng hạn, với mỗi sản phẩm được bán ra, doanh nghiệp đó sẽ giúp đỡ một người đang cần được giúp đỡ.

Khi bạn thật sự hiểu về những vấn đề quan trọng đối với bản thân hoặc với công ty, hãy nghĩ xem bạn có thể bắt đầu làm một việc gì mới mẻ để đóng góp cho vấn đề đó – cho dù là tiến hành một dự án ngắn hạn như sự kiện gây quỹ hoặc chương trình tập huấn nhân viên, hoặc việc gì đó lớn hơn, như thành lập công ty riêng, tổ chức phi lợi nhuận hoặc cho ra đời dòng sản phẩm mới có ý thức xã hội.

Bạn cũng có thể đóng góp bằng nhiều cách khiêm tốn hơn, như tham gia thực hiện một việc gì đó có ảnh hưởng lớn như một dự án đang chạy hoặc đóng vai trò lãnh đạo trong tổ chức địa phương. Bất cứ việc gì cho phép bạn tạo ra tác động cho vấn đề toàn cầu mà bạn quan tâm.

3. Kết nối quan hệ toàn cầu

Kết nối quan hệ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công dân toàn cầu. Tuy nhiên, việc xây dựng mối quan hệ ở Mỹ hoàn toàn khác với ở Nhật hay Na Uy. Bạn đã đủ hiểu biết để định hướng sự khác biệt về văn hóa và nghề nghiệp nếu cơ hội mở rộng quan hệ quốc tế đến với mình hay chưa?

Tin tốt lành là bạn không nhất thiết phải ra nước ngoài mới có thể luyện tập kỹ năng này. Tất cả đều xoay quanh nhiệm vụ xây dựng mối quan hệ, phấn đấu thực hiện mục tiêu chung, giải quyết mâu thuẫn, thấu hiểu sự khác biệt, khả năng hợp tác với người khác và thỉnh thoảng là dám thử thách bản thân làm những việc mà người khác không dám làm.

Do đó, hãy xem mỗi bữa tiệc cocktail, hội thảo hoặc bữa ăn với đối tác là cơ hội để dấn thân vào cuộc chơi công dân toàn cầu. Chẳng hạn, nếu bạn nhận ra khách hàng của mình không thoải mái khi bàn bạc công việc ở một quán bar, vì họ đến từ đất nước cấm sử dụng rượu (hoặc có thể vì cá nhân họ không thích điều đó), hãy tìm một môi trường dễ chịu cho tất cả mọi người. Trong trường hợp khác, những cộng sự quốc tế của bạn muốn nghỉ giải lao, nhâm nhi cà phê mỗi giờ nên điều quan trọng là thiết kế không gian và giờ giấc linh hoạt. Nói tóm lại, điểm mấu chốt ở đây là giúp cho mọi người đến từ khắp năm châu (kể cả đồng nghiệp ở địa phương của bạn) cảm thấy thoải mái, dễ chịu và tràn đầy cảm hứng làm việc.

4. Phát triển giải pháp bền vững

Việc trở thành công dân toàn cầu đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm và cam kết theo đuổi mục tiêu của mình trong thời gian dài. Nghĩa là cho dù bạn có phải mất nhiều năm để xây dựng tổ chức, thông qua một đạo luật hay kêu gọi quyên góp đủ số tiền cần thiết, bạn vẫn kiên trì “có công mài sắt, có ngày nên kim”. Hầu hết phong trào không thể tạo ra thay đổi chỉ trong một sớm một chiều nhưng vẫn có thể mang lại tác động đáng kể nếu bạn nỗ lực giữ vững mục tiêu. Ví dụ, nhiều mục tiêu trong số tám mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vẫn chưa thành công triệt để nhưng đã cải thiện đáng kể các vấn đề bình đẳng giới, sức khỏe bà mẹ và giáo dục trẻ em gái trên toàn cầu vì dự án và hành trình đó sẽ tiếp tục cho đến khi hoàn thành tất cả mục tiêu đã đề ra.

Thật dễ dàng để giải quyết những vấn đề trong thời gian ngắn nhưng liệu bạn có thể duy trì các giải pháp đó không? Mỗi khi khởi động một dự án hay triển khai một giải pháp trong công ty, hãy suy nghĩ về bối cảnh thay đổi trong lĩnh vực của mình, mức độ linh hoạt cần chú ý và tác động của nó theo thời gian như thế nào. Không quan trọng dự án lớn hay nhỏ, hãy cân nhắc cách bạn nhìn nhận trong suốt quá trình hoàn thành.

Công dân toàn cầu là một triết lý sống. Đó không phải một mục tiêu ngoài tầm với hay thuật ngữ về quan hệ công chúng. Đó là con đường lý tưởng để chúng ta mài sắc kỹ năng, xây dựng mối quan hệ mới và tạo ra những cơ hội tuyệt vời, mới mẻ trong vai trò “công dân của thế giới”.

Người dịch: Phương Hạ

Bài gốc: 4 ways to become a global citizen today


0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *