Bạn nên đi du học tại đâu?

Đăng bởi Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới vào

study-destinations

Sắp đến hạn chót để nộp đơn xin vào học tại các trường nước ngoài, nhưng bạn vẫn chưa chắc mình muốn (hay nên) chọn quốc gia nào để đi du học? Dưới đây, Hộ Chiếu Xanh sẽ giúp các bạn lựa chọn bằng cách so sánh các nước dựa theo những tiêu chí sau:

KINH PHÍ

Nếu tiền bạc đối với bạn không thành vấn đề thì bạn không phải bận tâm đến tiêu chí này. Nhưng nếu kinh phí trong suốt thời gian học tập làm bạn lo lắng, thì bạn nên chọn những quốc gia nào có học phí thấp (hay không phải trả học phí) và có thời gian học ngắn nhất.

Hầu hết các nước nói tiếng Anh có kinh phí học khá cao. Theo nghiên cứu của HSBC thì vào năm 2014, ba nước có chi phí du học đắt đỏ nhất thế giới là Úc, Singapore và Mỹ. Tiền chi phí trung bình cho học phí và sinh hoạt một năm tại Mỹ là US$ 36,564. Nếu bạn vẫn muốn học tại nơi nói tiếng Anh chuẩn mà không phải trả nhiều tiền học phí, thì các nước châu Âu như Phần Lan hay Đức sẽ là những nước lý tưởng cho bạn. Tất cả các trường đại học đều miễn phí cho sinh viên bản sứ cũng như nước ngoài. Còn tại Đức cũng có nhiều trường đại học công lập có những chương trình dạy bằng tiếng Anh miễn phí cho tất cả sinh viên.

Tiếp đó, bạn hãy xem chính sách làm việc cho sinh viên tại những quốc gia bạn muốn đi (Bạn sẽ được làm việc bao nhiêu giờ mỗi tuần? Tìm việc làm thêm tại quốc gia đó có dễ không?). Ví dụ như tại Mỹ, những du học sinh sẽ không được đi làm các công việc ngoài trường học (off campus). Tại Canada hay các quốc gia châu Âu, bạn có thể được đi làm 20 tiếng mỗi tuần trong khi đi học. Nhưng không phải ai cũng có thể tìm được việc làm nên bạn nên cân nhắc khi muốn trang trải kinh phí du học bằng đồng lương kiếm được.

Bạn cũng nên xem xét các điều lệ cho sinh viên nước ngoài vay tiền du học. Nhưng không phải nước nào cũng cho sinh viên nước ngoài vay tiền, vì rủi ro cho họ khá là cao. Ví dụ như một số nhà băng Singapore cho sinh viên nước ngoài vay tiền với lãi suất bằng không: https://www.drwealth.com/2015/04/07/singapores-best-study-loans.

Tất nhiên là thời gian học càng ngắn thì tiền phải trả cho việc du học sẽ càng ít hơn. Tại phần lớn các quốc gia nói tiếng Anh (như Mỹ, Úc, Canada, Nam Phi, Scotland hay Singapore) thì chương trình học đại học sẽ kéo dài bốn năm, còn trương trình học bậc cao học là một năm rưỡi đến hai năm. Mặt khác, tại phần lớn các nước châu Âu thì chương trình học đại học chỉ mất ba năm, và chỉ sau một năm học là bạn sẽ có bằng thạc sĩ. Điều này cũng có nghĩa là, bạn chỉ mất bốn năm học để ra bằng thạc sĩ tại châu Âu, nhưng bạn sẽ mất những sáu năm tại những quốc gia khác.

CƠ HỘI NHẬP CƯ

Nếu muốn có cơ hội ở lại và làm việc sau khi học thì Canada là một sự lựa chọn tốt nhất. Chính sách Canada khuyến khích nhập cư cho du học sinh (và những người có trình độ học vấn cao). Sau khi hoàn thành khóa học ít nhất là tám tháng, bạn sẽ nhận được visa lao động bằng số thời gian bạn theo học tại Canada (nhưng nhiều nhất là ba năm). Ví dụ như, nếu bạn theo học một khóa học ba năm, thì bạn sẽ có thể xin giấy phép làm việc sau tốt nghiệp trong vòng ba năm tiếp theo. Trong vòng sáu năm sinh sống tại Canada, bạn có thể xin hộ khẩu thường trú (permanent residence) một cách dễ dàng.

Chuyện xin visa lao động sau năm tháng học tập tại Mỹ không phải là dễ. Bạn sẽ có lợi thế nếu bạn học ngành mà đang thiếu nhân lực. Những ngành nghề chuyên môn có thể giúp bạn trong việc xin visa lao động bao gồm: IT / chuyên gia máy tính; Giáo sư và giảng viên đại học; Kỹ sư; Nhân viên y tế; Kế toán; Phân tích tài chính; Tư vấn quản lý; Luật sư; Kiến trúc sư; Y tá; Bác sĩ; Bác sĩ phẫu thuật; Nha sĩ; Nhà khoa học; Nhà phân tích hệ thống; Nhà báo và biên tập viên; Cố vấn Luật nước ngoài; Nhà tâm lý học; Người viết các ấn phẩm kỹ thuật; Nhà phân tích nghiên cứu thị trường; Giáo viên trong các trường tiểu học hoặc trung học, cao đẳng (http://www.workpermit.com/us/us_h1b_occupations.htm).

Các nước châu Âu nghiêm ngặt hơn với việc cho du học sinh ở lại làm việc, nhưng để xin giấy phép lao động hoặc visa kinh doanh không phải là điều không thể. Quy tắc là, càng có trình độ học vấn cao thì càng dễ xin ở lại.

AN SINH XÃ HỘI

Nếu bạn có ý định sống dài hạn tại nước ngoài thì bạn nên cân nhắc về chính sách an sinh xã hội của đất nước bạn muốn đến. Những quốc gia Scandinavia có những chính sách an sinh xã hội tốt nhất thế giới. Ví dụ như Thụy Điển quy định số giờ làm việc là sáu tiếng mỗi ngày. Họ tôn trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tại Đức, không ai làm việc vào ngày chủ nhật (cũng đồng nghĩa với việc là bạn sẽ không thể đi chợ hay mua sắm vào ngày chủ nhật vì không ở đâu mở cửa hết).

Hầu hết các quốc gia châu Âu đều rất thân thiện với đời sống gia đình. Những nhân viên nữ sẽ không thể bị sa thải nếu đang mang thai, và họ có thể được ở nhà và nhận lương trợ cấp có khi đến bốn năm (Cộng hòa Séc)! Bạn cũng sẽ được nhận các khoản trợ cấp nếu bị thất nghiệp hay nếu có lương thấp. Các nước châu Âu sẽ không để bạn phải chết đói.

Tiền phải chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe cũng rất thấp tại châu Âu. Khi đóng bảo hiểm hàng tháng, bạn sẽ có thể đi khám bệnh không mất một xu nào. Tại Canada cũng tương tự như vậy. Canada cũng có chính sách an sinh xã hội rất tốt giống châu Âu.

Nhưng viện phí tại Mỹ lại nổi tiếng là đắt đỏ. Ngay cả khi bạn trả một khoản tiền khá lớn cho bảo hiểm y tế, mỗi khi đi khám bác sĩ, bạn sẽ phải rút ra một khoản tiền tương đối nữa. Mỹ cũng không có chính sách hộ trợ cho những bà mẹ có con. Sau khi đẻ, phụ nữ có thể ở nhà (không lương!) trong vòng nhiều nhất là sáu tháng, nếu quá sáu tháng thì sẽ có nguy cơ bị sa thải. Mỹ không phải là đất nước lý tưởng cho mọi người. Hãy chỉ chọn Mỹ nếu bạn có khả năng thành công và có công việc lương cao lớn!

ĐỘ THÂN THIỆN CỦA NGƯỜI BẢN XỨ

Tất nhiên khi ra nước ngoài du học, bạn sẽ không chỉ vùi đầu vào sách vở, mà cũng sẽ có nhiều cơ hội để giao lưu với người bản xứ. Nhưng không phải người dân ở đâu cũng thân thiện với người nước ngoài. Các nước châu Âu nổi tiếng là những nước có tỷ lệ phân biệt chủng tộc cao nên khi đi du học tại châu Âu (đặc biệt tại các nước trung và đông Âu, Pháp, Ý) thì hầu như chắc chắn là bạn sẽ gặp phải sự phân biệt.

Tấm áp phích này nói lên sự kỳ thị của Đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP): Ba con cừu trắng đá con cừu đen ra khỏi lá cờ Thụy Sĩ với câu chú thích: trên một chú thích mà đọc “Cho sự an toàn hơn”.

Nếu muốn tránh khỏi sư kỳ thị thì bạn nên chọn những quốc gia đa văn hóa như Canada, Mỹ (tùy bang), Singapore hay Anh Quốc. Quy tắc này không được áp dụng cho Úc, nơi có tỷ lệ kỳ thị tương đối lớn.

Nếu phải chọn quốc gia theo độ thân thiện thì mình sẽ chọn Canada, một quốc gia có người dân thân thiện, dễ mến và niềm nở nhất nhì thế giới.


Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới

Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới là một dự án blog của Đức, Hương và Linh, ba công dân toàn cầu người Việt đã từng sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới.

0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *