“Bạn là quả xoài hay quả chuối?”

Đăng bởi Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới vào

Nếu là một trái cây, thì bạn muốn là quả gì? Một quả mít ngọt, một quả quýt chua hay một quả bưởi đắng? Mặc dù không phải là tự chọn, nhưng Đức, Hương và Linh đều thuộc về “thế hệ chuối“. Thế hệ chuối là biệt danh dành cho những người châu Á lớn lên từ bé hay sinh sống lâu dài tại nước ngoài, và có cách suy nghĩ, cách cư xử hay hành động như những người nước ngoài. Cũng như những trái chuối, những người thuộc “thế hệ chuối” là những người bên ngoài vỏ có màu vàng (chỉ những người châu Á da vàng), còn bên trong lại là màu trắng (chỉ những người châu Âu hay Bắc Mỹ da trắng).

Nguồn: http://desigrub.com/wp-content/uploads/2010/07/Bananas-in-Plastic-Bag.jpg

Tương tự như vậy, những người da nâu (từ các nước Mỹ Latinh hay Nam Á) đã từng sinh sống tại nước ngoài lâu năm được coi là quả dừa.

Nguồn: http://1.bp.blogspot.com/_gJWmXPJu-Ps/TBDzUUSxOHI/AAAAAAAABL8/66ssjgRzvyg/s1600/coconut-oil.jpg

Những người da đen mà có tính cách như người da trắng thì được gọi là bánh Oreo.

Nguồn: https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/3/3e/Oreo-Two-Cookies.jpg

Người da đỏ mà “bên trong lại trắng” lại được gọi là quả táo.

Image result for red apple

Ngược lại, những người da trắng mà ở các nước châu Á lâu được ví như quả trứng.

Nguồn: http://usercontent1.hubimg.com/9116098_f496.jpg

Còn những người da trắng mà cư sử như người châu Phi được gọi là bánh cầu tuyết (snowball).

Nguồn: http://www.recipegirl.com/wp-content/uploads/2013/12/Chocolate-Snowball-Cookies-RecipeGirl.jpg

Con người phải nói là có tư duy cực kỳ sáng tạo!

Sống trong sự hỗn hợp giữa hai nền văn hóa hoàn toàn xa lạ không phải là dễ. Hồi học trung học, chúng mình ở nhà thì nói tiếng Việt với gia đình, còn ra đường lại giao tiếp bằng tiếng Séc với mọi người xung quanh. Ở nhà được ăn những bữa cơm đặc trưng Việt Nam, còn ở trường thì ăn đồ “Tây”. Ở nhà phải theo phong tục tập quán Việt, sống theo lối sống Việt để được coi là con ngoan, còn khi ra đường, chúng mình thay đổi cách nghĩ, cách giao tiếp cũng như cách cư xử để hòa đồng được với bạn bè cùng lứa. Vì phải thay đổi lối sống tùy vào hoàn cảnh hay tùy vào người đối diện từ khi bé, nên chúng mình học được cách linh hoạt khi giao tiếp với những con người từ các nền văn hóa khác nhau.

Vì tò mò muốn biết những người thuộc về “thế hệ chuối” giống nhau cỡ nào, nên Đức, Hương và Linh đã trả lời 5 câu hỏi sau:

  1. Bạn cảm thấy mình là chuối nhiều hơn hay xoài nhiều hơn (xoài = bên ngoài và bên trong đều vàng)?
  2. Hãy kết thúc câu: “Mình cảm thấy là người Việt Nam khi…”
  3. Hãy kết thúc câu: “Mình cảm thấy là người … khi…”
  4. Bạn hàng ngày sử dụng những ngôn ngữ nào? Và cho mục đích gì?
  5. Nếu trở lại Việt Nam thì hoàn cảnh nào sẽ khiến bạn cảm thấy không được thoải mái cho lắm?

Dưới đây là những câu trả lời của chúng mình:

[color-box color=”gray”]

Đức:

Duc_profile

  1. “Mình cảm thấy mình là quả chuối nhiều hơn.”
  2. “Mình cảm thấy là người Việt Nam khi mình đến hiệu cắt tóc ở Việt Nam và họ không nhận ra là mình đang sinh sống ở nước ngoài. Vì mình vẫn nói tiếng Việt tốt :).”
  3. “Mình cảm thấy mình là người Séc khi mình nghĩ là mọi người ở Việt Nam không đúng giờ giấc.”
  4. “Mình sử dụng tiếng Séc, Việt và Anh hàng ngày. Mình dùng tiếng Séc khi nói chuyện với bạn bè người Séc. Tiếng Việt với bố mẹ. Còn tiếng Anh với bạn gái mình.”
  5. “Nếu mình trở lại Việt Nam, điều sẽ khiến mình cảm thấy không được thoải mái là khi mình nhìn thấy mọi người vứt rác bừa bãi ngoài đường.”[/color-box]

[color-box color=”white”]

Hương:

Huong_profile

  1. “Mình là một quả chuối chín có nhiều tàn nhang :). Nhưng bên trong của mình cũng không được trắng hẳn – tùy vào từng phần khác nhau của lõi chuối thì mình sẽ có những màu khác nhau: phần trắng của mình liên quan đến phong cách làm việc vì mình làm việc có quy luật như người châu Âu, phần vàng liên quan đến cách suy nghĩ vì mình nghĩ sâu sắc như người châu Á và phần nâu thì liên quan đến phong cách sống của mình vì mình tận hưởng từng giây phút của cuộc sống như người Mỹ Latinh.”
  2. “Mình cảm thấy là người Việt Nam khi mình nhìn thấy một ai đó cần được giúp đỡ, và mình không cần nghĩ thua thiệt mà nhận giúp người đó ngay lập tức. Người châu Á có lòng vị tha mà mình rất cảm phục. Nhiều khi, họ nghĩ tới người khác nhiều hơn nghĩ về mình. Họ rất giàu cảm xúc và đặc biệt nhạy cảm, mà đây là những tính cách mà các người châu Âu hay Bắc Mỹ đôi khi lại thiếu. Xã hội chủ nghĩa cá nhân đôi khi làm cho con người trở thành những cỗ máy vô cảm, luôn chỉ nghĩ về mình mà không nghĩ tới người khác.”
  3. “Mình cảm thấy là người Séc khi mình có rất, rất nhiều đam mê. Mình có thể cùng lúc làm hàng chục công việc mà vẫn có hiệu quả, vì Cộng hòa Séc đã dạy cho mình cách lên kế hoạch thời gian làm sao cho có thể làm được nhiều thứ trong mỗi ngày. Đây là một kỹ năng quyết định cho sự thành công hay không khi sống tại nước ngoài, vì nếu bạn không có tính tổ chức tốt thì bạn sẽ không theo kịp được với môi trường mới.
    Mình cảm thấy là người Mỹ Latinh khi mình luôn mỉm cười trước mọi sự trở ngại. Không phải lúc nào mình cũng tích cực như vậy đâu. Mình đã có một thời gian bị trầm cảm rồi, nhưng cuộc sống ở Mỹ Latinh đã giúp mình hiểu được là, cuộc đời vui hay buồn là do chính chúng ta lựa chọn. Vậy hãy nhìn vào mọi việc bằng con mắt khả quan và bạn sẽ thấy ngay hiệu quả tuyệt vời của nó.”
  4. “Mình nói chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha với chồng mình. Tiếng Tây Ban Nha nghe thật trữ tình và cũng rất tinh nghịch nên mình thích sử dụng ngôn ngữ đó để diễn tả những cảm xúc của mình.
    Tùy vào ngày mà mình sẽ sử dụng tiếng Pháp khi làm việc tại Văn phòng thương mại Pháp, hay sử dụng tiếng Anh khi giao tiếp tại trung tâm người tị nạn, nơi mình đang làm tình nguyện. Và tất nhiên là tiếng Anh là tiếng giao tiếp của người Mỹ nên mình sử dụng tiếng Anh có lẽ là nhiều nhất.
    Mình cũng sử dụng tiếng Việt để nói chuyện với gia đình và bạn bè ở Việt Nam, và tiếng Séc để nói chuyện với bạn bè bên Séc. Giao tiếp với các bạn trên “Hộ Chiếu Xanh” cũng là cơ hội để mình không quên mất tiếng Việt :).”
  5. “Khi trở lại Việt Nam thăm gia đình, điều mình cảm thấy không thoải mái là khi có những người bắt mình phải làm theo những gì họ cho là đúng, phải ăn những thứ họ cho là ngon, phải cư sử theo những gì họ cho là lễ phép. Những người sinh ra hay lớn lên ở các nước phương Tây thường rất cứng đầu, vì họ được dạy dỗ trong môi trường tự do, cho phép họ làm những gì họ cho là đúng. Mình cũng như vậy.”[/color-box]

[color-box color=”gray”]

Linh:

Linh_profile

  1. “Bạn sẽ phải cẩn thận đọc định nghĩa của “quả chuối” và “quả xoài” trước khi đọc tiếp :). Mình nghĩ là mình là một “quả chuối” nhiều hơn. Lý do của sự lựa chọn của mình là vì mình đã từng sinh sống ở các nước khác nhau trên thế giới trong vòng 8 năm trở lại đây. Mình đã có những cơ hội để được tiếp xúc với những nền văn hóa và con người khác nhau. Vậy nên cách mình nghĩ là một sự hỗn hợp giữa các quan điểm, nhận thức và tâm lý khác nhau. Năm năm sống ở New Zealand, bốn năm ở CH Séc và bây giờ lại trở lại châu Á để sinh sống tại Singapore. Bạn biết mình nói gì rồi đó :D.”
  2. “Mình cảm thấy là người Việt Nam khi mình nói tiếng Việt. Nói các ngôn ngữ khác nhau giúp bạn suy nghĩ như người bản địa. Bằng cách này, bạn từng bước làm nên những đặc trưng và tâm lý khác nhau cho riêng mình. Điều này thật thú vị phải không? TẤT NHIÊN RỒI :D.”
  3. “Mình cảm thấy mình là người Séc khi mình ăn món bít tết sống (tatarák), bánh bao Séc (knedlíky) hay khi mình uống bia Pilsen :D. Thật đó. Trước khi anh bạn cùng cơ quan với mình sắp sang Séc công tác, anh bảo mình giới thiệu cho anh các món ăn khác nhau. Mình ba hoa về các món ăn kể trên nồng nhiệt đến nỗi mà anh bạn phải nói với mình: “Này cậu, cậu kể về những món ăn với giọng háo hức như thể cậu chứ không phải tôi sắp trở lại Séc ý!”
  4. “Chắc hẳn đó là tiếng Anh. Ngoài tiếng Anh ra, mình còn cố gắng học cách nói “Cám ơn” bằng các ngôn ngữ khác nhau để giao tiếp với đối tác khi làm việc. Cách này giúp mình để lại ấn tượng tốt ngay từ đầu và cũng là cách để làm ấm áp một mối quan hệ khi bắt đầu một cuộc trò chuyện với đối tác kinh doanh. Thường thì mình không phát âm chuẩn từ “cám ơn” trong các ngôn ngữ khác nhau, và thế là các đối tác và mình lại được một trận cười hả hê :D.”
  5. “Hừm, về vấn đề này thì mình có nhiều câu chuyện để kể. Ví dụ như chuyện đi tiểu bậy ở trên đường chẳng hạn :). Mình bảo các bạn người nước ngoài là, chuyện tiểu bậy ở Việt Nam cũng bình thường như chuyện hôn nhau giữa đường phố ở phương Tây thôi. Ở đâu cũng có cái tượng trưng riêng mà :D.”[/color-box]

Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới

Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới là một dự án blog của Đức, Hương và Linh, ba công dân toàn cầu người Việt đã từng sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới.

0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *