Ảnh hưởng của COVID-19 trên toàn thế giới

Đăng bởi Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới vào

CHÂU Á

Việt Nam – Hà Nam
Trần Hà Phương: “Có 1 người chủ gara ôtô đã tiếp xúc với tài xế xe của bệnh nhân số 17 ở VN (bác tài xế này là bệnh nhân số 19, 20 gì đó) và về chỗ mình. Hiện rại cả nhà chủ gara này cũng đã cách ly. Nhưng nhìn chung không có vấn đề gì lớn, cuộc sống vẫn rất ổn định. Chỗ mình thì hầu hết những người bán gàng có đeo khẩu trang, nhưng người dân thì không. Chủ yếu chống tin giả thôi.”

Việt Nam – Nghệ An
Nguyễn Thị Thu Huyền: “Tính đến ngày hôm qua, Việt Nam ghi nhận 31 trường hợp dương tính với COVID-19 trên 11 tỉnh (chưa có ca nào ở Nghệ An). Ngành du lịch là ngành bị ảnh hưởng nhất vì COVID-19 khi lượng khách du lịch đến Việt Nam giảm hơn 50% trong quý I/2020. Người dân đổ xô đi mua khẩu trang nên làm giá khẩu trang đắt hơn gấp mấy lần. Các cá nhân chen chúc đi mua đồ dự trữ và một số trường hợp thiếu ý thức trốn cách li đang là mối nguy cơ làm diễn biến dịch phức tạp hơn. Chính phủ yêu cầu việc khai báo y tế bắt buộc với những người nhập cảnh vào Việt Nam và tổ chức cách ly với các đối tượng từ vùng dịch, phun khử khuẩn những nơi có nguy cơ lây nhiễm, nhiều trường học các cấp ở nhiều nơi trên cả nước vẫn tiếp tục nghỉ học. Bộ Y Tế gửi thônh tin nhắc nhở người dân thường xuyên. Người dân mua khẩu trang và dung dịch sát khuẩn ngay khi có tin tức về dịch. Nhìn chung thì ở quê mình vẫn chưa có trường hợp nào nên người dân vẫn còn khá bình tĩnh, chỉ nâng cao ý thức phòng chống. Cá nhân mình thì phải hạn chế ra ngoài và lo lắng nó sẽ ảnh hưởng đến việc học của mình.”

Việt Nam – Tiền Giang
Võ Ngọc Minh Trân: “Hiện tại chưa có người nhiễm, không xảy ra tình trạng mua sắm tích trữ thực phẩm, giá khẩu trang tăng gấp 2-3 lần. Mọi người ra đường vẫn đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập nơi đông người. Chưa có tình trạng phân biệt chủng tộc. Cuộc sống hạn chế nhiều mặt, nhìn chung khá chán so với bình thường.”

Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh
Hoàng Đình Cường: “Cách đây 2 tháng thì Sài Gòn có 3 người bị nhiễm trong đó có 2 cha con người Trung Quốc, nhưng giờ đã được chữa khỏi. Hiện tại tình hình đang trở nên phức tạp trở lại sau 23 ngày bình yên và Sài Gòn là nơi thông thương của nhiều người nên cũng phải đề phòng cảnh giác cao độ, hiện có vài chục người đi cùng chuyến bay vs bệnh nhân COVID thứ 17 đang được cách ly, các trường học đều đóng cửa (trừ ĐH Y Dược của mình). Nguồn nhiễm ở Việt Nam chủ yếu là từ những người đi từ nước ngoài tới Việt Nam. Ngoài ra, ở Sài Gòn thì khẩu trang giấy đã cạn kiệt, mì tôm gạo đang được tích trữ. Tuy nhiên nhìn chung Sài Gòn vẫn đông người, cuộc sống sinh hoạt người dân vẫn không đảo lộn mấy và mình hy vọng Việt Nam ta sẽ thắng virus corona thêm 1 lần nữa. Chính phủ hạn chế nhập cảnh với nhiều nước như châu Âu, Hàn Quốc, Campuchia,… Bộ y tế và các phương tiện truyền thông vẫn đang cập nhật những bản tin mới nhất và những chỉ dẫn phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay… cho dân chúng. Những trường hợp nghi ngờ thì vẫn đang được cách ly và tích cực điều trị cho 15 ca nhiễm mới. Nói chung, Việt Nam đang làm tất cả để chống dịch. Còn chỗ mình cũng không có nhiều chủng tộc lắm, chủ yếu là người Kinh nên không có phân biệt gì.”

Đài Loan – Đài Nam
Phan Lâm Như Quỳnh: “Số người nhiễm tại Đài Loan đang là 45 với 1 người thiệt mạng. Tình trạng mua sắm vẫn bình thường, không cháy hàng, tích trữ. Mọi người đa số đều mang khẩu trang. Trường học có khu vực đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn và thực hiện khảo sát hàng ngày về tình hình sức khỏe của mỗi người. Mình lo lắng về dịch bệnh nhưng cảm thấy không quá mức nguy hiểm. Cuộc sống thay đổi: cần phải cẩn thận hơn trong việc vệ sinh bản thân và môi trường xung quanh.”

Lê Huỳnh Trang: “Đa số ca bị nhiễm tập trung tại Đài Bắc. Ở Đài Nam mọi người không dự trữ thực phẩm, không có hiện tượng cháy hàng. Các chuyến bay giữa Đài Loan và Việt Nam vẫn diễn ra bình thường. Mọi người rất chủ động đeo khẩu trang. Tại trường học, các trạm kiểm soát thân nhiệt hoạt động hiệu quả, phun xịt thuốc mỗi ngày. Xung quanh mình không có trường hợp phân biệt người nhiễm bệnh cũng như phân biệt chủng tộc. Hiện tại mình cảm thấy khá an toàn. Hoạt động thường ngày không bị xáo trộn. Thông tin được minh bạch hoá. Người dân tin tưởng chính quyền.”

Đài Loan
Lương Trân Châu: “Người dân Đài Loan đeo khẩu trang, kiểm tra nhiệt độ và khử trùng tay tại tất cả những địa điểm công cộng và trường học. Mình lúc nào cũng mang khẩu trang và không cảm thấy quá lo lắng.”

CHÂU ÂU

Ba Lan – Warsaw
Lê Đình Tân An: “Hiện nay, ở Vác-xa-va đã phát hiện 2 ca nhiễm COVID-19, cụ thể 1 người Ba Lan vừa từ Đức trở về và 1 người từ Áo trở về. Cho đến nay, ở Ba Lan mình vẫn chưa nghe thấy có bất kì chuyến bay nào bị hủy. Số lượng người mua sắm ở chợ châu Á ngày càng ít, chủ yếu là người Việt mua đồ về dự trữ. Mọi người khi ra đường vẫn rất bình tĩnh, không đeo khẩu trang và không hề có dấu hiệu phân biệt, đối xử đối với người châu Á. Ở trường học của mình, nhà trường đặt bình diệt khuẩn tự động ở khắp hành lang lớp học, cửa ra vào và nhà vệ sinh để sinh viên có thể tự vệ sinh tay chân sau khi rời phương tiện công cộng hoặc trước khi trở về nhà. Mỗi học sinh đều nhận được email từ nhà trường nhắc nhở về cách phòng chống và đối phó với dịch bệnh. Mình ban đầu cũng cảm thấy rất lo lắng rằng sẽ bị phân biệt đối xử, nhưng nhờ vào cách sống không kì thị của người dân Ba Lan, mình bây giờ cảm thấy bớt lo lắng và yên tâm hơn. Cuộc sống mình vẫn diễn ra bình thường và không gặp bất kì khó khăn cũng như trở ngại nào.”

Cộng hòa Séc – Praha
Lê Thị Hương Lan: “Tại Cộng hòa Séc đã có 61 người bị nhiễm, chưa có ai tử vong, đa số nhiễm sau kỳ nghỉ từ Ý. Nhiều người bắt đầu dự trữ thức ăn, từ 11/3 các trường học trên toàn quốc đóng cửa, huỷ các chuyến bay từ Trung Quốc. Mọi người được khuyến cáo rửa tay và ít tụ tập đông người, không được tụ tập trên 100 người. Hiện giờ mình không học tập và không làm việc.”

Đan Mạch – Copenhagen
Quỳnh Nguyễn: “Tính tới ngày 10/03/2020, cả nước có 262 người bị nhiễm và 1.101 người bị cách li. Đóng cửa một trường học tại Copenhagen. Vẫn không thấy ai đeo khẩu trang. Chính phủ phát hiện kịp thời và tất cả mọi người liên quan tới nguồn nhiễm đều được cách li. Nếu không có việc thật sự cần thiết thì không nên ra ngoài.”

Hungary – Budapest
Huỳnh Ngọc Thu Hương: “Hiện tại, số người nhiễm bệnh là 9 (5 người là công dân Iran, 1 người mang quốc tịch Anh và 3 người (hai vợ chồng cao niên, và bà vợ người Hung của bệnh nhân có quốc tịch Anh), chưa có người nào tử vong. Sân bay bắt đầu cấm các chuyến bay từ Ý, Hàn, ngừng cấp thị thực cho công dân Iran,… Hoạt động mua sắm vẫn diễn ra bình thường. Mọi người không được khuyến cáo đeo khẩu trang, chỉ yêu cầu vệ sinh tay sạch sẽ. Chính phủ luôn cập nhật thông tin số ca nhiễm cũng như các thông tin hỗ trợ sức khỏe cho người dân. Mình cảm thấy có sự phân biệt vì họ không bán nước rửa tay cho mình mà cất trong kho chỉ để dân bản địa hỏi thì mới lấy ra. Còn mình hỏi thì họ trả lời là đã hết rồi. Mình hơi lo lắng vì campus mình học là nơi công dân Iran (người bị nhiễm đầu tiên ở Hungary) đã từng tới tham gia training, vài ngày sau thì bạn này dương tính với COVID-19. Các buổi thực hành của campus này đã bị tạm hoãn và dời tới tháng 4.”

Nga – Moscow
Trần Thị Yến Ngọc: “Số người bị nhiễm: 10. Số người thiệt mạng: 0. Tình trạng mua sắm dự trữ thực phẩm: Không xảy ra. Mặt hàng đã hết: Nước khử trùng tay và khẩu trang. Trên đường rất rất rất ít người đeo khẩu trang. Hàng ngày phương tiện đi lại công cộng chủ yếu là tàu điện ngầm, lượng người rất đông, nhưng số lượng người đeo khẩu trang chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ở ký túc xá của mình, người ta dán các biện pháp phòng chống ở mỗi tầng, trong thang máy. Ở trường bắt đầu từ hôm nay (10/03), mỗi học sinh trước khi vào trường đều phải kiểm tra thân nhiệt. Phân biệt đến mức quá đang thì mình chưa gặp, nhưng có lần trên tàu điện ngầm mình cũng bị mấy người nhìn chằm chằm, rồi người ta đưa áo lên che mũi. Mình khá lo lắng về tình trạng COVID-19 ở Moscow, bởi vì số lượng người đi tàu điện ngầm rất đông, nhất là buổi sáng còn phải chen chúc nhau, nhưng không mấy ai đeo khẩu trang. Hiện tại, mình đã đi rất nhiều nơi mua khẩu trang nhưng không mua được. Tuy nhiên, cuộc sống của mình không có thay đổi gì nhiều.”

Nga – Saint-Petersburg
Vũ Đình Hùng: “Ở Nga có 20 ca nhiễm bệnh (đều là do đi từ Ý về). Ở Thủ đô Moscow đã có các khuyến cáo về việc hạn chế đi lại bằng metro (tàu điện ngầm) trong giờ cao điểm, tất cả các sự kiện lớn ở đây cũng bị huỷ bỏ. Tuy nhiên ở Saint-Petersburg do chỉ mới có một ca nhiễm bệnh nên chính quyền cũng chưa có động thái gì (hoặc có nhưng mình không biết). Mọi thứ theo mình thấy thì vẫn diễn ra gần như là rất bình thường. Khẩu trang và nước rửa tay cũng luôn trong tình trạng hết hàng. (Khẩu trang luôn trong tình trạng hết hàng dù ở ngoài đường không có ai đeo cả). Khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở Saint-Petersburg, chính quyền đã ngay lập tức cho phong toả và khử trùng cả toà nhà nơi người nhiễm ở, lập danh sách và tiến hành cách ly người tiếp xúc gần vs bệnh nhân (khoảng 700 người trong toà nhà bị cách ly). Còn Moscow hiện đang duy trì hoạt động trụ sở kiểm soát phòng ngừa virus corona 24/24h. Đã đóng cửa tuyệt đối biên giới với 3 nước là Trung Quốc, Hàn Quốc và Iran. Nhà nước Nga ngoài ra còn ban hành lệnh cấm xuất khẩu và mang khẩu trang số lượng lớn qua cửa khẩu. Có trường hợp mình đọc được trên diễn đàn du học sinh Nga về việc một du học sinh mình đeo khẩu trang đi ngoài đường và bị đánh. Mình thấy có vẻ khá là bình thường, mọi thứ vẫn vậy, một bộ phận người dân mình có xu hướng ở nhà nhiều hơn, hạn chế ra ngoài để tránh bị lây nhiễm trong trường hợp xấu nhất. Mình có hơi chút lo lắng nhưng vẫn tin là mọi chuyến đều nằm trong vùng kiểm soát.”

Thụy Điển Halmstad
Đặng Hồng Thái: “Nơi mình sống không có gì thay đổi, vẫn bình thường. Còn trên toàn Thụy Điển thì hiện khoảng 200 ca nhiễm, chưa ai chết. Nhưng trường đại học có thông báo qua email về nếu có ai bị ốm thì liên hệ phòng y tế. Chưa có ai bị bệnh ở Halmstad, nhưng cũng hơi lo vì mọi người không có gì sốt sắng khi bệnh lây lan.”

CHÂU MỸ

Argentina – Buenos Aires
Thu Nguyễn: “8 người nhiễm bệnh, 1 người chết, nguồn bệnh đến từ châu Âu qua Brazil. Mọi người đều bình thường, không ai dự trữ thực phẩm. Khẩu trang và chất khử trùng tay vốn đã đắt, bây giờ đắt hơn bình thường. Không ai đeo khẩu trang, mọi người được khuyên rửa tay và không chạm vào mặt. Nếu bạn đeo khẩu trang, mọi người sẽ nhìn bạn một cách kỳ lạ và bạn có thể bị mắng nếu bạn trông giống người châu Á. Mình không lo lắng là sẽ có sự bùng phát khủng khiếp ở đây vì đang là mùa hè, nhưng mọi thứ có thể trở nên tồi tệ vào tháng Bảy. Mọi người ở đây rất hay chạm vào người khác (vì văn hóa của họ như vậy), vậy nên mọi người sẽ cảm thấy lạ lùng nếu bạn không muốn chạm vào người khác. Mình lo lắng nhất về việc lên máy bay về nhà vì cabin máy bay dễ bị nhiễm bẩn.”

Hoa Kỳ – California, Los Angeles
Hồ Thu Hương: “Tính đến thời điểm này đã có 16 ca nhiễm COVID-19 tại Hạt Los Angeles, trong đó bao gồm: 1 du khách đến từ Vũ Hán, Trung Quốc; 1 người trở về từ hội nghị ở tiểu bang Washington, 2 nhân viên Sân bay Quốc tế Los Angeles, 8 người trở về từ Ý, 2 người đã bị lây từ 1 bệnh nhân, 1 người trở về từ Nhật Bản và 1 người có thể là trường hợp lây truyền cộng đồng đầu tiên của Hạt. Mặc dù thành phố Los Angeles đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế từ tuần trước nhưng những sự kiện lớn nhỏ (như LA Marathon được tổ chức vào ngày Chủ nhật 8/3 hay các sự kiện âm nhạc, ghi hình hằng tuần) vẫn không bị hủy. Mọi người vẫn ra ngoài, tụ tập bình thường, mặc dù họ tránh chạm vào nhau. Mình đã thấy những người “bắt chân” (chạm mũi giầy vào nhau) thay vì bắt tay khi chào hỏi. Những trường hợp người châu Á bị phân biệt chủng tộc bởi virus corona đang gia tăng. Con trai của chị Leyna Nguyen, một cựu phát thanh viên lâu năm ở Los Angeles, đã bị phân biệt chủng tộc bởi giáo viên sau khi ho trong lớp.”

Hoa Kỳ – Texas, Richwood
Ngân Hernandez: “Tại đây, mình không mua được gel rửa tay, các thứ khác vẫn bình thường. Không ai đeo khẩu trang, chính phủ và người dân thờ ơ như không có gì xảy ra. Mình không lo lắng mấy vì ít ra ngoài. Mình chưa thấy thay đổi gì nhiều.”

CHÂU ÚC

Úc – Perth
Phan Thúy: “Số người nhiễm bệnh hiện tai tại Perth được đăng trên báo chí dao động dưới 10 người. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm giấy khẩu trang và nước rửa tay khô đã xảy ra tại Perth. Nguyên nhân phần lớn là một số người gom hàng để gửi về trung quốc hoặc các nước có dịch bệnh. Vấn đề nan giải hiện tại tại perth cũng như nhưng thành phố khác đó là nhu cầu mua giấy vệ sinh tăng cao. Dù con số người mắc bệnh ngày một gia tăng. Tuy nhiên, đa số người dân Perth không hề đeo khẩu trang. Nhà trường vẫn thường xuyên gửi email cho học sinh về chuẩn virus mới. Tuy nhiên, hầu như không có sinh viên nào đeo khẩu trang đến lớp. Với môi trường phòng học trong điều kiện máy lạnh với nhiệt độ thấp, thì rất dễ lây lan nếu có một người mắc bệnh. Mình cảm thấy không an toàn lắm. Vì không ai đeo khẩu trang nên ngay bản thân mình cũng không dám đeo khẩu trang.”

—–
Chia sẻ tình hình về COVID-19 tại nơi bạn sống tại đây.

Chuyên mục: BLOG

Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới

Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới là một dự án blog của Đức, Hương và Linh, ba công dân toàn cầu người Việt đã từng sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới.

0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *