Câu chuyện về ba nữ triết gia tài năng bị lịch sử lãng quên và những bài học dành cho công dân toàn cầu
Không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức là một trong các phẩm chất quan trọng của một công dân toàn cầu. Trong 77 tiêu chí của cộng đồng Hộ Chiếu Xanh đi quanh thế giới, có một tiêu chí là “Mỗi ngày học một điều mới (từ mới, món ăn mới, bộ môn mới, điều thú vị bạn nghe từ người nào đó, trên mạng, trên báo/TV…) và ghi điều đó vào cuốn sổ hoặc lưu vào Word document”. Vậy hôm nay, HCX sẽ cùng bạn tìm hiểu về ba nhân vật khá thú vị – ba nữ triết gia tài năng nhưng bị lịch sử lãng quên. Chúng ta sẽ vừa học hỏi về những nhân vật mới, biết thêm về một lĩnh vực khá quan trọng trong cuộc sống là triết học và suy nghĩ xem câu chuyện của họ mang lại cho ta bài học gì.
Mary Calkins (1863 – 1930)
Mary Calkins học ngành Tâm lý học và Triết học tại trường Đại học Harvard. Dù đã hoàn thành luận án Tiến sĩ nhưng lại bị trường từ chối công nhận chỉ vì cô là phụ nữ. Bất chấp sự kỳ thị, bà Mary vẫn nỗ lực nghiên cứu, mang lại những đóng góp to lớn cho lĩnh vực triết học, trong đó có quyển sách Persistent Problems of Philosophy xuất bản năm 1907, trình bày về các quan điểm bảo vệ chủ nghĩa duy tâm của bà.
Trong thời gian đó, các nhà triết học như Francis Herbert Bradley và Josiah Royce ủng hộ “chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối” – tư tưởng cho rằng toàn bộ vũ trụ này đều tồn tại trong trải nghiệm hoặc nhận thức của con người, là một kiểu tư duy vĩ đại. Nó bao trùm tất cả sự vật nên ý thức này được gọi là “tuyệt đối”. Bà Mary cũng đồng tình với chủ nghĩa này nhưng phát triển một lập luận mới bao gồm bốn bước.
Thứ nhất, bà khẳng định rằng có những thứ thuộc về tinh thần, không tồn tại ở trạng thái vật lý. Mary lập luận rằng chúng ta trực tiếp trải nghiệm các trạng thái tinh thần: nhận thức, tưởng tượng, cảm giác. Chất gel màu xám nằm trong hộp sọ vốn dĩ không phải là cảm giác hữu hình, do đó, cảm giác không phải là vật chất.
Thứ hai, Mary cho rằng những yếu tố tinh thần luôn mang tính tự thân. Bất kể là suy nghĩ, cảm nhận hay mơ mộng cũng đều là tự bản thân ta trải nghiệm nó. Khi bạn khám phá thế giới tâm hồn, bạn không hề tìm thấy “niềm hạnh phúc” hay “nỗi đau khổ” có sẵn mà đang cảm nhận những cảm xúc ấy. Vâng, chính bản thân bạn, đang cảm thấy mình vui hay buồn.
Thứ ba, nữ triết gia cho rằng vũ trụ đều “xoay quanh thế giới tinh thần”. Làm sao có thể như thế? Theo bà, đá và hoa không hề có nhận thức như chúng ta. Chúng “vô tri, vô giác, bất động”.
Thứ tư tất cả những con quạ mà bạn từng nhìn thấy đều là màu đen, bạn sẽ tin rằng tất cả giống quạ trên thế giới đều đen cả. Tương tự, Mary biện luận rằng: Là một sinh vật có ý thức, mọi thứ chúng ta trải nghiệm đều đi qua lăng kính tinh thần: nhận thức, suy nghĩ, cảm xúc. Chúng ta không thể trải nghiệm bất cứ thứ gì mà không ý thức về nó. Một người hoàn toàn vô thức thì không hề có trải nghiệm. Do đó, bà kết luận rằng, toàn thể vũ trụ đều tồn tại trong tâm trí của con người – ý thức.
May Sinclair (1863–1946)
Theo bà May, nếu chúng ta có thể quan sát dòng chảy thời gian, ta sẽ thấy nó là những khoảnh khắc không thể chia cắt tựa như một cuốn phim
Mỗi một khung hình chỉ mô tả một khoảnh khắc tĩnh tại của mặt biển nhưng khi ta chiếu cả đoạn phim, ta sẽ thấy cơn sóng đang đổ ập xuống. Nhiều triết gia thế kỷ 20 quan niệm thời gian giống như vậy.
Giả sử thời gian tựa như một cuộn phim, vậy các khoảnh khắc được kết nối như thế nào? Tại sao thời gian có vẻ như đang chuyển từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc tiếp theo? Bà cho rằng không có thứ gì có thể kết nối các khoảnh khắc với nhau. Thứ duy nhất có sức mạnh ấy chính là ý thức.
Hilda Oakeley (1867–1950)
Hilda Oakeley không được nhận bằng Cử nhân ở Đại học Oxford cũng vì lý do tương tự như Mary Calkins. Tuy nhiên, bà đã xuất bản sáu quyển sách triết học và giảng dạy tại Đại học McGill ở Canada, Đại học Manchester và King’s College London ở Anh Quốc. Bà ủng hộ cho một kiểu nhánh chủ nghĩa duy tâm khác.
Các nhà triết học duy tâm “bản thể luận” (dựa trên thực tế) như bà Mary và May, cho rằng thực tế là một trạng thái tinh thần. Trái lại, những triết gia “tri thức luận” (dựa trên tri thức) khẳng định ý thức chi phối tất cả hiểu biết của ta về thực tế. Chẳng hạn, Immanuel Kant đưa ra lý lẽ: chúng ta nhìn nhận mọi thứ trong không gian và thời gian, nhưng bản thân sự vật có thể không hề hiện diện trong không gian và thời gian.
Đi ngược lại với quan điểm của Kant, Hilda khẳng định rằng thời gian là một đặc tính có thật trong thế giới. Nghiên cứu Study in the Philosophy of Personality công bố năm 1928 của bà đưa ra quan điểm nền tảng về trải nghiệm của con người đối với thời gian. Nhận thức của chúng ta “giống như một cuốn tiểu thuyết, liên tục phát triển từ chỗ chưa biết đến biết.” Bà cho rằng tâm trí không áp đặt thời gian lên nhận thức của ta mà chính thế giới bên ngoài đưa ý niệm về thời gian vào đầu chúng ta.
Bên cạnh đó, Oakeley còn cho rằng trí nhớ của con người biết sáng tạo, hình thành trải nghiệm của chúng ta. Hãy tưởng tượng một đứa bé bước vào căn phòng. Cô bé nhìn thấy những mảnh kim loại, các lớp gỗ và các mảng màu xám. Bây giờ, hãy hình dung một người thợ mộc cũng đi vào căn phòng đó. Người này sẽ thấy búa, cưa, cái bào gọt, chốt bi và ốc tai hồng.
Khác với đứa trẻ, người thợ mộc nhận diện được các vật thể và ghi nhớ chúng. Oakeley muốn lập luận rằng chính trí nhớ của người thợ đã thay thế nhận thức của cô ấy. Đứa trẻ chỉ nhìn thấy những vật lồi lõm nhưng người thợ thấy búa và ốc vít. Một số nhà nhân chủng học cũng ủng hộ lý thuyết tương tự: văn hóa định hình thực tế mà bạn nhìn thấy.
Tại sao các nữ triết gia này lại bị lịch sử lãng quên?
Các nữ triết gia này được giới chuyên môn rất kính trọng. Quyển sách của Calkins đã được tái bản năm lần và bà trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ. Bertrand Russell ca ngợi Chủ nghĩa lý tưởng mới của Sinclair. Oakeley trở thành nữ chủ tịch thứ ba của Hiệp hội Aristoteles.
Mặc dù vậy, triết lý của họ được rất ít người biết đến. Chúng không được ghi nhận trong Bách khoa toàn thư Stanford về triết học và bị nhiều lịch sử triết học bỏ qua.
Một lý do khả dĩ để giải thích việc này là chủ nghĩa duy tâm đã lỗi thời. Một lý do khác là tâm lý trọng nam khinh nữ. Và tôi nghĩ còn một nguyên nhân sâu xa hơn: lập luận của ba nữ triết gia xuất phát từ sự tự suy ngẫm và trải nghiệm tinh thần, được xem là một kiểu trực giác. Năm 1912, Russell đã phản bác Henri Bergson vì sử dụng trực giác phản tri thức.
Có lẽ sự bài xích của Russell đã vô tình tác động đến các nữ triết gia, khiến cho những lập luận về chủ nghĩa duy tâm của họ không có giá trị triết học. Các triết gia vẫn không ngừng tranh luận về giá trị của trực giác. Tuy nhiên, trải qua vài thế kỷ, những nghiên cứu về nhận thức đã xem xét lại quá trình hướng nội bên cạnh các lý thuyết quan trọng về nhận thức. Đây có thể là cơ hội phục hưng các di sản của Calkins, Sinclair và Oakeley.
Bài học dành cho các công dân toàn cầu
Bạn thấy đấy, không quan trọng bạn là ai, nam hay nữ và làm việc trong lĩnh vực nào, hãy kiên trì phát triển chuyên môn và không ngừng cống hiến. Mary Calkins và Hilda Oakeley đều không được trường Đại học công nhận học vị chỉ vì họ là phụ nữ. Lịch sử ngành triết học lãng quên họ một phần vì lý do tương tự. Nhưng điều đó không ngăn cản họ đem hết tâm lực, trí lực dồn vào những quyển sách, công trình nghiên cứu để để lại di sản trí tuệ cho nhân loại. Vì vậy, đừng để giới tính, màu da, chủng tộc… trở thành rào cản ngăn bạn tiến ra thế giới.
Bên cạnh đó, khi ta nỗ lực vì một mục tiêu, cống hiến cho một đối tượng hay lĩnh vực nào đó, chúng ta cần đặt ra mục tiêu cụ thể nhưng đừng nghĩ quá nhiều về việc được đền đáp. Tâm lý ấy có thể khiến ta mau nản lòng nếu chưa nhìn thấy thành quả hoặc không được người khác công nhận. Bạn có biết kiến trúc sư Phạm Đình Quý – một trong 10 gương mặt truyền cảm hứng cho cộng đồng năm 2018, đã miệt mài xây hơn 100 ngôi trường cho trẻ em vùng cao suốt năm năm? Trong năm năm ấy, có lẽ anh chưa từng nghĩ đến ngày mình được nhận danh hiệu cao quý đó mà chỉ tâm niệm “xây cho các em nhỏ chỗ học mà mưa không dột tới đầu”.
Còn bạn, bài học mà bạn rút ra cho bản thân là gì? Chia sẻ cho chúng mình biết nhé.
Người dịch, viết: Phương Hạ
0 Bình luận