Hộ chiếu Tình yêu
Cuốn sách Hộ chiếu Tình yêu là kinh nghiệm yêu người nước ngoài của một cô gái Việt, cung cấp thông tin, chia sẻ các trải nghiệm đa chiều của bản thân cũng như đưa ra gợi ý và lời khuyên về việc yêu và xây dựng gia đình với người nước ngoài. Đồng thời giúp bạn đọc hướng tới hình ảnh của cô gái Việt dám dấn thân, cởi mở, đa văn hóa và đa ngôn ngữ.
Trích đoạn:
“Hồi bé, khi đi học mẫu giáo ở Việt Nam, tôi được học ông mặt trời phải được tô bằng màu đỏ. Rồi khi học ở trường Séc, cô giáo lại dạy tôi tô mặt trời bằng bút chì màu vàng. Vậy là từ nhỏ, tôi được học là cái “đúng” ở nơi này có thể được coi là “không đúng” ở nơi khác. Tôi đã mang suy nghĩ này theo mình đi khắp nẻo đường và phải nói rằng nó đã giúp tôi dễ dàng cảm thông và hội nhập vào văn hóa ở những nơi tôi đặt chân đến.
Trong cuộc sống vợ chồng cũng vậy. Những gì tổ tiên lâu đời đã dạy, những gì tôi đã chắc như đinh đóng cột lại hoàn toàn không có giá trị với chồng tôi và ngược lại. Anh nói với tôi rằng, theo anh, người Việt nói riêng và người châu Á nói chung coi mặt trời có màu đỏ vì họ thường tập trung vào điểm bắt đầu và kết thúc của các vấn đề. Vì đỏ chính là tông màu của ánh bình minh và hoàng hôn, của sự khởi đầu và kết thúc một ngày. Ngược lại, người châu Âu hoặc châu Mỹ tập trung vào quá trình của mọi việc. Họ thấy mặt trời có ánh vàng vì đó là màu họ thường nhìn thấy trong ngày. Người châu Á muốn nhìn thấy thành quả, người châu Âu và châu Mỹ đánh giá từng bước đi trong cả quá trình. Vậy nên khi xa nhau, tôi luôn nghĩ về đích là cả hai đến được với nhau và dồn mọi tâm trí để tìm cách đến được với người yêu mình. Nhưng anh thì ngược lại. Anh tận hưởng, phân tích và đánh giá từng giây phút của quá trình xa cách và đưa ra các quyết định dựa trên cảm xúc chứ không dựa trên đích cần đến. Người Việt thường có những cột mốc kỳ vọng trong hôn nhân, người Mexico nâng niu từng khoảnh khắc trên chặng đường chung lối mà không tính toán, lên kế hoạch quá nhiều cho tương lai.
Yêu người ngoại quốc là vậy. Bạn sẽ phải chấp nhận sự tồn tại của các giá trị và “sự thật” khác nhau. Bạn không nhất thiết phải thay đổi cách nhìn nhận của mình nhưng học cách tôn trọng quan điểm của người khác là điều nên làm. Ranh giới giữa “đúng” và “sai” đôi khi chỉ tùy vào góc nhìn nhận các tình huống của mỗi người mà thôi”.
Tác giả:
- Hồ Thu Hương