Nỗi sợ hãi thất bại
Không có ai chưa từng thất bại trong cuộc đời. Tuổi hai mươi là tuổi đẹp nhất để thất bại, khi bạn còn sức khỏe, khả năng phục hồi. Đây là quá trình bắt đầu ghi điểm với cuộc đời. Trách nhiệm bạn đang mang trong cuộc sống cũng như trong công việc còn rất nhẹ so với trưởng thành thật sự. Vì vậy, bạn còn nhiều cơ hội được tha thứ khi phạm sai lầm.
Những người thành công trên thế giới đều đã từng thất bại
Con đường tới thành công chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên những khó khăn trở ngại đó sẽ rèn luyện cho chúng ta tính kiên trì và sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Có một chân lý không bao giờ thay đổi là những thứ quý giá không bao giờ đến dễ dàng mà nó là sự đúc kết kinh nghiệm từ những thất bại đã trải qua. Những người nổi tiếng và thành công cũng không phải là ngoại lệ. Đằng sau ánh hào quang được cả thế giới ngưỡng mộ là muôn vàn khó khăn, thử thách.
Walt Disney đã từng chia sẻ về thất bại lớn nhất cuộc đời mình. Ông đã từng bị đuổi việc khỏi Kansas City Star chỉ vì họ nói rằng: “Ông thiếu trí tưởng tượng và không có những ý tưởng tốt”, bộ phim hoạt hình chú chuột Mickey nổi tiếng ngày đó cũng từng bị từ chối nhiều lần vì họ e ngại bộ phim sẽ khiến phụ nữ sợ hãi. Bộ phim “Ba chú heo con” cũng rơi vào tình trạng tương tự vì nó chỉ vẻn vẹn có 4 nhân vật và công ty đầu tiên của ông, Laugh-O-Gram animation studio bị phá sản.
Cứ thế thất bại này nối tiếp thất bại khác, có thể bạn không tin nhưng ông đã từng bị từ chối 302 lần trước khi gom góp đủ tiền thành lập công ty Walt Disney, công ty đã kiếm được hàng tỷ đô mỗi năm.
Có mấy ai biết được rằng trước khi J.K. Rowling trở thành một trong những người phụ nữ giàu nhất thế giới, bà đã từng có cuộc sống vô cùng khổ sở: ly dị chồng, một mình nuôi con, túng thiếu mọi bề. Thậm chí, bà khó khăn đến mức không có tiền để in bản viết tay cuốn sách Harry Porter của mình nên đã phải gõ hơn 9.000 từ trên chiếc máy đánh chữ cũ thủ công để gửi đến các nhà xuất bản.
Những người thành công nhất thế giới, họ cũng đã từng trải qua thất bại hết lần này đến lần khác, thế nên mới có họ ngày hôm nay. Nó là tấm gương truyền động lực cho chúng ta đúng như câu nói: “Thất bại là mẹ thành công”. Quan trọng là bạn phải nhanh chóng bắt được những điều có được từ thất bại. Không phải ai cũng có thể nhanh chóng, mạnh mẽ gượng dậy ngay sau khi thất bại. Nhưng có một điều chắc chắn rằng: Sau đau khổ, thất vọng, bạn sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân và bạn sẽ tìm thấy con đường dẫn tới thành công khi nhìn vào bài học thất bại.
Để hạn chế những thương tích của cú ngã mang tên thất bại, tôi có một số lời khuyên cho các bạn trẻ như sau:
- Điều chỉnh cách nhìn về sự thất bại: Nhìn thất bại như những kinh nghiệm
Khi người ta đang học để nắm vững những kỹ năng và kiến thức, thất bại là một phần tất yếu của quá trình học. Việc học hành đòi hỏi một quá trình khám phá và sáng tạo – hai phẩm chất cho ta cơ hội biết được điều gì có hiệu quả và điều gì không. Chúng ta không thể khám phá chiều sâu của kiến thức nếu không thử nghiệm. Và việc nhìn thất bại như một kinh nghiệm sẽ giúp bạn coi đó như một món quà chứ không phải hình phạt hay dấu hiệu của sự yếu đuối. Như tác giả Max Kirishima đã từng viết: “Giống như trước khi nhảy cao một lần chùng gối, thất bại tuổi hai mươi trên một khoảng thời gian rất dài là cả đời người, bạn sẽ thấy chúng giống như việc bị trượt ngã, trầy xước đầu gối. Nếu bị ngã, bạn hãy xem mình đã vấp váp vì lý do gì và nhanh chóng đứng dậy bước tiếp trên đôi chân vững vàng hơn”.
Trích sách “Tuổi trẻ điên cuồng để sống điên cuồng” – Max Kirishima
- Đặt mục tiêu tiếp cận
Mục tiêu bao gồm hai loại: mục tiêu tiếp cận và mục tiêu né tránh. Các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng bằng việc tạo ra những mục tiêu cần đạt được, hoặc định nghĩa lại các mục tiêu né tránh, là cách để bạn phát triển tốt hơn. Khi bạn đối mặt với một công việc khó khăn và tiếp nhận nó trong trạng thái kém vui hoặc nản lòng, bạn vô tình đặt ra những mục tiêu xoay quanh điều bạn hoàn toàn không muốn thay vì điều bạn thật sự muốn để cải thiện công việc này. Nếu bạn mong muốn ứng tuyển vào một vị trí hấp dẫn, đó là mục tiêu tiếp cận của bạn. Tuy nhiên, nếu như lần này bạn phỏng vấn xin việc không thành công, bạn bắt đầu có suy nghĩ loại bỏ những vị trí tương tự trong lần tìm kiếm công việc sắp tới. Vì tiền lệ thất bại này, bạn đã chuyển mục tiêu tiếp cận ban đầu của mình sang mục tiêu né tránh. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những nhân viên có xu hướng đặt ra những mục tiêu né tránh thường cảm thấy đuối sức và căng thẳng gấp hai lần so với những đối tượng ngược lại.
- Tạo ra một danh sách các nỗi sợ
Hãy thử tạo ra một checklist những điều bạn thấy sợ hãi nó sẽ xảy ra. Ví dụ khi đi phỏng vấn xin việc, hãy liệt kê danh sách những lần phỏng vấn tồi tệ nhất bạn từng gặp, sau đó hãy ghi bên cạnh những điều bạn cần làm để ngăn chặn những điều đó xảy ra. Cuối cùng, nếu những điều đó vẫn xảy ra, bạn cần có những tình huống dự phòng để khắc phục chúng.
- Tập trung vào việc học hỏi
Mọi việc không phải lúc nào cũng như bạn mong muốn. Nhưng nếu bạn hiểu được rằng, mọi trải nghiệm đều cho bạn cơ hội dù bạn có thất bại hay thành công thì bạn sẽ sẵn sàng tận dụng những thất bại này, bất kể kết quả có ra sao. Nếu khi đi phỏng vấn, bạn quá bận tâm vào việc bạn có được nhận vào công việc đó hay không, điều này chỉ dễ dàng làm tăng nỗi sợ của bạn mà thôi. Hãy nghĩ về những gì bạn có thể học hỏi được khi chấp nhận tham gia thử sức cho vị trí này. Bằng tư duy như thế, bạn sẽ nhanh chóng chuyển từ việc thất vọng khi không được nhận lời mời gia nhập công ty thành lên kế hoạch quyết tâm cho các cơ hội tương lai.
- Đánh bại lối suy nghĩ tiêu cực
Thứ nhất, thử phương pháp gọi là STOPP. Đây là những chữ đầu của các bước giúp bạn tránh được phản ứng với nỗi sợ tức thì trong các tình huống. Khi đối mặt với nỗi sợ thất bại, bạn hãy thực hành như sau:
- “Stop” – Ngừng việc bạn đang làm. Nếu đang làm bất cứ việc gì, bạn cũng nên dừng lại và lùi ra khỏi tình huống đó. Hãy cho bản thân thời gian để suy nghĩ trước khi phản ứng.
- “Take a deep breath” – Hít thở sâu. Dành vài giây để làm sạch cơ thể với vài hơi thở sâu. Động tác này sẽ khôi phục lượng ô-xy lên não và giúp bạn có những quyết định sáng suốt hơn.
- “Observe” – Quan sát những gì đang diễn ra. Tự hỏi bản thân vài câu hỏi. Hiện giờ bạn đang nghĩ gì? Bạn đang cảm thấy gì? “Kịch bản” nào đang ở trong đầu bạn? Bạn có đang xem xét các sự kiện không? Bạn có đang quan trọng hóa các quan điểm của mình không? Bạn đang tập trung vào điều gì?
- “Pull back” – Lùi lại để nhìn xa hơn. Bạn hãy nhìn dưới góc độ của một nhà quan sát khách quan. Họ sẽ nhìn thấy gì từ tình huống đó? Liệu có cách tiếp cận nào khác không? Tình huống này quan trọng như thế nào trong toàn bộ kế hoạch lớn – dù là sáu ngày hay sáu tháng kể từ bây giờ, điều này có còn quan trọng không?
- “Proceed” – Tiến hành thực hiện dựa trên nguyên tắc của bạn. Tiến lên phía trước với những gì bạn biết và quyết tâm làm. Thực hiện những gì phù hợp nhất với hệ thống giá trị và mục tiêu của bạn.
( Trích wikihow.vn )
Thứ hai, thách thức những tiếng nói nội tâm tiêu cực
Chúng ta thường là những người phê bình bản thân gay gắt nhất. Bạn thường sẽ suy nghĩ “Mình không đủ tài” hoặc “Mình sẽ không bao giờ làm đúng được” hoặc “Lẽ ra mình không nên thử làm việc đó”. Khi những suy nghĩ đó xuất hiện, bạn hãy lập tức thách thức chúng bằng cách: Suy nghĩ xem bạn sẽ khuyên bạn bè mình như thế nào trong tình huống này? Hãy trao cho bản thân mình niềm trắc ẩn và sự bao dung như bạn trao cho bạn bè và người thân của bạn.
Thứ ba, tránh trầm trọng hóa vấn đề
Khi bạn trầm trọng hóa vấn đề, bạn đang để nỗi sợ dẫn dắt bạn. Bạn có thể thách thức ý nghĩ này bằng cách lắng lại và tự yêu cầu mình đưa ra những bằng chứng cho giả định đó.
Ví dụ, bạn đang phân vân có nên thay đổi ngành học hay không vì ngành học hiện tại thực sự không phải là đam mê của bạn, và nỗi sợ xuất hiện trong đầu bạn: “Nếu đổi ngành khi đang học dở dang, liệu ngành mới có thực sự là đam mê của mình và liệu mình có thành công không? Mình sẽ không bao giờ tìm được việc làm, sẽ ăn bám bố mẹ cả đời”. Lúc này, hãy cố gắng suy nghĩ: “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì, và nó sẽ như thế nào?”. Điều tồi tệ nhất là có thể ngành học mới sẽ không phải là đam mê thực sự của bạn và có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong một khoảng thời gian theo đuổi nó, nhưng ít nhất, bạn biết được rằng nó không phải đam mê thực sự và bạn chuyển tới đam mê kế tiếp, càng nhanh chóng nhận ra, bạn càng tới gần hơn tới đam mê thật sự của mình.
Thứ tư, chấp nhận bản thân mình không hoàn hảo
Nỗi sợ thất bại có thể bắt nguồn từ việc bạn tin rằng mọi người theo dõi từng cử chỉ và hành động của bạn. Bạn có thể cảm nhận rằng nhất cử nhất động của bạn đều bị để ý và đồn đại. Tuy nhiên trên thực tế, mọi người đều bận rộn với việc của họ và chắc rằng họ không đủ thời gian và sức lực để theo dõi từng cử chỉ của bạn đâu.
Khi tham gia một buổi dự tiệc, bạn sợ mình nói điều ngớ ngẩn hoặc kém duyên, điều này ngăn bạn tham gia hoạt động xã hội và giao tiếp với mọi người. Bạn có thể vượt qua tình huống này bằng cách hỏi xin ý kiến của những người đã có kinh nghiệm tham gia trước đó để vượt qua nỗi sợ này.
Bạn cũng có thể nghĩ về những người bạn xung quanh bạn, người đã từng lâm vào tình huống ngượng ngập trong giao tiếp. Họ có lảng tránh điều đó hay bị mọi người coi là thất bại không? Có lẽ là không.
Lần sau, nếu có mắc lỗi trong giao tiếp, bạn chỉ cần nhắc nhở mình: “Ai cũng có sai lầm. Mình cho phép mình mắc lỗi hoặc trông ngớ ngẩn. Điều đó cũng không làm cho mình trở thành kẻ thất bại.”
Nếu bạn gặp những người phán xét hay chỉ trích quá lời, bạn hãy hiểu rằng vấn đề nằm ở họ chứ không phải bạn.
Cuộc đời dù xảy ra chuyện khó khăn như thế nào, trong đó đều ẩn chứa gợi ý cho sự trưởng thành, như hành động phải làm sau đó, cách nghĩ, cách phản ứng, bài học gì cho bản thân. Các bạn trẻ, những người đang sống trong một thời đại biến động. Thời đại mà mọi lĩnh vực đều đang nhanh chóng đổi thay, có thể tìm thấy công tắc thay đổi tâm trạng của riêng mình. Các bạn hãy mạnh mẽ với tâm trạng bất an, sợ hãi dễ dẫn tới stress của bản thân, từ đó xây dựng được sự bình tâm và cân bằng về tinh thần. Bằng cách thấu hiểu cơ thể và trái tim, các bạn hãy biến khó khăn thành tự tin và thay đổi cuộc đời mình! Đó là cách sống: “Chính vì thất bại tôi mới có thể trở nên mạnh mẽ hơn”.
Author: Emily Pham
0 Bình luận