Toàn cầu hóa và bốn cách tư duy mới về du lịch

Đăng bởi Lê Hồng Phương Hạ vào

Ngày nay, hoàn cảnh chính trị và những tin tức tiêu cực gây sốc cho thấy con người ngày càng sống thờ ơ, ích kỷ và rào cản giữa mọi người ngày một nhiều hơn. Nhưng với sự tăng trưởng của số người sinh sống và làm việc ở nước ngoài, tiếp xúc với sự ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa khác nhau, nhiều người trong chúng ta đang hướng đến một thế giới hòa đồng và gắn bó với nhau.

Chúng ta đang hướng đến một thế giới hòa đồng và gắn bó với nhau.

Theo một nghiên cứu gần đây về tư duy văn hóa được đăng trên trang Culture Trip, 60% người Hoa Kỳ và Anh Quốc chia sẻ rằng nhân sinh quan của họ được hình thành qua nhiều ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác nhau. Khi sống trong cùng một xã hội, con người không chỉ muốn khám phá và trải nghiệm những nền văn hóa khác mà còn muốn học hỏi về chúng nữa. Đây là một trong các tác động tích cực của sự toàn cầu hóa. Đồng thời, bối cảnh kinh tế của thập kỷ trước đã dẫn đến sự thay đổi quan niệm về giá trị không còn xoay quanh chủ nghĩa duy vật. Thế hệ trẻ ngày nay hăng hái thu thập kinh nghiệm nhiều hơn là sở hữu tài sản.

Thế hệ trẻ ngày nay hăng hái thu thập kinh nghiệm nhiều hơn là sở hữu tài sản.

Chào đón “nền kinh tế văn hóa mới”

Sự va chạm giữa hai xu hướng – toàn cầu hóa và nền kinh tế trải nghiệm – đã thổi bùng lên tư tưởng “xê dịch” mới mẻ mà hạt nhân của nó là óc hiếu kỳ về văn hóa. Đó chính là “nền kinh tế văn hóa mới.” Hiện tượng này có tác động sâu sắc đến sự tương tác giữa người với người và định nghĩa về hành trình khám phá văn hóa, đồng thời mở ra cơ hội giao thương đáng kinh ngạc.

Mặc dù khi nhắc đến toàn cầu hóa, chúng ta thường nói về bối cảnh thông thương và chia sẻ nguồn vốn giữa các quốc gia nhưng ta không nên quên rằng động lực nền tảng sau tất cả chính là con người. Giáo dục, du lịch, sự tiếp xúc giữa các phong tục tập quán và vùng địa lý khác nhau, cùng với sự giao thoa văn hóa là những khía cạnh toàn cầu hóa có tác động lớn đến xã hội. Ngày càng có nhiều người sống và làm việc ở nhiều đất nước chứ không phải chỉ an cư tại nơi “chôn nhau cắt rốn”. Hơn phân nửa số người tham gia nghiên cứu về tư duy văn hóa (53%) có bạn bè sống ở nước ngoài, trong khi đó 78% người có bạn bè hoặc gia đình với nhiều quốc tịch và dân tộc đa dạng. Tất cả đều tạo ra tương tác tích cực hơn với các nền văn hóa trên toàn cầu.

Sự tiếp xúc giữa các phong tục tập quán và vùng địa lý khác nhau, cùng với sự giao thoa văn hóa là những khía cạnh toàn cầu hóa có tác động lớn đến xã hội .

Bên cạnh đó, giới hạn khoản nợ sinh viên và việc không đủ khả năng trả tiền thuê/mua nhà đã làm thay đổi thói quen chi tiêu. Từ đó xuất hiện một bộ giá trị mới xem trọng việc thu thập trải nghiệm hơn là sở hữu vật chất. Việc xê dịch trở thành lẽ sống của hầu hết mọi người – thực tế, gần một nửa số người được hỏi (43%) “thắt lưng buộc bụng” hằng ngày để dành dụm tiền đi đây đi đó nhiều hơn. Đặc biệt đối với “thế hệ thuê nhà”, một trải nghiệm hay chuyến đi dẫu có đắt đỏ bao nhiêu cũng vẫn phải chăng hơn việc mua một ngôi nhà.

Đối với “thế hệ thuê nhà”, một trải nghiệm hay chuyến đi dẫu có đắt đỏ bao nhiêu cũng vẫn phải chăng hơn việc mua một ngôi nhà.

Vì sao ta “xê dịch”?

Tư duy cởi mở trong văn hóa được hình thành qua hoàn cảnh của mỗi cá nhân và cả xã hội. Sự phát triển rộng rãi của mạng xã hội tác động nhiều hơn đến cách mỗi người tương tác với môi trường xung quanh – với con người, cộng đồng và mã văn hóa chung. Mạng xã hội không chỉ tạo cơ hội cho ta tiếp xúc với những người có sức ảnh hưởng trên mạng internet mà còn duy trì liên lạc với bạn bè, người thân sống cách ta nửa vòng trái đất, hay nói cách khác là tự mình tiếp xúc với các nền văn hóa khác bằng nhiều cách hơn. 

Sự kết hợp độc đáo giữa các động lực văn hóa, xã hội và cá nhân giúp ta xác định bốn kiểu tư duy văn hóa, thể hiện sự phân bố về mức độ ham tìm hiểu văn hóa:

1. Nhận thức văn hóa: Nhóm này xê dịch vì niềm vui. Họ tìm kiếm sự thân thuộc và chọn những điểm đến gần nhà hoặc tương tự với nền văn hóa của mình. Họ tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau một cách hời hợt và muốn trải nghiệm chúng ở một khoảng cách vừa phải.

Nhóm người với duy nhận thức văn hóa tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau một cách hời hợt và muốn trải nghiệm chúng ở một khoảng cách vừa phải.

2. Hiếu kỳ văn hóa: Nhóm người có cách tư duy này khao khát khám phá điều mới lạ và phá vỡ nhịp sống đơn điệu thường ngày. Họ cũng tìm kiếm chút sự thân thuộc nhưng đồng thời muốn đột phá giới hạn. Đối với nhóm tư duy này, số lượng rất quan trọng, họ thích sưu tầm trải nghiệm và con dấu của các quốc gia đã đặt chân đến. Họ muốn được nhìn nhận là người mê văn hóa nhưng tình yêu đó thường được thể hiện ra cho mọi người thấy và dành cho các địa điểm hay công trình nổi tiếng.

Cổng Brandenburg – Berlin (Đức)

Đắm chìm văn hóa: Đối với tuýp người này, xê dịch chính là cuộc phiêu lưu, là hành trình trưởng thành. Xê dịch là bản sắc của họ. Họ là người tiên phong khám phá những nơi chưa ai đặt chân đến. Họ muốn được nhìn nhận là người giàu văn hóa và “nhà thám hiểm”. Khi có chuyện gì không như ý, họ vui vẻ đón nhận và xem đó là nguyên liệu để tạo nên kỷ niệm đáng nhớ. Họ du lịch vòng quanh thế giới và thường đi theo những con đường hiếm người biết tới nhằm “khai quật” những điều khác biệt so với thế giới thân thuộc chốn quê nhà.

Tuýp người “đắm chìm văn hóa” muốn được nhìn nhận là người giàu văn hóa và “nhà thám hiểm”.

Thông thạo văn hóa: Đây là nhóm những người “du mục” khao khát rong ruổi khắp thế gian. Đam mê xê dịch đã ngấm sâu vào máu của họ. Đối với họ, bốn bể là nhà và họ chấp nhận sự dung hợp văn hóa. Họ ưa khám phá, phân tích và đắm mình vào những nền văn hóa khác nhau. Ký ức của họ thường được gắn liền với trải nghiệm với những người đại diện cho các vùng đất họ đi qua hơn là với những địa điểm vật lý hay hoạt động

Tuýp người thông thạo văn hóa là những “du mục” khao khát rong ruổi khắp thế gian.

Bài toán môi trường

Cuộc nghiên cứu về tư duy văn hóa còn cho chúng ta thấy cách mọi người nhìn nhận về tác động của du lịch lên môi trường và những việc họ có thể làm để giảm bớt ảnh hưởng đó. 42% người thuộc thế hệ millennials (những người sinh từ năm 1980 đến đầu thập niên 2000) – nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác – lo lắng rằng du lịch sẽ gây ra tác động tiêu cực đến môi trường và hơn một phần ba (37%) muốn hạn chế đi hoạt động này để giảm thiểu ảnh hưởng đến mẹ Thiên nhiên. Đây cũng là thế hệ ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc địa phương nhất (58%).

42% người thuộc thế hệ millennials lo lắng rằng du lịch sẽ gây ra tác động tiêu cực đến môi trường.

Những người tham gia trả lời đều đồng tình rằng việc tái chế đóng vai trò quan trọng. Ba trên bốn người chia sẻ rằng họ đang thực hiện tái chế một cách nghiêm túc trong cuộc sống. Dữ liệu khiến chúng ta lo lắng cho tương lai là thế hệ Z (những người từ 18 – 24 tuổi) tái chế ít hơn 11% so với mức trung bình và là thế hệ ít dùng thực phẩm có nguồn gốc địa phương nhất (46%).

Khi phân tích nghiên cứu kỹ hơn, ta sẽ nhận ra tính cách và lối tư duy chung của những người quan tâm nhiều đến các vấn đề môi trường. Sự quan tâm đặc biệt đối với môi trường có liên quan đến thái độ cởi mở với nền văn hóa khác, không ngừng học hỏi điều mới mẻ và tố chất xê dịch bẩm sinh. Những người quan tâm nhiều đến môi trường có thể cho biết nhân sinh quan của họ được hình thành từ nhiều nền văn hóa khác nhau nhiều hơn 58% so với những người ít quan tâm môi trường. Ngoài ra, khả năng tự tìm hiểu văn hóa mọi lúc mọi nơi của họ là 70%.

Khi bạn quan tâm đến thế giới, bạn sẽ muốn tự mình trải nghiệm và ngược lại, hành trình khám phá thế giới khiến bạn càng quan tâm hơn đến hành tinh mà mình đang sống.

Đam mê khám phá thế giới và trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau có liên quan chặt chẽ với mức độ quan tâm đến tác động của việc du lịch đối với môi trường. Dù đa số mọi người không hoàn toàn hạn chế mong muốn xê dịch nhưng mối liên hệ giữa sự cởi mở văn hóa và quan tâm môi trường đã xác nhận rằng hai hành vi này có liên kết với nhau: Những người hay đi đây đi đó cũng là những người suy nghĩ về việc làm hằng ngày để bù đắp cho tác động của họ đối với môi trường. Tựu trung lại, khi bạn quan tâm đến thế giới, bạn sẽ muốn tự mình trải nghiệm và ngược lại, hành trình khám phá thế giới khiến bạn càng quan tâm hơn đến hành tinh mà mình đang sống.

Người dịch: Phương Hạ

Bài gốc: https://www.weforum.org/agenda/2019/06/curiosity-globalization-driving-new-approach-to-travel?fbclid=IwAR3pND-coIqMlWBRyh2aHQ1WV64cGuvknR0nv95noIze-zuH69cAnyO_pLM


0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *