CỐT CÁCH CON NGƯỜI NHẬT BẢN
Hình ảnh ngọn núi Phú Sĩ hùng vĩ, những cây hoa anh đào với sắc hồng rực rỡ, bộ trang phục kimono với những đường nét hoa văn tinh xảo, nét cổ kính ẩn sâu bên trong những ngôi đền linh thiêng, hay sự tinh tế của các nghệ nhân làm sushi với cách trình bày bắt mắt, hoạt hình “anime” làm bạn trẻ say mê với cách xây dựng câu chuyện thú vị, hài hước nhưng không kém phần sâu lắng, nhân văn,… Tất cả như là những “đại sứ thương hiệu” để dẫn dắt chúng ta đến xứ sở mặt trời mọc – Nhật Bản phải không nào? Đơn thuần chúng ta không chỉ biết về nước Nhật với những nền văn hóa “độc nhất vô nhị” đó, “đại sứ thương hiệu” còn là tính cách, phẩm chất và cốt cách con người Nhật Bản. Tại sao mình là nói như thế? Bởi vì khi chúng ta nhìn vào con người Nhật, dân tộc Nhật, chúng ta sẽ nhắc đến triết lý “cây lúa” ở xứ sở phù Tang.
“Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu.”
“ 実(みの)る程頭(ほどあたま)の下(さ)がる稲穂(いな)”
Từ khi còn nhỏ, những đứa trẻ ở Nhật đã được dạy bảo dù bất cứ nơi đâu, dù làm bất kỳ điều gì hay dù ở trong hoàn cảnh như thế nào, chúng ta cũng phải sống như “cây lúa”. Đối với cây lúa, khi hạt lép do bị sâu bệnh sẽ vươn lên thẳng, ngóc lên nhưng khi hạt chín hay khi được mùa, bông lúa sẽ trĩu xuống. Cũng giống như trong cuộc sống vậy, khi còn đói nghèo hay kém cỏi thì càng phải biết vươn lên, vượt mọi gian khó. Nhưng khi đủ giàu có hay giỏi giang thành đạt thì nên biết khiêm nhường cúi đầu, không tự cao, kiêu ngạo. Giống như bông lúa!
Nhật Bản – một đất nước thường xuyên phải gánh chịu nhiều hậu quả từ thảm họa thiên nhiên nhưng họ đã vượt qua và phải khiến cho cả thế giới phải nghiêng mình khâm phục. Họ đã chứng minh cho cả thế giới thấy “cây lúa” của mình bằng ý chí, nghị lực và bất khuất qua một bài kiểm tra “khắc nghiệt”. Đó là trận sóng thần xảy ra vào tháng 3 năm 2011 tại vùng Tohoku của Nhật Bản, cũng là một trong những đại thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử của đất nước khi nó đã cướp đi sinh mạng của hơn 18.000 người (theo Nhk.or.jp) và phá hoại hầu như các tỉnh giáp biển của vùng đông bắc Nhật Bản. Nhiều người mất nhà, mất cả những người thân hay thậm chí là phải bị cách ly ra một khu riêng vì bản thân họ đã bị nhiễm chất độc phóng xạ (do chấn địa mạnh mà nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã nổ). Người Nhật đứng trước một thảm họa với tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” thêm sự mất mát, đau thương ấy nhưng không hề hoảng loạn, không hề tranh giành cướp bóc. Khi các siêu thị tạp hóa tại những khu vực bị thiệt hại mở ra để phát đồ ăn cho mọi người miễn phí, bản thân người Nhật họ vẫn tôn trọng lẫn nhau, vẫn xếp thành một hàng dài theo thứ tự để lấy đồ ăn cứu trợ, lương thực. Họ bình tĩnh ứng xử với thảm họa, họ đùm bọc chia sẻ lẫn nhau mọi thứ trong sự mất mát rất lớn của cuộc đời mình. Hình ảnh đó đã làm chạm đến và làm rung động hàng triệu trái tim trên thế giới.
Phải, trẻ em Nhật được giáo dục ngay từ rất sớm rằng: “Đất nước Nhật chúng ta chỉ có tài nguyên là “động đất và sóng thần”, vì thế các con hãy thương yêu đùm bọc lẫn nhau để ứng phó với nó.” Vì thế chúng ta chẳng ngạc nhiên khi nước Nhật trong vòng năm mươi năm qua là một trong những cường quốc có nền kinh tế phát triển nhất Châu Á và thế giới. Số du học sinh sang Nhật học ngày một tăng lên bởi nền giáo dục phát triển cộng hưởng sự thu hút về nhân tài bằng việc tài trợ nhiều loại học bổng khác nhau. Và Nhật Bản cũng là một trong 10 đất nước có chỉ số hòa bình cao nhất thế giới vào năm 2017.
Nhật Bản là đất nước đã chứng minh một trong những nguyên tắc thành công được đề cập trong cuốn “7 Thói quen hiệu quả” của tác giả Stephen R. Covey: “Chưa bao giờ là hoàn cảnh cả.” Bởi vì chúng ta luôn có thể lựa chọn (phản hồi) để thay đổi hoàn cảnh hiện tại theo hướng tích cực hơn.
Tác giả: Trường Sơn
0 Bình luận