NEW ZEALAND – HỌC TẬP TRỌN ĐỜI
Việc học tập là muôn đời phải không các bạn? Việc học sẽ không còn dừng lại ở những kiến thức trên trường lớp hay trong sách vở nữa. Học tập đã trở nên quen thuộc trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống. Bị điểm dưới trung bình trong bài kiểm tra là một bài học để bạn học hành chăm chỉ hơn. Tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khác nhau là một sự trải nghiệm để va chạm nhiều hơn với cuộc sống,… Những điều đó đến một cách rất tự nhiên mà đôi khi ta không hề nhận ra. Học, học hỏi, nhận thức, phải đến từ bên trong con người bạn, chứ không phải do tác động từ bên ngoài. Có bao giờ bạn tự hỏi với bản thân rằng: “Sao mình học mãi mà chẳng có hiệu quả?”, “Phương pháp học như thế nào là hiệu quả vậy?”…
Sau đây, mình xin giới thiệu về nền giáo dục tiên tiến của xứ sở Kiwi – New Zealand, với phương pháp “HỌC TẬP TRỌN ĐỜI”. Việc học bắt nguồn từ động lực bên trong và một nền giáo dục thành công sẽ là khi nó “thổi bùng” lên được động lực đó.
HỌC CÁCH ĐỂ HỌC
Có một kỹ năng quan trọng mà giáo dục ở New Zealand đã và đang thực hiện là trang bị cho học sinh kỹ năng “siêu nhận thức”. Tức là không đơn thuần chỉ là bạn học một bài học, mà bạn còn phải biết bản chất vấn đề: Nó được cấu tạo như thế nào, tính chất của nó ra sao, cần áp dụng khi nào… Giáo dục tại đây thường chú trọng vào việc: Làm cách nào để người trẻ học được cách tự tạo ra động lực để học những khái niệm hay là những kiến thức cơ bản cần thiết chứ không tiếp cận nó một cách “truyền thống” như học thuộc lòng quá nhiều những công thức toán học, số liệu lịch sử hay thậm chí là đặc điểm địa lý rồi để sử dụng chúng ở các kỳ kiểm tra khắc nghiệt. Thêm vào đó, giáo viên ở trường học có thể sẽ chọn các chủ đề liên quan đến chương trình, môn học và vì mỗi địa phương có những vấn đề quan tâm khác nhau nên học sinh cũng sẽ được giới thiệu về những thông tin có liên quan để bài học trở nên gần gũi và học sinh sẽ có hứng thú học hơn. Không chỉ thế, giáo viên đóng vai trò như một người làm truyền thông, sử dụng thêm những “hiệu ứng ma thuật” hay là kỹ xảo đặc biệt, dùng công nghệ, những dự án hay làm việc nhóm để tạo nên sức hút cho nội dung và nội dung đó dễ được tiếp thu hơn.
HỌC CÁCH NETWORKING
Nhiều trường ở New Zealand do ảnh hưởng của văn hóa “quý tộc” ở Anh nên tổ chức các buổi tiệc trà nhẹ thay cho giờ ra chơi thông thường. Ví dụ một buổi học kéo dài 70 phút thì sẽ có 20 phút “tea time” và thường trong ngày sẽ có 2 buổi như thế. Đó không phải là thời gian chỉ để uống tách trà cho “vui” mà trong thời gian đó, học sinh sẽ được dạy cách NETWORKING (kết nối với người khác) hay là tìm cách để hợp tác với người khác cũng là một môn học siêu quan trọng ở New Zealand. Khi có thời gian nói chuyện cùng nhau thân mật ngoài giờ học, sinh viên có thời gian trình bày ý tưởng của mình cho thầy cô hay những người mình muốn kết nối, qua đó giúp sắp xếp, chỉnh sửa ý tưởng của bản thân và có thể cùng nhau làm ra những dự án nhỏ nữa.
ĐƯA BÀI HỌC VÀO THÁCH THỨC ĐỜI THỰC
Ở New Zealand, học sinh đã được làm quen với teamwork từ sớm. Ví dụ học về kinh doanh, các học sinh được đặt ra thử thách xem mình như công ty nhỏ để cùng xây dựng thành công một dự án nào đó, trình bày ý tưởng mỗi tuần trước các thầy cô và các bạn học như một kiểu thuyết trình ý tưởng cho các công ty vậy. Hiệu quả của học tập sẽ được “chạm đến” 100% khi xây dựng dự án. Vì khi đó bạn sẽ tập trung hết mọi kiến thức được học, biến lý thuyết sách vở thành một sản phẩm thực tế: Phải có lời, phải thu hút và thuyết phục khách hàng, phải biết cách gọi vốn đầu tư… Toàn những điều mà thoạt nghe sẽ thấy rất đơn giản nhưng khi làm mới thấy rằng “khó nuốt” thật sự. Điều đó chứng tỏ rằng trải nghiệm sẽ giúp chúng ta nhớ kỹ hơn những điều đã học.
Điểm số không quan trọng bằng giá trị của cả quá trình và thư giãn hợp lý
Ở New Zealand, học sinh chương trình học Trung học sẽ được cấp National Certificate of Educational Achievement (NCEA) – chứng chỉ quốc gia về hoàn thành chương trình học – là sự kết hợp giữa cách thi cử truyền thống và đánh giá những năng lực, động lực từ bên trong từng học sinh đó: Cách làm việc thực tế, nghiên cứu, kỹ năng thực hiện các dự án cần sự hợp tác, thuyết trình, kỹ năng giao tiếp. Đó là sự đánh giá của cả một quá trình, chứ không phải chỉ dựa trên kết quả thi cử. Có lẽ ở Việt Nam chúng ta hay thường coi “học sinh thì phải học chăm chỉ” là quan niệm đúng, nhưng ở New Zealand, người ta không tin là cả tuổi thơ nên dành cho việc học. Bạn sẽ không tìm thấy cảnh nhiều học sinh làm bài tập hàng giờ ở các lớp học thêm. Thời gian thư giãn như chơi thể thao, đi chơi với gia đình… cũng rất quan trọng. Họ cho rằng là tuổi thơ và khoảnh khắc dậy thì rất ngắn và quý giá, nếu bị lỡ mất niềm vui đó thì không có thể bù đắp được.
Nhà dự đoán tương lai Alvin Toffler đã viết một câu nói nổi tiếng: “The illiterate of the 21st century will not be those who cannot read and write, but those who cannot learn, unlearn, and relearn”. Tức là “Những kẻ mù chữ của thế kỷ 21 không còn là những người không biết đọc hay viết, mà sẽ là những kẻ không thể học, bỏ qua một điều đã học và không thể học lại những điều đã học trước đó”. Kiến thức của nhân loại tăng gấp đôi mỗi năm (theo trang industritap.com) mà chính vì thế việc học cái mới và sàng lọc những điều cũ (học – sàng lọc – học lại) là vô cùng quan trọng. Cho nên việc học không bao giờ dừng lại cả, mà nó là một hành trình trọn đời. “Học, học nữa, học mãi”.
Tác giả: Trường Sơn
0 Bình luận