Ngôn ngữ phi ngôn ngữ

Đăng bởi Phạm Hương vào

Nhắc đến “ngôn ngữ” bạn thường nghĩ đến gì nào? Cấu trúc, ngữ pháp, chữ viết hay lời nói? Thực tế, có một loại ngôn ngữ không nói ra, không viết lại, nhưng vẫn hàm chứa đầy ý nghĩa đấy. Đó chính là “body languages” – ngôn ngữ cơ thể, và ở bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số ngôn ngữ cơ thể ở những nền văn hóa khác nhau nhé!

1. Ngôn ngữ của sự im lặng
Lạ nhỉ, im lặng là im lặng, nói gì đâu mà có ngôn ngữ trong đó? Thật ra thì im lặng cũng có những ngôn ngữ riêng biệt của nó đấy. Ví như trong văn hóa phương Tây đặc biệt là ở các nước Bắc Mỹ và Anh có xu hướng xem sự im lặng là có vấn đề, có thể đó là biểu hiện của sự không quan tâm, phớt lờ hay không chú ý.
Nhưng, đối với một số văn hóa khác thì sự im lặng không được nhìn theo hướng tiêu cực, như ở Trung Quốc im lặng có thể dùng để biểu đạt sự thỏa thuận hay đồng ý. Còn với Nhật Bản thì im lặng ở con gái là thể hiện sự nữ tính đấy!

2. Ngôn ngữ từ ánh mắt
Ở hầu hết các nước phương Tây, việc tiếp xúc bằng mắt thường xuyên là biểu hiện của tự tin và tập trung. Sự phớt lờ trong ánh mắt có thể được nhìn nhận là không thành thật hoặc thiếu chú ý.
Nhưng với nền văn hóa phương Đông, việc nhìn vào mắt quá lâu được xem là có ý muốn đối đầu. Bên cạnh đó, đối với nhiều nước châu Á như Việt Nam hay Trung Quốc, việc tránh tiếp xúc bằng mắt với người lớn tuổi hơn hoặc cấp trên khi đang nói chuyện còn là biểu hiện của sự tôn trọng.

3. Ngôn ngữ của cử chỉ
Rất nhiều khi cử chỉ sẽ giúp bạn vượt qua rào cản ngôn ngữ để hiểu được ý của người đối diện và ngược lại. Thế nhưng, về ngôn ngữ cử chỉ cũng có khá nhiều sự khác nhau giữa các nền văn hóa, nên đôi khi sự chưa hiểu ngôn ngữ này cũng dẫn đến những tình huống hiểu lầm.
Chẳng hạn như gật đầu là thể hiện sự đồng ý ở hầu hết các quốc gia, thế nhưng nếu một ngày đẹp trời bạn có dịp du lịch sang Hy Lạp hay Bulgaria thì đừng quên rằng gật đầu nghĩa là không đồng ý còn lắc đầu nghĩa là đồng ý đấy.
Hay như vòng ngón tay OK ở hầu hết các nước kể cả Việt Nam là biểu hiện sự đồng ý, ổn, tốt. Thế nhưng hãy cân nhắc khi dùng dấu hiệu này ở Pháp và Bỉ vì nó có thể được xem là “0”, vô giá trị, vô dụng. Còn ở Nhật nó có nghĩa là tiền.

4. Ngôn ngữ của tiếp xúc cơ thể
Có thể xem Anh và phần lớn các nước Bắc Âu là nơi có nền văn hóa “không thích đụng chạm” và ở đó một cái vô tình chạm vào người khác là bất lịch sự và nên xin lỗi ngay. Trong khi đối với nhiều nước ở Trung Đông hoặc Mỹ Latinh thì tiếp xúc cơ thể là khá thường xuyên và là một phần quan trọng trong văn hóa giao tiếp.
Thực ra, tiếp xúc cơ thể giữa những ai và ở vị trí nào đều có những quy tắc riêng tùy thuộc vào văn hóa mỗi nước. Như ở Ả Rập đàn ông có thể chào nhau bằng cách hôn mũi trong khi làm như vậy với một người phụ nữ là không thể chấp nhận được. Hay như ở Thái Lan và Lào không nên sờ vào đầu bất cứ ai kể cả trẻ em.

“Ngôn ngữ phi ngôn ngữ” này nhìn vậy mà không hề đơn giản bạn nhỉ, nhưng việc tìm hiểu nó cũng vô cùng thú vị và giúp ích ta rất nhiều trong quá trình giao tiếp với người nước ngoài đấy. Bạn có hiểu biết hay kinh nghiệm gì về ngôn ngữ cơ thể ở các nước khác không, chia sẻ cùng HCX nhé!

Chuyên mục: BLOGNgoại ngữ

0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *