“FALSE FRIENDS” – “NGƯỜI BẠN LỖI” TRONG NGÔN NGỮ

Đăng bởi Phạm Hương vào

Thật giống nhau đến như vậy thế nhưng không phải một nghịa (nghĩa)
Và em chỉ muốn hỏi rằng: chúng bây là thế nào?…”

Nhắc tới “False Friends” bạn nghĩ đến gì nhỉ? Mình thì nghe sặc mùi bạn bè giả tạo, giả dối, sai trái vân vân và mây mây rồi đấy…

Thế nhưng trong Ngôn ngữ học, “False Friends” chính là để chỉ hai từ ở hai ngôn ngữ khác nhau, có thể giống y hệt nhau về phát âm hay cách viết nhưng lại hoàn toàn khác nhau về ngữ nghĩa…

Đối với một người học ngôn ngữ, đặc biệt là học càng nhiều ngôn ngữ lại càng dễ mắc bẫy của “False Friends” – kiểu nhìn như vậy mà không phải như vậy, và hậu quả là có thể rơi vào mấy tình huống dở khóc dở cười vì hiểu lầm ý của người đối diện.

Chẳng hạn như trong tiếng Tây Ban Nha có từ “Constipado” trong khi tiếng Anh cũng có từ “Constipated”, thoạt nhìn thì có vẻ giống nhau, nhưng thực ra một từ có nghĩa là “lạnh” còn một từ có nghĩa là “táo bón”. Và…sẽ thật trớ trêu nếu người bạn Tây Ban Nha của bạn nói họ đang lạnh mà bạn thì cứ nghĩ họ đang bị táo bón cơ đấy…

Cũng trong tiếng Tây Ban Nha, nếu như lần đầu mới học và nghe phát âm của từ “Embarazada” ắt hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến “Embarrassed” – “bối rối, ngượng ngùng”. Nhưng sự thật nó có nghĩa là “mang thai” đấy. Mà “bối rối” với “mang thai” thiệt chẳng liên quan tẹo nào.

Nếu có một ngày đẹp trời bạn tình cờ nhìn thấy bảng hiệu “Librairie” ở Pháp cũng đừng vội nghĩ đó là “Library” – “thư viện” mà vào mượn sách nha, vì nó có nghĩa là cửa hiệu sách – chỉ bán sách thôi chứ không cho mượn đâu ^^.

Nguồn ảnh: http://www.nouvellesimpressions.fr/

“False Friends” cũng xuất hiện giữa tiếng Việt và tiếng Anh đấy! Nếu để ý bạn có thể thấy “Longan” là quả nhãn chứ không phải tỉnh “Long An” đâu, “The” là mạo từ trong tiếng Anh chứ chẳng liên quan gì đến vị “the mát” nhé. Còn “Long” là dài chứ không phải là “rồng” nữa,…

Giải thích về sự xuất hiện của “những người bạn lỗi” này cũng có nhiều ý kiến, trong đó nhiều người cho rằng có thể lúc ban đầu các từ “False Friends” có nguồn gốc giống nhau, nhưng trong quá trình tồn tại và phát triển tại những quốc gia với những văn hóa, lối sống, bối cảnh,…khác nhau, nên nó có sự biến đổi về ngữ nghĩa.

Còn cách tốt nhất để tránh rơi vào bẫy của những “False Friends” thì bạn không nên dùng những từ khi chưa chắc chắn về nghĩa của nó. Chú ý đặt từ vào trong ngữ cảnh và nếu được nên kiểm tra lại với người bản ngữ về những từ mà bạn cảm thấy “có gì đó sai sai”. Trong nhiều ngôn ngữ, cũng có cả danh sách “những người bạn lỗi” này mà bạn có thể dễ dàng xem qua đấy.

Nguồn ảnh: http://insight-quality.com

Tuy nhiên, cũng đừng quên rằng mắc lỗi là một trong những điều hoàn toàn tự nhiên của quá trình học ngôn ngữ. Nên, đừng quá lo lắng nhiều về điều này, biết đâu không chừng gặp một tình huống “bạn lỗi” dở khóc dở cười nào đó lại làm bạn ngấm sâu và không bao giờ quên được luôn. Như vậy “False Friends” cũng là một công cụ học ngôn ngữ đó nhở mặc dù gặp hoài, “sống sai” hoài cũng không có tốt đâu…

Người viết: Neko

Chuyên mục: BLOGNgoại ngữ

0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *