NHỮNG SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ NGÔN NGỮ

Đăng bởi Phạm Hương vào

Có bao giờ bạn tự hỏi rằng con mèo ở Việt Nam và con mèo ở Hoa Kỳ có dùng ngôn ngữ giống nhau hay không, trên thế giới này có tổng cộng bao nhiêu ngôn ngữ hay chữ viết xuất hiện từ bao giờ,… Cùng tìm hiểu những sự thật thú vị về ngôn ngữ trong bài viết hôm nay của HCX nhé!

                                                    

1. Có bao nhiêu ngôn ngữ trên thế giới?
Theo báo cáo của Ethnologue, tính đến thời điểm nay cả thế giới có 7,097 ngôn ngữ khác nhau. Trong đó, có khoảng 150 – 200 ngôn ngữ được sử dụng bởi hàng triệu người. Tuy nhiên, cũng có khoảng 46 ngôn ngữ chỉ được sử dụng bởi một người duy nhất.
Và, vẫn còn nhiều nơi trên trái đất chưa được khám phá và thống kê như vùng Amazon hay cao nguyên New Guinea.

2. Ngôn ngữ có chết đi?
Thật đáng tiếc, câu trả lời là có. Thông thường một ngôn ngữ được xem là mất đi khi người cuối cùng nói được ngôn ngữ ấy chết, và có khoảng 35% ngôn ngữ trên thế giới hiện nay đang bị báo động là sẽ mất đi vĩnh viễn nếu không được duy trì. Các nhà ngôn ngữ học còn dự đoán rằng khoảng 50% ngôn ngữ sẽ không còn nữa trong vòng 100 năm tới.

3. Chữ viết có từ bao giờ?
Trong khi nguồn gốc của ngôn ngữ vẫn là một ẩn số đầy tranh cãi của các nhà ngôn ngữ học, thì những chữ viết đầu tiên được tin rằng ra đời từ khoảng 4,000 năm trước Công nguyên, bởi người Sumer sống ở miền nam Mesopotamia (miền nam Iraq ngày nay). Và chính con cháu họ, được gọi là người Sumer-Babylonia, chính là người đã phát triển hệ thống thời gian – chia một giờ bằng 60 phút và một phút bằng 60 giây, như chúng ta sử dụng ngày nay.

4. Cuốn sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất?
Đó chính là Kinh Thánh với số lượng bản dịch lên đến hơn 2,000 ngôn ngữ khác nhau. Một con số đầy ấn tượng phải không nào!
Còn nếu nói tác giả có số lượng tác phẩm được dịch ra nhiều nhất đó chính là Agatha Christie – nữ tác giả người Anh.

5. Bảng chữ cái ngắn nhất và bảng chữ cái dài nhất?
Trong khi bảng chữ cái dài nhất thuộc về ngôn ngữ Khmer của người Campuchia với 74 ký tự, thì bảng chữ cái ngắn nhất với 12 ký tự thuộc về Rotokas bao gồm: a, e, g, i, k, o, p , r , s, t, u, v.

                                                                  Nguồn ảnh: https://imgur.com

6. Huýt sáo có phải là một ngôn ngữ?
Một trong những ngôn ngữ hết sức đặc biệt đó chính là Silbo Gomero. Trong khi hầu hết các ngôn ngữ đều có hệ thống ngữ pháp, nguyên âm, phụ âm,… thì ngôn ngữ Silbo Gomero được sử dụng bởi người dân La Gomera tại quần đảo Canary chỉ đơn giản là…tiếng huýt sáo.
Do địa hình chủ yếu là núi non nên họ dùng tiếng huýt sáo để giao tiếp với nhau được dễ dàng hơn. Và, Silbo Gomero cũng được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” năm 2009.

7. Động vật có sử dụng ngoại ngữ không nhở?
Thực tế thì…cho đến nay cũng chưa có tài liệu nào nói về vấn đề này nữa. Chỉ biết là trong mỗi ngôn ngữ, tiếng kêu của động vật lại một khác. Cùng là tiếng kêu của con gà, nhưng trong tiếng Việt là “Ò ó o” (gà trống) và “Cục tác cục tác” (gà mái) thì sang tiếng Anh nó lại kêu “Cock – a – Doodle – Do”, đến Đan Mạch lại gáy “”Kykkeliky”. Chó Việt sủa “gâu gâu” còn chó Anh sủa “woof woof”, chó Nhật “wan wan”, còn chó Séc lại “haf”. Mèo Việt kêu “meo meo”, mèo Mỹ kêu “meow”, ở Estonia lại kêu “nau” còn ở vùng Malay lại là “ngjau” đấy… Không biết là các con vật có thấy con người chúng ta kỳ lạ không nhỉ?

Người viết: Neko
Nguồn: Tổng hợp

Chuyên mục: BLOGNgoại ngữ

0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *