Vì sao chúng ta không nên sử dụng cụm từ “PHƯƠNG TÂY”?
“PHƯƠNG TÂY”… Nó nằm ở đâu?
Một câu hỏi quả là kỳ lạ, các bạn trả lời. “Phương Tây”, nó nằm ở phía Tây Việt Nam mà. Ai mà chả biết!
NHƯNG… chúng ta hãy cùng suy nghĩ lại các bạn nhé. Nếu suy nghĩ một cách lô-gích, “phương Tây” theo cách suy luận là “các quốc gia nằm phía Tây Việt Nam” sẽ phải bao gồm Trung Đông, Châu Phi, Châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Các bạn có đồng ý không? Nhưng thông thường, chúng ta chỉ sử dụng “phương Tây” để gọi những nền văn hóa tiên tiến, đôi khi bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Úc và New Zealand, mặc dù chúng không nằm ở “phía Tây”. Vậy rốt cuộc, “phương Tây” không chỉ nằm ở phía Tây mà còn có thể nằm ở phía Đông Việt Nam nữa. Phức tạp nhỉ?
Trước đây, “PHƯƠNG TÂY” (trong tiếng Anh gọi là “Western civilization”, “the Western world”, “Western society”, “Occidental culture”, v.v.) là cách gọi cho những nền văn minh của Châu Âu (ngược lại với những nền văn minh “PHƯƠNG ĐÔNG”, bao gồm những nền văn minh của Châu Á). Nhưng dần dần, cụm từ này được bắt đầu sử dụng cho cả những nền văn hóa khác có ảnh hưởng từ Châu Âu như Hoa Kỳ, Canada, Úc và New Zealand như bạn thấy trên bản đồ bên dưới.
Người Việt thường coi “phương Tây” là tất cả các quốc gia phát triển, giàu có, có chất lượng sống tốt và đáng học hỏi. Như vậy, họ đã vô tình gán ghép rất nhiều quốc gia khác nhau, với nền kinh tế, văn hóa, lối sống khác nhau vào một cái mác chung mang tên “PHƯƠNG TÂY”. Cách suy nghĩ đơn giản hóa như vậy rất nguy hiểm, vì nó làm cho chúng ta trở thành những con người mang trong mình những định kiến sai lầm. Chúng ta coi tất các mặt của văn hóa “phương Tây” đều tốt đẹp, còn tất cả mọi thứ của “phương Đông” nói chung và Việt Nam nói riêng đều tồi tệ. Chắc hẳn bất cứ ai trong chúng ta đều đã nghe thấy ít nhất một người nào đó nói câu tương tự như: “Người phương Tây văn minh như vậy đó.” “Họ là người phương Tây thì họ phải giàu lắm, thông minh lắm, cao to lắm, họ (tất cả các tính từ tích cực) lắm.” “Chúng ta phải học hỏi từ phương Tây.”
Từ cách suy nghĩ đã được in sâu vào tâm trí như vậy, chúng ta vô tình coi tất cả những người “phương Tây”, những người nước ngoài, nhất là những người “tóc vàng, mắt xanh, mũi lõ” là những người hơn mình trong mọi lĩnh vực. Vậy nên có nhiều người nước ngoài chỉ mang bề ngoài “Tây” về Việt Nam, sử dụng được chút từ tiếng Việt là sẽ trở thành nổi tiếng và dễ dàng kiếm được tiền. Trong bài viết “Hãy cho giới trẻ Việt cơ hội thực hiện những ước mơ của mình” trên blog của HCX, mình đã viết: “Đầu tiên, mình thấy rất kỳ lạ là người Việt vẫn còn quá thần tượng những người nước ngoài chỉ vì họ biết nói tiếng Việt, mặc dù họ không có tài năng gì nổi bật. Những người trông ‘Tây’ một tí mà nói được tiếng Việt là sẽ nghiễm nhiên trở thành thần tượng, người mẫu, ca sĩ, v.v. Trong khi đó, những người Việt ở nước ngoài mà nói được tiếng bản xứ thành thạo hơn những người nước ngoài ở Việt Nam, có khi họ nói được ba, bốn, năm ngôn ngữ, có khi họ tài giỏi hơn, thành công hơn, có thể sẽ không bao giờ nổi tiếng được bằng những người “Tây nói tiếng Việt”! Có thể là vì ở nước ngoài, người dân đã khá quen với việc người ngoại quốc đến đất nước họ phải làm việc cật lực thì mới có thể trở nên thành công, trong khi ở Việt Nam thì những người nước ngoài chỉ cần học tiếng Việt, lặp đi lặp lại câu: “Tôi yêu Việt Nam!”, chọn một lĩnh vực nào đó trong nghệ thuật (mà không nhất thiết họ phải có tài năng nổi bật) và thế là họ nghiễm nhiên trở thành hiện tượng!”
Vấn đề ưa chuộng người nước ngoài hơn người bản địa không chỉ có ở Việt Nam. Người Mexico có riêng một cụm từ để mô tả vấn đề này, là: “Malinchismo“.
Mới đây thôi, mình đọc được bài viết “9 THÓI QUEN CỦA NGƯỜI PHƯƠNG TÂY – RẤT ĐÁNG HỌC HỎI“. Khi đọc bài viết, bạn sẽ thấy tác giả thu nhỏ địa lý của cụm từ này vào một quốc gia duy nhất là “Hoa Kỳ” vì:
1. Không phải quốc gia châu Âu hay Bắc Mỹ nào cũng niềm nở và tươi cười. Nếu đến các quốc gia Trung, Bắc và Đông Âu, các bạn có thể sẽ tự hỏi tại sao con người ở đó lại rầu rĩ và ít cười vậy.
2. “Trung bình, một người phương Tây sẽ đọc tầm 4-7 cuốn sách trong một năm.” – Tác giả đang nói về quốc gia nào vậy? Con số này được lấy từ năm nào? Nguồn là đâu? Tác giả không nên đưa ra một con số “thống kê” không chính xác và không cụ thể như vậy, vì nếu người đọc không nghiên cứu kỹ mà tin vào nguồn tin, họ sẽ lan tỏa dữ liệu này đến những người xung quanh.
3. “Nếu bạn vô tình va vào một ai đó, dù là lỗi của bạn, nhưng họ cũng sẽ nói “I’m sorry”. Và khi bạn làm gì đó cho họ, họ sẽ đáp lại với câu “Thank you!”. ” – Không phải quốc gia nào cũng nói tiếng Anh và không phải ở quốc gia nào cũng sử dụng “Cảm ơn” và “Xin lỗi” với tần số cao.
Bài viết trên cho thấy cụm từ “phương Tây” đang bị lạm dụng và hiểu lầm. “Phương Tây” (Occident) và “phương Đông” (Orient) là hai cụm từ bắt nguồn thuở xa xưa, khi người dân thuộc nền văn minh La Mã Cổ đại bắt đầu đi về phía đông để khám phá những nền văn minh Viễn Đông. Nhưng giờ đây, thế giới không chỉ bao gồm “La Mã Cổ đại” và “Viễn Đông” nữa. Thay vì có 2 châu lục với những nền văn minh chủ chốt như trước, bây giờ chúng ta có 7 châu lục với vô số các nền văn minh khác nhau. Vậy nên cách gọi “phương Tây” và “phương Đông” đã quá lỗi thời và có thể gây phản cảm. Mặc dù vẫn có nhiều tờ báo, nguồn tin sử dụng hai cụm từ này, mình khuyên các bạn không nên sử dụng chúng nữa.
Tác giả: Hồ Thu Hương
0 Bình luận