“Coolest Monkey In The Jungle” – Người ngày nay có phải là quá nhạy cảm?

Đăng bởi Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới vào

Vài ngày trước, trên trang web của hãng thời trang nổi tiếng thế giới H&M xuất hiện hình ảnh như sau:

Nhìn bức ảnh trên, các bạn thấy gì? Một chú bé dễ thương mặc áo hoodie, đúng không nhỉ? Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, các bạn sẽ thấy là trên áo màu xanh lá cây có dòng chữ: “Coolest monkey in the jungle” (Tạm dịch: Chú khỉ ngầu nhất rừng xanh). Các bạn nghĩ: Thì sao nhỉ? Những dòng chữ như vậy xuất hiện trên áo là chuyện bình thường mà. Dòng chữ đó có thể đã được lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích “Sách rừng xanh” (“The Jungle Book”), các bạn nghĩ tiếp. Các bạn không hiểu tại sao cụm từ đó lại bị chỉ trích đến nỗi mà H&M phải đưa ra lời xin lỗi chính thức và gỡ bỏ hình ảnh và sản phẩm ra khỏi trang web của họ.

Mình sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện đã xảy ra với mình vào Hè năm ngoái: Khi đang đi mua sắm với chồng mình, người México, tại một khu mua sắm ở thành phố Saugus nằm tại tiểu bang Massachusetts, bỗng nhiên mình nghe thấy có ba đứa bé nhìn mình, chỉ chỏ và nói: “Ching chong”. Anh Miguel đang đứng ngay bên cạnh mình nhưng không để ý đến họ, rồi khi mình nói điều gì đã xảy ra thì mắt anh tròn xoe. Khi bạn không có kinh nghiệm với một cụm từ mang tính phân biệt chủng tộc và không thuộc về chủng tộc mà đã và đang bị miệt thị với cụm từ đó, bạn có thể sẽ không để ý tới nó và không coi nó mang tính nhạy cảm. Đối với mình, bất cứ lúc nào nghe thấy từ “Ching chong”, máu của mình lại sôi lên vì mình đã bị phân biệt chủng tộc với cụm từ này trong suốt 18 năm sinh sống ở châu Âu. “Ching chong” khiến mình nhớ lại những lần muốn độn thổ vì những đứa trẻ hét toáng lên cụm từ này trước mặt mình và các bạn của mình (một tính xấu của người Séc là họ không muốn bị ảnh hưởng bởi “vấn đề của người khác”, vậy nên mặc dù là bạn bè nhưng họ sẽ không giúp mình khi mình bị trêu chọc), những ngày đông giá rét mà mình phải chạy qua những lớp tuyết cao đến đầu gối, trên chân chỉ có dép lê, để tránh những quả bóng tuyết mà những đứa trẻ kém mình vài tuổi đang thi nhau ném vào đầu và thân thể mình. Có những lần, chính những người bạn thân của mình cũng đã sử dụng cụm từ này để gọi người Việt khi nói chuyện với mình, vì đối với họ, cụm từ này thông dụng và được chấp nhận. Họ không nhận thức được rằng họ đang phân biệt chủng tộc. Trở lại câu chuyện ở Saugus, cũng dễ hiểu khi anh Miguel đã không nghe ra/không để ý tới câu nói của những đứa trẻ vì anh chưa từng có những trải nghiệm vô cùng tiêu cực như mình.

Tương tự như vậy, khi bạn nhìn thấy một người da đen mặc áo với dòng chữ “Monkey In The Jungle”, bạn sẽ không để ý tới ý nghĩa tiêu cực của nó. Nhưng đối với những người da đen, bị so sánh là “khỉ” thì đó là cả một câu chuyện kéo dài hàng trăm năm lịch sử đen tối. Jean Bodin, nhà pháp lý và triết gia chính trị người Pháp đến từ thế kỷ thứ 16 đã tuyên bố rằng người Châu Phi ở miền nam sa mạc Sahara quan hệ tình dục với động vật. Một số cách lý giải về việc người Châu Phi bị ví như khỉ là vì: ở Châu Phi có một số loài vượn lớn, rất gần với con người về kích thước và hình dạng; da người Châu Phi có màu đen/nâu, tương tự như màu con khỉ và vượn; một số nét điển hình trên khuôn mặt người Châu Phi có thể làm liên tưởng tới loài vượn, khỉ hoặc các tổ tiên của loài người; nền văn minh và kinh tế của đa số quốc gia Châu Phi thua xa các châu lục khác; chế độ nô lệ kéo dài hàng trăm năm đã đúc lên tâm trí của nhiều người là người Châu Phi kém cỏi hơn những người đến từ các châu lục khác. Ngay cả Cựu thổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng đã từng bị những người phân biệt chủng tộc gọi là “con khỉ”. Lớn lên với sự so sánh đó được khắc sâu vào tâm trí, người da đen/châu Phi bị ám ảnh bởi sự so sánh với con khỉ, vậy nên hình ảnh đứa bé da đen mặc áo với dòng chữ “Monkey In The Jungle” đã khiến họ bị tổn thương. Ca sĩ The Weeknd đã nhanh chóng tuyên bố là sẽ cắt đứt các mối quan hệ với hãng thời trang H&M.

Như một công dân toàn cầu, mình luôn nhìn mọi việc từ nhiều khía cạnh khác nhau. Nếu nhìn từ khía cạnh của H&M, “monkey” đơn giản là cách gọi yêu đối với một đứa trẻ (tương tự như cách gọi “munchkin” hay “poppet”). Họ không hề nghĩ tới việc cụm từ trên áo này sẽ làm một bộ phận khách hàng của họ tức giận. Nhưng là một công ty toàn cầu, họ mắc phải lỗi lớn là đã không tính đến nhạy cảm văn hoá (Cultural Sensitivity), họ đã quên không nghĩ tới những khách hàng da đen và đã phải trả giá lớn cho sự thiếu hiểu biết của mình. H&M là một công ty Thụy Điển, mặc dù có mặt tại khắp nơi trên thế giới, nhưng khi nhìn vào Ban Giám đốc của công ty (toàn người da trắng), bạn sẽ suy đoán được vì sao họ đã quyết định đưa ra một sản phẩm thiếu nhạy cảm như vậy.

Nói đi thì cũng phải nói lại, mình không đồng ý với tất cả các lời chỉ trích về phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính. Trước đây vài tháng, thương hiệu Dove cũng đã bị “ném đá” vì cho ra một video quảng cáo bị coi là mang tính phân biệt chủng tộc. Cụ thể, nội dung quảng cáo quay cảnh một cô gái da màu mặc một chiếc áo phông màu nâu sẫm, sau khi cô cởi chiếc áo này ra thì biến thành một cô gái da trắng với diện mạo mới hoàn toàn khác biệt. Nhiều người đã lên án Dove vì ám chỉ sự “lột da đen thành da trắng” sau khi các cô gái sử dụng sản phẩm của công ty. Ở đây mình cảm thấy một điều không công bằng là không ai chỉ trích đoạn sau của video, khi cô gái da trắng “lột da” thành người Mỹ Latinh cả. Trong những năm gần đây thịnh hành một trào lưu là những người “chân yếu tay mềm” (nhất là những người da màu, nhập cư và phụ nữ) đồng thanh lên tiếng chỉ trích những người “cầm quyền” (da trắng, người bản địa, đàn ông, v.v.). Nếu hùa theo đám đông, bạn sẽ được ca ngợi là “anh hùng” và “người can đảm”. Nhưng nếu làm ngược lại (đàn ông chỉ trích phụ nữ, người bản địa chỉ trích người nhập cư, da trắng chỉ trích da màu, v.v.), bạn sẽ bị coi là thiếu nhạy cảm, gia trưởng hoặc phân biệt chủng tộc. Mình coi đây là “đạo đức giả” và “đi theo trào lưu” mà thiếu tư duy chiều sâu.

Nói tiếp về chuyện “đạo đức giả”, trong chuyến đi đến tiểu bang Florida vừa qua, mình đã rất ngạc nhiên khi thấy những lá cờ của Liên minh miền Nam, đại diện cho sự thù ghét, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và nô lệ ở Hoa Kỳ, vẫn được treo phất phới trên các đại lộ lớn và các khu vườn của người dân địa phương. Câu hỏi trong đầu mình hiện ra là, tại sao những người Hoa Kỳ lại không phản đối và chỉ trích khắt khe hơn những dấu hiệu của sự phân biệt chủng tộc nằm ngay trước mắt họ, mà lại đi lên án kịch liệt một công ty Châu Âu? Vì sao những lá cờ khơi lại lịch sử tối tăm vẫn chưa được gỡ bỏ? Vì sao thế giới không chung tay “tẩy chay” những lá cờ phân biệt chủng tộc, mà lại đồng tình chỉ trích một thông điệp mà có thể không có liên quan tới phân biệt chủng tộc (nếu người mặc áo là bé trai da trắng thì chắc hẳn chúng ta đã không liên kết dòng chữ trên áo với sự phân biệt chủng tộc và áo vẫn sẽ được mua và mặc)?

Nếu muốn gỡ bỏ tất cả các sự phân biệt và kỳ thị trên thế giới, chúng ta nên bắt đầu bằng chính bản thân mình. Chúng ta cần phải ngừng phân biệt và so sánh người khác thông qua những đặc tính bên ngoài như màu da, độ tuổi, giới tính, chiều cao hay cân nặng. Chúng ta không bao giờ nên chê bai hay kỳ thị một nhóm người/dân tộc/màu da, vì một “con sâu làm rầu nồi canh” là cách suy nghĩ cổ hủ. Nếu bạn chưa bao giờ trực tiếp gặp gỡ và nói chuyện với một người Ả Rập, bạn không thể coi tất cả những người Ả Rập trên thế giới là “dân khủng bố”. Nếu bạn có một vài kinh nghiệm tiêu cực với người Trung Quốc, bạn không thể coi cả 1,3 tỷ người Trung Quốc và cả đất nước Trung Hoa là hoàn toàn xấu xa. Trên thế giới, không một ai là người tốt hoặc xấu hoàn toàn.

Trong văn hóa Việt Nam, bình luận về những đặc tính bên ngoài không phải là điều cấm kỵ. Nhưng đây chính là điều giúp cho sự kỳ thị lan tỏa rộng rãi. Câu hỏi đầu tiên mà người Việt thường đặt cho một người không quen biết là: “Bạn bao nhiêu tuổi?” Đối với người họ, đây là câu hỏi cần thiết để tiện cho việc xưng hô. Nhưng bạn có đồng ý là thông tin về tuổi tác giúp khơi dậy rất nhiều câu hỏi cá nhân thiếu tế nhị, khiến cho bạn cảm thấy khó chịu như: “Bạn đã có vợ/chồng chưa?”, “Bạn đã ra trường được… năm rồi thì cũng phải kiếm được… rồi nhỉ?”, “Bạn mới có… tuổi mà trông già thế?”, v.v. không? Đã có bao nhiêu câu bình luận tưởng chừng như vô hại: “Trông đứa này béo như con lợn”, “Mông to thế em?”, “Mặt đầy tàn nhang xấu quá, đi tẩy đi”, “Con gái mà không biết… là vứt đi”, v.v. khiến cho bạn cảm thấy kém cỏi, không bằng người khác, tự ti và bị trầm cảm? Một trong những lý do chính vì sao người Việt khá tự ti về bản thân là vì văn hóa của chúng ta chú trọng đến những sự tiêu cực, chúng ta hay so sánh bản thân với người khác và chúng ta ưa chỉ trích hơn là khen ngợi và động viên.

Để có thể thay đổi được tình trạng này, hãy mạnh dạn lên tiếng khi bị phân biệt và kỳ thị về những điều bạn không thể thay đổi, và hãy học cách nhìn nhận và đánh giá con người từ bên trong, các bạn nhé. Bên cạnh đó, hãy ham học hỏi về những nền văn hóa khác nhau để không phạm phải những sai lầm đáng tiếc mà có lúc sẽ dẫn đến hối hận không kịp.

Tác giả: Hồ Thu Hương


Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới

Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới là một dự án blog của Đức, Hương và Linh, ba công dân toàn cầu người Việt đã từng sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới.

0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *