8 cách đã giúp mình đi khám phá thế giới gần như miễn phí

Đăng bởi Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới vào

Hương

(BOSTON) Có lẽ là điểm chung nổi bật của các thành viên Hộ Chiếu Xanh đó là cả ba đứa mình đều là những “chuyên gia săn cơ hội”. Với cái máy tính và internet phổ biến như hiện nay, không chỉ những người “nhà mặt phố, bố làm to” (như một bạn vừa viết cho chúng mình) thì mới có thể ra nước ngoài được. Mặt khác, với sự cương quyết và tự tin, chúng mình tin rằng ai cũng có cơ hội để ra nước ngoài nếu muốn và cố gắng.

Riêng mình thì mình đã hoài bão được đi và khám phá thế giới ngay từ hồi học cấp hai. Một năm trước khi vào đại học, mình ước muốn được đi Anh Quốc du học, nên mình đã nộp đơn đăng ký học tại các trường đại học tại đây. Thiết nghĩ mình sẽ nhận được quốc tịch Séc trước khi tốt nghiệp trung học (người Séc trả học phí như người bản xứ để theo học các trường đại học tại Anh Quốc), nên mình có ý định vay tiền nhà nước Anh để đi học. Bên Anh, nếu bạn là người Anh hoặc Liên Minh Châu Âu, bạn có thể được vay tiền đi học với lãi xuất rất thấp, và chỉ bắt đầu trả lại tiền khi đã có thu nhập (và khi thu nhập hàng năm của bạn trên 17,335 bảng Anh (xem chi tiết tại đây: http://www.studentloanrepayment.co.uk)). Ước mơ được ra nước ngoài du học của mình lần này đã không trở thành hiện thực khi mình bị từ chối quốc tịch Séc.

Không nản chí, mình chọn học đại học tại Séc, và trong đầu mình vẫn ấp ủ giấc mơ ra nước ngoài. Mình chọn học ngành Thương mại quốc tế vì mình rất yêu thích học ngoại ngữ, giao lưu với người nước ngoài và mình nghĩ là ngành này sẽ giúp mình kiếm được việc làm tại bất cứ nơi nào. Những ngành bạn nên chọn để có thể sống tại các nước khác nhau là: Quan hệ quốc tế, Thương mại, Quản lý khách sạn và du lịch, Dạy học (dạy ngoại ngữ hay các môn chuyên  khác), Kỹ sư (máy tính, điện, quang học, cơ khí, vv.). Hoặc bạn có thể tham dự một khóa học chụp ảnh, viết bài hay lập trình, vì những công việc có thể làm việc qua mạng càng ngày càng trở nên phổ biến hơn. Những lập trình viên có thể kiếm được hàng nghìn đô mỗi tháng khi hỗ trợ lập và điều hành trang web cho các công ty nước ngoài. Họ có thể làm việc tại bất cứ nơi đâu vì chỉ cần có máy tính là có thể làm việc.

Nhìn lại thì mình hoàn toàn không hối tiếc chiến lược chọn ngành của mình: Nó đã giúp mình tìm việc và cơ hội tại rất nhiều nơi trên thế giới. Dưới đây là tám cách đã giúp mình khám phá thế giới gần như miễn phí:

1. Nếu muốn ra nước ngoài thì trước hết chúng ta phải học ngoại ngữ và tìm hiểu về văn hóa, chính trị, lịch sử và địa lý của các nước khác nhau. Từ hồi học tiểu học, mình đã bắt đầu đam mê học ngoại ngữ (trường trung học của mình bắt học hai ngoại ngữ nên mình chọn học tiếng Anh và Pháp). Mình mơ ước được đến những vùng đất lạ mà mình đã được học đến trong các môn Lịch sử và Địa lý. Vì hồi đó chưa có điều kiện để đi nên mình chỉ được tìm hiểu về các nước qua các trang sách, quả địa cầu và qua các lời kể của thầy cô. Mình đã tham gia tất cả các cuộc thi mà mình biết đến, và trong tám năm học trung học (trung học tại Cộng hòa Séc kéo dài 8 năm nếu bạn bắt đầu học từ năm lớp 6, và 4 năm nếu bạn bắt đầu học từ lớp 10), mình đã nhận được 23 giải thưởng các cấp khác nhau trong các môn như tiếng Anh, Séc, Pháp, Toán, Văn, Địa lý, vv. Và trong lần tham gia dự thi tìm hiểu về Liên Minh Châu Âu, mình đã là một trong 35 học sinh xuất sắc nhất tại Séc được mời đi thăm quan Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, Pháp hoàn toàn miễn phí.

Mách bạn: Hãy ham học hỏi và bắt đầu tìm kiếm những cơ hội để thử thách mình càng sớm càng tốt. Ngay từ khi học tiểu học, trung học hay đại học, bạn hãy chuẩn bị cho mình vốn ngoại ngữ thật tốt bằng cách tự học, tham gia các khóa học thêm, xem phim hay nghe ngạc (Linh đã mách cho bạn những cách tốt nhất để học ngoại ngữ tại đây). Hãy tự tin tham gia các kỳ thi của trường, thành phố hay quốc gia bạn nhé. Càng tham gia nhiều kỳ thi thì bạn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm ngay cả khi không thắng giải.

[metaslider id=597]

2. Trong khi các bạn học đại học năm thứ nhất cùng mình vẫn còn bỡ ngỡ về môi trường học mới thì mình đã bắt đầu tìm hiểu các loại học bổng du học của trường mình. Các trường đại học tại Liên Minh Châu Âu đều có những xuất học bổng du học một hoặc hai học kỳ gọi là Erasmus để khuyến khích sinh viên ra nước ngoài học ngoại ngữ và tìm hiểu về các nước khác nhau. Trường mình hồi đó chỉ cho học bổng du học tại các trường đại học đối tác cho sinh viên học năm thứ ba hoặc học cao học. Vì không muốn chờ đợi thêm một vài năm nữa nên mình đã chọn loại học bổng freemover. Loại học bổng này rất giống học bổng Erasmus, nhưng điều bất tiện là bạn phải tự chọn trường, tự đăng ký học và tự làm các thủ tục và giấy tờ. Được một anh bạn đang du học bên Phần Lan giới thiệu cho trường đại học tại Argentina, mình ra tay tìm hiểu ngay về cách xin học bổng, cách đăng ký học và các thủ tục xin visa. Trường mình cho mình một phần tiền vé máy bay và 500 USD một tháng cho việc sinh hoạt khi đi du học. Vậy là, vào tháng 2 năm 2011, vào năm thứ hai học đại học, lần đầu tiên trong đời mình đặt chân đến châu Mỹ

Mách bạn: Trước khi bắt đầu vào học (hay đi làm), thì bạn hãy nghiên cứu trước về những cơ hội của trường bạn hay nơi bạn làm việc. Đi trước một bước đối với những bạn cùng học hay đồng nghiệp sẽ trở thành lợi thế lớn của bạn trong tương lai.

[metaslider id=598]

Tại Argentina, Hương đã có dịp khám phá đất nước và văn hóa Mỹ Latinh, nhảy tango, đi chơi tại nhiều địa điểm thú vị, tham gia lễ hội carnaval vui nhộn, và còn được gặp cả tổng thống Séc nữa

3. Sống tại Liên minh Châu Âu có một ưu điểm là Liên minh Châu Âu hỗ trợ cho người dân (những người có quốc tịch và cả những người có thẻ cư trú vĩnh viễn) tham gia nhiều chương trình học và làm, ví dụ như những khóa học tại các địa điểm khác nhau trong Khối EU. Ví dụ như trong năm 2012, mình đã đăng ký và được chọn đi tham dự khóa chụp ảnh tại Bồ Đào Nha theo chương trình Grundtvig. Chương trình trả cho mình tiền vé máy bay, ăn và ở và theo học khóa chụp ảnh miễn phí.

Mách bạn: Không chỉ nên theo dõi các học bổng của trường hay quốc gia, bạn còn nên chú ý đến các học bổng của các nước khác nhau nữa. Ví dụ như mình đang theo dõi những trang Facebook của Eduactive hay Mladiinfo, vì những trang này có rất nhiều học bổng cho các đối tượng và các quốc gia khác nhau. Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới cũng sẽ giới thiệu cho các bạn những học bổng phù hợp nhất cho các bạn :).

[metaslider id=599]

Hương khi tham gia một khóa học nhiếp ảnh tại Bồ Đào Nha

4. Quỹ Á-Âu (ASEF) là một tổ chức phi lợi nhuận liên chính phủ bao gồm các nước châu Á và châu Âu. Vào mùa Hè hàng năm, Quỹ tổ chức khóa học Hè gọi là “ASEF Summer University” (Đại học Hè của Quỹ Á-Âu) cho sinh viên và các bạn trẻ từ những nước thành viên của Quỹ dưới 30 tuổi. Việt Nam cũng là một thành viên của Quỹ, và năm 2012, mình đã được chọn thay mặt các bạn trẻ Việt Nam tham gia khóa học Hè 2 tuần tại Đại học Tartu của Estonia. Quỹ hộ trợ vé máy bay, tiền ăn ở và cả khóa học cho những người được chọn. Hơn thế nữa, sau khi tham gia khóa học, bạn sẽ trở thành thành viên của mạng lưới cựu sinh viên Đại học ASEF (ASEF University Alumni Network). Điều này tương đương với việc là hàng năm, Quỹ sẽ hỗ trợ tiền vé máy bay, tiền ăn và ở để tham gia Đại hội thường niên diễn ra tại một địa điểm tại châu Âu hoặc châu Á. Điều này quá hoàn hảo đúng không? Hàng năm, bạn sẽ có một chuyến đi sang châu Âu hoặc châu Á hầu như miễn phí!

Mách bạn: Vào khoảng tháng 5-6 năm sau, bạn nhớ vào trang: http://www.asef.org/projects/themes/education và đăng ký tham gia Đại học Hè của Quỹ Á-Âu nhé. Khóa học năm sau sẽ được tổ chức tại một đất nước châu Âu đấy bạn à ;)!

[metaslider id=600]

5. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Praha, khi đang còn phân vân không biết sẽ học tiếp hay đi làm thì mình nhận được suất học bổng toàn phần của Ủy Ban Châu Âu sang Bỉ và Canada tham dự một khóa học về các đề tài chính trị, kinh tế, xã hội, vv. Đây là một gói học bổng rất hào phóng, vì 32 sinh viên từ 23 nước Khối EU được chọn đi đã được trả toàn bộ vé máy bay từ nước họ sinh sống sang Bỉ, sau đó từ Bỉ sang Canada, và khi tới Canada, thì chúng mình đã được đến thăm quan và học tập tại sáu thành phố lớn của Canada là: Toronto – Ottawa – Montréal – Québec – Victoria – Vancouver. Sang một đất nước lớn, được gặp những nhà lãnh đạo gia và những nhân vật nổi tiếng, lại còn được ở tại các khách sạn đắt tiền và được tiếp đón như những nhân vật quan trọng thì còn gì bằng!  Sau khóa học, 9 người trong nhóm chúng mình ở lại Canada tham gia một kỳ thực tập có lương. Mình đã thực tập tại Quỹ Châu Á Thái Bình Dương của Canada, một think tank (viện chính sách) nghiên cứu về quan hệ Canada – Châu Á Thái Bình Dương lớn nhất Canada. Một năm sau kỳ thực tập kết thúc, mình lại có dịp trở lại Vancouver để tham gia hội nghị các nước khối Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) do Quỹ Châu Á Thái Bình Dương của Canada tổ chức.

Mách bạn: Chương trình “Thinking Canada” do Ủy Ban Châu Âu tài trợ cho những sinh viên đang theo học tại các trường đại học tại các nước trong Khối Châu Âu. Chương trình dự kiến được tổ chức hàng năm vào tháng 9, nhưng từ năm 2014 chưa hoạt động trở lại vì không có kinh phí. Bạn có thể xem thêm thông tin về học bổng này tại đây. Mình cũng sẽ tiếp tục theo dõi chương trình này, và sẽ mách bạn nếu chương trình hoạt động trở lại vào năm sau. Ngoài ra còn có một chương trình tương tự cho sinh viên đang du học tại Canada – bạn có thể tham khảo tại đây. Những sinh viên tham dự sẽ được đi tham quan và tham dự các khóa học tại các nước khác nhau trong khối Liên minh Châu Âu, sau đó họ cũng có thể ở lại và tham gia một kỳ thực tập ngắn hạn.

[metaslider id=601]

Trong lần sang Canada tham dự chương trình “Thinking Canada”, Hương đã được đến thăm thành phố Bruxelles của Bỉ và các thành phố Toronto, Ottawa, Montréal, Québec, Victoria và Vancouver của Canada

6. AIESEC là một tổ chức thanh niên độc lập với mục đích nối kết các sinh viên các nước khác nhau trên thế giới và tạo cho họ cơ hội ra nước ngoài giao lưu hoặc thực tập. Đức trong nhóm Hộ Chiếu Xanh đã từng là thành viên đắc lực của tổ chức này trong những năm học đại học. Mình không là thành viên, mà chỉ đăng ký tham gia kỳ thực tập Hè tại một trường đại học tại Mexico. Tổ chức có rất nhiều chi nhánh tại các quốc gia trên toàn thế giới nên sau khi đăng ký tham gia thực tập với họ, bạn có thể truy cập danh sách với hàng nghìn công ty tìm thực tập viên từ khắp mọi nơi trên thế giới. Bạn có thể chọn kỳ thực tập ngắn hạn không lương (bạn sẽ ở nhà của người dân địa phương và sẽ được hỗ trợ tiền ăn uống) hay kỳ thực tập dài hạn có lương (tiền lương phần lớn đủ để trang trải cho các chi phí sinh hoạt tại nước ngoài).

Mách bạn: Đây là một trong những cách dễ nhất và tuyệt vời nhất để có kinh nghiệm làm việc và sinh sống tại nước ngoài. Rất có thể là trường bạn cũng có một chi nhánh AIESEC. Bạn có thể xem trang web của AIESEC Việt Nam tại đây: http://aiesec.vn.

[metaslider id=602]

Mexico là đất nước lớn thứ 13 thế giới, còn Thành phố Mexico với trên 20 triệu dân là thành phố đứng thứ 4 thế giới về dân số (sau Tokyo (Nhật Bản), Delhi (Ấn Độ) và Thượng Hải (Trung Quốc)). 

7. Tháng ba năm nay, mình đã đại diện cho trường đại học bên Pháp của mình tham gia Mô hình Liên Hợp Quốc (Model United Nations) tại New York, Mỹ. Theo Vietnamese Youth MUN thì Mô hình Liên Hợp Quốc là “là một hoạt động thường niên được tổ chức bởi các tổ chức thanh niên trên toàn thế giới nhằm mô phỏng các phiên họp của Liên Hợp Quốc (LHQ). Các thí sinh tại MUN sẽ tham dự với tư cách là đại diện cho các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc trong các hội đồng như: ECOSOC, Đại hội đồng LHQ (General Assembly), Hội đồng bảo an LHQ (UN Security Council),… Mục đích chính tại mỗi kì MUN là đưa ra được các nghị quyết (resolution) để giải quyết các vấn đề kinh tế – chính trị – xã hội nóng bỏng trên toàn cầu.” Mình đã tham dự Mô hình Liên Hợp Quốc lớn nhất thế giới với 2,500 sinh viên từ các nước khác nhau. Trường mình đã hỗ trợ lệ phí và tiền khách sạn cho những sinh viên tham gia, còn đường hàng không Pháp Air France hỗ trợ 50% tiền máy bay. Ngoài việc được đến thăm trụ sở của Liên Hợp Quốc tại New York thì chúng mình rất vinh dự được nghe lời diễn thuyết của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Ngài Ban Ki Moon.

Mách bạn: Rất nhiều trường đại học tại Việt Nam cũng như thế giới tổ chức những chương trình họp Mô hình Liên Hợp Quốc cho sinh viên. Bạn có thể lên trang: http://vietmun.com/mun-conference để xem thêm chi tiết nhé.

Huong1209-7

Tại Mô hình Liên Hợp Quốc tại New York, đội tuyển trường mình đã nhận được giải thưởng cao nhất

8. Sau khi tham gia từng đấy hoạt động tại các đất nước khác nhau, mình đã có dịp làm quen và kết bạn với rất nhiều người từ các nước khác nhau trên toàn thế giới. Khi đã có các mối quan hệ rộng rãi rồi thì đến đâu mình cũng sẽ tiết kiệm được một khoản tiền cho việc ăn ở nếu muốn. Và tất nhiên là có người thân quen tại nơi mình đến sẽ làm cho chuyến đi của mình vui và thú vị hơn rất nhiều rồi :).

Mách bạn: Bất kỳ khi nào bạn làm quen với các bạn mới tại Việt Nam hay nước ngoài, hãy giữ liên lạc và trao đổi thư từ với họ, vì biết đâu một ngày nào đó bạn sẽ có dịp đến thăm họ (hoặc họ sẽ có dịp dến thăm bạn).

[metaslider id=603]


Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới

Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới là một dự án blog của Đức, Hương và Linh, ba công dân toàn cầu người Việt đã từng sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới.

1 Bình luận

Truong dinh sy tri · 16/03/2018 lúc 5:09 chiều

Chị ơi, em cũng đam mê ngoại ngữ và du lịch từ nhỏ. Em cũng thích tìm hiểu về địa lý văn hóa các nước. Em tò mò muốn biết những websites chị thường ghé thăm hay đầu sách nào hay về văn hóa, địa lý các nước trên thế giới không ạ? Em cảm ơn chị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *