VENICE – NÀNG THƠ NƯỚC Ý
Tớ đã từng kể về nước Ý. Trong tâm trí tớ, Ý là thành Rome nhuộm sắc vàng ươm của ánh hoàng hôn trên những di tích cổ kính, những chứng tích của một thời vàng son đã qua. Ý là thành Vantican nhỏ bé nằm giữa thủ đô, với những công trình nghệ thuật chẳng tiền tài nào đo đếm được. Ý là điều gì đó cổ kính mà oai nghiêm, tráng lệ. Tớ đã nghĩ về quốc gia này như vậy đấy.
Rồi tớ biết đến Venice. Thành phố ấy đem đến một nước Ý khác hẳn, một Ý dịu dàng hơn với dòng uốn mình qua những con phố, với những khúc tình ca vang lên trên chiếc thuyền Gondola… Venice, nàng thơ nước Ý đã khiến bất cứ vị khách nào ghé thăm phải say lòng như vậy đấy.
- Đến Venice để… đi lạc
Ở Venice, ô tô không được phép đi vào các khu chính của thành phố. Du khách phải gửi xe ở một địa điểm cách đó khoảng 3km rồi đi những chiếc “thuyền buýt” để vào khu trung tâm. Và cũng chính từ đây, bạn chỉ có 2 lựa chọn di chuyển duy nhất: đi bằng thuyền hoặc đi bộ.
Nét độc đáo này cũng trở thành một điểm thu hút khách du lịch của Venice. Ở đây, bạn sẽ thấy muôn vàn dịch vụ trên những chiếc thuyền, từ giặt là, vận chuyển hàng hóa, thậm chí đến đi cấp cứu cũng phải dùng tới thuyền.
Mặc dù nổi tiếng với những chiếc thuyền như vậy, nhưng một điều thú vị là khi mình tìm hiểu về thành phố này trên các trang web du lịch, hầu hết những lời khuyên đều là… bỏ bản đồ đi và lang thang trong thành phố này.
Mặc dù diện tích lên tới hơn 400km2, khu vực chính của Venice thực ra không lớn lắm. Đến Venice, bạn sẽ lập tức bị hút hồn bởi những con phố cổ kính. Hầu hết những căn nhà đều theo lối kiến trúc cổ xưa với sơn tông màu ấm. Lần đầu ngắm Venice, mình cứ ngỡ như đã vượt qua thời gian, trở về những thế kỷ trước thì mới có thể tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp này.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta chọn Venice như một địa điểm lý tưởng để “đi lạc”. Chỉ khi bạn để linh cảm dẫn lối, bạn mới có thể bước vào những ngõ hẻm tí hon chỉ vừa một người đi qua, hay đặt chân lên một chiếc cầu cổ kính để rồi ngỡ ngàng ngắm nhìn những chiếc kênh đào bên dưới. Nếu bạn mệt, hãy dừng chân nghỉ ngơi ở những quảng trường nhỏ xinh, nhìn chú bồ câu tung bay giữa nền trời xanh thẳm, hay ngồi xuống một quán cafe cổ kính ven đường, nhâm nhi tách cafe và tắm trong nắng chiều của Venice.
2. Nghe tình ca trên thuyền Gondola
Gondola là loại thuyền gỗ đặc trưng của Venice. Trước đây nó là phương tiện di chuyển chính tại thành phố này, nhưng hiện tại chỉ được dùng để phục vụ cho du khách tham quan.
Không phải ai cũng được phép cầm lái một chiếc Gondola. Người lái thuyền phải có giấy phép, mặc quần đen, áo kẻ ngang và đi giày đen như một đồng phục bắt buộc. Họ chỉ được chèo bằng một mái vì diện tích nhỏ hẹp.
Giá để được thưởng thức Venice trên Gondola cũng tương đối đắt, 120$ cho 40 phút. Một thuyền ngồi được khoảng 6 người. Sau 7 giờ tối, giá sẽ còn tăng lên nữa.
Đắt đỏ là vậy, nhưng ai đã đến Venice đều không ngại móc hầu bao cho trải nghiệm lý thú này. Du khách có thể thoải mái lựa chọn lộ trình theo mong muốn, từ những con kênh luôn đông đúc bận rộn tới những khu vực vắng người, tĩnh lặng mà không kém lãng mạn. Và tất nhiên như trong các bộ phim tình cảm khác, người lái thuyền sẽ ca cho bạn nghe khúc tình ca đặc trưng của nước Ý.
3. Chọn mùa cho lễ hội Carnival
Tên đầy đủ của lễ hội là “Lễ hội Venice Carnival”, là một lễ hội đặc trưng của thành phố này. Lễ hội diễn ra trong khoản 3/2 – 9/3 tùy năm. Lễ hội độc đáo này thu hút hơn 3 triệu khách du lịch mỗi năm tới tham dự.
Năm 1162, để ăn mừng chiến thắng của Cộng hòa Venice trước người Aquileia, người dân đã tụ tập tại quảng trường San Marco để ăn mừng và nhảy múa. Đến thời phục hưng, Carnival được công nhận như một sự kiện chính thức.
Tuy nhiên, lễ hội đã bị cấm trong suốt một thời gian dài bởi Đế quốc La Mã thần thánh coi mặt nạ là điều xấu. Phải mãi tới năm 1979, lễ hội mới được khôi phục trở lại.
Lễ hội được mở màn với tiết mục “Thiên sứ bay” tại quảng trường Tháng Mark. Xuyên suốt lễ hội, nhiều hoạt động đường phố thú vị được tổ chức, từ các trò chơi thú vị đến những tiết mục nhảy và kịch nói.
Ngoài những chiếc mặt nạ và trang phục cầu kỳ, thành phố cũng được trang hoàng bởi nhiều món đồ thú vị. Các nhân viên sẽ mặc bộ đồ như thời Trung cổ nhằm cho du khách những trải nghiệm chân thực giống với thế kỷ XVIII nhất.
Cuộc thi mặt nạ đẹp nhất cũng là một điểm sáng của lễ hội Carnival. Ban giám khảo cuộc thi là những nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp từ khắp nơi trên thế giới.
Ảnh: Pinterest
Người viết: Hà Phương.
0 Bình luận