Về việc người Việt sử dụng ngoại ngữ để nói chuyện với nhau

Đăng bởi Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới vào

Từ bé, mình đã quen với việc sử dụng và pha trộn nhiều ngôn ngữ khác nhau trong đời sống hằng ngày, nhưng mình vẫn không hiểu vì sao người Việt khi giao tiếp trong môi trường có thể sử dụng hoàn toàn tiếng Việt lại pha thêm từ vựng tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ khác vào câu nói của họ hoặc thậm chí là họ chỉ sử dụng ngoại ngữ khi giao tiếp với người Việt.
 
Điển hình là có những người ưa chuộng việc sử dụng các từ vựng tiếng Anh trong giao tiếp văn bản của họ. Mình thấy có rất nhiều người bắt đầu email của họ bằng “Dear” mặc dù trong tiếng Việt, chúng ta có những từ tương ứng như “thân mến”, “kính mến”…  Sau đó, họ tiếp tục email của mình bằng tiếng Việt và thi thoảng lại pha trộn thêm một số từ tiếng Anh vào. 
 
Một điều mình cảm thấy khó hiểu hơn nữa là khi những người sử dụng tiếng Việt thành thạo và biết mình (Hương) cũng nói được tiếng Việt, nhưng họ lại chọn sử dụng ngoại ngữ khi giao tiếp với mình. Một điều oái oăm nữa là họ vẫn tiếp tục viết bằng tiếng nước ngoài ngay cả khi mình trả lời họ bằng tiếng Việt. Mà những người như vậy cũng không nhất thiết phải là những người thông thạo ngoại ngữ, có thể họ bị lỗi chính tả tùm lum nhưng vẫn chọn viết bằng ngoại ngữ chứ nhất quyết không viết bằng tiếng Việt. Có hai từ hiện ra trong đầu mỗi khi mình gặp những người như vậy: “SÍNH NGOẠI”.
 
Theo mình, có bốn lý do để người Việt sử dụng ngoại ngữ khi nói chuyện với nhau: 
 
1️⃣ Thứ nhất, đó là khi họ muốn luyện ngoại ngữ. 
2️⃣ Thứ hai, đó là khi họ sống ở nước ngoài lâu năm và họ cảm thấy thoải mái khi sử dụng ngoại ngữ hoặc họ bị quên từ vựng trong tiếng mẹ đẻ.
3️⃣ Thứ ba, đó là khi họ không muốn người thứ ba biết họ đang nói gì. 
4️⃣ Thứ tư, họ muốn thể hiện là mình biết ngoại ngữ và hơn người. Đó chính là những người sính ngoại.
 
Không có vấn đề gì nếu các bạn nhắn tin cho mình bằng tiếng nước ngoài vì muốn luyện ngoại ngữ với mình. Ngay cả trong team HCX, mình cũng hoan nghênh các bạn viết và giao tiếp bằng tiếng Anh hoặc các ngoại ngữ khác để trau dồi ngoại ngữ. Nếu muốn trở thành công dân toàn cầu thực thụ, bạn nên sử dụng được nhiều ngôn ngữ khác nhau để mở rộng tư duy và kiến thức của mình. NHƯNG sử dụng ngoại ngữ cũng phải đúng thời điểm và đúng cách, vì nếu tình trạng “chuộng ngoại ngữ” như hiện giờ tiếp tục thì mình e rằng Việt Nam sẽ trở thành nơi mà tiếng Việt là một ngôn ngữ phụ và người Việt sẽ không sử dụng được tiếng mẹ đẻ của họ một cách thông thạo. Mình đã nghe nói về những người Việt sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng vẫn không sử dụng thành thạo tiếng Việt?!
 
Về bản thân mình, có những lúc mình phạm phải tình huống thứ 2, đó là khi mình bị quên từ vựng tiếng Việt khi giao tiếp nhưng mình lại lười tra từ điển. Mình cũng phải thú nhận là từ bé mình đã là một chuyên gia “nhảy cóc các ngôn ngữ”. Lớn lên ở Cộng hòa Séc, mình sử dụng tiếng Việt khi nói chuyện với “người lớn” ở nhà, còn tiếng Séc khi nói chuyện với các em. Lý do là vì thế hệ trẻ khi lớn lên ở Séc nói riêng và ở nước ngoài nói chung bắt buộc phải sử dụng ngoại ngữ phần lớn thời gian để có thể hoàn toàn hòa nhập được vào nơi họ đang sinh sống. Từ sáng đến chiều họ học ở trường và suy nghĩ bằng tiếng nước ngoài. Sau buổi học, họ đi chơi với bạn bè người nước ngoài hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa với người bản địa. Buổi tối, họ về nhà xem ti vi bằng tiếng nước ngoài và khi làm bài tập họ cũng phải suy nghĩ bằng ngoại ngữ. Họ chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp với người thân trong nhà. Có những khi, ngay cả khi nói chuyện với gia đình bằng tiếng Việt, những đứa trẻ đó (bao gồm cả mình) xen kẽ một số từ tiếng nước ngoài vào câu nói. Ví dụ như: “Mẹ ơi, con muốn uống mléko.” (“mléko” là tiếng Séc cho “sữa”) Người Việt sống ở nước ngoài lâu năm sử dụng hai hoặc nhiều ngôn ngữ xen kẽ phần lớn vì đôi lúc họ không nhớ được từ vựng trong ngôn ngữ mà họ đang sử dụng. Càng sử dụng nhiều ngôn ngữ thì bộ não sẽ phải làm việc tích cực hơn để lưu trữ được vốn từ trong các ngôn ngữ khác nhau. Vậy nên những người học ngoại ngữ thường có trí nhớ sắc bén hơn là những người chỉ sử dụng một ngôn ngữ thôi.
 
Cho đến khi lên đại học, tiếng Việt của mình chỉ được trau dồi qua việc trò chuyện với gia đình và đọc báo tiếng Việt. Vậy nên mình sử dụng một số câu nói hoặc cách diễn đạt đã lỗi thời vì tất nhiên là phiên bản tiếng Việt mà gia đình mình sử dụng không được cập nhật hằng ngày theo những xu hướng mới nhất. Lên đại học, mình đã bắt đầu học ngoại ngữ thứ tư là tiếng Tây Ban Nha. Với năm ngoại ngữ khác nhau, mình cảm thấy rằng cách suy nghĩ, diễn đạt và xử lý tình huống của mình thay đổi tùy theo ngôn ngữ mình sử dụng. Trong một số hoàn cảnh, mình cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng một ngôn ngữ nhất định. Trong hoàn cảnh khác, mình diễn đạt tốt hơn bằng một ngôn ngữ khác. Đây là lợi thế của người sử dụng nhiều ngôn ngữ – thế giới của họ được mở rộng ra rất nhiều vì họ hiểu được cách suy nghĩ, lối sống và thái độ của nhiều văn hóa khác nhau. Có một điều mình muốn nhấn mạnh là cốt lõi của những người đa ngôn ngữ không thay đổi, mặc dù họ hiểu và chấp nhận cách suy nghĩ và ý kiến đa chiều trong những tình huống khác nhau. Cũng vì vậy mà những người đa văn hóa và đa ngôn ngữ có thể bị coi là không có ý kiến của riêng mình, nhưng đó chỉ vì họ nhận thức được cả mặt tốt xấu của từng vấn đề nên họ do dự khi phải đưa ra ý kiến.
[color-box color=”gray”]
Có bạn đưa ra trích dẫn của chị Nguyễn Phương Mai trong buổi coffee talk vừa qua với HCX như một biện cớ cho việc sử dụng tiếng Anh với mình là: theo bạn ý thì chị Mai đã chia sẻ là “khi nói tiếng Việt chị là người khác, khi nói tiếng Anh chị là người khác, khi nói tiếng Hà Lan chị là người khác, nên tùy công việc và lĩnh vực mà chị dùng tiếng gì”. Bạn đã hoàn toàn hiểu sai ý của chị. Chị Mai nói là chị ưu tiên mỗi ngôn ngữ cho từng mảng khác nhau của cuộc sống chứ không phải là chị thay đổi ngôn ngữ mỗi khi thay đổi chủ đề nói chuyện. Bạn nghĩ rằng người Hà Lan có thể chấp nhận việc chị Mai trả lời tiếng Anh khi họ nói chuyện với chị bằng tiếng Hà Lan? Tất nhiên là không! Người Hà Lan là một trong những dân tộc sử dụng ngoại ngữ siêu nhất thế giới, nhưng mình chắc chắn rằng họ sẽ không nhảy cóc các ngôn ngữ như bạn hay một số người khác đang làm. Bên cạnh đó, nếu bạn chỉ sử dụng được mỗi ngôn ngữ trong một hoàn cảnh thôi thì điều này chứng tỏ rằng khả năng sử dụng các ngôn ngữ đó của bạn bị giới hạn.[/color-box]
 
Sau này khi đã rời khỏi Séc, mình không hay pha trộn các ngôn ngữ nữa vì mình thường không gặp những người có nền tảng hoặc các ngôn ngữ tương tự như mình. (Ví dụ như khi mình gặp người Pháp không biết nói tiếng Tây Ban Nha thì mình không thể pha trộn tiếng Tây Ban Nha vào tiếng Pháp khi nói chuyện với họ.) Khi mình gặp chồng mình vào năm 2012, mình vừa sử dụng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha với anh. Ban đầu, mình hay pha trộn những từ vựng tiếng Anh vào tiếng Tây Ban Nha. Lý do là vì mình chưa biết hoặc đã quên những từ tiếng Tây Ban Nha mà mình muốn sử dụng. Anh ý thì toàn gọi mình là “pocha”, nói nôm na là “người mất gốc”.
 
Anh là người lên án khắt khe những người hay pha trộn các ngôn ngữ với nhau và đã chia sẻ với mình một quan điểm rất đúng, đó là: “El verdadero dominio de un idioma se demuestra al hablarlo de manera  correcta y autosuficiente (sin mezclarlo con otros idiomas) y utilizándolo solamente en los contextos que lo requieran.” (dịch ra tiếng Việt: “Khả năng sử dụng thành thạo một ngôn ngữ một cách đích thật được thể hiện bằng cách sử dụng ngôn ngữ đó một cách chính xác và độc lập (không pha trộn với các ngôn ngữ khác) và chỉ sử dụng ngôn ngữ đó trong những hoàn cảnh phù hợp.”)
 
Đây chính là nền tảng để thành thạo bất cứ ngôn ngữ nào. Mình khuyên các bạn nên ghi câu nói trên lên một tờ giấy và treo nó lên tường để không bao giờ quên. Hãy giúp đỡ bảo vệ và giữ gìn sự trong sạch của các ngôn ngữ và nhất là tiếng mẹ đẻ của mình, các bạn nhé!
Tác giả: Hồ Thu Hương

Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới

Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới là một dự án blog của Đức, Hương và Linh, ba công dân toàn cầu người Việt đã từng sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới.

0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *